Kosambi (Kaushambi)

NSGN - Kosambi được xem là một trong các thành phố lớn nhất của Ấn Độ cổ đại từ cuối thời kỳ Veda cho đến hết đế chế Maurya và tiếp tục trong suốt thời kỳ Gupta.

Tàu đến Allahabad chậm nửa tiếng. Tôi biết thế nào tàu cũng đến trễ nên điện thầy MT ra ga đón vào 8 giờ tối (tức là sau thời gian ghi trên vé nửa tiếng), ấy vậy lại chính xác. Tháng Tư, tiết trời ở Allahabad khá nóng, cũng giống như ở Bodhgaya. Thầy MT đón về ký túc xá, nơi thầy ấy tá túc.

Tru da do vua Ashoka dung o Kosambi, Anh Nguyen Hiep.JPG

Trụ đá do vua A Dục dựng tại Kosambi. Ảnh: Nguyên Hiệp

Allahabad là một thành phố cổ, cũng là quê hương của vị thủ tướng nổi tiếng Ấn Độ, Jawaharlal Nehru. Đường sá ở Allahabad chật hẹp, xập xệ với nhiều ổ gà và cũng đầy rác rưởi.

Ký túc xá nằm ở một khu vực khá yên tĩnh, có lẽ đã được xây dựng từ lâu, trông nhếch nhác và thiếu sinh khí, như không có người chăm sóc. Trong khuôn viên ký túc xá, bò vô tư gặm cỏ và cũng vô tư qua lại dọc hành lang. Cũng như ở Bodhgaya, mùa hè ở đây quá nhiều muỗi, nhất là vào buổi tối...

Thầy MT đưa đi tham quan một vài nơi ở Allahabad, như nhà của cố Thủ tướng J. Nehru, Đại học Allahabad và sông Sangam - con sông do hai sông Ganga và Yamuna nhập lại, một địa điểm mà người Ấn giáo coi là cực kỳ linh thiêng, và cũng là nơi bồi đắp phù sa cho việc phát triển nông nghiệp. Dù không phải mùa hành hương nhưng buổi sáng ở sông Sangam có nhiều người tắm, với niềm tin rửa đi tội lỗi và mong nhận lấy ân sủng từ thần linh. Họ cũng hướng về phía mặt trời cầu nguyện và thực hiện một vài nghi lễ, điều thường gặp ở sông Hằng ở Varanasi .

Thực ra tôi đi Allahabad không phải để tham quan thành phố này, mà mục đích để đến chiêm bái Kosambi (Kaushambi, Kiều-thường-di), một thánh tích Phật giáo. Kosambi cách thành phố Allahabad khoảng 50 cây số, và hiện là một Phật tích không có nhiều người chiêm bái như những nơi khác. Kosambi được xem là một trong các thành phố lớn nhất của Ấn Độ cổ đại từ cuối thời kỳ Veda cho đến hết đế chế Maurya và tiếp tục trong suốt thời kỳ Gupta. Kosambi được nhắc đến trong kinh sách Phật giáo như là kinh thành của một trong 16 vương quốc lớn (mahajanapada), do vua Parantapa cai trị và sau đó là con ông, Udena. Trong kinh Đại Thiện Kiến vương (Mahāsudassana sutta, Trường bộ), Kosambi được mô tả là một kinh thành lớn, xếp bên cạnh các kinh thành nổi tiếng khác như Campā (Chiêm-bà), Rājagahā (Vương Xá) Sāvatthi (Xá-vệ), Sāketa (Sa-kỳ), và Vārānasi (Ba-la-nại).

Tại Kosambi, Đức Phật đã có hai kỳ an cư mùa mưa, lần thứ nhất vào năm thứ 6 sau khi Ngài giác ngộ và lần thứ hai là vào năm thứ chín. Và cũng vào kỳ an cư thứ chín này, đã xảy ra sự kiện tranh cãi giữa hai nhóm Tỳ-kheo mà nó trở thành câu chuyện lịch sử được nhiều người nhắc đến như một bài học.

Nguyên nhân của việc tranh cãi vốn không có gì lớn. Một vị Tỳ-kheo trong khi đi vệ sinh đã không đổ hết nước trong chiếc chậu, mà vốn được quy định là cần phải đổ sạch sau khi đi vệ sinh xong. Một Tỳ-kheo khác khi nhìn thấy việc ấy, đã khiển trách vị Tỳ-kheo này. Nhưng vị Tỳ-kheo này không chịu nhận lỗi, bảo rằng mình không hề vi phạm luật định. Chư Tăng họp lại khiển trách vị Tỳ-kheo này và cũng đình chỉ việc tu tập của thầy. Nhưng vị Tỳ-kheo bị cho là phạm lỗi này lại có người ủng hộ, vì thế dẫn đến việc phân chia hai nhóm, tranh cãi đúng-sai.

Khi sự việc xảy ra, Đức Phật đã cố gắng hòa giải hai nhóm, nhưng nỗ lực của Ngài đã bất thành. Hai nhóm Tỳ-kheo cũng đề nghị Đức Phật đừng can thiệp vào chuyện của họ, để họ tự “giải quyết” lấy sự việc. Nhận thấy nỗ lực hòa giải của mình không có kết quả, Đức Phật đã lặng lẽ bỏ vào rừng, để lại hai nhóm đệ tử say sưa tranh cãi đúng-sai. Ở trong rừng, Đức Phật độc cư thiền định và làm bạn với một chú voi và một chú khỉ, và hai sinh vật này đã “phát tâm” cúng dường trái cây và mật ong cho Ngài mỗi ngày.

Sau khi Đức Phật đi rồi, hai nhóm Tỳ-kheo càng tranh cãi dữ dội, và hậu quả là Tăng đoàn (ở Kosambi) bị chia rẽ sâu sắc và giới Phật tử tại gia chán ngán, xa lánh, không còn cúng dường vật phẩm. Phương pháp “chế tài” của các Phật tử tại gia đã có hiệu quả. Không thể nhịn đói mà tranh cãi mãi được, hai nhóm Tỳ-kheo bèn tìm đến Đức Phật, lúc này Ngài đang trú tại Savatthi, để xin sám hối. Và chính sự kiện tranh cãi giữa hai nhóm Tỳ-kheo tại Kosambi mà Đức Phật đã thuyết giảng bài kinh Kosambiya (Trung bộ)…

Vào thế kỷ thứ V, khi chiêm bái nơi này, Pháp Hiển cho rằng Phật giáo vẫn còn phồn thịnh ở nơi đây. Nhưng khi nhà chiêm bái Huyền Trang đến Kosambi vào thế kỷ thứ VII, Phật giáo nơi này hầu như đã suy yếu. Ngài mô tả trong ký sự rằng bấy giờ ở đấy có 10 ngôi tự viện và có 300 Tăng sĩ tu theo phái Tiểu thừa. Trong khi đó có đến 50 đền thờ của các giáo phái khác. Phái Digambara (phái chủ trương lõa thể; phái khác là Śvetāmbara, cho phép tu sĩ được mặc y phục trắng) của Kỳ-na giáo, được cho là thịnh hành và được sùng kính ở nơi đây sau thời kỳ Phật giáo suy yếu. Huyền Trang mô tả Kosambi là một xứ sở có đất đai màu mỡ. Người dân làm nghề trồng lúa và trồng mía. Dân chúng thuần hòa và thích làm phước thiện… Ngài cũng trình bày chi tiết những điển tích Phật giáo liên quan đến địa danh này.

Di tích Phật giáo ở Kosambi hiện tại không có gì đáng kể. Ở đó có trụ đá của vua Ashoka, nhưng phần đầu đã bị gãy và đang được trưng bày tại một viện bảo tàng ở Allahabad . Ở đó cũng có hai khu nền gạch được khai quật mà được cho là nền cũ của các ngôi tịnh xá thời Đức Phật (vào thời Đức Phật, được nói là có bốn ngôi tịnh xá ở đây. Đó là Kukkutārāma, Ghositārāma, Pāvārikaambavana và Badarikārāma). Xa ra chút nữa là di tích khu vương thành cổ.

Kosambi vốn không được nhiều người viếng thăm như các Phật tích khác, tháng Tư lại càng vắng vẻ hơn. Khi chúng tôi đến, đã không có một đoàn chiêm bái nào. Cả một khu đồi vắng vẻ, chỉ có một vài người dân địa phương đang ngồi tán gẫu và một vài em nhỏ ở đâu đó, khi thấy chúng tôi thì tìm đến để xin tiền.

Chúng tôi đi qua những khu nền gạch, qua những khu đồi khô cằn để thăm lại những dấu tích xưa. Không xa trụ đá vua Ashoka và nền của một ngôi tịnh xá là dòng sông Yamuna trong xanh, êm đềm. Những cư dân địa phương, có cả những em nhỏ, đang chăn trâu và nhổ cỏ cho những đám dưa, cà chua…, nhìn chúng tôi cười hiền lành, thân thiện. Bức tranh gợi lên một chút gì đó hoang sơ, nhưng yên bình đến kỳ lạ; và nó cũng gợi cho tôi nhớ về một số vùng quê ở Việt Nam mà tôi đã có dịp đi qua. Tôi hỏi một sư Thái Lan, thời Đức Phật các Tỳ-kheo có xuống sông này tắm không, sư cười hiền lành và nói là có thể.

Cũng không như các Phật tích khác, không có nhiều chùa nước ngoài ở Kosambi. Hiện chỉ có một ngôi chùa của Cambodia và một của Sri Lanka ở nơi này. Chúng tôi ghé ăn cơm tại chùa Cambodia , do các sư Thái Lan có quen biết với vị sư trụ trì ngôi chùa này. Một sư người Thái chỉ khu đất phía trước chùa, nói đùa với tôi rằng khu đó dành cho người Việt xây chùa về sau.

Chúng tôi dự định đi Kosambi vào sáng sớm và sẽ trở về vào buổi chiều. Nhưng rồi chuyến đi đã rút ngắn lại còn một buổi, mặc dù vòng đi anh tài xế đã chạy nhầm đường, làm đến chậm hơn so với dự định. Viếng những nơi như thế này, cần có nhiều thời gian hơn để “trải nghiệm”, dù chỉ là nhìn ngắm những di tích tàn phế và những khu đồi trơ trọi trong nắng hè chói chang.

Các thánh tích Phật giáo, luôn gắn liền với những sự kiện được mô tả trong các kinh sách, và có những sự kiện đã trở thành những bài học “lịch sử” đối với những người đệ tử Phật. Ví dụ như sự kiện tranh cãi giữa hai nhóm Tỳ-kheo vào thời Đức Phật tại Kosambi này. Có những vấn đề ban đầu rất nhỏ nhặt, nhưng có khi lại đưa đến hậu quả vô cùng tai hại. Và có những vấn đề mà giải pháp được sử dụng có khi chỉ bằng việc… rút lui khỏi vấn đề ấy.

Ngoài việc viếng thăm Kosambi, có một vài địa điểm cần chiêm bái khi đến Allahabad . Chẳng hạn như Viện bảo tàng Allahabad ( Allahabad Museum ), sông Sangam…

Cách đến Kosambi

Kosambi cách Allahabad khoảng 50km, cách Varanasi khoảng 150km, và cách Bodhgaya khoảng 369km. Để đến Kosambi, nếu đi bằng máy bay, ta có thể đến sân bay ở Allahabad (Allahabad Bamrauli Airport) và sau đó đi taxi đến địa danh này. Sân bay cách Kosambi khoảng 40 km, và nối đường bay với các thành phố lớn ở Ấn như Delhi và Mumbai. Việc đi bằng tàu lửa cũng tương tự. Tức là sau khi đến ga Allahabad (Allahabad Railway Station), ta có thể đi bằng xe buýt, hay taxi để đến Kosambi. Allahabad Railway Station là một ga lớn, và nối tuyến đường trực tiếp với các ga lớn như Mumbai, Pune, Delhi, Howrah, Patna, Jammu, Gaya và Varanasi… Về đường bộ, Allahabad nối tuyến đường với các thành phố lớn của bang Uttar Pradesh chẳng hạn như Kanpur , Varanasi … Như vậy ta cũng có thể đi đến Allahabad từ Varanasi bằng xe. Về thời điểm chiêm bái, thích hợp nhất là từ đầu tháng 10 đến tháng 3.  

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày