Nét đặc thù của công tác pháp chế thuộc GHPGVN

HT.Thích Huệ Trí - Ảnh: Yên Hà
HT.Thích Huệ Trí - Ảnh: Yên Hà

GN - Ban Pháp chế T.Ư là một trong 3 ban mới được thành lập tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII (cùng với Ban Thông tin-Truyền thông và Ban Kiểm soát T.Ư). Từ 2 ủy viên Pháp chế thuộc Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, sau Đại hội VII của GHPGVN (2012), được nâng lên thành ban chuyên trách với 70 thành viên.


Hội nghị triển khai nội quy và chia sẻ kinh nghiệm về công tác pháp chế đang diễn ra - lần đầu tiên tổ chức tại Huế và Hà Nội, PV Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với HT.Thích Huệ Trí, Trưởng ban Pháp chế T.Ư. Nói về những đặc thù của Ban, Hòa thượng cho biết:

- Một cách tổng quát, Pháp chế được định nghĩa là: Chế độ trong đó có đời sống và hoạt động xã hội được bảo đảm bằng pháp luật, hệ thống luật lệ của Nhà nước hay của một tổ chức, một ngành nhất định.

Ban Pháp chế Trung ương hoạt động gần như theo ý nghĩa sau của định nghĩa về pháp chế như đã nêu trên.

Tuy có mang một số ý nghĩa khác hơn, nhưng trước hết, Ban Pháp chế là một cơ cấu tổ chức chuyên ngành của GHPGVN. Do đó, Ban Pháp chế phải hoạt động theo đúng Hiến chương GHPGVN. Trong mối liên hệ với các cấp của Giáo hội, các ban ngành viện thuộc Hội đồng Trị sự GHPGVN và trong ý nghĩa tuân thủ Hiến chương Giáo hội, hoạt động của Ban phải phù hợp với pháp luật Nhà nước và Nghị định của Chính phủ ban hành về các hoạt động tôn giáo trên đất nước Việt Nam. Vấn đề có phần tế nhị và phức tạp là Ban Pháp chế hoạt động mang tính cách tôn giáo, nhưng vẫn có sự liên hệ với chính quyền, với quần chúng nhân dân và với cộng đồng xã hội.

Do đó, việc nắm rõ Hiến chương GHPGVN, Nội quy hoạt động của các ban ngành viện Trung ương Giáo hội và pháp luật Nhà nước là điều rất cần thiết để hoàn thành mục đích phục vụ Giáo hội. Từ đó, nhiệm vụ mục đích và thể cách hoạt động của Ban Pháp chế được nêu rõ trong điều 11 nội quy của Ban, đó là: (1) Tham gia ý kiến về mặt pháp lý với cơ quan quản lý Nhà nước và tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Giáo hội, tự viện, Tăng Ni, Phật tử theo quy định của pháp luật; (2) Hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ trong công tác pháp chế ở các cấp Giáo hội; và (3) Phối hợp với các ban, viện và các cấp Giáo hội trong việc đề xuất, khen thưởng, kỷ luật đối với tập thể, cá nhân thuộc GHPGVN.

* Hòa thượng có thể cho biết mục đích và ý nghĩa của Hội nghị sắp tới?

-  Như quý vị biết, Pháp chế là một trong 3 ban mới của Giáo hội. Trong điều kiện về nhân sự cũng như các yếu tố khách quan khác, Ban Pháp chế ý thức được trách nhiệm được Giáo hội giao phó, cố gắng vượt qua những khó khăn, hoàn thành các công tác chuyên trách đặc thù của ngành. Hội nghị sắp tới của Ban Pháp chế kết hợp với các Ban Trị sự GHPGVN tỉnh thành là một trong những nỗ lực trong tinh thần đó.

Tổ chức các hội nghị này, chúng tôi xác định rõ trọng tâm là nhằm triển khai nội quy của Ban và chia sẻ kinh nghiệm về công tác pháp chế qua một số vụ việc đã được giải quyết trong tinh thần lục hòa cộng trụ, phù hợp với luật pháp Nhà nước, Hiến chương GHPGVN, Luật Phật và tình hình cụ thể của từng địa phương. Hội nghị này đồng thời là một trong những việc làm, mà theo chúng tôi nghĩ là cần thiết, để hoạt động Phật sự Pháp chế của Giáo hội đi vào đời sống thực tiễn một cách đồng bộ và nhất quán từ Trung ương đến các cấp cơ sở. Qua đó, chúng tôi cũng muốn được lắng nghe những ý kiến, kinh nghiệm, tri thức về pháp luật hiện hành liên hệ, đồng thời cả những trường hợp đặc thù, tế nhị từ thực tế sinh động từ quý vị đặc trách pháp chế ở các địa phương cũng như các luật sư mà Ban đã mời cộng tác.

Tuy còn nhiều khó khăn, khách quan cũng như chủ quan, nhưng chúng tôi không ngại khó, cố gắng hoàn thành trách nhiệm mà Giáo hội đã tin tưởng giao phó.

* Sau Hội nghị tại Huế ngày 16-4 và Hà Nội ngày 23-4 sắp tới, vậy với các tỉnh thành còn lại thì sao, thưa Hòa thượng?

- Điều thuận lợi lớn nhất của Ban Pháp chế là đã có sự đồng thuận cao, sự nhiệt tâm của tất cả thành viên thuộc Ban. Sau khi trình kế hoạch, được sự chấp thuận của Ban Thường trực HĐTS,  sự đồng thuận của Ban Tôn giáo Chính phủ, của các cơ quan chức năng và BTS GHPGVN các tỉnh thành đăng cai tổ chức.

Trong kế hoạch của Ban, Thừa Thiên Huế là điểm bắt đầu cho cho hội nghị gồm 10 tỉnh, thành miền Trung (từ Quảng Trị đến Bình Thuận); tiếp theo sẽ triển khai hội nghị cho các tỉnh thành phía Bắc (từ Quảng Bình trở ra) tại Hà Nội; còn lại các cụm miền Nam, miền Tây và Tây Nguyên dự kiến sẽ triển khai vào thời gian thích hợp trong năm nay.

* Cảm ơn Hòa thượng!

 Nguyên Quân thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày