GNO - Đó là những con người trong hai gia đình khác nhau nhưng họ có chung nỗi bất hạnh đến tột cùng. Từ ngày mẹ mất, bố cũng bỏ lơ, 4 chị em lay lắt sống như cỏ dại. Ở gia đình còn lại, người mẹ đau xót nhìn đứa con trai của mình mòn mỏi và đau đớn với “đời sống thực vật”…
4 đứa trẻ bơ vơ
Gia cảnh khốn cùng nên 4 đứa trẻ phải sống lay lắt nhờ những bữa mì tôm, rau khoai cầm hơi qua ngày. Nhiều đêm, đứa út mới 6 tuổi nhớ mẹ khóc thét, chị đầu mới 13 tuổi phải thay mẹ dỗ dành các em. Đó là 4 chị em: Bàn Chí Nguyệt, Bàn Chí Dũng, Bàn Chí Na, Bàn Chí Kỳ (ở thôn Bún, xã Ninh Tây, H.Ninh Hòa, Khánh Hòa) lay lắt sống qua ngày từ ngày mẹ mất.
Di cư từ Lạng Sơn vào Khánh Hòa lập nghiệp, mưu sinh. Thế nhưng, chị Đặng Thùy Dung (sinh năm 1984) đã mất sau cơn bạo bệnh hơn 4 năm qua. Một cú sốc, mất mát quá lớn đối với những đứa trẻ đang còn nhỏ dại, chúng trở thành trẻ bơ vơ. Tưởng rằng mẹ mất còn có bố, nhưng người bố lại thiếu sự quan tâm đến các con.
Chị em Nguyệt và chú chó còi cọc
Cuộc sống của 4 chị em Nguyệt lâm vào những chuỗi ngày đói khát, cơ cực. Là chị lớn trong nhà, bé Nguyệt, một cô bé mới học lớp 8 bất đắc dĩ trở thành trụ cột trong gia đình. Sau giờ tan trường về nhà, em làm đủ mọi việc, từ việc nấu ăn, tắm rửa cho các em, cho em ăn cơm, dỗ dành chúng, rồi hương khói cho mẹ...
“Nhiều đêm, các em nhỏ cứ khóc lóc đòi bố mẹ khiến cháu cũng khóc theo. Đã rất nhiều lần như thế rồi, chúng cháu chỉ biết ôm nhau rơi nước mắt chờ trời sáng. Chúng cháu mơ được thấy mẹ khỏe mạnh trở về an ủi cho chúng cháu như ngày xưa. Nhưng chờ đến bao giờ, những ngày tới biết làm sao khi các em nhỏ cứ luôn đòi mẹ”, Nguyệt òa khóc nức nở.
Những ngày không đi học, Nguyệt đưa các em nhỏ đến gửi cho ông bà hàng xóm gần nhà rồi theo người lớn trong xóm đi làm, kiếm tiền mua gạo. Những lúc không có việc, Nguyệt phải ra đồng mò cua bắt ốc về bán, để 4 chị em sống qua ngày. Những ngày không đến trường học, thì hai chị em lớn dắt díu vào rừng kiếm măng tre về ăn. Có hôm trời mưa, hái măng được nhiều thì Nguyệt ủ với muối để dành ăn dần.
Có khi món ăn của chị em Nguyệt là món ốc bươu mà ngày ngày Nguyệt bắt về, đập vỏ ra rồi cho muối vào kho, hoặc món ớt hiểm kho mặn với muối, dành ăn với cơm. Mọi sinh hoạt thì tự đứa lớn chăm đứa nhỏ, nhờ hàng xóm thương nên có lúc việc ăn uống cũng được các cô chú cho thêm.
Nỗi ám ảnh của những đứa trẻ là chúng phải tự kiếm ăn vì không phải lúc nào cũng được giúp đỡ. “Hai đứa nhỏ có lúc phải đi mót khoai, mót lạc còn 2 đứa lớn hơn thì ai thuê gì, chúng làm nấy. Tuy nhiên, ở vùng đất nghèo nắng hạn này, người lớn kiếm bát cơm cũng khó huống gì những đứa bé như thế”, người hàng xóm lo lắng cho chị em Nguyệt.
Bởi không có tiền, gạo nên 4 chị em lại nhờ vào hàng xóm và các cô giáo ở trường san sẻ để chúng có cái ăn. Tự nấu cơm, tự giặt đồ, bữa đói bữa no, ngay đến ngôi nhà thì chỉ trú nắng chứ chẳng che được mưa. Trời mưa, 4 chị em lại ngồi ôm nhau thức cả đêm chứ chẳng có chỗ nằm.
Nhà đã nghèo, mẹ lại mất sớm nên mấy chị em như đàn chim nhỏ bơ vơ lạc bầy trước giông bão cuộc đời. Vốn là những đứa con ngoan, học rất giỏi nhưng biến cố quá lớn của gia đình khiến các em đang đứng trước nguy cơ thất học, tương lai mịt mờ. Có lẽ, đó là nỗi đau mà Nguyệt kìm nén quá lâu, em sợ rằng, rồi sắp tới em cũng đành xếp ước mơ tươi đẹp của tuổi học trò để lo cho các em. Ngoài những thiếu thốn về cái ăn hàng ngày, 4 chị em có bố nhưng lại không được quan tâm, thiếu đi sự đùm bọc của cha mẹ như bao đứa trẻ khác, đáng ra cần phải được sống trong sự che chở, yêu thương.
Trắng tóc chăm con liệt não
Chị Nguyễn Thị Lan (SN 1962), ở tuổi 56, mà tóc đã bạc trắng sau những ngày tháng đằng đẵng âu lo. Con chị là Hồ Phước Nhật, còn rất trẻ, em sinh năm 2002 (cư ngụ khối phố Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, H.Duy Xuyên, Quảng Nam), vốn là một đứa trẻ bình thường. Lúc trước, Nhật học rất giỏi, là một học sinh chuyên toán của huyện, năm học lớp 7 tự nhiên Nhật bị sốt 38 độ và co giật, gia đình đưa em lên BV.Duy Xuyên cấp cứu, sau đó chuyển ra BV.Điện Bàn để chụp cắt lớp não.
Và, tại đây, em có dấu hiệu bệnh nặng hơn. Các y bác sĩ đã chuyển Nhật ra Đà Nẵng cứu chữa. Nhật được các bác sĩ kết luận bị bại não do viêm não, di chứng là em bị co rút toàn thân, liệt cả người và sống đời thực vật. Nhật đã sống đời sống như vậy suốt 4 năm qua, nhờ dùng sữa và dùng cháo xay qua ống truyền vào mũi.
Chị Dung chăm con sống đời thực vật
Trong 2 năm đầu tiên, Nhật ở lại bệnh viện để chạy máy vì di chứng để lại, liên quan đến nhiều bệnh khác. Sau 2 năm, gia đình quyết định đưa Nhật về nhà bởi lẽ, bao nhiêu tài sản trong gia đình lần lượt đội nón ra đi và phải vay mượn khắp nơi. Bao biến cố khác lại ập đến gia đình cùng một lúc làm người mẹ mới ngoài 50 tuổi đã bạc phơ tóc và già đi hẳn.
Đưa Nhật về nhà chưa được bao lâu thì em bị viêm phổi nặng phải nhập viện trở lại. Cuộc sống ngần ấy năm nay của Nhật là những ngày trong bệnh viện, mỗi lần đi đưa Nhật đi bệnh viện thì chị Lan cũng ở lại nửa tháng hoặc 20 ngày với con. Nhật bị co rút nên chỉ nằm được 1 tư thế. Thời gian 2 năm ở bệnh viện, do bị co giật liên tục, mỗi ngày gia đình đã cho Nhật uống 3 viên thuốc ngủ, nên lúc nào em cũng trong trạng thái li bì không tỉnh, chỉ đến lúc ăn uống thì mới bơm thức ăn vào qua đường mũi vì miệng bị cứng.
Sau thời gian đó, có một đoàn từ thiện ở Hà Nội đã nhận giúp đỡ chữa trị cho Nhật. Gia đình chạy vạy tiền, thuê xe chở em ra Hà Nội khám. Tuy nhiên, bác sĩ kết luận não em đã bị teo do dùng thuốc ngủ liên tục trong 2 năm. Cả bầu trời như sụp đổ dưới chân người mẹ ấy, bất lực nên chị Lan đành đưa Nhật về nhà và chăm sóc cho đến nay.
Cách đây không lâu, Nhật lại bị viêm phổi nặng phải nhập viện, các bác sĩ ở huyện đã tiến hành mổ ngay bẹn để làm đường truyền cho thuốc vào. Nhìn thấy chàng trai trẻ học giỏi ngày nào giờ nằm liệt giường, ai cũng không cầm được nước mắt.
Biết hoàn cảnh của gia đình chị Lan vô cùng khó khăn, nhiều người nhà bệnh nhân cũng giúp sức cho chị mua tã, mua sữa cho con. Người mẹ ấy kể, có lần khi đang ra vườn làm cỏ, Nhật ở trong phòng lên cơn co giật, rớt luôn xuống đất, chị Lan tất tả chạy vào, tưởng Nhật chết rồi.
Thế nên, chị Lan không dám rời con, luôn ở bên chăm sóc, chị trở thành chỗ dựa cho con trong những tháng ngày qua. Chị Lan kể, tuy Nhật bị thế nhưng đôi lúc vẫn hiểu được lời chị nói. Có lần vì mệt quá, chị nói: “Thôi con ngủ đi cho mẹ ngủ xíu”, Nhật nghe vậy, nhắm mắt lại liền.
Nhìn người mẹ khốn khổ vuốt mái tóc của đứa con, hôn lên bàn tay co quắp của đứa con mà không khỏi quặn lòng. Mỗi năm, cứ đến ngày 9-3 thì nhóm bạn học cũ của Nhật lại mua bánh đến nhà, rồi hát bài chúc mừng sinh nhật cho Nhật. Những lúc ấy, chị Lan phải chạy đi chỗ khác, để giấu đi những giọt nước mắt của mình…