Những bất hợp lý trong nội dung bản kinh Phật thuyết Đại báo phụ mẫu ân trọng

NSGN - Mở đầu, bản kinh giới thiệu cảnh Phật cùng chư vị Tỳ-kheo và Bồ-tát đang trên đường đến phương Nam, giữa đường gặp đống xương khô, Phật liền năm vóc sát đất lễ bái1. A Nan lấy làm lạ vì sao một Bậc Chí Tôn của trời người lại có hành động lễ bái như vậy? Phật giải thích, đống xương khô là ông bà cha mẹ nhiều kiếp của Đức Phật2, vì thế mà Phật kính lễ.

nsgn.jpg

Kế, là phân tích lý giải về xương người nam và người nữ để nói đến ân trọng của cha mẹ.

Kế nữa, nói về quá trình hình thành của một thai nhi.

Sau đó, nói về 10 công đức mà con cái phải luôn ghi nhớ. 10 công đức này được tụng rộng thành 10 bài kệ.

Kế, diễn tả sự khổ nhọc, lo lắng v.v… của người mẹ, trong đó nói qua lỗi của người con.

Kế, là đưa ra các ví dụ để nói lên công ân cha mẹ khó đền đáp.

Sau cùng, chỉ ra cách báo đền thâm ân cha mẹ và sự phát nguyện hành trì của thính chúng.

Trong bản kinh có ba chỗ cần khảo sát. Đó là quá trình hình thành thai nhi, cách báo đền thâm ân của cha mẹ và vấn đề biên chép kinh.

Thời gian hình thành thai nhi không đúng với thực tế và kinh điển

Ở đây, chúng tôi xin y cứ vào bản kinh Đại báo phụ mẫu ân trọng bản chữ Hán, hiện được lưu trữ tại thư viện chùa Thắng Nghiêm, Hà Nội để khảo sát3, gọi tắt là bản Phật thuyết. Khi cần sẽ dẫn chứng thêm ở các bản dịch của chư vị tôn túc. Cũng chỉ nêu chi tiết những đoạn cần khảo sát.  

Ngụy kinh nói: Này A Nan! Trong 10 tháng mang thai, mẹ rất nhọc nhằn cay đắng. Thai tháng thứ nhất, tựa như hạt sương trên cỏ, sớm còn tối mất... Thai tháng thứ hai, như váng sữa dễ vỡ. Thai tháng thứ ba, dạng như máu đọng... Thai tháng thứ chín, hài nhi nuốt nguyên khí của mẹ, không ăn rau quả, ngũ cốc. Sinh tạng rủ xuống, thục tạng hướng lên. Có một tòa núi chia làm ba tầng: Một là núi Tu-di, hai là núi nghiệp, ba là núi huyết. Núi huyết này mỗi lần sạt góc, hóa thành giòng máu rót vào trong miệng hài nhi. Tháng thứ mười, thân thể vẹn toàn mới đến kỳ sinh…”.

Bản kinh Phật thuyết diễn tả quá trình hình thành thai nhi theo từng tháng. Có 10 tháng tất cả.

Kinh Đại Bửu Tích diễn tả quá trình này theo tuần, gọi là “thất nhựt”. Có 38 tuần. Nếu tính trung bình một tháng có 4 tuần thì 38 tuần tương đương với 9 tháng 14 ngày. Nếu có tháng 5 tuần thì 38 tuần tương đương với 9 tháng 7 ngày. Đó là xác suất cho phép đối với con số “9 tháng 10 ngày” mà từ xưa đến nay vẫn được xem là thời gian mang thai tự nhiên của thai phụ.

Y học, qua các tài liệu ở các diễn đàn y khoa mô tả quá trình này 38 tuần. Vài chỗ nói đến con số 40 hay 42, nhưng số 38 vẫn được chọn làm chuẩn ấn định việc thai nhi ra đời không thiếu tháng. Các số sau là trường hợp ngoại lệ hoặc tính nhầm tháng do thai phụ không rõ thời điểm mình bắt đầu thụ thai.

Do vậy, việc mang thai 10 tháng tuy có khác với kinh Đại Bửu Tích và chuẩn mực bình thường của y học, nhưng không phải là lỗi cần bàn. Lỗi cần bàn nằm ở mốc tháng hình thành thai nhi. Vừa không đúng với kinh Đại Bửu Tích vừa không đúng với những gì mà y học đã miêu tả. Chúng tôi xin đơn cử một vài ví dụ để thấy việc không đúng này.

Bài viết “Sự hình thành giới tính của thai nhi”4 ghi: “Giới tính thai nhi được thiết lập ngay từ lúc thụ thai nhưng phải đến tuần thứ 7, cơ quan sinh dục ở thai nhi bao gồm buồng trứng (ở bé gái) và tinh hoàn (ở bé trai) mới bắt đầu hình thành. Thời gian này, cơ quan sinh dục ở cả bé trai và bé gái đều giống nhau, bởi chúng có cấu trúc hình thành tương tự. Vào khoảng tuần thứ 9, sự phát triển ở cơ quan này của bé trai và bé gái mới có sự khác nhau”. Kinh Đại Bửu Tích nói: “Tuần thứ 9, đã có chín tướng là hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, miệng và chỗ đại tiểu tiện”5. Y học cũng như kinh Đại Bửu Tích đều cho thấy các bộ phận của thai nhi đã bắt đầu xuất hiện và thành hình dần từ tuần thứ 5. Trong khi bản Phật thuyết lại ghi: “Hoài thai tháng thứ ba, dạng như máu đọng”. Tháng thứ ba, tương ưng với tuần thứ 12, mà hình tượng thai nhi chỉ như máu đọng là không phù hợp với thực tế và những gì mà kinh Đại Bửu Tích đã nói.

Một việc cần bàn nữa, là việc cung cấp dưỡng chất nuôi lớn thai nhi.

Hiện nay, gần như ai cũng biết thai nhi được nuôi lớn thông qua đường rốn. Một thai phụ khi mang thai, cân lượng tăng vọt, nhưng đứa trẻ sinh ra lại thiếu ký và thiếu chiều cao, là do bánh nhau bị vôi hóa.6 Kinh Đại Bửu Tích cũng nói: “Mẹ ăn uống có chất bổ dưỡng, liền thấm nuôi thân thai từ lỗ rốn…”. Trong khi bản Phật thuyết lại ghi: “Thai tháng thứ chín, nuốt nguyên khí của mẹ, không ăn rau quả, ngũ cốc… Núi huyết này mỗi lần sạt góc, hóa thành giòng máu rót vào miệng thai nhi”. Phần này, bản dịch của HT.Huyền Tôn dịch sát với bản Phật thuyết. Bản dịch của HT.Trí Quang không thấy dịch phần sau, chỉ có “Chín tháng mới thành thai nhi, hấp thụ nguyên khí của mẹ mà sống”. HT.Huệ Đăng chỉ dịch: “Chín tháng đầy đủ vóc hình”. Có lẽ chỗ trái phạm của bản kinh đã được nhận thấy vào lúc đó, nên mới có sự sai khác ở các bản dịch.   

Trong bản Phật thuyết, có dùng từ “nguyên khí”. Đây là khái niệm mà các nhà Huyền học Trung Quốc thường sử dụng. Trong kinh điển Phật giáo không thấy dùng. Nếu có, chỉ xuất hiện ở các bộ luận của chư vị cổ đức. Vì khi Phật học vào Trung Quốc, Huyền học đang thịnh hành và nắm thế chủ động. Ngôn từ và khái niệm của Huyền học trở thành một loại “thế lưu bố tưởng”7 của người đời. Vì thế, các bậc cổ đức đã sử dụng nó trong các bộ luận của mình, hầu giúp người đời dễ thâm nhập Phật pháp.

Với cái nhìn của Nhất thừa viên giáo thì “Tam thế gian đều nhập pháp luân, tất cả ngữ ngôn âm thanh của chúng sinh đều nhập pháp luân…8. Vì thế, dù ngụy kinh không do Phật thuyết, nhưng nếu phần nội dung có thể phù hợp với tâm của chúng sinh ở một địa phương nào đó, có thể mang lại lợi ích cho chúng sinh trong một giai đoạn nào đó9, nó vẫn có thể được sử dụng như một loại Pháp bảo vào lúc ấy. Có lẽ, đó là lý do mà ở một số nơi, bản Phật thuyết đã được sử dụng và truyền bá rộng rãi. Có điều, hiện nay, vào thời đại mà y học đang phát triển, những gì là bí ẩn của ngày xưa, chưa thể gây tác động mạnh đến người đọc, giờ đã có điều kiện phơi bày, đã có tác động mạnh đến cái nhìn đúng sai của độc giả, có lẽ cũng cần phải coi lại việc dùng bản Phật thuyết làm phương tiện giáo hóa. Bởi những lầm lẫn sơ đẳng đó biểu thị cho cái nhìn thiếu trí tuệ (dù chỉ là pháp ở thế gian). Đó là cái nhân khiến những ai chưa biết gì về Phật giáo (nhưng lại đủ khả năng đọc hiểu những gì được nói trên các báo, trên các diễn đàn mạng, là những thứ không phải khó hiểu với một người mà tri thức không cần rộng cũng không đòi hỏi tuổi tác phải cao) mất niềm tin đối với kinh luận. Cũng là cái nhân tạo nên sự phỉ báng đối với Đức Phật. Vì thế, ngay từ thời nhà Minh, Đại sư Liên Trì (1535 - 1615)10 đã nói: “Ông chỉ biết đến một cái lợi mà chẳng biết đến hai cái hại. Một cái lợi thì đúng như ông nói, khuyên người ta thực hành hiếu đạo, há chẳng phải là việc tốt sao? Cho nên nói là một điều lợi. Còn hai cái hại là những gì? Một là những người vốn chẳng tin Phật, thấy các sách đó càng thêm phỉ báng: “Lời Phật thô kệch, quê mùa như vậy, đã biết các kinh khác thế nào”. Coi chúng ngang với các Pháp bảo vô thượng trong Đại tạng, khiến cho tội lỗi của họ càng nặng. Đó là một cái hại. Hai, là người vốn tin Phật chỉ có tín tâm, chưa từng đọc rộng nội điển, thấy những lời lẽ thô kệch, quê mùa đó, cũng lại sinh nghi ngờ, vì vậy mà cho rằng những kẻ báng Phật chưa hẳn là sai trái, do đó đã khuấy động hoặc chướng đối với họ. Đó là hai. Thế là hại nhiều mà lợi ít. Huống hồ khuyến hiếu tự có “Đại phương tiện báo ân kinh” cùng “Vu lan kinh”, biết bao nhiêu thứ thật sự do Phật thuyết lưu thông ở thế gian, cần gì phải dùng thứ ngụy tạo đó”. Đó là lý do thứ nhất cần coi lại việc dùng ngụy kinh như một phương tiện giáo hóa.

Nhân quả hỗn tạp trong lời dạy báo ân    

Duyên khởi là thực lý chi phối thế giới này. Vì thế đầu các kinh đều có phần duyên khởi của kinh. Phần duyên khởi này nói cho biết kinh này được nói cho hạng chúng sinh nào. Tức, ngoài hạng chúng sinh đó ra, kinh không có giá trị.

Kinh lập ra là do có tâm chúng sinh. Nên nội dung của kinh ứng đúng với tâm hạnh của hạng chúng sinh đó. Duyên nào có pháp đó. Kinh dạy cho hàng tại gia sẽ có nội dung phù hợp với sở cầu và căn cơ của hàng tại gia. Kinh dạy cho hàng Thanh văn, sẽ có nội dung phù hợp với sở cầu và căn cơ của hàng Thanh văn. Kinh dạy cho hàng Bồ-tát sẽ có nội dung phù hợp với sở cầu và căn cơ của hàng Bồ-tát. Tùy cấp độ tâm Bồ-tát mà nội dung kinh có sai khác. Kinh nếu dạy chung cho tất cả thì pháp cũng ứng đủ với các loại căn cơ. Nhân quả tương hợp rõ ràng, không hỗn tạp.

Theo những gì bản kinh Phật thuyết trình bày thì lời dạy đa phần nhắm vào hàng Phật tử tại gia (cúng dường Tam bảo, bố thí tu phước, in kinh…) trong cái duyên là thực hiện việc báo ân đối với cha mẹ.

Kinh Phật thuyết nói: “Này Phật tử! muốn báo được ân, phải vì cha mẹ biên chép kinh này, phải vì cha mẹ tụng đọc kinh này. Phải vì cha mẹ, sám hối tội khiên. Phải vì cha mẹ, cúng dường Tam bảo. Phải vì cha mẹ, thọ trì trai giới. Phải vì cha mẹ, bố thí tu phước. Nếu hay như thế, gọi là hiếu tử. Không làm các hạnh ấy là người của địa ngục”11. Ngay trong lời dạy báo hiếu đã có vấn đề cần bàn, nhưng việc đó vẫn có thể bỏ qua, nếu không có câu kết luận “Không làm các hạnh ấy thì đọa địa ngục”. 

Mọi lời dạy chỉ thấy nói đến việc tu hành của người con, rồi dùng phước ấy hồi hướng cho song thân. Không thấy dạy người cách hành xử đối với cha mẹ. Là cái nhân trực tiếp thể hiện tình thương và lòng biết ơn của con cái đối với song thân.

Nếu bản Phật thuyết chỉ nhắm đến việc đền báo thâm ân đối với cha mẹ đã khuất thì riêng phần này không có lỗi để bàn. Nhưng nếu bản kinh được dạy chung cho hàng Phật tử vẫn còn cha mẹ như bản dịch của HT.Huệ Đăng đã thể hiện: “Sắm sanh lễ vật đủ đầy/ Chờ giờ câu hội đặt bày cúng dâng/ Ðặng cầu nguyện song đường trường thọ…”,12 thì cách báo hiếu như vậy là không đủ và thiếu tính thực tế. Vì gần như không có bậc cha mẹ nào có đủ niềm tin đối với Tam bảo và kinh luận đến mức có thể chấp nhận con cái chỉ lấy việc hồi hướng như vậy làm chính, mà không quan tâm lo lắng cho mình. Khó mà tránh được việc khiến cha mẹ sinh niệm ai oán đối với Tam bảo. Chỉ có hàng Đại Bồ-tát mới có thể chấp nhận sự thiếu sót đó. Nhưng vậy thì đã qua một duyên khác, không thể bàn trong cái duyên là tâm thức của phàm phu tu phước. Cho nên, với cách báo hiếu như thế chưa thể gọi là báo ân, càng không phải là đại báo ân.

Trong kinh Trường bộ II, bài kinh “Lễ bái sáu phương”, Phật dạy con một gia chủ: “Một, được nuôi nấng, con cái sẽ nuôi nấng lại cha mẹ. Hai, làm bổn phận đối với cha mẹ. Ba, giữ gìn truyền thống gia đình. Bốn, bảo vệ tài sản thừa tự. Năm, làm tang lễ khi cha mẹ qua đời”. Lời dạy không thấy đề cập đến tụng kinh, niệm Phật, cúng dường Tam bảo, chỉ thấy thể hiện việc con cái phải chăm sóc cha mẹ cả về tinh thần lẫn vật chất. Là những việc khiến cha mẹ được an tâm vui mừng, phù hợp với tâm thức ưa thích của đa phần cha mẹ. Đó mới là cái nhân trực tiếp khiến hầu hết các bậc cha mẹ vui lòng, cũng là nền tảng hiếu hạnh mà không phải chỉ có Phật tử mới thực hiện được.

Cha mẹ vui lòng rồi thì việc con cái cung kính cúng dường Tam bảo, đọc tụng kinh luận v.v… mới có giá trị đối với ông bà. Đó là cái nhân khiến việc khuyến hóa cha mẹ quy hướng Tam bảo v.v… trở nên dễ dàng.             

Ngay trong bản kinh Đại thừa bản sanh tâm địa quán, việc báo ân không còn đặt trên vấn đề tu phước mà đã nói đến việc tu “chân thật ba-la-mật”, nhưng đầu kinh vẫn nêu “Cha có từ ân, mẹ có bi ân. Bi ân của mẹ, nếu ở thế gian một kiếp thuyết cũng không hết. Ta nay vì ông chỉ nói ít phần. Giả như có người vì cầu phước đức lấy chiên đàn trầm hương lập các phòng xá, dùng muôn báu trang nghiêm v.v… cung kính cúng dường cho 100 đại Bà-la-môn tu tịnh hạnh, 100 đại thần tiên có ngũ thông, 100 thiện hữu v.v… nhất tâm cúng dường như thế mãn đến ngàn kiếp, không bằng một niệm trụ tâm hiếu thuận, dùng chút sắc vật cúng dường bi mẫu, tùy thời cung phụng hầu hạ. Các công đức trước so với công đức này dù có trăm ngàn vạn phần cũng không sánh được”. So sánh như thế để con cái thấy việc cung phụng hầu dưỡng cha mẹ quan trọng thế nào.

Cho nên, trong việc báo hiếu, nhất là với người tại gia tu phước, tâm lực còn yếu, không thể thiếu phần dạy người cung dưỡng, lo lắng, hỏi han, thuốc thang cho cha mẹ.

Tuy chăm sóc lo lắng cho cha mẹ chính là hiếu, nhưng với cái nhìn của Phật giáo, nói đến báo hiếu thì chưa đủ. Phải làm sao giúp cha mẹ quy y Tam bảo và hành thiện nghiệp. Quan trọng vẫn là hành thiện nghiệp. Vì thiện nghiệp là cái nhân giúp chư vị an ổn hạnh phúc trong tương lai. Bởi nghiệp người nào người đó gánh, dù thân thiết như cha con cũng chưa chắc gánh thay được. Người con nếu chỉ lấy việc tu phước của mình hồi hướng cho cha mẹ mà không giúp cha mẹ tự tạo thiện nghiệp thì việc báo ân khó mà chu tất. Bởi trong phần phước đức tạo dựng đó, cha mẹ chỉ nhận được một phần, còn sáu phần thuộc người gây tạo13. Trong khi tu phước thì phước đức dù nhiều cũng chỉ là thứ ngoài da, không thể có lực như những pháp tu liên quan trực tiếp đến tâm. Có lẽ do nhận ra sự thiếu sót này mà HT.Trí Quang đã có sự thay đổi trong bản dịch của mình: “Phải biết sám hối tội lỗi cha mẹ, bằng cách khuyến khích cha mẹ thực hành Chánh pháp tối thượng. Phải vì cha mẹ mà giữ tịnh giới, mà làm bố thí, làm hạnh lợi tha”.14 

Cần biết, tuy đều là hồi hướng, nhưng tu phước rồi dùng phước đức đó hồi hướng cho cha mẹ, khác xa với việc tu “Chân thật ba-la-mật” mà hồi hướng. Vì nói đến “Chân thật ba-la-mật” là nói đến việc phát tâm Bồ-đề, hành Bồ-tát đạo v.v… Chỉ một việc phát tâm Bồ-đề, công đức đã khó nghĩ bàn, huống còn các hạnh khác. Kinh Đại phương quảng hoa nghiêm, phẩm “Công đức Bồ-tát sơ phát tâm” ghi: “Bồ-tát Pháp Tuệ nói: “Giả như có người cúng dường tất cả vật dụng ưa thích cho chúng sinh trong a-tăng-kỳ thế giới ở phương Đông đến một kiếp. Sau đó, dạy họ tịnh tu ngũ giới. Với phương Tây, phương Bắc, phương Nam, phương trên, phương dưới và bốn phương góc cũng đều như thế. Thưa Phật tử! Ý Phật tử thế nào? Công đức người kia có nhiều chăng?” Đế Thích đáp: “Trừ chư Như Lai, còn lại tất cả đều không thể lường được công đức của người ấy”. Pháp Tuệ nói: “Công đức tạng của Bồ-tát sơ phát tâm, trăm phần công đức của người kia chẳng bằng một. Ngàn phần, trăm ngàn phần, ức phần, trăm ức phần, ngàn ức phần… cũng chẳng bằng một”. Đó là lý do vì sao chư vị xuất gia phát tâm Bồ-đề, tu hành làm lợi ích cho chúng sinh, tuy không phụng dưỡng cha mẹ, nhưng vẫn không mang tội bất hiếu, lại có thể đền báo 4 ân.

Trong các hạnh tu được nêu ra trong bản kinh Phật thuyết, có câu “thọ trì trai giới”. Hòa thượng Huyền Tôn dịch là “ăn chay và giữ giới”15.

Trong Cullavagga, Đề Bà Đạt Đa đã nêu kiến nghị cho Tăng đoàn trường chay, nhưng Phật đã bác kiến nghị ấy16. Bởi chay mặn không phải là cái nhân của việc giải thoát. Nói đến giải thoát, phải nói đến việc phá trừ tập nghiệp. Đã phá trừ tập nghiệp thì chay hay mặn, một khi đã tích tụ thành tập nghiệp, đều phải phá bỏ.

Việc không ăn thịt, chỉ được nói đến trong các bộ kinh Đại thừa như Lăng-già, Lăng nghiêm. Chủ yếu là để nhắc nhở chư vị Bồ-tát thuộc Tam hiền, phá trừ tập khí ăn mặn, giúp mở rộng lòng từ.

Trong Lăng-già tâm ấn, Đại sư Hàm Thị bàn rằng: “Cổ chú nói, Như Lai ở trong cung quỷ vương nói pháp, các chúng Dạ-xoa v.v… nhớ giờ ăn đã đến, chẳng phải thịt thì không ăn được, Đại Huệ vì muốn các quỷ vương sinh từ tâm, nhân đó thỉnh Như Lai nói lỗi ăn thịt, đây vẫn là tùy căn cơ chúng sinh”.

Kinh Lăng nghiêm, tuy có nói đến việc “không ăn thịt”, nhưng chủ yếu là nói đoạn tâm giết hại, cũng là để răn hàng Bồ-tát Tam hiền không rơi vào ma đạo. Bởi “Trong đời mạt pháp, các loài quỷ thần phần nhiều tăng thạnh ở thế gian, tự nói ăn thịt được đạo Bồ-đề”17. Nếu ỷ y theo đó mà buông lung thân tâm thì tập khí ăn mặn không thể dứt. “Tập” không thể dứt thì không thể nói đến giải thoát v.v… Để đối trị việc đó, Phật dạy hàng Bồ-tát không ăn thịt.

Với hàng Phật tử tại gia lấy việc tu phước làm chính, nếu chay trường được thì quá tốt, nhưng đó không phải là giới luật mà một Phật tử tại gia phải thọ trì. Tương tự, các việc như chép kinh, tụng kinh, in kinh, cúng dường Tam bảo không phải là giới luật mà một Phật tử tại gia phải thọ trì. Làm được thì tăng phước, gieo duyên với Tam bảo, sẽ được nhiều lợi ích cho bản thân trong hiện tại và tương lai. Nhưng không làm được, cũng không có lỗi để phải chịu cái quả như bản Phật thuyết đã nói: “Chẳng làm các hạnh ấy thì đọa địa ngục”.

Nói về việc giữ giới, Phật tử tại gia khi quy y, có thọ trì 5 giới. Vì sao Phật đưa ra 5 giới mà không phải là ăn chay, niệm Phật, tụng kinh v.v…? Vì 5 giới đó là cái nhân giúp hàng Phật tử tại gia tránh được cái quả ở ba đường dữ (ngạ quỷ, súc sinh và địa ngục). Cho nên, nói đến địa ngục mà nêu cái nhân là phạm 5 giới thì chấp nhận được, nhưng việc đó chỉ có thể nói là “có thể”, không thể khẳng định như bản Phật thuyết đã nói. Vì mọi thứ còn tùy thuộc vào hình thức và mức độ vi phạm cũng như cận tử nghiệp của đương sự. Tùy cái nhân mà hoặc là rơi thẳng vào ba đường dữ, hoặc làm người mà phải chịu hoàn cảnh khổ đau v.v…

Lỗi của bản kinh Phật thuyết là thành lập nhân quả không rõ ràng. Vơ chung hết thảy các hạnh rồi khẳng định: “không làm các hạnh đó thì đọa địa ngục”. Không phải là tinh thần có trong kinh luận Phật giáo.

Đó là luận chữ “trai giới” theo nghĩa mà HT.Huyền Tôn đã dịch.

Nếu “Trai giới” được hiểu theo nghĩa mà tự điển Phật Quang đã nói thì nó có ba nghĩa. Nghĩa rộng, chỉ cho sự thanh tịnh thân tâm, ngăn phòng thân tâm giải đãi. Nghĩa hẹp, chỉ cho giới Bát quan trai hoặc giới pháp không ăn quá ngọ. Thanh tịnh thân tâm cũng như không ăn quá ngọ, không phải là pháp dành cho hàng Phật tử tại gia tu phước, nên đây không bàn đến. Pháp có thể bàn đến là Bát quan trai giới.

Trong kinh Tăng nhất A-hàm quyển III. Phẩm “Thiên tử Mã Huyết hỏi về Bát chánh, phần 1”, có nói đến việc Phật tử tại gia thực hành Bát quan trai vào ba ngày mùng 8, 14 và 15 mỗi tháng. Thực hành Bát quan trai rồi hồi hướng cho Bồ-đề vô thượng, ngoài việc giúp Phật tử lìa dần tham dục, nó còn có thể giúp hành giả thoát được chốn địa ngục. Nghĩa là, nếu đã lỡ phạm vào các hạnh đọa địa ngục, thì nhờ thực hành pháp Bát quan trai này mà có thể thoát được chốn địa ngục. Nhưng vậy không có nghĩa là không thực hành Bát quan trai thì đọa địa ngục. Không hành Bát quan trai mà không hề gây các tội đọa địa ngục thì cũng không thể đọa địa ngục. Vì thế không thể khẳng định chung chung: “Không làm các hạnh đó thì đọa địa ngục”. Đó không phải là bút pháp của người đã thấu đạt lý Duyên khởi như Đức Phật.

Hiện thực, khi nói đến hiếu hạnh, vẫn có những vị không phải đạo Phật, hoặc tuy có thờ Phật, nhưng chưa từng biết đến kinh này, cũng chưa từng cúng dường Tam bảo, cũng không từng ăn chay v.v… nhưng thưa hỏi, săn sóc, lo lắng cho cha mẹ rất mực chu toàn. Chư vị cũng biết khuyên cha mẹ mở lòng bố thí giúp đỡ người nghèo v.v…18. Với những người như vậy, không thể quy họ vào nhóm “bất hiếu”. Bài kinh Phật dạy cho gia chủ Thi Ca La Việt vừa nói cũng thể hiện điều này. Đã không thể quy vào nhóm bất hiếu thì cũng không thể nói “nếu hay như thế thì gọi là hiếu tử. Không làm các hạnh ấy là người của địa ngục”. Đây là việc lầm nhân lộn duyên đáng tiếc của bản Phật thuyết.

Tạo kinh có thấy Phật?

Kinh Phật thuyết nói: “Nếu thiện nam thiện nữ vì ông bà cha mẹ mà in kinh này, mới thật là báo đáp ân sâu dày của cha mẹ. Tạo được một quyển thì thấy được một Đức Phật... Tạo được mười quyển thì thấy được mười Đức Phật. Tạo được vạn quyển, thấy được vạn Đức Phật...”.

Trong Đại thừa khởi tín luận nghĩa ký, Đại sư Pháp Tạng có nói đến hai trường hợp thấy được Phật:

1- Nhờ có định tâm19. Đại sư nói: “Như trong chậu bể, nước không thể tụ. Nước chẳng thể tụ nên chậu bể tuy thật có trăng chiếu mà vẫn không hiện được. Cũng vậy, chúng sinh nếu không có được Samatha nhuần nhuyễn liên tục, thì chư Phật dù có đó, cũng không hiện được. Nước, dụ cho tính nhuần nhuyễn của Samatha vậy. Đây là nương nơi định mà thấy Phật”.

2- Nhờ từng được niệm Phật tam muội trong quá khứ. Đại sư nói: “Do quá khứ tu tập “Niệm Phật tam muội” nên đời này thấy được thân Phật, không phải hiện đời phải y nơi định tâm mới có thể thấy Phật. Vì khi tâm đang tán loạn vẫn có thể thấy Phật. Đây có thể giải thích vì sao người như Tỳ-kheo Thiện Tinh v.v… vẫn thấy được Phật”.

Trường hợp đầu muốn thấy Phật, phải cần đến cái nhân là định tâm. Trường hợp sau muốn thấy Phật, phải có cái nhân là thời quá khứ từng có Niệm Phật tam muội. Hai nhân đó đều xuất phát từ việc hàng phục dòng vọng niệm không ở hiện tại thì ở quá khứ, không chỉ nằm ở việc bên ngoài như tạo kinh, làm phước.

Tuy vậy, việc đưa ra một cái nhân sơ khởi gián tiếp rồi nói liền đến cái quả tột cùng, không phải không có trong kinh luận Phật giáo. Như nói: “Nếu tụng danh hiệu Đa Bảo Như Lai thì đối với Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề đã được quyết định”. Hoặc nói: “Do chỉ phát nguyện, liền được vãng sinh thế giới Cực lạc”20. Chỉ nêu nhân nói quả, còn thời gian nào để thành tựu quả đó thì không nói.

Để thông tỏ các việc như vậy, luận Trang nghiêm q.13 nói: “Chư Phật thuyết pháp không lìa Tứ ý”. Nhiếp luận q.5 nói: “Lấy đó mà thông tỏ tất cả ngôn giáo của chư Phật”21.

Tứ ý thú là:

a- Bình đẳng ý thú.

b- Biệt thời ý thú.

c- Biệt nghĩa ý thú.

d- Chúng sinh ý nhạo ý thú.

Phần “nêu nhân nói quả” trên thuộc về Biệt thời ý thú. Ngài Vô Tánh giải thích: “Vì khuyến khích kẻ giải đãi, đối với pháp không chịu tinh cần tu học mà nói như vậy. Ý muốn trưởng dưỡng kẻ có thiện căn thời trước. Như thế gian nói chỉ nhờ một đồng mà được đến hàng ngàn”. Luận Trang nghiêm giải thích: “Đây là do biệt thời mà được sinh”. Đại sư Pháp Tạng chú: “Nghĩa là phải nhờ biệt thời về sau mới được cái hàng ngàn đó”. Biệt thời, là nói đến thời gian của riêng người tụng niệm hay phát nguyện. Thời gian này có thể là tức thì trong hiện đời (với kẻ có thiện căn đời trước), cũng có thể là vô lượng a-tăng-kỳ kiếp về sau (với kẻ giải đãi). Có sự khác nhau đó, là do việc tụng niệm và phát nguyện lệ thuộc vào cái duyên là tâm phải được bất loạn (kinh luận thường gọi là “nhất tâm bất loạn”). Trong hiện đời nếu hành giả niệm Phật được nhất tâm bất loạn thì vãng sinh Cực lạc trong hiện đời. Chưa được nhất tâm bất loạn thì đến khi nào được nhất tâm bất loạn mới được vãng sinh Cực lạc. Được nhất tâm bất loạn rồi, sẽ nhận được sự giáo hóa của hàng Bồ-tát Thập địa để chứng nhận thực tướng niệm Phật, là cái nhân trực tiếp để có cái quả là Bồ-đề vô thượng. Do không thể định ra thời gian nhất định chung cho mọi người, nên nói “biệt thời”.

Thông qua cái nhìn “Biệt thời ý thú” thì việc “Tạo kinh thấy Phật ” vẫn có thể xảy ra. Vấn đề cần bàn ở đây là việc tạo kinh đó có đủ là cái nhân để thấy Phật trong tương lai chưa?

 Nếu tạo kinh chỉ với cái tâm là kiếm phước thế gian hoặc chỉ dừng ở việc hồi hướng phước đức đó cho cha mẹ thì nó chưa đủ là cái nhân để thấy được Phật. Có tạo kinh trong vô lượng kiếp thì cũng chỉ lòng vòng trong phước báu thế gian. Vì chưa tạo được cái nhân là “niệm Phật tam muội ” hay “định tâm” mà Đại sư Pháp Tạng đã nói.

Nếu tạo kinh với một phát nguyện “hồi hướng phước đức ấy tương lai được thấy Phật” thì một lúc nào đó sẽ thực hiện được cái duyên là “niệm Phật tam muội ” hay đạt được “định tâm”, là cái nhân trực tiếp sinh ra việc thấy Phật.

Pháp thế gian là pháp Duyên khởi. Đã là pháp Duyên khởi thì duyên nào có pháp đó rõ ràng. Vì thế “Tạo kinh kiếm phước” và “Tạo kinh phát nguyện thấy Phật” là hai việc khác nhau. Nhân duyên khác nhau thì quả không thể giống nhau. Vì thế không thể nêu ra một cái nhân chung chung để nói chung về một cái quả như bản kinh Phật thuyết đã làm.

Với hạng chúng sinh tâm thức còn yếu kém, chưa thể tự mình phân định rõ ràng hai mặt ẩn hiện của nhân duyên, càng không nên có việc đó.

Ở đây, có thể y vào bài kinh Phật dạy về công đức phát tâm trong hệ A-hàm để hiểu về việc này:

Thời quá khứ, khi đó có vua Bảo Nhạc dùng Chánh pháp trị dân, thống lãnh cảnh giới Diêm-phù-đề. Thời đó có Đức Phật hiệu là Bảo Tạng Như Lai ra đời22. Nhà vua có người con gái tên là Mâu Ni, dung mạo đặc biệt thù thắng. Do đời trước cúng dường chư Phật mà được như vậy.

Lúc đó, Bảo Tạng Như Lai nói với các đệ tử rằng: “Này các Tỳ-kheo! Nên nhớ tọa thiền. Chớ có giải đãi. Cũng cần tìm phương tiện tụng tập kinh giới ”. Do đại chúng căn tánh không đồng nên Đức Bảo Tạng Như Lai phương tiện thấp xuống: “Nếu có Tỳ-kheo, các căn ám độn, không thể thực hành thiền pháp thì nên tu ba pháp của bậc thượng nhân. Đó là tọa thiền23, tụng kinh và siêng năng giúp đỡ việc chúng”.

Lúc đó, trong chúng, có một Tỳ-kheo tuổi đã lớn, không kham nổi thiền pháp, bèn nghĩ như vầy: “Ta nay đã già yếu, không kham nổi thiền pháp, nay tìm cách làm pháp siêng năng giúp đỡ vậy”. Nghĩ rồi liền quyết định vào thành, xin dầu thắp đèn về cúng dường Đức Bảo Tạng Như Lai khiến ánh sáng không dứt.

Công chúa Mâu Ni là người phát tâm cung cấp đầy đủ các loại dầu đèn mà Trưởng lão cần dùng.

Tỳ-kheo lớn tuổi nhận sự cúng dường của công chúa. Mỗi sáng đều đến lấy dầu về cúng dường Đức Bảo Tạng Như Lai và phát thệ nguyện rằng: “Nguyện đem công đức phước nghiệp này hồi hướng về đạo vô thượng chánh chân. Con nay tuổi đã già, căn tánh lại chậm lụt, không thể thực hành thiền pháp mà Như Lai đã dạy, thành nguyện đem công đức này hồi hướng để đời đời sinh ra không đọa vào đường ác. Tương lai vẫn gặp được Phật như Đức Bảo Tạng hiện nay. Cũng được gặp Thánh chúng như Thánh chúng hiện nay. Được nghe pháp như nghe pháp hiện nay”.

Phật Bảo Tạng biết được tâm niệm đó, mỉm cười thọ ký cho Trưởng lão: “Qua vô số kiếp đời vị lai, ông sẽ làm Phật hiệu là Đăng Quang Như Lai”.

Trưởng lão nghe xong, tâm ý phấn phát, vui mừng khôn xiết.

Mâu Ni biết được cớ sự, tức tốc đến gặp Bảo Tạng Như Lai:

- Bạch Thế Tôn! Con là thí chủ thường cung cấp dầu cho Trưởng lão về cúng dường Ngài. Nay Ngài thọ ký cho Trưởng lão sao không thọ ký cho con?

Bảo Tạng Như Lai khen ngợi công đức cúng dường đó, nhưng vẫn không một lời thọ ký cho Mâu Ni. Mâu Ni bèn nói:

- Nếu Như Lai không thọ ký cho con, con sẽ tự đoạn mạng sống của mình.

Bảo Tạng Như Lai nói:

- Thân nữ24, cầu làm Chuyển Luân không được, cầu làm Đế Thích cũng không được, cầu làm Ma vương cũng không được, cầu làm Phật cũng không được.

Mâu Ni bạch Phật:

- Vậy con không thể thành đạo Vô thượng được sao?

Bảo Tạng Như Lai nói:

- Vẫn được. Nhưng công chúa nên biết, qua vô số a-tăng-kỳ kiếp ở tương lai, có Phật ra đời hiệu là Đăng Quang Như Lai. Phật ấy là thiện tri thức của cô, sẽ thọ ký cho cô”.

Mâu Ni chưa thôi thắc mắc:

- Vì người nhận thanh tịnh còn thí chủ uế trược chăng25?

Bảo Tạng Như Lai nói:

- Những gì ta nói hôm nay là tâm ý thanh tịnh và phát nguyện vững chắc.

Tâm ý thanh tịnh và phát nguyện vững chắc là hai điều kiện tiên quyết để được đạo quả Bồ-đề vô thượng.

Mâu Ni chỉ mới cúng dường Tam bảo, chưa phát thệ nguyện nên Phật không thể thọ ký.

Trưởng lão, đã phát lời thệ nguyện, hồi hướng mọi công đức cho con đường thành Phật của mình. Lời phát nguyện sẽ giúp Trưởng lão đạt được tâm thanh tịnh trong tương lai. Đáp ứng đủ hai điều kiện mà Bảo Tạng Như Lai đã nói, nên Phật thọ ký cho Trưởng lão mà không thọ ký cho Mâu Ni.

Bài kinh trên được Phật dạy cho hàng Phật tử tại gia khi thọ Bát quan trai. Thọ Bát quan trai rồi cần phải hồi hướng công đức đó về Đạo vô thượng, mới có được Đạo quả vô thượng. Lời phát nguyện đó như vầy: “Nay con do pháp Bát quan trai này, không rơi vào ba đường dữ, không rơi vào bát nạn, không ở biên địa, không rơi vào chỗ hung ác, không theo ác tri thức, thờ phụng cha mẹ, không tu tập tà kiến, sinh vào trung tâm quốc gia nghe pháp lành này. Phân biệt suy nghĩ thành tựu từng pháp. Đem công đức giữ gìn trai pháp này nhiếp thủ điều lành cho tất cả chúng sinh. Đem công đức này bố thí cho người, khiến cho tất cả cùng thành tựu đạo quả Bồ-đề vô thượng. Cũng đem phước báu thệ nguyện này bố thí cho hàng Tam thừa, khiến không thối chuyển nửa chừng”.  

Câu chuyện Phật dạy trên cho thấy cái nhân “tạo kinh” vẫn có thể có cái quả là “thấy được Phật”, với điều kiện phải có lời phát nguyện “thấy được Phật” đi kèm. Nhờ lời phát nguyện đó, công đức có được từ việc in tạo kinh sách sẽ tạo điều kiện để hành giả thực hành cái nhân là niệm Phật tam muội hay thanh tịnh thân tâm, mới có cái quả là thấy được Phật. Nếu chỉ nêu ra việc in kinh thì không đủ. Không đủ mà cho là đủ, tức lầm nhân lộn duyên, thì cái quả thấy Phật không thể có.

Chúng sinh khổ vì lầm nhân lộn duyên. Vì thế kinh luận của Phật Tổ không ngoài việc giúp chúng sinh nhận ra mặt nhân quả này, rồi theo đó mà thực hành. Bản kinh Phật thuyết không như vậy.

Những điều phân tích trên cho thấy bản kinh Phật thuyết là một bản ngụy kinh. Đó là điều cần phải cân nhắc khi sử dụng bản kinh làm phương tiện giáo hóa, nhất là cho hàng sơ cơ mà lại có tri thức như người thời nay.

 Chân Hiền Tâm

___________________________________

(1) 五體投地. HT.Huyền Tôn dịch: “Cúi đầu lễ bái”. HT.Huệ Đăng dịch: “Lạy liền ba lạy rồi rơi lệ hồng”. HT.Trí Quang dịch: “Lạy sát đất”.

(2) HT.Thích Huệ Đăng dịch: “Ðống xương dồn dập bấy lâu/ Cho nên trong đó biết bao cốt hài / Chắc cũng có ông bà cha mẹ…”.  

(3) http://lib.nomfoundation.org/collection/2/volume/1259/

(4)  http://hcm.eva.vn/su-phat-trien-thai-nhi-c85e1344.html             

(5) Kinh Đại Bửu Tích tập IV, Phẩm Pháp hội Phật thuyết nhân xử thai, HT.Thích Trí Tịnh dịch.

(6) Nhận biết trực tiếp từ một ca chuyển dạ.  

(7) Người đời thì có đủ hai tưởng: Thế lưu bố tưởng và trước tưởng. Phật không có trước tưởng, chỉ còn thế lưu bố tưởng. Thế lưu bố tưởng, là những khái niệm danh từ v.v... mà người đang dùng để chỉ có các sự việc, sự vật v.v... Như người đời gọi con trâu là con trâu thì Phật cũng gọi con trâu là con trâu v.v...    

(8) Hoa nghiêm kinh thám huyền ký, Đại sư Pháp Tạng thuyết, Đại tạng kinh 35, kinh hiệu 1733.

(9) Vừa khế cơ vừa khế lý.

(10) Quan điểm này được thể hiện trong tác phẩm “Trúc song tùy bút”.

(11) http://lib.nomfoundation.org/collection/2/volume/1259/page/47

(12) http://www.phatgiaobaclieu.com/content/view/2531/31/

(13) Kinh Địa tạng bổn nguyện.

(14) http://vuontam.net/news.php?id=5546#TG

(15) http://www.tuvienquangduc.com.au/kinhdien/45baohieu.html

(16) Theo Vinaya Pitaka, Cullavagga, chương VII, đoạn 383. Bản dịch tiếng Việt của Tỳ-kheo Indacanda Nguyệt Thiên.

(17) Kinh Thủ lăng nghiêm.

(18) Thực tế đang gặp.

(19) Muốn nói đến chánh định, không phải là tà định của ngoại đạo.

(20) Hoa nghiêm kinh thám huyền ký quyển 3.

(21) Phần Tứ ý thú này đều lấy từ Hoa nghiêm kinh thám huyền ký quyển 3, phẩm Phật Lô Xá Na, Đại sư Pháp Tạng thuyết, Đại tạng kinh 35, kinh hiệu 1733.

(22) Kinh Tăng nhất A-hàm quyển 3, phẩm Thiên tử Mã Huyết hỏi về Bát Chánh (1).

(23) Tọa thiền nói đây, chủ yếu nói đến nghi thức tập ngồi thiền. Tọa thiền nói trên bao gồm cả nội dung thiền định.

(24) Tuy nói là thân, nhưng chính muốn nói đến phần nghiệp thức người nữ, không phải nói dến hiện tướng người nữ.

(25) Ý muốn hỏi do Trưởng lão thanh tịnh còn Mâu Ni uế trược nên không được thọ ký?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong, Quảng Trị được thiết trí tại chùa An Trú

Ấn tượng mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị)

GNO - Mô hình kỳ đài bằng tre tại chùa An Trú (H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) nổi lên giữa màu vàng ươm của cánh đồng lúa chín như gói ghém tất cả tấm lòng của Phật tử nơi đây hướng về Phật đản, cũng như lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, cảm hứng gìn giữ các giá trị truyền thống của làng quê.

Thông tin hàng ngày