"Thành Phố ma"
Con đường nhựa nhỏ dẫn vào làng An Bằng (xã Vinh An, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) dài chừng 5km được bao bọc bởi hàng ngàn ngôi mộ đồ sộ, màu sắc rực rỡ. Ngoài con đường này, chỉ có những đường mòn nhỏ, ngoằn ngoèo giữa lớp lớp lăng mộ dày đặc, giống hệt nhau bởi màu sắc và kiến trúc phức tạp cầu kỳ. Không biết tự bao giờ, khu nghĩa trang này lại được dân bản xứ đặt tên là “Thành phố ma”.
Người từ nơi khác đến rất dễ lạc trong “thành phố ma” này, bởi không thể nhận ra đâu là lối ra nếu phải lạc vào “mê cung” bốn bề là lăng mộ, nhìn đâu cũng thấy những lớp tường chạm trổ đủ màu. Ngay dọc đường làng, có nhiều lăng mộ cao lớn rộng hàng trăm m2 nằm xen giữa những ngôi nhà 2 - 3 tầng; rất khó phân biệt đâu là nhà người đang sống, đâu là nơi ở của người đã về với tổ tiên. Anh Thành, người làng An Bằng kể, trước đây, bao quanh làng chỉ là những bãi cát trắng mênh mông. Khoảng chục năm trở lại đây, không còn thấy cát nữa; khu mộ chật ních đã che khuất tầm mắt. Tôi làm nghề xây dựng lăng nơi đây đã 10 năm. Theo tôi biết thì từ năm 1991, một số gia đình trong vùng đã bắt đầu có ý xây lăng theo kiểu trang trí màu rực rỡ, dần dần các lăng mộ khác mọc lên và tranh nhau xây cho hoành tráng. Thoạt đầu, chỉ thấy những ngôi mộ đơn sơ với giá “bình dân”, nhưng càng ngày các mộ phần càng được sửa sang, nới rộng, và trang trí, trở thành những ngôi “biệt thự” uy nghi. Có cái vừa xây xong lại đập bỏ xây lại vì không ưng ý! Một gia đình xây lăng 1 tỷ đồng, sẽ có gia đình khác gắng xây lăng 2- 3 tỷ; nhà khác sẽ tìm cách xây cao, to, tốn nhiều tiền hơn, “cho bằng người ta”. Khu nghĩa địa của làng An Bằng, vì vậy, thành nơi để nhiều gia đình thi nhau “ triển lãm” nhà cho người thân đã quá cố.
Ông Nguyễn Thanh - cán bộ phụ trách Văn hóa thông tin xã Vinh An cho biết: “Số lăng mộ xây hiện nay ở làng An Bằng đã giảm khoảng 10 lần so với 2 năm trước. Cả khu nghĩa địa dài cỡ 2km, rộng 500m. Tất cả các lăng mộ lớn, nhiều tiền đều do con cháu Việt kiều gửi tiền về chứ không có chuyện vay mượn”. Theo quan niệm của dân làng An Bằng, nên xây lăng trước để khi nhà có người quy tiên, không phải lo tiền xây lăng nữa; vả lại xây trước bao giờ cũng cẩn thận, đàng hoàng hơn.
Đa số dân làng An Bằng tự hào với khu “Thành phố ma” đặc biệt cạnh làng. Khi được hỏi tới, họ không buồn khi kể về sự hoành tráng của nó mà không hề có sự tiếc nuối nào về những khoản tiền lớn phải “đầu tư” vào các lăng mộ trong khi ngôi nhà họ đang ở chỉ đơn giản là ngôi nhà cấp bốn…
Tấc mộ tấc vàng
Khi chúng tôi đến viếng khu “Thành phố ma” thì lác đác vẫn còn vài lăng mộ đang trong tiến trình xây dựng. Một người trong mộ đưa chúng tôi đến một ngôi mộ có diện tích khoảng 300m2 với hơn chục người thợ đang trổ tài đắp những hình rồng trang trí trên kiến trúc. Một người thợ xây cho biết, riêng phần móng lăng này đã tiêu tốn khoảng 400 triệu đồng.
Hiện nay, diện tích đất trống trong nghĩa địa ngày càng bị thu hẹp và tâm lý chuẩn bị chỗ ở đàng hoàng khi sang “thế giới bên kia” khiến nhiều gia đình làng An Bằng phải tính chuyện khoanh đất xây lăng xí phần từ rất sớm; một số nhà còn mua lại đất của người khác để xây thật rộng. Trong khi theo quyết định về định mức sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, được UBND tỉnh ban hành ngày 25-4-2006, mộ mai táng chỉ rộng 9m2 (mộ cải táng nhỏ hơn). Để tránh tình trạng nghĩa địa lấn đất sinh hoạt và sản xuất, UBND xã Vinh An phải dựng bảng thông báo cấm chiếm đất xây lăng mộ, nhưng chuyện sử dụng đất trồng trọt để xây lăng ở đây vẫn còn khá phổ biến. Một cán bộ địa chính xã Phú Xuân cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng xong dự thảo quy hoạch nghĩa trang trên địa bàn xã dựa theo thực tế địa phương và các quyết định của HĐND, UBND tỉnh. Sau đó họp lấy ý kiến của nhân dân rồi thông qua HĐND xã. Sẽ bổ sung những ý kiến hợp lý để đưa ra quy định thích hợp cho việc quy hoạch xây dựng lăng mộ”.
Không biết đến bao giờ nghĩa trang làng An Bằng có quy hoạch để mà theo. Còn bây giờ, khi việc chuẩn bị mộ phần khang trang ngay từ khi còn sống đã là một tục lệ không thể xóa bỏ. Và, “thành phố ma” cứ ngày càng sầm uất. Cứ nhìn khu lăng mộ mà ngẫm nghĩ về số tiền kếch xù của các hộ dân nơi đây đầu tư vào việc xây lăng mộ có thể nói là quá lãng phí, trong khi cả xã và các vùng lân cận vẫn còn rất khó khăn, hầu hết đều sống bằng nghề trồng lúa và đánh bắt nhỏ. Các công trình công ích như trạm xá, bệnh viện hoặc các cơ sở giáo dục như trường học… trông rất cũ kỹ và mục nát. Thế mà bên cạnh nó lại có những công trình đồ sộ tốn hàng tỷ đồng chỉ để dành cho người… âm phủ!
