Lòng từ không biên giới...

Chuyến thăm đầy xúc động và chia sẻ 1.383 phần quà cho người nghèo và kiều bào Campuchia tại 4 tỉnh, thành như: Pursat, Kampong Thom, Kampong Chhnang và thủ đô Phnom Penh của Ban TTXH T.Ư do Ni sư TN.Huệ Từ hướng dẫn từ ngày 20 đến 24-11. Tổng trị giá trên 400 triệu đồng do Ban TTXH chùa Giác Nguyên, Q.4; Ban TTXH PG tỉnh Bình Phước, Ban TTXH PG tỉnh Long An, nhóm PT Diệu Tâm và chư tôn đức Tăng Ni TP.HCM đóng góp.

ĐĐ.Thích Minh Phú, Trưởng ban TTXH chùa Giác Nguyên, Q.4 đã nhiều lần tổ chức ủy lạo tại Campuchia và từng trả lời thắc mắc của nhiều Phật tử: “Tại sao trong nước dân mình còn khổ vậy mà thầy lại đi cứu trợ tận Campuchia”. Bởi lẽ mỗi chuyến đi là những lần nặng trĩu trong lòng vì kiều bào ruột thịt sống trong khó khăn, trẻ em thất học, tương lai mù mịt. Và, câu trả lời của thầy bao giờ cũng kèm theo lời mời tháp tùng đoàn cùng đến Campuchia để chia sẻ và cảm nhận cuộc sống của bà con mình ở xứ người. Chuyến đi này của chúng tôi cũng vì thế...

biengioi-1.gif

Người Việt Nam tại Biển Hồ -Campuchia

Biết lội trước biết đọc

Chùa Vạn An, thuộc huyện Chhnang, tỉnh Kampong Chhnang rộn rã và chật hẹp hơn ngày thường bởi hàng trăm người lớn và trẻ em tập trung về đón đoàn Phật giáo từ Việt Nam sang. Nhóm họp từng tốp với nhau, các em bẽn lẽn nhận những cái nhìn ấm áp từ người xa lạ rồi cười, cái cười ngây thơ, trong trẻo làm mọi người quên hết mỏi mệt vì vượt hàng chục km đường biển bằng thuyền giữa cái nắng như thiêu đốt.

Em Hoài Ân nước da trắng trẻo hơn những em khác hướng nụ cười hồn nhiên về phía chúng tôi rồi nói: “Con nghỉ học rồi vì thầy giáo đã chết. Con cũng không biết bao giờ đi học lại nữa”. Ân là một trong hàng chục trẻ em Việt Nam sống tại xóm nhà nổi ở Chhnang này phải nghỉ học vì thầy Bùi Văn Tăng cũng là đại diện Hội Việt kiều tại đây khuất núi, trẻ em đành tạm gác lại những ước mơ học chữ Việt.

Cũng có vài người biết chữ ở đây đến dạy cho các em nhưng đều không bền, khổ cực quá họ lại thôi. Vả lại, học trò nghèo ở xóm vạn chài này cái chữ là thứ yếu, cuộc mưu sinh hàng ngày cùng với ba mẹ trên Biển Hồ chênh vênh đã đè lên giấc mơ học chữ. Đó là các em nhỏ thuộc thế hệ thứ 3, thứ 4 trên Biển Hồ, cha mẹ thất học, đa số là làm lưới mướn, cuộc mưu sinh là sự sống còn hơn con chữ bởi lẽ “cái chữ đâu thể thay cá, thay cơm hàng ngày đâu cô”, như chị Lê Thị Thiệt nói.

biengioi.gif

Bà con Việt Kiều tại  Pursat nhận quà

Chị Dệ, 44 tuổi là người quê Đồng Tháp theo cha (là con gái của Bùi Văn Tăng) đến Biển Hồ sinh sống từ khi hơn 10 tuổi, chị cũng có 3 đứa con nhưng cuộc mưu sinh hàng ngày dựa vào nghề buôn bán cá của chị và nghề đánh cá của chồng đã giúp cho gia đình có cái ăn. Nhắc về ông Tăng và đám trẻ con, chị buồn, nước mắt rưng rức: “Ông là người nhiệt huyết với làng Việt lắm, đã hàng chục năm gắn bó với bà con người Việt ở đây, có ông thì bà con đỡ khổ nhiều, bọn trẻ cũng được học hành. Bây giờ đã có người mới lên thay nhưng chẳng để tâm đến chuyện của xóm nổi này”.

Ba chục năm qua, chị Dệ chứng kiến những đứa trẻ Biển Hồ lớn lên mưu sinh và nối dài nghiệp lênh đênh trên sóng nước, chị thở dài. Cả ba đứa con chị rồi cũng chưa biết tương lai sẽ ra sao. “Trước khi đi học bọn trẻ phải biết rành rẽ từng con sóng lớn nhỏ, phải biết lội xuồng mới có thể tự đi học. Chuyện trẻ em trong độ tuổi đi học phải mưu sinh trên biển trước lúc bi bô đọc chữ là chuyện thường, có khi 14, 15 tuổi các em mới bắt đầu làm quen với con chữ. Học nhiều hay ít tùy thuộc vào hoàn cảnh sống của mỗi nhà và quan niệm của cha mẹ chúng nhưng cao lắm cũng là tới lớp năm”, chị nói.

biengioi-2.gif

Ni sư Huệ Từ thăm hỏi cô giáo Phượng và bà con Việt kiều

Cô giáo Phượng nói, trước lớp học trên sông Basac cũng được hơn 50 em, vậy mà dần dần chỉ còn hơn hai chục em vì chúng bận mưu sinh hàng ngày với làm lưới, tiếp cá, “cha mẹ chúng bảo đi học có ích gì”. Tâm sự với cô Phượng mới hay cô chỉ mới học hết lớp 3 (trước 1975), vậy mà cô vẫn kiên trì đến lớp vì lẽ “ở đây tiếng Việt là thứ ngôn ngữ cội nguồn quý lắm cô à, có xa xứ như chúng tôi mới thấu hiểu hết. Dù là học ít nhưng bọn trẻ cũng biết cái chữ mà nhớ quê. Nếu mai này có trở lại quê nhà, chúng còn đọc được tên làng, tên ấp”.

Chuyện học của trẻ em ở Biển Hồ xem chừng khó hơn nhiều những gì chúng phải đối mặt hàng ngày trên những ngôi nhà bè bằng tre nứa trống trước trống sau. Muốn học phải có tiền, dù ít ỏi nhưng cũng là điều khó. Mỗi ngày, các em được cha mẹ cho 500 riel (khoảng 2.200 đồng), đóng học phí hết 300 riel, còn lại ăn sáng. Nên, chuyện lên bờ học ở trường của người bản địa thì đành chịu, trong hàng trăm trẻ em Việt Nam ở Biển Hồ chỉ có khoảng chục em được học trung học tại các trường chính quy. Chuyện lên bờ học chữ Khmer của các em cũng khó như chuyện gia đình lên mặt đất để sống.

Đau đáu quê nhà

Tiếng loa giữa sóng nước mênh mông cứ văng vẳng: “Thật là quý quá, chúng tôi rất xúc động đón đoàn Ban TTXH T.Ư Giáo hội từ quê nhà Việt Nam đến thăm và tặng quà. Chúng tôi là người Việt thương nhớ quê nhà, sống xa xứ, thật xúc động đón đoàn tới thăm làng Chhnang của bà con người Việt” cứ lặp đi lặp lại. Chùa Vạn An cũng như bao ngôi nhà nổi quanh đó, bấp bênh theo con nước, lá cờ Phật giáo phấp phới nổi bật trên nền trời xanh thẳm. Ở đó, hàng trăm kiều bào náo nức đón đoàn, như gặp lại người thân lâu ngày, có người đã khóc trong xúc động. Ni sư Huệ Từ, Trưởng đoàn Ban TTXH T.Ư cũng rơm rớm nước mắt trước mặt bao người. Quà được trao tận tay, những câu thăm hỏi cứ đứt quãng vì quá nhiều người chen vào, những câu chuyện mưu sinh trên biển, thăm hỏi về Việt Nam cứ nối tiếp như chẳng bao giờ dứt.

biengioi-3.gif

Trẻ em Việt Nam tại Biển Hồ

Ngôi chùa quá đơn sơ, chánh điện là một gian rộng, không tượng thờ, duy chỉ trước sân có một tượng Quán Thế Âm hướng mặt ra biển. Thầy Thích Lệ Thành, trụ trì chùa cho biết, thầy là người Đồng Tháp, chùa Vạn An là ngôi chùa duy nhất của người Việt, khai sinh từ năm 1985 tại Chhnang trên Biển Hồ. Tuy đơn sơ nhưng là ngôi nhà Phật pháp của người Việt sống bằng nghề sông nước, niềm tin vào Phật giúp họ vững tâm trước bao sóng gió và bền lòng với cuộc mưu sinh đằng đẵng.

Buổi họp mặt trên chiếc nhà bè từ thiện do Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP tặng hơn một năm trước tại xã Phach Sang Day, huyện Kampong Svay, tỉnh Kampong Thom đã không chịu nổi sức nặng của hàng trăm người nên đã bị tràn nước, bà con đành ngồi đợi trên những chiếc thuyền cá nhân. Tại Kampong Svay có 168 gia đình, với 679 nhân khẩu người Việt, đa số các gia đình mưu sinh khó nhọc bằng nghề đánh bắt hoặc làm lưới thuê nên nghèo khó, con lại đông. Bà Hiển, 60 tuổi, quê Đồng Tháp cho biết, bà có 6 đứa con từ nhỏ đã theo nghề làm cá trên Biển Hồ, đi kiếm cái ăn để sinh tồn đâu còn thời gian để nghĩ đến những chuyện khác như học hành. Bà bảo: “Bà con ở quê vẫn còn, nhớ lắm chứ nhưng biết làm sao được, quê nhà tuy gần nhưng trắc trở lắm, không tiền thì cũng đành chịu thôi”. Đã hơn ba mươi năm rồi bà Hiển hiểu thấu sự day dứt nhớ quê, nó cứ thấm dần thấm dần mà đau lắm cho thân phận nghèo.

biengioi-4.gif

Cô giáo Phượng nói: “Muốn về quê lắm chứ, nhưng hơn ba mươi năm qua là những lần cố gắng nhưng rồi thất vọng. Về Việt Nam ư, phải có đủ 200.000 riel (khoảng 1 triệu đồng) để chi phí hai lượt đi về mới dám, nhưng mỗi ngày làm được khoảng 20.000 riel không đủ mua gạo và thức ăn cho gia đình thì lấy đâu ra tiền để dành. Đau lắm cô à!”.

Mân mê bàn tay Ni sư Huệ Từ, bà Ba không dằn lòng được trước sự ân cần thăm hỏi, bà nói cuộc sống của người Việt ở Biển Hồ khó khăn lắm, nghèo thì nghèo thêm, lao động chính trong nhà đi làm lưới cũng phải mượn trước rồi về trừ nợ cho chủ sau, may lắm thì trả đủ còn không thì thiếu nợ, nợ trước chồng nợ sau mà suốt đời cứ gồng gánh không thoát ra được.

Ở xóm Daivet (tỉnh Pursat) có 25 hộ gia đình Việt nhưng có tới 200 nhân khẩu, sống lênh đênh trên những ngôi nhà bè xập xệ, Biển Hồ nuôi sống và đã gắn chặt nghề lưới cá với các gia đình có khi cả 3 thế hệ. Ông Phan Văn Phần nói: “Người Việt trên Biển Hồ nếu không làm nghề lưới thì chẳng biết làm gì. Với tôi, chuyện mưu sinh khó nhọc đã chẳng còn là nỗi sợ hãi nữa nhưng thỉnh thoảng trong lòng cứ dấy lên cuồn cuộn niềm nhớ quê hương xứ sở, thèm được đi chân đất trên cánh đồng lúa vàng quê mình. Nỗi nhớ đó cứ xoáy vào tôi mà đành lòng vậy, đã hơn hai mươi năm chưa về lại quê nhà Tháp Mười”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày