GNO - Xuân về, Tết đến, ai ai cũng mong muốn quay về đoàn tụ với gia đình nhưng với nhiều người, điều đó là ngoài tầm với. Bởi nhiều lý do khác nhau, có người không đủ kinh phí về quê; có người ở quê không còn ai để về; nhưng có lẽ đắng lòng nhất có lẽ là không thể về vì gia đình không ai chào đón – đó chính là hoàn cảnh chung của nhiều người có H, đang cư trú trên địa bàn TP.HCM. Khi mà nơi gọi là nhà không chào đón họ thì cửa Phật chính là nơi dừng chân, nơi họ tìm sự sẻ chia ấm áp.
Chùa Pháp Bảo (quận Gò Vấp) những ngày Tết dòng người đến chùa lễ Phật rất đông, trong dòng người ấy, tôi vô tình gặplại các anh, chị có H mà tôi từng tiếp xúc trong các buổi tham vấn, chăm sóc người có H trước đây. Gặp lại các anh, chị, người nào cũng chúc Tết vui vẻ, cười rất tươi, tay bắt mặt mừng; có chị còn chúc “em ăn Tết cùng gia đình vui; Tết mà được ăn Tết cùng gia đình thì sướng nhất, anh chị ở đây thì không được…”.
Nngười nhiễm H được chùa Pháp Bảo tặng quà đón Tết - Ảnh: CTV
“Sao lại không được”, nghe tôi hỏi, chị B.H gượng cười nói: “Chị thì không có tiền về quê, quê xa quá, mấy ngày Tết chị xin làm phục vụ ở quán, lương tăng gấp ba để có tiền đóng tiền trọ. Còn anh này (anh L) thì quê không còn ai, ảnh mồ côi từ nhỏ, lang bạt ở Sài Gòn giờ chỉ có những người nhiễm H là người thân. Thương nhất là em T., có quê, có nhà mà không về được vì gia đình sợ em về sẽ lây nhiễm cho người thân, họ không cho em về. Tết đến, không có gia đình bên cạnh, tụi chị bên nhau như thế này đón Tết cùng nhau, an ủi nhau, rủ nhau đi chùa. Có vậy mà mấy ngày Xuân đỡ buồn hơn”.
Chị nói xong, anh T liền bảo: “Bị nhiễm, bị gia đình xa lánh, nếu không có thầy chủ nhiệm trung tâm tham vấn hỗ trợ cộng đồng chùa Pháp Bảo giúp đỡ, động viên thì tụi anh coi như không có điểm tựa, không biết đi về đâu luôn. Tết về, thầy có cho quà, bánh tét, nước ngọt ăn Tết, mời lên chùa dùng cơm ba ngày Tết. Rồi anh, em cùng hoàn cảnh thương nhau, điện thoại hỏi thăm nhau, rủ nhau đi chùa chơi; nhờ vậy mà mấy ngày Tết đỡ hiu quạnh. Với người nhiễm H thì rất cần tình cảm. Tình cảm, sự quan tâm của mọi người là liều thuốc tinh thần hữu hiệu nhất giúp chúng tôi mạnh mẽ đối diện, bước qua những lúc đau đớn, ốm yêu”. Nói rồi, khóe mắt anh đỏ hoe, nước mắt chảy dài. Đưa tay quệt vội nước mắt, anh luôn miệng khuâng bua: “Tự nhiên cái chảy nước mắt, không cầm được chứ cả năm nay không biết khóc là gì rồi”.
Anh nói, mọi người ngồi bên cạnh hiểu nỗi lòng của anh, tôi cũng hiểu. “Khi người đàn ông khóc, khóc không kiểm soát được có nghĩa là đã lâu lắm rồi chưa được chia sẻ những niềm riêng. Khóc được, có nghĩa là lòng đã nhẹ hơn, nỗi đau chất chứa bấy lâu đã vơi đi phần nào”, lời chia sẻ của người đồng cảnh ngộ giúp anh T tươi tắn hơn, nụ cười bỗng dưng xuất hiện rạng ngời trên gương mặt hốc hác bởi nhiều đêm dài không ngủ được.Nói đến đây, mọi người lại nhìn nhau cười – nụ cười trìu mến đến lạ của những người cùng khổ. Họ vừa khóc đó, rồi cười đó, lạc quan cũng ngay sau đó.
Mặc dù trò chuyện cùng anh, chị chỉ một thời gian ngắn, nhưng lắng nghe những trãi lòng, tôi dễ dàng nhận ra ở nơi họ, chỉ cần một người gục ngã, xuống tinh thần là cả nhóm bên cạnh động viên, lắng nghe nỗi niềm, vực dậy niềm tin cho nhau. Họ bao bọc nhau như người thân trong nhà, xem nhau là gia đình thứ hai; quấn quích bên nhau để cảm thấy ấm lòng hơn khi xuân về. Tết được sum vầy, ăn Tết cùng gia đình là điều tất yếu nhưng khi bắt gặp, lắng nghe những sẻ chia của anh, chị ta mới hiểu, thì ravới nhiều người, đó chỉ là khát khao và chỉ dừng lại ở mơ ước…