Mở đầu phẩm, Đức Phật Thích Ca hỏi Duy Ma làm sao thấy được Như Lai. Câu hỏi này cũng được Đức Phật hỏi Tu Bồ Đề trong kinh Kim Cang. Theo kiến giải của kinh Kim Cang "Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai", nghĩa là nhìn các tướng của sự vật không phải sự vật, thì đó là Như Lai. Tuy nhiên, từ định nghĩa Như Lai là phi tướng dưới dạng chơn không của Bát Nhã, dễ bị hiểu lầm với Ngoan không, nên chuyển sang thuyết kinh Duy Ma để chỉ bày diệu hữu. Kinh mượn nhân vật Duy Ma để định nghĩa Như Lai, mới đúng. Thật vậy, Duy Ma hiện hữu trên cuộc đời, nhưng hoàn toàn sống với bản tâm thanh tịnh. Vì cốt lõi của Ngài là Tịnh Danh sống ở thế giới của Đức Phật Vô Động, nên Ngài thấy Như Lai với tư cách con người ở dạng vô động, không còn bị trần duyên chi phối. Trong khi Tu Bồ Đề ở dạng ly thế gian, trụ trong tam giải thoát môn là không, vô tác, vô nguyện, nên thế giới của Ngài là phi tướng. Phải hỏi Duy Ma là người thật, nhưng sống vô động, mới hiển bày ý nghĩa đích thực về Như Lai được. Câu hỏi làm thế nào thấy Như Lai, đối với chúng Thanh văn, thật lạ lùng; vì đứng trước Phật mà còn hỏi làm sao thấy Phật. Duy Ma trả lời cũng thật lạ và thật đơn giản rằng từ khi sinh đến khi chết, tất cả những gì Ngài hiểu biết, nghe thấy đều là Như Lai. Ngài thấy Như Lai qua hành động của Ngài. Duy Ma trả lời hoàn toàn khác với điều chúng ta thường nghĩ rằng Phật là đối tượng ở bên ngoài. Điểm này muốn nâng cao nhận thức của chúng ta. Kinh Kim Cang không cho phép chúng ta dùng mắt thấy Như Lai, dùng âm thanh cầu Như Lai; vì như vậy là người hành tà đạo không bao giờ thấy Như Lai. Hàng Thanh văn, nhân, thiên thấy Như Lai là thầy dạy và Như Lai diệt độ, họ đúc tượng thờ Ngài để tỏ lòng tôn kính. Đó là thấy Phật qua con người và hình tượng. Tuy nhiên, Đức Phật phủ nhận ông Phật ở dạng này vì không giúp ích gì cho con người. Phải nhìn vào chiều sâu của vật chất để thấy Phật bên trong, nhận được cái cao quý hàm chứa trong sanh thân Sĩ Đạt Ta là báo thân viên mãn của Phật. Đánh mất báo thân thì không còn là Phật. Bồ tát nhìn Như Lai qua báo thân cao quý, hay quan sát tư tưởng, việc làm trong quá trình tu đạo Bồ tát của Như Lai, để họ tập thể nghiệm trong cuộc sống. Tùy theo mức độ trắc nghiệm mà Bồ tát nhận được pháp phần. Đó là ý nghĩa Bồ tát thấy Như Lai trong hành động, trong cuộc sống của mình. Nói cách khác, giải thoát của hành giả chính là giải thoát của Như Lai; còn Như Lai ở ngoài đâu có tác dụng gì. Duy Ma thấy Như Lai qua hành động của Ngài. Mọi việc làm trên cuộc đời đối với Duy Ma, dù thuận hay nghịch đều là vấn đề tu dưỡng, đưa Ngài đến cứu cánh giải thoát. Duy Ma đứng ở lập trường giải thoát thật sự, mới được quyền phát biểu như vậy. Riêng chúng ta còn ở vị trí nghiệp báo đầy ngập mà nói thế, sẽ phạm tội nặng, trở thành phá giới. Hành động của Duy Ma mới là hành động của Phật. Suốt cuộc đời, Ngài làm lợi ích cho chúng sinh, không lỗi lầm, được người trong thành Tỳ Da Ly kính trọng. Hành động tội lỗi của chúng ta không thể ghép là hành động của Phật. Chỉ có hoa sen mới không dính nước, chúng ta lường gạt thì không thể là con Phật. Duy Ma nói "Hành động của ta là Như Lai", "Ta" này là Duy Ma, không phải là chúng ta phàm phu. Duy Ma dạy rằng "Suy nghĩ của ta là Như Lai". Tư duy của hành giả là Như Lai với điều kiện hành giả đã từng tu Thanh văn, Duyên giác, tức từng sống trong pháp Phật, lâu ngày suy nghĩ của hành giả cộng với pháp Phật trở thành tâm pháp. Bấy giờ, mọi suy tư đều từ bản tâm bộc phát và thể hiện trong cuộc sống. Đến ngày nào hành giả đạt quả vị Phật, hành giả và Phật trở thành một. Duy Ma thấy Như Lai qua hành động của Ngài, một hành động tu chứng. Đến đây, Xá Lợi Phất khởi ý niệm Duy Ma quá siêu tuyệt. Quả thật việc làm lợi ích cho đời của Như Lai đều thể hiện trọn vẹn trong cuộc sống của Duy Ma. Hành động của Duy Ma là hành động của Như Lai, chỉ khác là Duy Ma đóng vai cư sĩ, Đức Phật Thích Ca đóng vai xuất gia. Xá Lợi Phất thấy đúng sự thật mới tán thán Duy Ma, nghĩ rằng Duy Ma không phải là người ở thế giới này, liền hỏi "Ngài từ thế giới nào sanh lại?". Xá Lợi Phất thắc mắc vì đứng ở lập trường Thanh văn tu hành, lấy cuộc đời hiện tại làm chính. Trong khi Bồ tát lấy vô tận thời gian làm chính. Khi thọ giới Thanh văn, phát nguyện giữ giới từ đây đến suốt đời, đời sau không giữ cũng được. Bồ tát thì khác, khi phát tâm Bồ đề nguyện giữ giới từ đây cho đến ngày thành Phật, trăm kiếp ngàn đời đều giữ. Từ ý này, chúng ta thấy rõ thọ mạng của Bồ tát không gián đoạn, còn thọ mạng của Thanh văn chỉ giới hạn một kiếp. Bồ tát lấy kết quả tu hành đời này làm nhân cho đời sau; cứ như vậy nối tiếp nhau thành một đường thẳng cho đến Vô thượng Chánh đẳng giác, không thay đổi. Đứng ở lập trường sanh thân, Xá Lợi Phất khởi ý niệm Duy Ma ở thế giới khác chết sinh lại thế giới này. Duy Ma không trả lời Ngài ở thế giới Diệu hỷ trở lại đây, nhưng hỏi ngược lại Xá Lợi Phất rằng hiểu biết của ông hay quả vị La hán của ông tu chứng có chết chỗ này sinh chỗ khác hay không. Câu hỏi của Duy Ma gợi cho chúng ta thấy đời sống tâm linh trước khi đắc La hán và sau khi đắc La hán, hai vấn đề này là một hay hai. Đối với Thanh văn, bỏ thân này có thân khác; xuất gia riêng, cư sĩ riêng. Nhưng dưới kiến giải của Bồ tát, thấy con người bằng sinh mệnh tương tục, thấy anh linh bên trong đi từ kiếp này sang kiếp khác. Cốt lõi đó không thay đổi, nhưng chiếc áo bên ngoài là hình thức xuất gia hay cư sĩ có thay đổi. Con người thật bên trong là một, còn bên ngoài thì tùy theo nghiệp mà thọ sanh, mang đủ loại hình khác biệt. Con người tâm linh trước là "Thức" nhiều ham muốn, nhưng con người sau thì giải thoát. Tuy nhiên, hai con người đam mê và giải thoát là một. Sống với nội tâm, chúng ta sẽ thấy sự diễn biến trong cơ thể rất kỳ diệu. Tôi quan sát cuộc đời tu của mình hơn 50 năm, thấy bên trong diễn biến, thay đổi từ từ. Lúc còn bé, tâm thức tôi là Sa di, mang hình hài Sa di. Lớn lên, tôi thọ giới Tỳ kheo thì thân tâm trở thành Tỳ kheo. Có hai hình Sa di và Tỳ kheo, nhưng thật vẫn là tôi, không phải hai người khác. Trong con người chúng ta có dạng sinh diệt do tứ đại ngũ uẩn sinh diệt. Nó sinh diệt từng niệm tâm, về vật chất và tinh thần đều thay đổi. Tuy nhiên, trong trạng thái chuyển đổi của sinh diệt, chúng ta nhận chân được cốt lõi hằng hữu không thay đổi, không sinh diệt gọi là vô sanh, dù cho chúng ta có thay hình đổi dạng trong kiếp luân hồi. Con người bất tử mới quan trọng. Đừng nhận lầm con người sinh diệt và sống với người sinh diệt, thì đời đời ở trong sinh tử. Chứng vô sanh mà sống với sinh diệt là đã nhận lầm vô sanh. Bao giờ phiền não nhiễm ô rơi rụng hoàn toàn, con người thật là chơn tánh tự hiện ra. Hành giả cảm thấy nhẹ nhàng, không dính líu gì đến cuộc đời phiền hà, chứng được Hư không thân; nhưng từ Hư không thân tác dụng vào cuộc đời một cách kỳ diệu. Tuy không còn ham muốn gì, mà mọi việc đều xảy ra đúng pháp gọi là Diệu hữu. Lúc ấy, không cần việc tốt, việc tốt tự đến, không sợ tệ ác mà nó tự tránh. Đó là thành quả của người chứng vô sanh. Riêng chúng ta chưa đắc đạo, còn chết ở thế giới này và sinh vào thế giới khác, gọi là phần đoạn sinh tử. Chúng ta không chủ động được việc sống chết, muốn không sinh tử nhưng phải sống trong sinh tử theo định luật của sinh tử. Chúng ta phải sinh phải chết; muốn khác cũng không được, mãi mãi ở trong vòng lẩn quẩn, bỏ xác thân này thọ thân xác khác. Bồ tát thông đạt Phật đạo đã vượt ra ngoài sống chết của sắc thân. Trí giác của Bồ tát hoàn toàn tự tại. Thân này đối với Bồ tát giống như chiếc áo thay đổi tùy theo mùa cho thích hợp. Tất cả Bồ tát hiện hữu khắp nơi không vì tham dục thế gian mà sinh lại như chúng ta. Các Ngài trụ ngoài sống chết, nhưng vẫn sống với sống chết. Không phải một Bồ tát chết và sinh ra Bồ tát khác. Các Ngài tùy hạnh nguyện hiện thân đó đây, để thể hiện Bồ tát hạnh, làm thềm thang cho các Ngài thăng tiến đến quả vị Toàn giác. Trên bước đường hành Bồ tát đạo, cũng từ một con người này, không phải người khác, Bồ tát trưởng thành dần theo từng bước tu chứng. Vẫn là một con người từ sơ phát tâm đến thành Phật quả, Bồ tát đạt pháp nhãn, do tâm cọ xát với thực tế cuộc sống, tác động cho phiền não rơi rụng và trí giác sinh ra. Kinh Hoa Nghiêm diễn tả rằng sơ phát tâm thủy thành Chánh giác. Khi phát tâm Bồ đề rồi, ta là Phật; ông Phật này ở dạng chuyển đổi dần, tri thức mỗi ngày phát triển và nhìn đời chính xác hơn, cuối cùng thấy Như Lai là thấy sự vật đúng như thật. Lý vô sanh theo Duy Ma, không từ đâu đến và không về đâu; nó có khắp tất cả là thật chứng của người đắc đạo. Tuy nhiên, hàng nhị thừa khó hiểu, khó chấp nhận. Đức Phật Thích Ca đỡ lời cho Duy Ma bằng cách chỉ cho đại chúng biết rằng Duy Ma là người ở nước Diệu hỷ, một đệ tử lớn của Đức Phật Vô Động sinh lại Ta bà. Điều này cho thấy Duy Ma tuy thân ở Ta bà nhưng tâm ở thế giới Diệu hỷ, hay đó là pháp của hành giả tu thiền. Thân ở Ta bà, nghĩa là mang ngũ uẩn thân sống trên cuộc đời thì mọi người có khổ cực nào, hành giả cũng có khổ cực đó. Tuy nhiên, hành giả khác người ở điểm lòng hành giả luôn sống với nguồn vui vô tận không diễn tả được gọi là Diệu hỷ. Nhờ tâm Duy Ma an trụ trong thế giới an vui, Ngài mới chịu nổi cuộc đời này. Từ thế giới Diệu hỷ, Duy Ma hiện hữu ở Ta bà làm lợi lạc cho chúng sinh, mà tâm bên trong vẫn hoàn toàn vô động. Ý này nhắc chúng ta nếu hành Bồ tát đạo tâm còn loạn động, chưa thật vui, chắc chắn sẽ đọa. Cần lưu ý rằng tất cả những gì của trần gian chỉ làm hư tâm của chúng ta mà thôi. Muốn hành Bồ tát đạo, tâm phải hoan hỷ. Chúng ta làm việc với tất cả niềm vui sướng, việc dù khó mấy cũng làm được; không vui, việc nhỏ làm cũng không nổi. Nguồn vui trong lòng mất là mất tất cả. Cái vốn quý giá của thế giới Diệu hỷ xin đừng rời bỏ. Lúc nào cũng nhớ mang tâm đặt vô thế giới Diệu hỷ, luôn sống bên cạnh Đức Phật Vô Động. Duy Ma sống với Phật Vô Động, thấy Phật Vô Động. Tại sao đại chúng không thấy. Chúng ta tu suốt đời không thấy Phật, thật tủi hổ. Đức Phật xác định rằng chưa thấy Phật Vô Động, nghĩa là chưa thấy Phật Thích Ca. Lắng lòng thanh tịnh như Duy Ma, mới thấy Phật thật. Như phần đầu đã nói, Duy Ma tiêu biểu cho bản tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh, Phật mới hiện, là điều mà Đức Phật Thích Ca muốn dạy. Thấy Phật bằng tâm động loạn là Phật của "căn trần thức", không phải Phật thật. Từ Đức Phật Vô Động (hay còn có tên là Đức Phật A Súc) mà Duy Ma an trụ, quán sát thấy Như Lai, chúng ta trở qua kinh Bảo Tích tìm hiểu về Đức Phật Vô Động, sẽ hiểu rõ ý nghĩa thấy Như Lai của Duy Ma, hay ý nghĩa Như Lai mà Phật muốn chỉ chúng ta. Đó là sự hội tụ trong con người của chính Đức Thích Ca hai phần vô động và sinh diệt. Trong kinh Bảo Tích, Đức Phật Thích Ca dạy rằng Phật A Di Đà và Phật Vô Động đều có nhân duyên với người ở Ta bà và đồng thời trong Ta bà cũng có nhiều Bồ tát từ hai thế giới đó sinh lại. Các Bồ tát phương Tây đến Ta bà rất nhiều, trong đó có Bồ tát Quan Âm được nhiều người tôn thờ kính ngưỡng. Ngài nghe tiếng kêu đau khổ của chúng sinh ở Ta bà và xuất hiện dưới 33 dạng thân khác nhau để cứu độ. Bồ tát ở phương Đông đến Ta bà cũng nhiều. Trong kinh Duy Ma, Đức Phật giới thiệu Bồ tát Duy Ma Cật từ thế giới Diệu hỷ hiện thân lại Ta bà. Ngài chỉ xuất hiện dưới hình thức cư sĩ, mà tác động của Ngài ảnh hưởng lợi lạc cho mọi người. Tuy cùng là Bồ tát đồng một hạnh làm lợi ích chúng sinh, nhưng việc làm của hai Bồ tát Quan Âm và Duy Ma khác nhau. Từ sự khác biệt này, chúng ta theo dấu chân Quan Âm về thế giới phương Tây nhận thấy muôn màu muôn vẻ. Vì thế, Đức Quan Âm hiện lên nhân gian cũng chi phối xã hội dưới muôn hình dạng khác nhau. Trái lại, thế giới Diệu hỷ ở phương Đông thuần tịnh; nên Duy Ma đến Ta bà với tư cách thuần một, không tạp. Ngài không cần hiện đủ tất cả thân hình, nhưng chi phối được tâm tưởng của mọi người dưới dạng tịnh tâm của cư sĩ. Vì thế giới Ta bà là thế giới tương đối, Đức Phật phải nói hai pháp tương đối là động và tịnh. Từ đó phát sinh ra hai pháp môn tu, pháp môn Tịnh độ đưa hành giả về thế giới phương Tây của Đức Phật A Di Đà và pháp môn thiền để hành giả trở về bản tâm thanh tịnh của chính mình và từ tâm thanh tịnh này vẫn tạo được lực vạn năng không kém. Thế giới phương Đông và phương Tây gợi cho chúng ta có thêm suy nghĩ về hiện tượng giới và bản thể giới. Thế giới Diệu hỷ của Đức Phật Vô Động phải chăng diễn tả một dạng khác của bản thể giới. Và thế giới Cực lạc phải chăng là một dạng khác của hiện tượng giới. Tất cả những gì mà Đức Phật A Di Đà xây dựng thành Cực lạc, là quá trình bắt nguồn từ hiện tượng để phát triển hiện tượng. Tịnh Phật quốc độ hay xây dựng thế giới hiện tượng tốt đẹp đến mức nào, tùy theo trí khôn và khả năng của hành giả. Đạt đến khả năng cùng tột và trí tuệ siêu tuyệt như Đức Phật A Di Đà, sẽ hình thành được thế giới Cực lạc. Thật vậy, đứng về mặt hiện tượng, nếu hành giả có tầm hiểu biết tuyệt đỉnh chỉ đạo, thì tất cả người và vật đều theo ý mình muốn, ở đó phải là Cực lạc, không còn có yêu cầu hay vấn đề đặt ra nữa. Ngược lại, thế giới Diệu hỷ ở phương Đông đi về bản thể của sự vật, không đi về sự tướng của sự vật. Không phân biệt, không vận dụng, không chi phối sự tướng nữa, vì dưới mắt hành giả tất cả các pháp đều như huyễn. Sự vật tồn tại trong trạng thái sinh diệt, không có pháp nào tồn tại vĩnh viễn. Tất cả việc trần gian cuối cùng đều quy về Không. Thế giới Diệu hỷ của Đức Phật Vô Động là thế giới Không, thế giới Thiền, thế giới của tự tánh, của bản tâm. Duy Ma cho biết Ngài thấy Như Lai qua trạng thái diễn biến của tâm. Tâm Ngài hoàn toàn không dao động trước sự vật. Vấn đề giữ giới và phá giới, tốt và xấu không còn tồn tại trong lòng Duy Ma. Duy Ma sinh ở thế giới Phật Vô Động, Ngài qua thế giới Ta bà. Nghĩa là trạng thái sinh diệt của cuộc đời không làm Ngài dao động. Ngài thanh tịnh hoàn toàn mới có danh xưng là Tịnh Danh, tức Duy Ma đã tìm thấy Như Lai rồi. Ngài Thiên Thai ví tâm chúng ta như mặt nước phẳng để ánh trăng hiện vào. Đối với hành giả, vấn đề quan trọng là làm sao có mặt nước để bắt được ánh trăng; làm thế nào tâm ta hoàn toàn yên lặng để thấy được Như Lai. Chính Đức Phật Thích Ca khi tu hành đạo Bồ tát cũng chỉ chuyên trụ một niệm tâm vô động, dù việc thế gian luôn biến động; nên Ngài được thọ ký là Vô Động Bồ tát. Trở về thế giới phương Đông của Đức Phật Vô Động, nghĩa là hành giả đi lần về lý tánh để hiểu sự vật dưới dạng nguyên thể và tiến lên thực nghiệm trong sinh hoạt tâm linh để nắm bắt được, vận dụng được lý tánh. Bước vào con đường lý tánh, hành giả xa rời sự tướng bên ngoài, tất nhiên thế giới trở thành Không. Các La hán đắc đạo cũng an trụ thế giới Không để không thấy sinh diệt mà đi lần vô lý tánh. Tuy nhiên, thế giới Không này không thật, vì thế giới hiện tượng vẫn hiện hữu. Lấy ví dụ dễ hiểu như khi tôi trụ tâm lại, dù trước mắt có đông người, nhưng đối với tôi quý vị đều biến mất. Thế giới Không này là thế giới Không của hành giả tu thiền, một thế giới quan thuần lý khi hành giả nhiếp tâm hay hồi quang phản chiếu, đi ngược về lý tánh hay bản thể, xa rời hiện tượng trần cấu. Trên bước đường trở về thế giới thể tánh của Đức Phật Vô Động, hành giả phản văn tự kỷ, đi vào chiều sâu của tâm hồn để tìm ra thế giới Diệu hỷ hay tìm nguồn vui của chính tâm hồn mình, không còn lệ thuộc ngoại cảnh. An trú trong Diệu hỷ mới tu được. Còn mượn thú vui của trần tục để sống, chúng ta không bao giờ thỏa mãn và đời đời ở trong sinh tử. Thế giới bản tâm hay tự tánh của người tu thiền so với thế giới hiện tượng của chúng sinh hoàn toàn khác hẳn. Từ trong thế giới Không này, vật hiện hữu. Nhưng bất giác, một vọng tâm hiện thì muôn ngàn thế giới trùng trùng duyên khởi nổi dậy. Sinh diệt trong tâm biến hiện nhanh chóng, linh hoạt hơn sinh diệt của hiện tượng bên ngoài. Chính vì vậy, Ngài Thiên Thai chứng ngộ thấy được trong một niệm tâm của chúng sinh có đến 3.000 thế giới. Bồ tát đắc đạo có thể thu vô số kiếp trong vị lai thành một niệm tâm. Hành giả khởi tu từ thế giới hiện tượng đi vào thế giới bản thể rất khó. Vì giữa thế giới lý tánh nội tâm và thế giới hiện tượng của "Thức" có một sự ngăn cách rất lớn. Vượt qua bức màn sắt giữa hiện tượng và bản thể là vấn đề không đơn giản. Hành giả tu thiền có trạng thái tâm yên tĩnh và nếu có nhân duyên căn lành với Đức Phật Vô Động sẽ thâm nhập thế giới của Ngài. Nếu không, hành giả cũng dễ dàng lọt qua thế giới ma của ngoại đạo. Những người tham dự pháp hội Linh Sơn được Đức Phật Thích Ca nâng lên thế giới Không, mới thấy được Phật Vô Động. Hành giả muốn diện kiến Đức Phật Vô Động, cũng phải đạt đến trạng thái tâm Không, thế giới hiện tượng hoàn toàn biến mất. Từ thế giới hiện tượng, hành giả từng bước một vượt qua vô số chướng ngại để đến thế giới lý tánh và từ thế giới lý tánh đi ngược lại hiện tượng cuộc đời làm đạo. Như vậy, hành giả bước đúng lộ trình của Duy Ma đã đi từ thế giới Diệu hỷ đến Ta bà và từ Ta bà trở về Diệu hỷ, thể hiện được lý tánh vô ngại. Đi đến cùng tột của lý tánh sẽ bắt gặp thế giới Diệu hỷ, đó là thế giới tâm hoàn toàn thanh tịnh. Từ tâm vô động, thế giới trở thành vô động, tất cả vật bấy giờ tùy tâm hiện ra cảnh. Trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy rằng tâm ta có thể sinh ra tất cả các pháp, giống như tất cả hoa màu đều sinh ra từ đất. Sinh từ tâm nên hành giả điều chỉnh tâm hoàn toàn rồi, thì trên mảnh đất tâm này hành giả trồng pháp nào sẽ có pháp đó. Đây là phương cách tu trên bản thể, không tu ở hiện tượng. Vì tu ở dạng bản thể, nên trên mặt hiện tượng không thấy họ làm gì, không tụng niệm lễ bái, cúng dường; nhưng đã gom được tất cả thiện pháp trong tâm và từ trong tâm lưu xuất ra tất cả thiện pháp. Duy Ma hiện hữu và sinh hoạt trên cuộc đời dưới dạng này, Ngài giáo hóa thành tựu mọi tầng lớp xã hội. Bấy giờ, toàn bộ ngũ ấm thế gian, quốc độ, chúng sinh đều từ tâm hiện ra. Nói chung, Bồ tát tu trên lý tánh, nên hiện thân, hiện cảnh tùy tâm. Nắm được yếu chỉ này, chúng ta biết mọi hiện tượng thế gian tốt hay xấu đều từ tâm ta sinh ra. Vì vậy, nhìn sự vật xảy đến mà biết được tâm mình và điều chỉnh tâm để vật tự tốt theo. Đối với người tu tâm hay tu Thiền, không việc gì trên trần gian mà không làm; vì họ điều động vật trên lý tánh, không điều trên hiện tượng. Đức Phật Vô Động tiêu biểu cho người đi về lý tánh, khác với Đức Phật A Di Đà đi về hiện tượng. Hai loại thế giới lý tánh và thế giới hiện tượng khác nhau đều gồm đủ trong một thế giới tương đối của Ta bà, không phải ở hai thế giới xa xôi riêng rẽ nào khác. Trở lại tự tâm con người mà sinh ra hai pháp tương đối, hành giả nương theo một trong hai pháp tương đối này để tu. Tuy nhiên, trụ tâm lại thì thế giới Diệu hỷ và Cực lạc đều ở ngay trong tâm của hành giả. Lúc ấy, loại hình thế giới thứ ba hiện ra cho hành giả, thể hiện sự lý viên dung vô ngại, giữa hiện tượng và bản thể không cách ly cũng không mâu thuẫn, mà là một thể thống nhất vậy. Đức Phật giới thiệu thế giới Cực lạc hay thế giới Diệu hỷ nhằm mở ra cho chúng ta một thế giới được xây dựng trên căn bản "Tâm tịnh, thế giới tịnh". Ngài mang Tịnh độ đặt vào Ta bà, hay triển khai mô hình thế giới lý tưởng Cực lạc và Diệu hỷ cho chúng ta xây dựng; không phải giới thiệu để đem con người về thế giới Cực lạc, Diệu hỷ. Tóm lại, theo Duy Ma, muốn hiểu Như Lai, hành giả phải sống ở thế giới Diệu hỷ, phải gặp Đức Phật Vô Động và an trụ trong bản tâm thanh tịnh. Duy Ma hội đủ ba điều kiện này, Ngài kết luận rằng từ sinh tới chết, bất cứ điều gì Ngài thấy biết ở Ta bà đều là Như Lai. Đức Phật hỏi Duy Ma giải thích về Như Lai nghĩa là gián tiếp giải thích sinh hoạt của Đức Thích Ca cho chúng Thanh văn nhận rõ được Thích Ca chính là Như Lai. Trên bước đường lập chí tu hành, hành giả học hạnh vô động, giải hạnh vô động, sống trên cuộc đời với bản tâm thanh tịnh, mới thấy Thích Ca Như Lai phi thường, thấy khả năng vô tận của Như Lai lực tồn tại bất tử qua hơn 25 thế kỷ. Sau khi cho đại chúng biết Duy Ma là Bồ tát sống ở thế giới Diệu hỷ của Phật Vô Động, Đức Thích Ca bảo Duy Ma hãy giới thiệu thế giới ấy. Kinh diễn tả rằng Duy Ma hiện thần thông đưa tay mặt bứng thế giới Diệu hỷ đặt vào Ta bà. Theo tôi, thời xưa có cách diễn tả riêng của họ. Ở thời đại chúng ta, có thể hiểu vấn đề này theo lãnh vực khoa học như sau. Thí dụ thế giới khác được mang đặt vào thế giới này bằng cách qua hệ viễn thông, truyền đến các máy tivi, người ta đưa hình ảnh các quốc gia khác nhau trên khắp năm châu cho chúng ta xem. Kinh Duy Ma ở thời triết học, nên chúng ta phải hiểu theo nghĩa triết học. Đức Phật bảo Duy Ma đưa Diệu hỷ về cho Ta bà xem, vì Duy Ma đã trải nghiệm nếp sống Bồ tát ở đó rồi. Tất cả thành quả ấy biểu lộ đầy đủ trong con người sống thật của Duy Ma. Nghĩa là Duy Ma đã thể hiện Bồ tát đạo ở thành Tỳ Da Ly, làm cho thành phố trở nên giàu đẹp, lương thiện, sống trong tình thương của Phật Vô Động. Và Duy Ma Niết bàn, Ngài cũng mang thế giới Diệu hỷ theo, trả thành phố Tỳ Da Ly trở về đời sống hèn mọn như cũ. Đó là ý nghĩa triết học của sự kiện đem Diệu hỷ về Ta bà. Xá Lợi Phất hỏi Duy Ma rằng Ngài ở đây muốn qua thế giới Phật Vô Động không được. Tại sao Duy Ma ở thế giới Vô Động mà qua đây mang thân tứ đại ngũ uẩn chi cho khổ. Duy Ma trả lời tứ đại ngũ uẩn là tứ đại ngũ uẩn, Bồ tát là Bồ tát. Nhìn tứ đại ngũ uẩn cho là Bồ tát, không đúng. Xác thân của Bồ tát, Duy Ma ví như chiếc áo của chúng ta. Mặc áo rách hay áo tốt cũng người đó, mặc áo Như Lai cũng vậy và áo ăn mày cũng thế thôi. Tuy áo khác màu, nhưng con người vẫn là một. Để trả lời tâm niệm của Xá Lợi Phất thương hại Bồ tát vào nhân gian phải thọ khổ, Duy Ma hỏi Xá Lợi Phất rằng ánh sáng mặt trời chui vào bóng tối, ánh sáng có bị bóng tối làm khổ không. Ánh sáng đạo lý làm sáng lòng người, thì có bị lòng người làm khổ hay không. Theo Duy Ma, lòng người có sáng có tối, khi khổ khi vui; nhưng tính chất của ánh sáng không bao giờ thay đổi, nó đến đâu chỉ làm sáng tỏ nơi đó. Cũng vậy Bồ tát hiện hữu trên cuộc đời làm sáng đẹp cuộc đời bao nhiêu, bản chất giác ngộ của các Ngài cũng không vì đó mà đổi thay. Tóm lại, Bồ tát tồn tại song hành với chúng sinh trên vạn nẻo đường đời bằng cách khoác vào người thân tướng già trẻ, giàu nghèo, sang hèn, chỉ nhằm thể hiện mục tiêu duy nhất là mang lợi lạc, an vui, giải thoát cho mọi người.