Một số câu, cụm từ liên quan đến Phật giáo cần bàn luận

NSGN - Có thể nói rằng những sản phẩm có giá trị phục vụ nhân loại về mặt tinh thần thường được bảo tồn, duy trì và truyền trao cho các thế hệ đi sau. Đối với giáo lý đạo Phật, trong quá trình truyền bá ở Việt Nam, có những điều chỉnh thêm bớt do vô tình hay cố ý của các thế hệ sau nhằm tạo nên một sản phẩm Phật giáo có thể phục vụ con người trong từng giai đoạn xã hội cụ thể khác nhau. Đồng thời, các thế hệ đi sau cũng có những biện giải về giá trị của đạo Phật và đưa ra những nhận xét đánh giá các hiện tượng xã hội có sự ảnh hưởng của Phật giáo qua những câu hay cụm từ súc tích, đa nghĩa. Những câu nói ấy được tiếp tục truyền lại qua nhiều thế hệ trong cộng đồng Phật giáo và vô tình trở thành ‘châm ngôn’ hay thậm chí còn được cho là ‘Phật ngôn’. Do đó, hiểu đúng các câu hay cụm từ được truyền miệng lại nhằm xác định giá trị của chúng là điều cần thiết để người Phật tử có những ứng xử thích đáng với những lời nói ấy trong đời sống thực tiễn hằng ngày. Bài viết này sẽ trích một số câu và cụm từ phổ biến để phân tích và luận giải. Mục đích là chỉ ra những điểm mạnh và hạn chế của những lời nói ấy nhằm giúp người học Phật hiểu đúng về đạo Phật.
anh st (76).jpg

Trước tiên, cần xác định rằng tất cả những câu, nhóm từ trích ra thảo luận dưới đây không phải do chính Đức Phật nói mà là do một người hữu danh hay khuyết danh nhận xét dựa trên bối cảnh xã hội hay những lời dạy của Đức Phật. Do đó, những lời nói ấy không thể xem như là ‘Phật ngôn’ và cũng không thể xem là giáo lý ‘chuẩn’ của đạo Phật. Cần sự xác định này để khỏi nhầm lẫn giữa lời Phật dạy và những phát ngôn của các thế hệ sau. Hai nhóm vấn đề sẽ được đề cập dưới đây.

Những câu, nhóm từ phản ảnh các hiện tượng xã hội

Nhóm thứ nhất phản ảnh sự sinh hoạt chốn thiền môn có ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng xã hội. Ba câu, nhóm từ được trích luận bàn.

Cửa chùa rộng mở

Có người ví từ bi và trí tuệ trong đạo Phật như đôi cánh của một con chim. Phật giáo thiếu một trong hai yếu tố này thì không thể lưu truyền khắp nơi, cũng giống như chim thiếu một cánh không thể bay cao xa. Trong quá trình truyền đạo, trí tuệ và đặc biệt là từ bi được thể hiện qua các hành động của các cá nhân hay qua các hoạt động của đoàn thể Phật tử. ‘Cửa chùa rộng mở’ là cụm từ phản ảnh tinh thần trên.

Cụm từ này được hiểu theo nhiều khía cạnh khác nhau khi đứng trên phương diện chủ thể hay khách thể. Trên phương diện chủ thể, cụm từ có thể hiểu qua ba mặt. Về mặt vật lý (nghĩa đen), cánh cửa chùa không bị đóng kín mà luôn được mở hàng ngày để mọi người có thể vào chùa. Về mặt thái độ, chùa (Tăng Ni) luôn đón tiếp tín đồ Phật tử, khách thập phương và tất cả các thành phần trong xã hội, không phân biệt giai cấp, chủng tộc, sang hèn, giàu nghèo…. Về mặt mục đích tu tập, chùa luôn mở rộng lòng tha thứ và đón nhận những người biết sám hối tội lỗi, biết quay đầu hướng thiện làm lại cuộc đời, biết cải tà quy chánh. Nếu các chùa thiếu sự phục vụ (mở cửa) thì họ đang chưa làm tròn bổn phận thiêng liêng theo tinh thần từ bi của đạo Phật.

Trên phương diện khách thể, chùa là nơi quay về cho quần chúng. Người đến chùa đủ thành phần gồm Phật tử và không Phật tử, người thiện kẻ ác, người sang kẻ nghèo và do đó mục đích của họ cũng rất đa dạng. Có thể nói không phải tất cả mọi người đến chùa đều vì mục đích học hỏi giáo lý tu tập hay để làm điều thiện nói chung, mà vẫn có những thành phần chỉ đến chùa vì mục đích bất thiện. Với những người vì mục đích thiện thì sự có mặt của họ ở chùa là rất cần và rất đáng khuyến khích. Tuy nhiên, với những người vì mục đích bất thiện như gây sự hay trộm cắp tài vật của chùa thì sự có mặt của họ là sự tổn thất và bất hạnh cho nhiều người.

Bảo quản và phục vụ là hai trách nhiệm các chùa phải thực hiện. Chùa là của bá tánh nhưng cần phải có ‘chủ’ để trông nom, cũng như đất nước là của nhân dân nhưng cần phải có người đại diện để điều hành. Do đó, chùa (chủ thể) luôn rộng mở cho mọi người (khách thể) đến chùa nhưng chủ thể không thể không thận trọng và thậm chí khước từ với những người không có tâm hướng thiện (tạm gọi là không đủ duyên lành). Vì lý do đó, tùy hoàn cảnh cụ thể các chùa vẫn phải bất đắc dĩ đóng cửa tạm thời như khi chủ thể đi làm Phật sự xa hay thiếu người thay thế trông nom. Chùa cũng phải đóng cửa (không tiếp) với thành phần bất hảo mà chùa không thể độ được để bảo vệ chính ngôi chùa. Việc lợi dụng lòng từ bi của đạo Phật để làm điều bất thiện thời nào cũng có nên cụm từ trên phải được hiểu theo nghĩa tương đối, thực tiễn hơn là tuyệt đối hóa một cách cào bằng. Nếu không, nó sẽ rơi vào tình trạng tùy tiện như ý của cụm từ thứ hai.

‘Xài tiền chùa’

Có lẽ người Phật tử không hãnh diện gì khi từ chùa (chỉ nơi sinh hoạt tu tập của Tăng Ni và cư sĩ) được dùng trong nghĩa ‘xài tiền chùa’ hay ‘xài chùa’ được sử dụng lâu nay. ‘Xài chùa’ được hiểu là sự chi tiêu tiền của một cách phung phí, tùy tiện nhằm thỏa mãn lòng tham lam ích kỷ hơn là vì nhu cầu thực sự chính đáng. Nó cũng có nghĩa là hành động sử dụng tài vật không phải là sở hữu hợp pháp của người đang sử dụng nó. ‘Xài chùa’ còn có nghĩa là xài miễn phí trong trường hợp cho phép.

Sự thật, không có tiền nào gọi là ‘tiền chùa’ vì tài sản nào suy cho cùng đều có chủ của nó. Tuy nhiên, do quy định luật pháp còn sơ hở và do lòng tham của con người, tài sản của nhà nước hay đúng hơn là của nhân dân và tài sản của các cá nhân bị đánh cắp một cách khéo léo bằng cách lách luật hay thậm chí phạm luật nhưng khó bị truy tố. Từ đó, tài sản bị sử dụng theo cách này được gọi là ‘xài tiền chùa’. Nhưng tại sao người ta lại dùng từ ‘xài chùa’ mà không phải là ‘xài đền’ hay xài gì khác?! Theo thiển ý của người viết, từ chùa được dùng vì chùa đóng vai trò rất quan trọng trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân xưa nay và sự từ bi của ‘chùa’ cũng dễ bị lợi dụng để phục vụ cho lợi ích cá nhân.

Theo nghĩa của từ, tiền chùa là tài sản của chùa hợp pháp do thập phương bá tánh tức nhiều người đóng góp, cúng dường. Vì vậy, nếu tiền chùa được chi tiêu không cẩn thận và không đúng mục đích thì người sử dụng tiền ấy phạm giới luật, phải chịu nhân quả. Giới luật nhà chùa dạy rất rõ về việc sử dụng tài sản của chùa. Ở trong chùa, tất cả việc ăn uống tiêu dùng dù nhỏ nhặt đều phải tiết kiệm, phải giữ gìn vì đó là mồ hôi nước mắt của mọi người. Ví dụ, người tu sĩ, khi ăn cơm, phải nhớ đến công ơn của những người nông dân lao động vất vả; khi mặc áo, phải nhớ công ơn người dệt vải… để xét sự tu tập của bản thân như thế nào mà thọ nhận phẩm vật và tìm cách đáp ơn1. Giới luật nhà Phật dạy rõ nhưng tại sao từ ‘xài chùa’ với nghĩa không tốt lại xuất hiện? Phải chăng giới luật đã có nhưng ý thức thực thi còn yếu? Phải chăng việc quản lý tài sản chùa chưa được minh bạch dẫn đến việc lạm dụng xảy ra đến nỗi nó trở thành lệ xấu qua từ ‘xài chùa’?!

Thực ra, ‘xài chùa’ là một hành vi phạm pháp lách luật, một hành vi trộm cắp tài sản thuộc giới thứ hai trong Phật giáo. Nó xuất phát từ lòng tham lam ích kỷ hẹp hòi, tự cho mình có quyền hưởng thụ trên tài sản công hay của người khác. Tham nhũng, lãng phí là những hình thức ‘xài chùa’ tài sản của nhân dân vì tiền ấy do dân đóng thuế. ‘Xài chùa’ bản quyền, ‘xài chùa’ các ca khúc nhạc… cũng là những hình thức ăn cắp tài sản của người khác.

Khi ý thức và lòng tự trọng con người chưa cao, pháp luật chưa nghiêm minh và lòng tham lam ích kỷ quá lớn thì ‘xài chùa’ vẫn còn nhiều đất sống. Hành vi ấy làm cho đất nước nghèo nàn, niềm tin xói mòn trong mỗi người dân.

Những câu nói về sự tu hành trong Phật giáo

Nhóm thứ hai luận giải về phương cách tu tập của người học Phật. Người viết cũng trích ba câu để bàn luận.

Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa

Ý nghĩa câu nói trên là chỉ ra cấp độ thử thách khác nhau ở ba môi trường tu tập. Xét về không gian tu tập, có người cho rằng tu ở nhà khó nhất vì thử thách nhiều nhất, tu ở chợ khó nhì và tu ở chùa ít khó nhất vì ít thử thách. Từ đó, họ kết luận tu ở nhà, ở chợ mới giỏi, còn tu ở chùa thì quá dễ vì ít ai làm phiền. Lý luận nghe có vẻ hợp lý nhưng sự thật thì hiếm thấy có người tu ở nhà và ở chợ đắc đạo. Trong khi đó, các thánh tăng và cao tăng đều tu ở chùa mà thành.

Câu nói trên nếu chỉ áp dụng cho Phật tử tại gia thì hoàn toàn hợp lý. Bởi vì, người cư sĩ đến chùa tu là dễ nhất vì được hướng dẫn phương pháp tu tập và được thực tập cùng với các bạn tu. Còn tu ở chợ và ở nhà thì dĩ nhiên là khó hơn vì người cư sĩ phải va chạm nghịch cảnh dễ sanh phiền não và không có người hướng dẫn tu tập.

Xét về thời gian tu tập, câu nói trên cũng dành cho người tại gia. Nghĩa là, người tại gia phần lớn dành thời gian ở gia đình, thứ đến ở chợ búa hay nơi làm việc, và cuối cùng là tại chùa. Dựa trên thời gian phân chia vừa nêu, người Phật tử sẽ dành thời gian tu tập ở nhà nhiều nhất, kế đến là ở chợ và sau cùng là ở chùa.

Sau khi được hướng dẫn phương cách tu tập tại các chùa, người Phật tử trở về gia đình tất yếu phải tu tập bản thân và hướng dẫn người thân trong gia đình cùng tu tập để hoàn thiện nhân cách và để xây dựng một gia đình nề nếp, hạnh phúc. Nho giáo gọi là ‘tu thân, tề gia.’ Đó là nền tảng để họ tiếp tục tạo dựng mối quan hệ xã hội tốt hoặc đối nhân xử thế hay (tu chợ). Đó cũng là nền tảng để người tại gia tiến xa hơn trên con đường giác ngộ giải thoát như những bậc xuất gia đã và đang thực hiện (tu chùa).

Như vậy, đối tượng áp dụng cho câu nói trên là người tại gia. Viện dẫn câu nói trên để áp dụng chung cho mọi người là không chuẩn và đôi khi sinh tâm ngã mạn cố chấp. Viện dẫn tu ở nhà, ở chợ là tu giỏi (nhưng thực chất chưa tu) để không cần đến chùa học hỏi, tu tập là một sự thiệt thòi lớn, như người tự cao không cần đến trường học vậy. Không học làm sao nhận ra sự đúng sai trong câu sau.

Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người

Tạo công đức, gieo trồng phước báu là hạnh tu mà bất cứ hành giả Phật giáo nào cũng phải thực tập. Trong đó, cách tạo phước phổ biến là xây chùa, xây tháp (phù đồ)… hay làm từ thiện, cứu đói, giúp người…(cứu người). ‘Xây phù đồ’ hay cứu người đều có giá trị riêng của nó và không thể so sánh giá trị việc này hơn việc kia một cách chung chung, phiến diện.

‘Làm phúc cứu cho một người’ được hiểu là hỗ trợ vật chất cho những người nghèo khó, cơ nhỡ… Việc làm này có ý nghĩa cứu người thực sự trong hoàn cảnh thiên tai, nạn đói, động đất, sóng thần, bịnh dịch… vì nếu không kịp thời cứu giúp họ sẽ chết. Các trường hợp khác, hỗ trợ vật chất để giúp những người nghèo là cần nhưng chưa đủ vì con người không chỉ sống nhờ vật sống mà còn có đời sống tinh thần.

‘Xây phù đồ’ có nghĩa là xây tháp hay rộng ra là xây chùa, tạo nơi thờ Phật và tạo không gian tu học cho mọi người. Chùa từ lâu đã là nơi hướng dẫn tín đồ tu học. Nhờ tu học, con người bớt tạo nghiệp ác và chuyển hóa khổ đau, đạt được an lạc. Như vậy, xây chùa cũng là đang cứu người, nhưng không phải trên phương diện vật chất mà là phương diện tinh thần. Đây mới thật sự là cứu người theo đạo Phật.

Ngày nay, nhiều người không có thiện cảm với Phật giáo thường lấy câu nói trên để phản bác những ngôi chùa lớn ở Việt Nam. Thực ra, các chùa ở Việt Nam nhỏ bé hơn nhiều so với các chùa ở các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan, Miến Điện…, và nhỏ hơn nhiều so với các cơ sở của các tôn giáo khác như nhà thờ, thánh đường…

Hơn nữa, cứu người không phải chỉ đem ít vật chất tới cho họ là xong mà quan trọng hơn là giúp họ cách tự lực sinh sống cũng như hướng họ có đời sống tinh thần hướng thiện, an lạc. Theo đạo Phật, giúp con người nhận ra ‘khổ và con đường diệt khổ’ để họ thực tập, sống an lạc đời này và đời sau mới thực sự là cứu người. Đây là cách Bậc Đạo sư (Đức Phật) cứu độ chúng sanh.

Ngoài ra, cả hai việc làm trên không có gì mâu thuẫn nhau nên chúng vẫn có thể được thực hiện song song, hay tùy hoàn cảnh mà ưu tiên việc nào trước. Việc giúp một người bằng cách hỗ trợ một ít vật chất mà cho là phúc nhiều hơn xây ‘tháp chín tầng’ hay xây một ngôi chùa là một cách so sánh khập khiễng. Đây không phải là lời dạy của Phật giáo.

Oan ức không cần biện bạch vì biện bạch là nhân ngã chưa xả

Nhiều người cho rằng câu nói trên do Đức Phật dạy. Có thể, họ dựa trên tinh thần từ bi, kham nhẫn trong đạo Phật vì câu nói ấy không tìm thấy từ lời dạy của Đức Phật trong các kinh. Do đó, hiểu đúng ý nghĩa câu nói trên giúp người học Phật ứng xử thích hợp trong những hoàn cảnh bị oan. Theo Từ điển Hán Việt, oan ức nghĩa là ‘chịu ô nhục hoặc bách hại một cách oan uổng’.

Xuất xứ của câu nói ấy là từ Luận Bảo vương tam muội, còn gọi là Bảo vương tam muội niệm Phật trực chỉ do Sa-môn Diệu Hiệp soạn. “Mười điều tâm niệm” là tên gọi do Hòa thượng Thích Trí Quang đặt thay cho tên nguyên gốc là “Mười hạnh không cầu”2. Một số người đã sửa lại nội dung câu nói trên thành “oan ức không cần biện bạch vì làm như vậy là hèn nhát mà trả thù thì oán đối kéo dài”3, làm cho ý nghĩa của nó trở nên tiêu cực hơn.

Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu cách Đức Phật ứng xử với trường hợp bị vu khống được ghi lại trong kinh Ưu-đàm-bà-la sư tử hống. Bài kinh ghi lại câu chuyện du sĩ Nigrodha vu khống và hạ thấp Sa-môn Gotama (tức Đức Phật). Nigrodha nói với mọi người rằng Đức Phật không giỏi điều khiển chúng, không đủ sức đối thoại, trí tuệ bị hư hoại... Khi biết được sự việc, Đức Phật đã hỏi lại du sĩ Nigrodha để xác nhận sự thật và giảng dạy giáo pháp của Ngài cho hội chúng nghe để tự đánh giá. Từ đó, du sĩ Nigrodha đã thừa nhận là ông ngu ngốc, si ám và bất thiện. Trước hội chúng, ông xin sám hối Đức Thế Tôn. Nhân đó, Đức Phật cũng trình bày lý do Thế Tôn thuyết pháp không phải vì muốn có đệ tử hay muốn người khác bỏ truyền thống, mà là vì muốn mọi người từ bỏ hay diệt trừ các pháp bất thiện đưa đến khổ đau, đạt được an lạc hiện tại và tương lai4. Bài kinh cho thấy Đức Phật đã biện bạch, giải thích sự thật khi bị vu oan. Quan trọng hơn, Đức Phật đã làm sáng tỏ sự việc một cách tốt đẹp với tâm hoàn toàn thanh tịnh, không chút hơn thua, oán thù.

Biện bạch hay không cần biện bạch khi oan ức xảy ra phải tùy vào sự việc cụ thể. Ví dụ nếu có thông tin vu khống hay hiểu sai về Phật giáo được truyền tải khắp nơi thì việc biện bạch để làm sáng tỏ vấn đề là điều phải làm vì nó ảnh hưởng đến nhiều người. Tuy nhiên, trong trường hợp nó chỉ ảnh hưởng đến cá nhân và không gây tổn hại thì oan ức có thể không cần biện bạch. Khi ấy, người bị oan có thể xem oan ức là cơ hội để thực tập tính kham nhẫn và thể nghiệm giáo lý vô ngã.

Khi bị oan ức nên tránh lối suy luận theo kiểu đổ lỗi quá khứ. Cho rằng kiếp trước gây nhiều nghiệp ác nên kiếp này gặp nhiều oan ức là không thỏa đáng vì không ai có thể biết quá khứ đã làm gì, trong khi nguyên nhân hiện tại có thể truy tìm được. Do đó, thay vì đổ lỗi và chịu oan ức một cách đè nén, người bị oan nên tìm nguyên nhân rõ ràng và nỗ lực minh oan bằng cách khôn ngoan và thích hợp nhất. Nên nhớ rằng, dù lúc bị oan hay khi đã minh oan, không được nuôi dưỡng tâm hơn thua và hận thù.

Lời kết

Những lời bàn luận về các câu, cụm từ vừa nêu chắc chắn không làm thỏa mãn tất cả mọi người. Tuy nhiên, nó giúp cho người học Phật phần nào đánh giá được sự hạn chế của những câu tục ngữ hay châm ngôn trên. Qua đây, người viết nghĩ rằng việc đối chiếu, so sánh giữa những lời Phật dạy gốc/nguyên chất với những lời dạy của các vị thuộc các thế hệ sau là cần thiết để hiểu và thực hành đúng giáo lý Phật giáo. 

 Thích Hạnh Chơn

________________

(1) Tuệ Khanh, Tiền chùa là tiền ‘sợ’ nhất, http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/su-kien-van-de/13448-thuong-toa-thich-bao-nghiem-tien-chua-la-tien-so-nhat.html, truy cập ngày 31.3.2016. (Bài phỏng vấn HT.Thích Bảo Nghiêm.)

(2) http://www.budsas.org/uni/u-vbud/vbpha386.htm, truy cập 1.4.2016.

(3) https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=737618, truy cập 1.4.2016.

(4) Kinh Trường bộ, số 25.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày