Nhất-xiển-đề thành Phật đến việc sám hối tội Ba-la-di: Khả tính cứu độ và khai phóng của Phật giáo

Có hai pháp trắng, có thể cứu độ chúng sanh.
Thứ nhất là Tàm, thứ hai là Quý
1.

NSGN - Pháp của Phật chỉ thuần một vị, đó là vị giải thoát. Tuy nhiên, do phải kinh qua nhiều lần kết tập và phải trải qua hơn 400 trăm năm sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, lời dạy của Ngài mới được ghi lại bằng văn bản2, nên đã nảy sinh những quan điểm dị biệt.

Sự khác biệt đó cũng được phát sinh do ảnh hưởng bởi quan điểm tông phái, do đề xuất từ những vị cao tăng, do rào cản thuật ngữ trong quá trình truyền dịch, do sự tác động có chủ ý của các bậc vương quyền… đã góp phần tạo nên tính sinh động đặc thù trong cách hiểu và luận giải về lời dạy của Đức Phật.

sam hoi 3.jpg
Pháp của Phật chỉ thuần một vị, đó là vị giải thoát

Cứ liệu kinh điển ghi nhận, bản thệ ra đời của Đức Phật nhằm khai phóng tâm thức của chúng sanh3. Nơi nào có chúng sanh đau khổ đang khuyến thỉnh, khẩn cầu, thì nơi đó luôn có Đức Thế Tôn. Các truyền thống kinh điển đều xác tín rằng, Đức Phật không một sát-na lìa khỏi bản thệ hóa độ chúng sanh kể từ khi Ngài thành đạo.

Căn cứ vào yếu tính đặc thù của kinh điển, dựa trên bản hoài xuất thế của Đức Thế Tôn, chúng tôi thử khảo sát về quan điểm Nhất-xiển-đề thành Phật và việc sám hối tội Ba-la-di, ngõ hầu góp thêm một hướng biện giải về sự bổ trợ và tính thống nhất trong giáo pháp của Đức Phật.

Quan điểm về Nhất-xiển-đề thành Phật

1- Khái luận về Nhất-xiển-đề

Trong kinh điển Nikaya không có khái niệm nhất-xiển-đề, thế nhưng rải rác đây đó vẫn xuất hiện vài trường hợp mang nghĩa tương đương. Trong kinh Tăng chi, chương Ba pháp, khi mô tả về ba hạng người có mặt trong cuộc đời, thì có một hạng người được Đức Phật ví như con rắn đi vào đống phân, cần phải tránh xa, ghê tởm. Cũng theo kinh Tăng chi, ở chương Bốn pháp, trong bốn hạng người được mô tả, thì có một hạng người được Đức Phật ví như một que củi, được lấy ra từ đống lửa dùng để thiêu xác. Điều ấn tượng là hai đầu của que củi đó bị lửa cháy, còn ở giữa thì dính phân, nên không thể cầm nắm hay sử dụng vào bất cứ việc gì. Cũng trong chương này ở phẩm Kesi, đoạn hội thoại giữa Đức Phật và người đánh xe Kesi chuyên chở một nội dung lạ lẫm.

- Bạch Thế Tôn, nếu người đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng của Thế Tôn, không chịu nhiếp phục với lời nói cứng rắn, không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng và cứng rắn, thời Thế Tôn làm gì với người ấy?

- Này Kesi, nếu người đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng của Ta, không chịu nhiếp phục với lời nói cứng rắn, không chịu nhiếp phục với lời nói vừa mềm mỏng vừa cứng rắn, này Kesi, thời Ta giết hại người ấy!

Câu nói Ta giết hại người ấy làm sao có thể thốt ra từ một nhân cách siêu thoát như Đức Phật? Thắc mắc này của Kesi đã được chính Đức Phật xác tín rằng, đó là những hạng người không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới. Theo một nghiên cứu gần đây, hạng người được mô tả trong đoạn kinh này tương đương như hạng nhất-xiển-đề4.

Như vậy, từ những hạng người đặc biệt được đề cập trong kinh Tăng chi qua ba bản kinh được nêu dẫn ở trên, đã phần nào cho thấy, trong kinh tạng Nikaya cũng đề cập đến một hạng người hội tụ nhiều điều xấu xa và tội lỗi cùng cực, nằm ngoài sự quan tâm và giáo hóa của Đức Thế Tôn.

Trong kinh điển Hán tạng, có sự phân biệt về xiển-đề và nhất-xiển-đề. Xiển-đề, vốn là tên riêng của một người, đó là người dì của Trưởng lão Xa Nặc, do vì phạm trọng tội nên bị tẩn xuất5. Ngoài ra, xiển-đề còn là phương thức lý luận6, một phương cách tu từ7.

Nhất-xiển-đề có nhiều nghĩa. Theo kinh Đại bát Niết-bàn8, bản dịch của ngài Đàm Vô Sấm, quyển 5 và quyển 19, nhất-xiển-đề là một hạng người hội tụ các tính chất: 1, Không có niềm tin. 2, Không thể chữa trị. 3, Đoạn diệt hết thảy căn lành. 4, Bổn tâm không liên hệ đến một chút thiện pháp. 5, Không tin nhân quả. 6, Vô tàm vô quý. 7, Không tin nghiệp báo. 8, Không tin hiểu hiện tại và tương lai. 9, Không có bạn lành. 10, Không được chư Phật thuyết giảng và giáo giới.

Qua những minh giải về tính chất của hạng nhất-xiển-đề trong kinh tạng Nikaya cũng như kinh điển Hán tạng, đã cho thấy, hạng người này rất khó có thể tìm thấy nguyên mẫu trong kinh điển cũng như trong hiện thực đời sống. Theo chúng tôi, có thể đây chỉ là sự cường điệu quá mức nhằm đặc tả về một hạng người, trong một bối cảnh hay một thời điểm nhất định nào đó, nói theo ngôn ngữ học là vận dụng phương thức ngoa dụ trong phương thức biểu đạt.

Trở lại với thuật ngữ nhất-xiển-đề, Phạn ngữ ghi là Icchāntika. Có nhiều cách chuyển ngữ cũng như phiên âm về thuật ngữ này. Mỗi cách phiên âm ẩn tàng một nghĩa khác biệt, và mọi sự hiểu lầm về thuật ngữ này cũng bắt nguồn từ đây.

Theo Phiên dịch danh nghĩa tập9, quyển thứ hai, thuật ngữ nhất-xiển-đề có khi được gọi là a-điên-để-ca (阿顛底迦), mang nghĩa là cực ác (此云極惡), cũng có nghĩa là tối hậu không có tánh Niết-bàn (畢竟無涅槃性故), tức không thể thành Phật. Tác phẩm Nhất thiết kinh âm nghĩa10, quyển 47, giải thích rằng a-điên-để-ca có nghĩa là rốt cùng không có một chút thiện tâm (畢竟無有善心).

Tuy nhiên, cũng theo Nhất thiết kinh âm nghĩa, quyển 47, thuật ngữ nhất-xiển-đề có khi được gọi là nhất-xiển-để-kha (一闡底柯), thì có nghĩa là nhiều tham dục, cũng gọi là tham vui sanh tử, không cầu giải thoát nên không tín nhạo với Chánh pháp. Thuật ngữ này xưa dịch là a-xiển-đề11. Trong Nhất thiết kinh âm nghĩa12, quyển 23, ngài Huyền Ứng cho rằng a-xiển-để-ca (阿闡底迦) cũng chính là nhất-xiển-để-kha (一闡底柯) với nghĩa tương đồng như trên. Trong Phiên dịch danh nghĩa tập, quyển thứ hai, cũng ghi rằng, nhất-xiển-đề có khi cũng gọi là xiển-đề-ca, nghĩa là nhiều tham dục13.

Căn cứ vào từ điển Phạn ngữ của Monier Williams, thuật ngữ Icchāntika có căn ngữ là ish, nghĩa là mong muốn, khao khát, mong mỏi, kỳ vọng… Các từ phái sinh của nó là Icchaka (n), Icchā (n) có nghĩa là: muốn, ham muốn, khuynh hướng14. Ở đây, cả ngài Huyền Ứng và Monier Williams đều nhất trí rằng, thuật ngữ Icchāntika có nghĩa là nhiều tham dục.

Như vậy thì đã rõ, căn cứ vào tính nhất quán của tư tưởng Phật giáo, thì thuật ngữ nhất-xiển-đề có khi mang nghĩa là cực ác, hoặc mang nghĩa là một kẻ quá nhiều tham dục, tham luyến sanh tử, không cầu giải thoát. Cần phải thấy, dù cực ác hay tham dục có tràn đầy, thì chỉ làm lu mờ nhưng không đánh mất Phật tánh, đó là cơ sở quan trọng đề hàng phàm ngu có cơ may tìm về với Thánh quả.

2- Quan điểm nhất-xiển-đề thành Phật

Do hạng Nhất-xiển-đề đặc hữu mười tính chất theo kinh Đại bát Niết-bàn nên nhiều bản kinh như kinh Lăng-già-a-bạt-đa-la-bảo, quyển thứ nhất15, kinh Nhập lăng-già, quyển thứ hai16, cho rằng hạng nhất-xiển đề không thể thành Phật. Đáng chú ý, kinh Phật thuyết Đại bát Nê hoàn, quyển 4, bản dịch của ngài Pháp Hiển, ghi: Lại có Tỳ-kheo diễn thuyết rộng rãi kinh tạng Như Lai, nói rằng: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính của mình. Một khi vô lượng phiền não trong thân đã trừ diệt hết thì tính Phật ấy sẽ hiển lộ ra, trừ nhất-xiển-đề” (Thích Nguyên Hùng dịch)17.

Từ quan điểm này, nhiều bộ kinh luận và sớ giải về sau18 đều cho rằng, kinh Phật thuyết Đại bát Nê hoàn chủ trương hạng nhất-xiển-đề không có Phật tánh và không có khả năng thành Phật. Tâm điểm của mọi sự phản bác liên quan đến giai thoại về ngài Đạo Sanh (355-434).

sam hoi 1.jpg


Thành tâm sám hối

Theo Xuất tam tạng ký tập, quyển 15, Cao tăng truyện quyển 7, Phật tổ thống kỷ, quyển 26, quyển 36, ghi rằng, kinh Phật thuyết Đại bát Nê hoàn chủ trương hạng nhất-xiển-đề không có Phật tánh, ngài Đạo Sanh chủ trương điều ngược lại và đã lập thệ để chứng tỏ quan điểm của mình. Theo giai thoại được đề cập trong những tác phẩm vừa nêu, ngài Đạo Sanh đã thuyết giảng cho tượng đá về quan điểm nhất-xiển-đề có Phật tánh, hỏi tượng đá rằng, lời ngài nói có đúng với ý Phật hay không và tượng đá đã gật đầu19!. Theo đó, mãi đến khi kinh Đại bát Niết-bàn do ngài Đàm Vô Sấm truyền đến, thì quan điểm của ngài Đạo Sanh mới được thừa nhận.

Thực ra, mặc dù ở quyển thứ tư kinh Phật thuyết Đại bát Nê hoàn có ghi như thế, tuy nhiên, ở quyển sáu đã khẳng định rõ ràng rằng: Cho rằng ác nghiệp của nhất-xiển-đề là xấu xa nhất ở giữa cuộc đời, bởi nhất-xiển-đề mất hẳn nhân duyên công đức bồ-đề, cho nên gọi là xấu nhất thế gian. Trong pháp Đại thừa, cuối cùng cũng được giác ngộ thành Phật, nhưng cũng gọi là xấu xa, bỉ lậu. Pháp của chư Phật vốn là như vậy20. Đáng chú ý, cũng ở quyển sáu, phẩm Tùy hỷ, đã tiếp tục khẳng định: Khiến cho nhất-xiển-đề/ Sẽ thành bình đẳng giác21 (Thích Nguyên Hùng dịch).

Mặt khác, căn cứ vào bộ Nhất thiết kinh âm nghĩa của ngài Huyền Ứng, một bộ đại từ điển Phạn-Hán và thuật ngữ Phật học đầu tiên trong lịch sử phiên dịch, thì thuật ngữ nhất-xiển-đề còn có nghĩa là nhiều tham dục, tham luyến sanh tử, không cầu giải thoát, không tín nhạo Chánh pháp22. Nếu vận dụng nghĩa này trong một số ngữ cảnh của kinh Phật thuyết Đại bát Nê hoàn, bản dịch của ngài Pháp Hiển, thì hoàn toàn hợp lý. Vì lẽ, một khi còn tham dục, thì không thể chứng Niết-bàn.

Như vậy, trong quyển sáu của kinh Phật thuyết Đại bát Nê hoàn do ngài Pháp Hiển (337-418)23  dịch, đã cho thấy rằng, cuối cùng thì hạng nhất-xiển-đề vẫn thành Phật. Từ đây đã mở ra một thông tin quan trọng. Đó là, nếu như chỉ dựa vào quan điểm gián tiếp (Lại có Tỳ-kheo diễn thuyết…) được ghi ở quyển 4, hoặc những đoạn khác mang tính nhấn mạnh, đặc tả về một hạng người tội lỗi và xấu xa cùng cực, mà cho rằng kinh Phật thuyết Đại bát Nê hoàn chủ trương hạng nhất-xiển-đề không có Phật tánh, và không thể thành Phật, thì gần nhất là oan cho ngài Pháp Hiển và xa hơn là oan cho chư Phật ba đời.

Cần phải thấy rằng, quan điểm hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh (一切眾生皆有佛性) là một quan điểm mang tính nhất quán của tư tưởng Phật giáo Đại thừa. Ngoài kinh Phật thuyết Đại bát Nê hoàn, quyển 4, quyển 5, quyển 6, bản dịch của ngài Pháp Hiển, kinh Đại bát Niết-bàn, quyển 7, quyển 8, quyển 9, bản dịch của ngài Đàm Vô Sấm thì quan điểm này còn xuất hiện trong các bản kinh, luận như kinh Phạm võng24; kinh Đại phương đẳng vô tưởng25; Phật tánh luận26, quyển 1, quyển 4; Kim cang tiên luận27, quyển 3; Pháp hoa huyền luận28, quyển 1… Đặc biệt, quan điểm Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành29 được ghi lại trong kinh Phạm võng là sự khẳng định mang tính tuyên ngôn của Đại thừa Phật giáo.

Xét trong liên hệ sâu xa, thì quan điểm nhất-xiển-đề thành Phật không hẳn là chủ trương riêng của Phật giáo Đại thừa mà có nguồn gốc trong kinh tạng Nikaya và trong cả hệ A-hàm. Cơ sở của quan điểm này liên quan đến cuộc đời và hành hoạt của Đề Bà Đạt Đa.

Theo Cullavagga, chương 7, Đề Bà Đạt Đa đã nhiều lần mưu hại Đức Phật, từ việc thuê sát thủ hành thích, thả voi say và thậm chí tự mình lăn đá hãm hại, những âm mưu đó hoàn toàn thất bại nên ông ta bỏ Phật ra đi. Kinh điển của hai truyền thống, Hán tạng và Nikaya đã liệt Đề Bà Đạt Đa vào hạng người phạm tội trọng không thể chữa trị30. Mặc dù vậy, vào phút cuối của đời mình, Đề Bà Đạt Đa đã hồi tâm sám hối và sau đó được Đức Phật thọ ký sẽ thành Phật ở vị lai. Sự kiện đặc biệt này đã được hai truyền thống kinh điển cùng ghi nhận.

Kinh Tăng nhất A-hàm, ghi rằng Đề-bà-đạt-đâu (đa - nv) vào giây phút cuối cùng trước khi mạng chung đã khởi tâm vui vẻ xưng ‘Nam-mô Phật’, cho nên sau này thành Bích Chi Phật hiệu là Nam-mô31.

Kinh Tiểu bộ, tập 7, Chuyện thương nhân trên biển cả, số 466 lược ghi, ray rứt với những việc làm trước đây, nên Đề Bà Đạt Đa đã nhờ người khiêng mình đến sám hối với Đức Phật. Kinh Mi Tiên vấn đáp bổ sung thêm, nhờ ý niệm sám hối lúc cuối đời này, nên sau khi trải qua thọ khổ trong địa ngục, Đề Bà Đạt Đa trở thành một vị Độc Giác Phật hiệu là Atthissara32.

Kinh Diệu pháp liên hoa (Saddharma Pundarīka Sūtra), bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập33, Đề Bà Đạt Đa được chính Đức Phật Thích Ca thọ ký thành Phật trong đời vị lai hiệu là Thiên vương Như Lai.

Từ sự thống nhất của những bản kinh vừa nêu, đã chuyển tải một thông điệp mang tính nhân văn của Phật giáo: dù phạm trọng tội không thể chữa trị như Đề Bà Đạt Đa, nhưng nếu như biết hồi tâm sám hối, thì sẽ thành Phật ở thời vị lai. Thông điệp này đã mở ra một sinh lộ một giải pháp cứu độ dành cho nhiều người, kể cả những người phạm tội trọng theo giới luật Phật chế.

Việc sám hối tội Ba-la-di trong kinh điển

1- Tội Ba-la-di

Trong giới luật Tỳ-kheo, phạm Ba-la-di là một tội rất nặng. Đó là bốn giới đại dâm dục, đại trộm cắp, đại sát hại và đại vọng ngữ34.

Theo luật Ma-ha-tăng-kỳ: Ba-la-di còn có nghĩa là: Ðối với phạm hạnh bị lui sụt, đọa lạc, không đạt được đạo quả, đó gọi là Ba-la-di. Ba-la-di còn có nghĩa là: Những tội đã phạm không chịu phát lồ sám hối, nên gọi là Ba-la-di35.

Theo luật Thập tụng, Ba-la-di gọi là bị rơi vào nơi không như ý, tội đó cực ác nặng nề. Phạm vào tội đó, sẽ đọa vào nơi bất như ý, không xứng danh là Tỳ-kheo, chẳng phải là Sa-môn, không còn là Thích tử, mất hết pháp Tỳ-kheo36.

Theo luật Tứ phần: Thế nào là Ba-la-di? Ví như cái đầu của con người đã bị chặt thì không thể mọc trở lại. Tỳ-kheo cũng như vậy, người phạm pháp này không còn thành Tỳ-kheo nữa, cho nên gọi là Ba-la-di.

Thế nào gọi là không được sống chung? Có hai trường hợp gọi là được sống chung: đồng một yết-ma, đồng một thuyết giới. Không được cùng chung làm hai việc này cho nên gọi không được sống chung37.

Như vậy, tội Ba-la-di là một tội rất nặng, phạm vào tội này thì mất hết danh nghĩa Tỳ-kheo. Ở đây, cả ba bộ luật vừa nêu dẫn, mặc dù dùng những ngôn ngữ và hình ảnh minh họa mạnh mẽ để mô tả cho tội danh này, tuy nhiên cả ba bộ luật trên không cấm chỉ việc phát lồ sám hối đối với tội danh Ba-la-di. Và như vậy, có chăng một phương cách dùng để sám hối tội Ba-la-di?

2- Cơ sở kinh điển về việc sám hối các tội

Mong mỏi tìm kiếm một giải pháp sám hối các trọng tội là một khát vọng đã manh nha từ thời Phật tại thế. Dấu hiệu đó được phát hiện trong kinh tạng Nikaya, cụ thể là Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp, kinh Phạm tội. Tuy thông tin quan trọng chỉ xuất hiện trong một câu cực ngắn ở cuối đoạn văn, nhưng đã đề cập đến việc sám hối tội Ba-la-di.

Thật sự người này đã làm một điều ác đáng bị quở trách, đáng bị chém đầu. Vì rằng những người của vua lấy dây thật chắc trói cánh tay nó thật chặt lại về phía sau, cạo trọc đầu, dắt nó đi xung quanh với một cái trống, có tiếng chát tai, đi từ đường này đến đường khác, từ ngã ba này đến ngã ba khác, dắt người ấy ra khỏi cửa thành phía Nam, và hãy chặt đầu người ấy tại thành phía Nam. Chắc chắn ta chớ có làm nghiệp ác như vậy, đáng bị quở trách, đáng bị chém đầu”. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, đối với các Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào, các tưởng sợ hãi sắc bén như vậy, được an trú, thời trong những pháp, tội ba-la-di được chờ đợi như sau về vị ấy: Nếu không phạm tội, thời không rơi vào tội ba-la-di; nếu đã phạm tội, thời sẽ như pháp sám hối pháp ba-la-di.

Nếu như kinh tạng Nikaya chưa làm sáng tỏ, cũng như chưa khẳng định rõ có hay không việc sám hối tội Ba-la-di, thì kinh Đại bát Niết-bàn, quyển thứ 10 đã bổ sung chi tiết.

Thuần-đà lại bạch Phật rằng: Thế-Tôn! Như Phật nói phá giới, nghĩa đó thế nào?

- Này Thuần-đà! Nếu phạm bốn tội nặng và năm tội nghịch, cùng hủy báng Chánh pháp, người như vậy gọi là phá giới. Thuần-đà bạch Phật :

- Thế-Tôn! Người phá giới như vậy có thể cứu vớt được chăng ?

 - Này Thuần-đà! Có nhơn duyên thời cứu vớt được. Nếu người đó còn mặc pháp phục chưa bỏ, trong tâm luôn hổ thẹn sợ sệt, tự trách cứ lấy mình, trong lòng ăn năn, sanh tâm hộ trì Chánh pháp, muốn kiến lập Chánh pháp và nguyện sẽ cúng dường người hộ pháp. Nếu có người đọc tụng kinh điển Đại thừa, Tôi sẽ đến han hỏi để được thọ trì đọc tụng. Khi đã thông thuộc rồi, Tôi sẽ vì người khác giảng nói. Này Thuần-đà người như trên đây, Phật gọi là chẳng phá giới38. (HT.Thích Trí Tịnh dịch).

Ngoài sự khẳng định rõ ràng Có nhơn duyên thời cứu vớt được như kinh Đại bát Niết-bàn; trong kinh Đại Bảo Tích, quyển thứ 90, đã tiến xa hơn khi đề xuất một hình thức sám hối tội Ba-la-di: Này Xá Lợi Phất. Nếu có Bồ-tát phạm Ba-la-di thì nên đối trước mười vị Tỳ-kheo thanh tịnh rồi dùng tâm chất trực mà ân trọng sám hối39(HT.Thích Trí Tịnh dịch). Ở đây, có thể còn nhiều điều phải bàn đến hình thức sám hối được đề cập trong bản kinh này, nhưng qua đó bước đầu cho thấy, đã có một phương cách sám hối tội Ba-la-di.

3- Phương thức sám hối tội Ba-la-di

Trong luật tạng, có nhiều tác phẩm đề cập đến các thể thức sám hối tội Ba-la-di. Một trong những tác phẩm Việt ngữ mang tính tiên phong khi đề cập về vấn đề này, đó là tác phẩm Một số vấn đề về giới luật của HT.Thích Phước Sơn40. Ở đây, ngoài việc tham chiếu tác phẩm vừa nêu, chúng tôi còn căn cứ vào một số tác phẩm về luật học của ngài Đạo Tuyên (596-667), nhằm làm sáng tỏ phương thức sám hối tội Ba-la-di. Cụ thể có các tác phẩm sau: Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao41; Tứ phần luật san bổ tùy cơ yết-ma42; Tứ phần luật Tỳ-kheo-ni sao43.

Về phương diện tư liệu, sau khi phối kiểm từ các nguồn như Tống cao tăng truyện44, quyển 14; Đại đường nội điển lục45, quyển 5; Khai nguyên thích giáo lục46, quyển 8, Tân biên chư tông giáo tạng tổng lục47, quyển 2; Chi viên di tập48, quyển hạ, đã khẳng định rằng, ngài Đạo Tuyên chính là tác giả của ba tác phẩm nêu trên.

Ngài Đạo Tuyên là một cao tăng am tường nhiều truyền thống luật học, trong khi biện giải về pháp thức sám hối tội Ba-la-di, ngài đã vận dụng một vài bộ kinh liên quan như kinh Đại bát Niết-bàn, Trị thiền bệnh bí yếu pháp49, kinh Tỳ-ni mẫu50. Không những vậy, ngài còn căn cứ vào những quan điểm luật học căn bản của ba bộ phái, như Hữu bộ (Thập tụng luật51, Tát-bà-đa Tỳ-ni Tỳ-bà-sa52), Đại chúng bộ (Ma-ha-tăng-kỳ-luật53) và Thượng tọa bộ (Tứ-phần-luật54), để đề xuất pháp thức sám hối tội Ba-la-di. Từ những định hướng, gợi mở của ngài Đạo Tuyên, chúng tôi đã phác thảo vài nét về pháp thức sám hối tội Ba-la-di.

Trước hết, nếu Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni lỡ phạm tội Ba-la-di thì phải khởi tâm tàm quý, thường e sợ, luôn tự trách mình, thống thiết khẩn cầu và không nên che giấu, sau đó phát lộ sám hối cùng với Đại tăng. Theo luật Thập tụng, không che giấu là một trong hai loại trí, là cửa ngõ của quả báo nhân, thiên55.

Căn cứ vào Tăng yết-ma56, quyển trung và luật Ma-ha-tăng-kỳ57, quyển 26, pháp tác bạch và yết-ma pháp học hối Ba-la-di như sau:

- Thưa Đại đức Tăng! Tôi là Tỳ-kheo… phạm giới… Ba-la-di mà không có một chút tâm niệm che giấu. Nay theo Tăng xin pháp học hối Ba-la-di. Kính mong Tăng xót thương cho tôi pháp yết-ma học hối Ba-la-di (xin như vậy ba lần).

Người làm yết-ma nên nói:

- Xin Đại đức Tăng lắng nghe. Tỳ-kheo… phạm giới… Ba-la-di mà không có một chút tâm niệm che giấu, đã theo Tăng xin pháp yết-ma học hối Ba-la-di. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng cho Tỳ-kheo… pháp yết-ma học hối Ba-la-di. Ðây là lời tác bạch.

Xin Đại đức Tăng lắng nghe. Tỳ-kheo… phạm giới Ba-la-di mà không có một chút tâm niệm che giấu, đã theo Tăng xin pháp yết-ma học hối Ba-la-di. Tăng nay cho Tỳ-kheo… pháp yết-ma học hối Ba-la-di. Các Đại đức nào bằng lòng Tăng cho Tỳ-kheo… pháp yết-ma học hối ba-la-di thì im lặng, ai không bằng lòng hãy nói. Ðây là yết-ma lần thứ nhất. (lần thứ hai, thứ ba cũng nói như thế).

Tăng đã bằng lòng cho Tỳ-kheo… pháp yết-ma học hối Ba-la-di xong, vì Tăng im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy58.

Căn cứ tác phẩm Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao, ngài Đạo Tuyên chỉ đề cập đến việc sám hối tội dâm Ba-la-di mà không đề xuất ba trọng tội còn lại59. Đặc biệt, trong tác phẩm Tứ phần luật Tỳ-kheo-ni sao, quyển hạ, ngài còn lưu ý rằng, pháp thức sám hối tội Ba-la-di vẫn được phép tiến hành đối với Tỳ-kheo-ni60.

Cũng theo tác phẩm, Một số vấn đề về giới luật61, pháp thức sám hối ba-la-di được tiến hành như sau: Nếu Tỳ-kheo nào phạm tội ba-la-di, ngoại trừ tội giết người, mà có tâm tàm quý, hối hận, quyết chí sửa chữa, bạch với Tăng chúng ngay sau khi phạm, thì Tăng chúng sẽ tập hợp ít nhất là 20 Tỳ-kheo62, bạch tứ yết-ma (một lần bạch, ba lần biểu quyết) ban cho vị ấy pháp học hối Ba-la-di hay Dữ học ba-la-di. Đồng thời ban cho 35 pháp Tùy thuận bắt phải tuân thủ suốt đời.

Ba mươi lăm pháp Tùy thuận này được chúng tôi trích tập từ các bộ như Tỳ-ni tâm63; Tam bộ luật sao64; Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao65. Bao gồm: 1, Không nên đăng đàn truyền đại giới. 2, Không nên làm thầy y chỉ. 3, Không nên nuôi dưỡng Sa-di. 4, Không nên vâng mệnh Tăng sai làm giáo thọ Tỳ-kheo-ni. 5, Nếu như Tăng sai làm giáo thọ Tỳ-kheo-ni, không nên đảm nhận. 6, Không nên thuyết giới. 7, Nếu trong Tăng có vấn hỏi về nghĩa giới luật, không nên ứng đối. 8, Nếu Tăng sai làm yết-ma, nên khéo chối từ. 9, Nếu trong Tăng tuyển chọn người có trí tuệ và ứng đối các việc, không nên dự phần. 10, Nếu Tăng chọn làm người tin cẩn, không nên đảm đương. 11, Không được vào thôn xóm khi quá sớm. 12, Không được rời thôn xóm trở về chùa khi quá muộn. 13, Nên thân cận Tỳ-kheo. 14, Không nên thân cận cư sĩ, ngoại đạo. 15, Nên thuận theo dạy bảo của Tỳ-kheo, không nên viện dẫn điển cố để ứng đối. 16, Không nên tái phạm tội này, dù việc gì cũng không nên phạm. 17, Không được phạm tội tương tự. 18, Không được trùng phạm các tội. 19, Không nên nghi ngờ yết-ma. 20, Không nên quở trách người tác pháp yết-ma, 21, Nếu có Tỳ-kheo phát tâm trải tọa cụ cúng dường, không nên ngồi. 22, Không nên để người khác rửa chân cho mình. 23, Không nên nhận các cúng vật dùng để rửa chân. 24, Không nên để người lau, rửa giày dép của mình. 25, Không nên để người kỳ cọ thân thể. 26, Không nên ứng cử là Tỳ-kheo xuất sắc. 27, Không nên cùng người bàn chuyện quá khứ của mình. 28, Không nên đảm nhận các việc liên quan đến chứng minh. 29, Không nên ngăn trở bố-tát, tự tứ. 30, Không nên tranh tụng với Tỳ-kheo. 31, Không nên thọ Tỳ-kheo khác lễ lạy. 32, Không nên thọ Tỳ-kheo khác chắp tay xá chào. 33, Không nên nhận sự vấn an thăm hỏi từ Tỳ-kheo khác. 34, Không nên nhận sự cung đón, tống tiễn trang trọng. 35, Không nên nhận làm người truyền thừa y bát. Đó là 35 việc nhất nhất phải tuân hành, không được vi phạm66.

Ngoài ba mươi lăm pháp Tùy thuận phải vâng giữ suốt đời, theo Trị thiền bệnh yếu pháp67, người phạm Ba-la-di tội trước phải tạm cởi Đại y (Tăng-già-lê), mà chỉ mang Tạp tác y (An-đa-hội) chấp lao phục dịch, phát tâm đảm nhiệm những công việc nặng nề, dơ bẩn như vệ sinh nhà xí, với thời gian 800 ngày, sau đó tắm rửa sạch sẽ rồi mới được mặc lại Đại y68 .

sam hoi 2.jpg

Trong hành hoạt đời thường, người thọ pháp Học hối Ba-la-di, theo luật Thập tụng69, thì ngồi sau các vị Tỳ-kheo và ngồi trước các Sa-di, được tham dự hai pháp yết-ma bố-tát và tự-tứ, nhưng không tính vào túc số của Tăng; ngoài ra, các pháp yết-ma khác của Tăng đều không được tham dự, nhưng được thọ tuế. Nếu như trùng phạm Ba-la-di, Tăng sẽ làm pháp yết-ma diệt tẩn, tước y bát và đuổi ra khỏi trú xứ.

Nếu như thực hiện đầy đủ pháp thức sám hối Ba-la-di trên đây, theo kinh Tỳ-ni mẫu70 thì đời này tuy không thể thoát tử, siêu sanh, hoặc chứng đắc Tứ thánh quả, lại cũng không được công đức vô lậu, nhưng sẽ ngăn ngừa để không bị đọa vào địa ngục.

Kết luận

Bằng nhiều cách thức khác nhau, Đức Phật đã khai mở cho chúng sanh nhận ra yếu tính bình đẳng trong bản thân của mỗi người và mỗi loài, đó là khả năng thăng tiến và tìm về ngôi vị Phật quả. Khả năng đó không phân biệt bất kỳ ai. Khi cho rằng, nhất-xiển-đề thành Phật là một cách biểu đạt khác của tuyên ngôn mà Đức Phật đã tuyên thuyết: Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành. Đây là một tuyên ngôn thấm đẩm tuệ giác của Đức Phật và được các tông phái Phật giáo thừa nhận. Quan điểm nhất-xiển-đề không có Phật tánh hay không thể thành Phật, sở dĩ được hình thành là do điều kiện giới hạn của lịch sử, hoặc do cách hiểu của một cá nhân, hoặc do sự hiểu lầm về một thuật ngữ trong khi chuyển dịch. Vì thực sự, nếu cho rằng nhất-xiển-đề không có Phật tánh và không thể thành Phật, là chưa đúng với nội dung kinh Phật thuyết Đại bát Nê hoàn.

Là chúng sanh sống trong cõi dục, dù nhân loại hay chư thiên, dù thường nhân hay xuất gia phạm hạnh, phải nỗ lực rất lớn, mới có thể thoát khỏi sự chi phối của dục vọng. Đối với người xuất gia, do đặc thù của lý tưởng sống nên Đức Phật chế định phải đoạn trừ sắc dục. Nếu phạm, thì được xem như là kẻ lâm trọng bệnh và không có cơ may sống sót. Tuy vậy, Đức Phật không bao giờ buông tay với bất kỳ ai nên đã tạo ra những cơ may, dù ít ỏi, với người phạm trọng giới. Bên cạnh đó, Ngài cũng lưu ý thêm rằng, cơ hội đã rất hiếm hoi, thì cần nên trân trọng và nghiêm túc thực hiện.

Không ai muốn con mình uống thuốc độc rồi cầu thầy chữa trị. Việc chỉ bày chúng sanh phương thức sám hối khi phạm trọng giới, cũng là việc mà bậc Y vương như Đức Phật không hề trông mong!

 Chúc Phú

______________________________

(1) 大正藏第 12 冊 No 0.374 大般涅槃經,卷第十九.Nguyên văn: 有二白法,能救眾生:一慚,二愧. Xem thêm, 大正藏第 23 冊 No 1.435 十誦律, 卷第四十八, 二法初; ĐTKVN, kinh Tăng chi bộ,  tập 1, chương 2 pháp, phẩm Hình phạt, kinh Hai loại tội, VNCPHVN, 1996, tr.101.

(2) Lamotte, Étienne, History of Indian Buddhism, Paris: Institute Orientaliste Louvain-La-Neuve, 1988, p.557-558.

(3)大正藏第 09 冊 No 0.262 妙法蓮華經, 方便品第二.  Nguyên văn: 諸佛世尊, 欲令眾生開佛知見.

(4) Michael K. Jerryson. Buddhist Fury: Religion and Violence in Southern Thailand. New York: Oxford University, 2011, p. 216.

(5) 大正新脩大藏經第 23 冊 No 1.435 十誦律, 卷第四十三. Nguyên văn: 爾時長老車匿母作比丘尼, 名憂婆和. 妹作比丘尼, 名闡提.

(6)大正新脩大藏經第 24 冊 No 1.463 毘尼母經, 卷第八. Nguyên văn: 願世尊聽我用闡提之論正佛經義.

(7)大正新脩大藏經第 28 冊 No 1.546 阿毘曇毘婆沙論, 卷第九.

(8)大正藏第 12 冊 No 0.374 大般涅槃經.

(9)大正藏第 54 冊 No 2.131 翻譯名義集.

(10) 大正藏第 54 冊 No 2.128 一切經音義.

(11) 一闡底柯此云多貪 謂貪樂生死不求出離, 故不信樂正. 法舊云阿闡提.

(12) 中華藏第 057 冊 No 1.163 一切經音義(第16卷-第25卷).

(13) 闡底迦.此云多貪.

(14) M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. USA: Nataraj Books, 2014, p.169.

(15) 大正藏第 16 冊 No 0.670 楞伽阿跋多羅寶經.

(16) 大正藏第 16 冊 No 0.671 入楞伽經.

(17) 大正藏第 12 冊 No 0.376 佛說大般泥洹經, 卷第四. Nguyên văn: 復有比丘廣說如來藏經言一切眾生皆有佛性. 在於身中無量煩惱悉除滅已. 佛便明顯.除一闡提.

(18)          大正藏第 36 冊 No 1.736 大方廣佛華嚴經隨疏演義鈔, 卷第八.

(19) 大正藏第 49 冊 No 2.035 佛祖統紀, 卷第二十六. Nguyên văn: 師被擯南還入虎丘山. 聚石為徒講涅槃經. 至闡提處則說有佛性. 且曰. 如我所說契佛心否. 群石皆為點頭.

(20) 大正藏第 12 冊 No 0.376 佛說大般泥洹經, 卷第六. Nguyên văn: 謂彼諸惡業世間大鄙陋者. 一闡提輩永離菩提因緣功德. 斯等名為世間鄙陋. 於此大乘最後覺悟得為佛. 名是亦鄙陋. 諸佛法爾.

(21) 大正藏第 12 冊 No 0.376 佛說大般泥洹經, 卷第六. Nguyên văn: 能令一闡提,悉成平等覺.

(22) 中華藏第 057 冊 No 1.163 一切經音義(第16卷-第25卷). Nguyên văn: 阿闡底迦… 亦言一闡底柯. 此云多貪, 謂貪樂生死不求出離故. 不信樂正法. 舊言阿闡提.

(23) Theo Xuất Tam tạng ký tập, quyển 3, quyển 8 và quyển 15.

(24) 大正新脩大藏經第 24 冊 No 1.484 梵網經.

(25) 大正藏第 12 冊 No 0.387 大方等無想經.

(26) 大正藏第 31 冊 No 1.610 佛性論.

(27) 大正藏第 25 冊 No 1.512 金剛仙論.

(28) 大正藏第 34 冊 No 1.720 法華玄論.

(29) 大正新脩大藏經第 24 冊 No 1.484 梵網經, 盧舍那佛說菩薩心地戒品第十卷下. Nguyên văn: 汝是當成佛,我是已成佛.

(30) Kinh Tăng chi, chương Năm pháp, phẩm Bệnh, kinh Ngũ nghịch.

(31) Kinh Tăng nhất A-hàm, phẩm Phóng ngưu, thứ 49. Thích Đức Thắng dịch, Thích Tuệ Sĩ hiệu đính và chú thích. Kinh số 9. Tham chiếu: 大正新脩大藏經第二冊 No 125,  增壹阿含經卷第四十七,  放牛品第四十九今分品:  復由提婆達兜最後命終之時. 起和悅心. 稱南無故. 後作辟支佛. 號名曰南無.

(32) Kinh Mi Tiên vấn đáp, Hòa thượng Giới Nghiêm dịch, NXB.Tôn Giáo, 2003, tr.323. Xem thêm, Tích truyện Pháp cú, bản dịch của Viên Chiếu, Những hành động ác của Đề Bà Đạt Đa; Narada, Đức Phật và Phật pháp, Những người chống đối và những đại thí chủ, Đức Phật và Devadatta.

(33) 大正新脩大藏經第九冊 No 262, 妙法蓮華經.

(34) Tỷ-kheo giới, Trí Quang dịch, NXB.TP.HCM, 1994, Tr.42-44.

(35) Luật Ma-ha-tăng-kỳ, quyển 1, Thích Phước Sơn dịch, NXB.Tôn Giáo, 2003, tr. 73.

(36) 大正新脩大藏經第 23 冊 No 1.435 十誦律, 卷第一. Nguyên văn: 波羅夷者, 名墮不如, 是罪極惡深重, 作是罪者, 即墮不如, 不名比丘, 非沙門非釋子, 失比丘法.

(37) Luật Tứ phần, quyển 1, HT.Thích Đỗng Minh, dịch, NXB.Tổng Hợp TP.HCM, 2006, tr.29.

(38) 大正藏第 12 冊 No 0.374 大般涅槃經, 卷第十. Nguyên văn: 爾時純陀復白佛言: 世尊! 所言破戒,其義云何?答言: 純陀! 若犯四重及五逆罪, 誹謗正法, 如是等人名為破戒. 純陀復問: 如是破戒, 可拔濟不? 答言: 純陀! 有因緣故,則可拔濟. 若被法服猶未捨遠, 其心常懷慚愧恐怖, 而自考責: 咄哉, 何為犯斯重罪? 何期怪哉, 造斯苦業? 其心改悔, 生護法心, 欲建正法. 有護法者, 我當供養. 若有讀誦大乘典者. 我當諮問, 受持讀誦, 既通利已, 復當為他, 分別廣說, 我說是人不為破戒.

(39) 大正藏第 11 冊 No 0.310 大寶積經, 卷第九十, 優波離會第二十四. Nguyên văn: 復次舍利弗. 若有菩薩犯波羅夷者. 應對清淨十比丘前以質直心殷重懺悔.

(40) HT.Thích Phước Sơn, Một số vấn đề về giới luật, NXB.Phương Đông, 2010, tr. 126-128.

(41) 大正藏第 40 冊 No 1.804 四分律刪繁補闕行事鈔.

(42) 大正藏第 40 冊 No 1.808 四分律刪補隨機羯磨.

(43) 卍新續藏第 40 冊 No 0.724 四分比丘尼鈔.

(44) 大正藏第 50 冊 No 2.061 宋高僧傳.

(45) 大正藏第 55 冊 No 2.149 大唐內典錄.

(46) 大正藏第 55 冊 No 2.154 開元釋教錄.

(47) 大正藏第 55 冊 No 2.184 新編諸宗教藏總錄, 卷第二.

(48) 卍新續藏第 59 冊 No 1.104 芝園遺編.

(49) 大正藏第 15 冊 No 0.620 治禪病祕要法.

(50) 大正藏第 24 冊 No 1.463 毘尼母經.

(51) 大正藏第 23 冊 No 1.435 十誦律.

(52) 大正新脩大藏經第 23 冊 No 1.440 薩婆多毘尼毘婆沙, 卷第二.

(53) 大正藏第 22 冊 No 1.425 摩訶僧祇律, 卷第二十六.

(54) 大正藏第 40 冊 No 1.804 四分律刪繁補闕行事鈔, 卷中.

(55) 大正藏第 23 冊 No 1.435 十誦律, 卷第四十八, 二法初. Nguyên văn: 有智不覆藏者有二果:人,天. Kinh Tăng Chi, chương hai pháp, phẩm Người ngu, cũng khẳng định điều tương tự: Với người không có hành động che đậy, này các Tỷ-kheo, một trong hai sanh thú được chờ đợi: chư Thiên hay loài Người.

(56) 大正藏第 40 冊 No 1.809 僧羯磨.

(57) 大正藏第 22 冊 No 1.425 摩訶僧祇律, 卷第二十六.

(58) Trong tác phẩm Tăng yết-ma, nêu dẫn pháp yết-ma học hối Ba-la-di. Sau khi phối khảo, chúng tôi thấy Tăng yết-ma vẫn dựa trên cơ sở luật Ma-ha-tăng-kỳ, chỉ khác biệt là để trống tội danh và tên tỳ-kheo phạm tội. Để độc giả tiện theo dõi, chúng tôi sử dụng đoạn văn trong luật Ma-ha-tăng-kỳ, quyển 3, HT. Thích Phước Sơn, dịch, NXB. Tôn giáo, 2003, tr.308-309.

(59) 大正藏第 40 冊 No 1.804 四分律刪繁補闕行事鈔, 卷中. Nguyên văn: 大德僧聽. 我某甲比丘. 犯淫波羅夷無覆藏.

(60) 卍新續藏第 40 冊 No 0.724 四分比丘尼鈔. Nguyên văn: 舊師云不許尼懺者此是看文不審也.

(61) HT.Thích Phước Sơn, Một số vấn đề giới luật, NXB. Phương Đông, 2010, tr. 127.

(62) Theo, kinh Đại Bảo Tích, quyển thứ 90, thì cần 10 vị Tỳ-kheo. Nguyên văn: 應對清淨十比丘前以質直心殷重懺悔.

(63) 大正藏第 85 冊 No 2.792 毘尼心.

(64) 大正藏第 85 冊 No 2.793 三部律抄.

(65) 大正藏第 40 冊 No 1.804 四分律刪繁補闕行事鈔.

(66) 一不應授人大戒. 二不應受人依止. 三不應畜沙彌. 四不應受僧差教授比丘尼. 五若僧差不應往.

一不應說戒. 二若僧中問答毘尼義. 不應答. 三若僧差作羯磨. 不應作. 四若僧中簡集智慧者共評論眾事. 不在其例. 五若僧差作信命. 不應作.

一不得早入聚落. 二不得偪暮還. 三親近比丘. 四不應近白衣外道. 五應順從諸比丘教. 不應作異語.

一不應更犯此罪.餘亦不應犯(謂為殘作訶責指下篇為餘也). 二若相似若從此生(相似謂同一篇罪也. 從此生者. 謂為摩觸訶責而與女屏坐). 三若復重於此(謂犯提被治後更犯殘等). 四不應嫌羯磨. 五不應訶羯磨人.

一若善比丘為敷坐具供養. 不應受. 二不應受他洗足. 三不應受他安洗足物. 四不應受他拭革屣. 五不應受他揩摩身.

一不應舉善比丘. 二不應與他憶念作自言. 三不應證他事. 四不應遮布薩自恣. 五不應共比丘諍.

一不應受若比丘禮拜, 二合掌, 三問訊, 四迎送, 五持衣鉢此. 是三十五事一一應奉行不得違.

(67) 大正藏第 15 冊 No 0.620 治禪病祕要法.

(68) 大正藏第 15 冊 No 0.620 治禪病祕要法. Nguyên văn: 掃廁擔糞. 經八百日. 然後復當澡浴身體. 還著僧伽梨.

(69) Dẫn lại từ, 大正藏第 40 冊 No 1.804 四分律刪繁補闕行事鈔, 卷中.

(70) Ngài Đạo Tuyên viện dẫn bản kinh này nhiều lần. Xem, 大正藏第 24 冊 No 1.463 毘尼母經, 卷第三. Nguyên văn: 但此一身不得超生離死證於四果,亦不得無漏功德,然障不入地獄耳.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày