Nhận xét của người viết đối với Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM có thể là chưa chính xác, vì người viết không phải là người trong cuộc, tức là chưa được học, càng chưa được dạy hay làm công tác đào tạo, quản lý học viện.
Tuy nhiên, người viết thấy rằng cần phát biểu một số ý kiến, có tính chất đặt vấn đề, gợi ý, để sau đó bạn đọc có thể tiếp nối, bổ sung hay đính chính, trong bối cảnh những thông tin về Học viện đang được nhắc đến nhiều, khi Học viện đang trong thời điểm tổ chức lễ tốt nghiệp cho các tân cử nhân khoá VII và khai giảng niên khóa mới, và khóa mới tuyển sinh, khóa IX.
1. Trước hết là điều băn khoăn về sự giảm sút, hay ít ra là không gia tăng, của số sinh viên.
Qua thông tin từ tác giả Thích nữ Nhuận Bình, thì số sinh viên khóa IX không hơn số sinh viên khóa VIII, mà ngược lại, còn giảm đi 6 sinh viên (được thông tin là đang theo học, trong khóa mới tuyển sinh, có thể hiểu là chỉ ở hệ chính quy, không thấy nói đến hệ đào tạo từ xa).
Điều này là một sự kiện rất bất thường, vì nhìn chung tổng số sinh viên qua các khóa điều tăng. Có năm khóa mức tăng là hơn 100%, thí dụ khóa II so với khóa III.
Sự sụt giảm này xảy ra trong bối cảnh dân số vẫn tăng, dẫn đến số học sinh dư tuyển và trúng tuyển vào đại học vẫn tăng.
Năm học này, công luận báo chí có quan tâm đến việc sụt giảm thí sinh thi tuyển vào đại học khối C, tức khối Khoa học xã hội. Việc sụt giảm, hay nhìn chung, là không gia tăng sinh viên của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, phải chăng là nằm trong xu hướng này, hay có một nguyên nhân bất thường nào khác.
Sẽ có ý kiến cho rằng đây thuộc về vấn đề xã hội, không phải thuộc về trách nhiệm nhà trường. Hoặc sẽ có ý kiến cho rằng nhu cầu đào tạo tu sĩ có cử nhân Phật học đang đi vào hướng bão hòa…
Vấn đề cần nghiên cứu thêm, nhưng dù bất kỳ lý do gì, sự sụt giảm số sinh viên đào tạo, cho thấy một sự chững lại nào đó trong tiến trình phát triển hoạt động đào tạo tăng tài, đều cần được quan tâm tìm hiểu thấu đáo, tường tận. Và sau 4 năm đào tạo, số tăng ra trường ít đi, khi dân số vẫn tăng đều hàng năm, và nhu cầu tu sĩ Phật giáo có trình độ đại học cần thiết cho việc hoằng hóa không hề giảm mà lại trở nên bức bách hơn, sẽ là một vấn đề cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Một vấn đề mà những người có trách nhiệm cần nghiên cứu ngay từ bây giờ.
2. Giữa lúc Phật giáo Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề căng thẳng cần được giải quyết trên nền tảng học thuật thích hợp, cần tăng ni cử nhân được đào tạo theo hướng giải quyết những thách thức cho việc hoằng hóa và tu tập, thì nhìn vào danh sách các ngành đào tạo, với các cổ ngữ liên hệ, mọi người đều có cảm tưởng, rằng hướng đào tạo của Học viện thiên về hàn lâm, hơn là việc giải quyết các vấn đề mà thực tiễn phát triển của Phật giáo Việt Nam đang đặt ra.
Hai trong số nhiều thách thức lớn mà sự phát triển của Phật giáo Việt Nam đang gặp phải là xu hướng mê tín hóa và tình trạng bị cải đạo, giảm sút tín đồ. Đây là nhiệm vụ trước hết của ngành hoằng pháp. Thế nhưng, trong danh sách các ngành, liên hệ với các cổ ngữ, được học viện đào tạo, thì hoằng pháp chỉ là một trong khoảng 10 ngành.
Giả sử số sinh viên chọn các ngành là tương đối đều nhau, một tình trạng cần thiết để duy trì các ngành, thì chỉ có khoảng, có thể là hơn một chút, 1/10 tăng ni sinh chọn ngành học hoằng pháp, một ngành học đáp ứng nhu cầu giải quyết những vấn đề cấp bách của việc phát triển Phật giáo Việt Nam hiện nay. Còn lại, phần lớn các ngành đều theo xu hướng nghiên cứu, nặng tính chất hàn lâm, gắn chặt với các cổ ngữ liên hệ.
Một thực tế như sau có thể hình dung: Sẽ có các vị tăng ni, trước yêu cầu lớn của thực tế phát triển của Phật giáo Việt Nam phải đi lên Tây Nguyên (chưa nói đến Tây Bắc) để hoằng pháp. Nhiều vị tăng ni sinh trong số đó sẽ am hiểu rất sâu về Pàli Đông Nam Á, cổ ngữ Pa li, hay Phạn Tạng, cổ ngữ Sankrit Tây Tạng, hay Phật giáo Trung Quốc, cổ ngữ Hán Cổ...
Thế nhưng, các vị không thể thuyết pháp bằng các ngôn ngữ các dân tộc Tây Nguyên, không thể phiên dịch kinh điển ra ngôn ngữ các dân tộc như trên, để vẫn hướng dẫn đồng bào các dân tộc đang có nhu cầu hóa độ tụng niệm bằng các kinh văn chữ Hán cổ, không trang bị lý luận ở mức cần thiết về tôn giáo học để giải quyết những vấn đề nảy sinh trước thực tế cải đạo…
Trên các vùng Tây Nguyên những vị Tăng Ni với hướng đào tạo như vậy, có điều kiện thanh tịnh nhập thất để dịch kinh, dịch sách từ tiếng Tây Tạng, tiếng Hán cổ, trong bối cảnh các nhà thờ tư gia đang phát triển hàng tuần, hàng tháng, thu hút cả những người nhập cư dân tộc Kinh.
Thực tế đó sẽ dẫn đến hệ quả gì cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam?
Có thể có ý kiến cho rằng chúng tôi đang đề xướng một xu hướng đào tạo thực dụng.
Nhưng, sự phát triển của Phật giáo Việt Nam hiện nay cần những chuyên gia hoằng pháp với chuyên môn sâu, khai thác được các phương tiện truyền thông hiện đại, giỏi công tác tổ chức, tháo vát trong hoạt xã hội hay cần một tỷ lệ khá lớn các học giả kinh viện am hiểu tiếng Hán cổ, lịch sử Phật giáo Trung Quốc, thông thạo tiếng Tây Tạng và tiếp tục đầu tư công sức, thời gian vào việc đó.
Và cứ theo hướng như thế, thì mọi việc sẽ tiến hành được bao lâu, khi tỷ lệ tín đồ Phật tử thiếu thầy cô dìu dắt trực tiếp giảm dần do cải đạo, hay quay sang với những tín ngưỡng lai tạp không quá cao xa và những tôn giáo mới, với kỹ thuật truyền bá bằng truyền hình vệ tinh, với vùng phủ sóng có khán giả hàng tỷ, để lại một bên những nhà tu hành học giả với tác phẩm nghiên cứu miệt mài và Phật giáo Tây Tạng, hay điển cố Phật học Trung Hoa cổ, mà số bản in có thể không đến 1000/lần xuất bản với thời gian phát hành hằng nhiều năm.
3. Trở lại với vấn đề số lượng sinh viên tuyển vào giảm sút đã đề cập ở trên, liệu đây có thể là kết quả của hướng giáo dục kinh viện, hàn lâm như đã nói ở trên trong gần 30 năm của Học viện Phật giáo Việt Nam hay không? Số sinh viên giảm có là kết quả của số tín đồ giảm? Hay đã đến lúc có sự lựa chọn nào đó ở người xuất gia, tự phát quay sang việc cầu cúng hơn là miệt mài đèn sách để trở thành học giả Phật giáo?
Những tu sĩ học giả, những nhà kinh viện, mang tính chất hàn lâm vẫn rất cần. Chúng tôi không phủ nhận điều này và luôn ước mong Phật giáo Việt Nam có nhiều những bậc thức giả như vậy.
Nhưng tỷ lệ đào tạo, xu hướng đào tạo phải cần được cân đối trước những yêu cầu từ thực tế.
Cùng theo đó, nhu cầu về những môn học khoa học xã hội và nhân văn hỗ trợ cũng hết sức cần thiết. Sẽ là một tấn hài kịch nếu có những vị cử nhân, tiến sĩ uyên bác kiến thức ngữ học tiếng Tây Tạng, tiếng Pàli, tiếng Sankrit vì được tập trung đào tạo vào lãnh vực như thế, để rồi tỏ ra lúng túng, hoặc có thể không hiểu khi Phật giáo bị bôi nhọ bằng những tiểu xảo của truyền thông, bằng những ngón nghề của việc sử dụng tiếng Việt báo chí hiện đại.
Không thể trách, vì phần lớn quỹ thời gian đào tạo đã dành cho những cổ ngữ kia mất rồi…
Đào tạo tu sĩ Phật giáo thiên về hướng kinh viện hóa, như thế, thậm chí có thể là điều mong muốn của các thế lực tìm cách cải đạo Phật giáo. Họ ngại những tu sĩ Phật giáo nhà quản lý giỏi, những nhà tổ chức hoạt động xã hội giỏi, những nhà hoạt động truyền thông giỏi, những người am tường ngôn ngữ các dân tộc thiểu số…, và ngược lại chắc chắn không ngại những tu sĩ Phật giáo hàn lâm uyên bác tiếng Pàli, tiếng Hán cổ… Điều họ muốn tất sẽ có ở 30 – 50 năm sau. Còn bây giờ cũng không thấy có phiền phức gì, vì 2 bên dường như đi ở 2 đường khác nhau. Cái họ quan tâm là đào tạo, rèn luyện những ngôn ngữ các dân tộc ít người ở Tây Nguyên, Tây Bắc, và thứ tiếng Việt mới đầy biến hóa trên truyền thông hiện đại.
Từ những nhận định như trên về hoạt động đào tạo của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, có thể nghĩ rằng giáo dục đại học của Phật giáo Việt Nam đang đứng trước một sự lựa chọn khắc nghiệt. Thời gian đào tạo chỉ có hạn, nhưng yêu cầu thực tế lại quá nặng nề.
Giáo dục đại học của các tôn giáo phương Tây đã sớm trải qua sự lựa chọn như vậy. Có thể thấy những linh mục, mục sư bây giờ quan tâm đến Kinh Thánh bằng tiếng của người Ba Na, H’ Mông… hơn là Kinh Thánh bằng tiếng La Tinh kinh viện…