Hoành tráng tượng đài Thánh Gióng

Với bao trắc trở từ khi phát động sáng tác mẫu phác thảo tới việc tìm nguồn kinh phí, thi công..., đã có lúc dư luận không khỏi nghi ngờ đặt câu hỏi: Liệu tượng Thánh Gióng có thể hoàn thành trước ngày đại lễ? Nhưng, những ngày qua, khi trên con đường dài hơn 3km lên đỉnh núi Đá Chồng (Sóc Sơn, Hà Nội) những chiếc ô tô tải chở các khối tượng đầu tiên đã lên điểm tập kết, có thể chắc chắn rằng việc dựng tượng đài Thánh Gióng trên đỉnh núi cao nhất trong dãy núi Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã trở thành hiện thực.

Năm 2003, lễ phát động cuộc thi tượng đài Thánh Gióng chính thức được tổ chức. Đã có 28 mẫu tượng đài gửi tới tham gia. Sau đó 4 mẫu được chọn trưng bày để lấy ý kiến góp ý của giới chuyên môn cũng như nhân dân thủ đô.

Cuối cùng, ý tưởng của nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân được chọn và tiếp đó là 4 năm đằng đẵng, ông cần mẫn thực hiện việc chỉnh sửa theo góp ý của hội đồng nghệ thuật. Tới cuối năm 2007, dự án xây dựng tượng đài Thánh Gióng sau một thời gian chuyển động chậm chạp, có lúc tưởng chừng như đã dừng lại, chính thức được bàn giao cho Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm chủ đầu tư.

Tượng đài Thánh Gióng đang được lắp ráp. Ảnh: Q.Đ.

Tượng đài Thánh Gióng đang được lắp ráp. Ảnh: Q.Đ.

Đúng 9 giờ 9 phút ngày 9-9 năm Kỷ Sửu (ngày 26-10-2009), những giọt đồng đỏ rực đầu tiên đúc tượng Thánh Gióng đã được đổ khuôn. Với sự nỗ lực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng sự chung sức đồng lòng của hàng vạn phật tử trong và ngoài nước, khuôn tượng cuối cùng cũng đã hoàn thành và bắt đầu bước vào giai đoạn hoàn tất cuối cùng.

Tượng đài Thánh Gióng bằng đồng, cao 16m, nặng ngót 100 tấn đã thành hình. Theo đánh giá của một số thành viên Hội đồng nghệ thuật tượng đài Thánh Gióng, sau khi đúc xong, khuôn mặt của Thánh Gióng vẫn giữ được các đường nét chạm khắc như thiết kế ban đầu, điều này cho thấy, quá trình thi công đảm bảo sự nhuần nhuyễn về khuôn, vững về kết cấu.

Đúng kế hoạch, sáng 19-5 vừa qua- nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi làm lễ, những chiếc xe tải trọng tải lớn đã lần lượt chở từng bộ phận của tượng Thánh Gióng lên đỉnh núi. Sau khi chuyển lên núi, toàn bộ các khối đúc được lắp ráp lại và mọi công việc khác cũng được tiến hành, nhằm hoàn thiện, khánh thành trước khi đại lễ diễn ra khoảng một tháng.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Giám đốc Học viện Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Quản lý Dự án xây dựng tượng đài Thánh Gióng, cho biết sát dịp khánh thành sẽ tổ chức lễ hô thần nhập tượng. Cũng trong thời gian tới, các hạng mục của công trình này tiếp tục được thi công như sân hành lễ rộng 1.000m², ốp đá bệ tượng, hệ thống điện, đèn, nước, nhà phương đình, hệ thống cây xanh...

Công trình tượng đài Thánh Gióng được hoàn thành, cùng với khu đền Sóc, chùa Non, Học viện Phật giáo tạo thành một quần thể văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo. Đây sẽ là nơi quy tụ tấm lòng con dân nước Việt hướng về vị Thánh đánh giặc, cứu nước, một trong "Tứ bất tử" của Việt Nam. Về mặt du lịch sinh thái và văn hóa tâm linh, đây cũng là một không gian đầy tiềm năng. Tuy nhiên, làm thế nào để giải quyết hài hòa giữa lợi ích kinh tế và sự thiêng liêng của chốn tâm linh cũng là một vấn đề, nhất là trong bối cảnh hoạt động du lịch, dịch vụ nói chung tại các lễ hội, di tích, danh thắng còn nhiều lộn xộn, bất cập.

Theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết, để khai thác giá trị tâm linh và du lịch của khu di tích, các cơ quan chức năng của Hà Nội cần có tầm nhìn dài hạn khi quy hoạch, xây dựng bến bãi, khu du lịch, khu dịch vụ, khu tâm linh... Tránh đưa ra những quyết định mang tính thời vụ, manh mún. Hơn thế, theo Thượng tọa, thậm chí các dự án đã quy hoạch xưa và nay nếu có gì bất cập cũng cần điều chỉnh để khi đưa khu vực tượng đài Thánh Gióng vào hoạt động sẽ không xảy ra những vấn đề lộn xộn, kém văn minh.

Đại lễ đang đến gần, tượng đài Thánh Gióng cũng dần hoàn tất. Hy vọng đây sẽ là khu vực tham quan chiêm bái hấp dẫn của Hà Nội, để mỗi khi đến đây, mỗi người Việt Nam đều tự hào về truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày