“Thần mộc hộ quốc”
Chúng tôi tìm về Ứng Hòa trong những ngày Hà Nội nhuốm sắc thu. Những cơn mưa xối xả như muốn lau sạch mọi bụi bặm, nóng bức của mùa hạ. Ngôi chùa nằm sát ngay làng đàn Đào Xá – làng có truyền thống làm các loại đàn nổi tiếng của miền Bắc.
Hướng mặt ra cánh đồng bát ngát màu xanh của thôn Viên Đình, tổ đình Vĩnh Long (một tên gọi khác của chùa Viên Đình – PV) nằm khép mình dưới những hàng cây sanh đại thụ. Ở đây hoàn toàn không có những hàng cột sơn son thiếp vàng, không có những tòa tiền đường đỏ thắm màu ngói... Tĩnh lặng trong tự tại là những hàng cột gỗ cũ kỹ, mái chùa cũng cong vút đầu đao xỉn màu rêu và những tòa tiền đường nối tiếp nhau trầm mặc.
Theo đại đức Thích Chơn Phương – trụ trì chùa Viên Đình: Chùa được một vị vua nhà Lý cho xây dựng ở đây là bởi nó gắn liền với sự tích về hai cây duối. Chuyện kể rằng, vào đầu thời nhà Lý, để phát triển đạo Phật, đích thân nhà vua đã vi hành đến những vùng quê để tìm thế đất xây chùa. Khi đi đến vùng đất này, nhìn thấy hai cây duối đại thụ đứng cạnh nhau, mang dáng dấp của một cặp “vợ chồng” rồng rất lạ (chính vì thế mà chùa còn có tên là tổ đình Vĩnh Long – phát thịnh lâu dài hoặc bay lên như rồng- PV), vua bèn cho xây dựng chùa trên nền đất có hai cây duối và sắc phong cho cặp duối đại thụ này là “Thần mộc hộ quốc”. Sau khi chùa xây dựng xong, nhà vua còn cho đúc quả chuông đồng nặng hơn hai tấn và khắc lên đó một bài minh.
Theo dân gian: Đầu thế kỷ XV (vào thời Hậu Lê – PV), trên vùng đất Đông Lỗ đột nhiên xuất hiện nhiều yêu ma về càn quấy khiến cho cảnh sống nơi đây trở nên tiêu điều, xơ xác. Nhiều người dân vì quá sợ hãi đã phải bỏ làng, bỏ xứ đi nơi khác. Một đêm, trong làng có người thanh niên tên Huỳnh Huệ nằm mơ thấy một vị thần báo mộng cho biết, chỉ có tiếng chuông trong chùa Viên Đình mới có thể đuổi hết yêu ma. Từ đó, tiếng chuông chùa liên tiếp được ngân vang mỗi khi người dân trong vùng bị nhiều sự không may ập đến. Người thanh niên Huỳnh Huệ cũng đã xuống tóc tu ngay tại chùa Viên Đình, hầu mong trả nghiệp duyên với cuộc đời. Trải qua bao biến đổi thăng trầm của thời gian, hai cây duối đại thụ và quả chuông ngàn tuổi vẫn còn nguyên vẹn ngay trong khuôn viên của chùa.
Nhờ nhân duyên đưa đẩy, đến năm 2002, đại đức Thích Chơn Phương được được cử về làm trụ trì tại chùa và cũng từ đây, mối lương duyên giữa ngôi chùa cổ với những hạt xá lợi được cho là hiện thân của đức Phật, của thánh tăng... được nối dài thêm. Để chưa đầy 10 năm sau, đã được Trung tâm kỷ lục Việt Nam tôn vinh: Đây là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam có nhiều xá lợi Phật nhất.
Những viên xá lợi kỳ bí
Dẫn chúng tôi đến bên tủ kính có những bảo tháp chứa xá lợi đức Phật, đặt ở ban thờ các vị tổ sư, Đại đức Thích Chơn Phương mỉm cười hiền từ bảo chúng tôi ngắm cho thật kỹ. Nhìn những bảo tháp lung linh với muôn hình dáng, bên trong là những xá lợi to nhỏ đủ kích thước và màu sắc, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Có những xá lợi như hạt sỏi nhưng lại nặng và rất cứng. Có những xá lợi tròn như hòn bi nhưng đặt xuống một tờ giấy phẳng lại chỉ đứng một chỗ chứ không lăn đi. Có những viên tưởng chừng đặt lên lòng bàn tay sẽ rất dễ dàng, ấy vậy mà không dễ cầm được...
Trong hơn 30 bảo tháp, mỗi tháp chứa hàng chục đến hàng trăm xá lợi to nhỏ khác nhau. Khi tôi hỏi về những viên xá lợi, Đại đức chia sẻ: “Tất cả những xá lợi mà chùa có được tôi không hề xin, cũng không gợi ý, hoàn toàn do các tăng ni phật tử tự nguyện phát tâm...”.
Đại đức Thích Chơn Phương kể, mối lương duyên với những “báu thân” của đức Phật được bắt đầu kể từ lần hành hương thăm đất Phật Ấn Độ đầu tiên vào năm 2003. Trong lần đi ấy, Đại đức đã có duyên kỳ ngộ với hòa thượng Thích Huyền Diệu – Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo thế giới, trụ trì Việt Nam Phật Quốc Tự tại Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ - Nepal. Sau khi đã tường tận về nguồn cội thiêng liêng của cổ tự Viên Đình, hòa thượng Thích Huyền Diệu đã phát tâm Bồ Đề cung tiến một viên xá lợi của đức Thích Ca Mâu Ni cho đại đức Thích Chơn Phương. Đây là một trong những viên xá lợi hiếm hoi được thỉnh từ Nepal – từ chính 8.400 báu thân của đức Thích Ca Mâu Ni khi ngài hóa diệt.
Duyên kỳ ngộ
Khỏi phải nói cảm giác vui mừng đến tột độ khi nhận được báu vật linh thiêng này “Lễ đón nhận xá lợi hôm đó được bà con Phật tử hoan hỷ tổ chức lớn chưa từng thấy. Đây là phước duyên lớn lao mà không phải ngôi chùa nhỏ nào cũng có được. Xá lợi này hiện đang được tôn thờ trong ngôi bảo tháp lớn nhất của chùa” – đại đức Thích Chơn Phương chia sẻ. Sau đó, Hòa thượng Thích Huyền Diệu cũng đã đích thân về thăm chùa và tặng chùa thêm một cây bồ đề lấy từ Ấn Độ.
Như được khởi duyên, trong vòng chưa đầy 10 năm, đại đức Thích Chơn Phương đã có dịp đi tới 54 quốc gia trên thế giới. Ngay cả những đất nước có Phật giáo phát thịnh như: Nepal, Sry Lanka, Ấn Độ, Myanmar, Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản... ngài cũng đã đi tới mấy lần. Và lạ kỳ thay, những lần đến những nơi này, Đại đức đều được các quý thầy hoặc Phật tử tự nguyện phát tâm cúng dường xá lợi. Cho đến nay, chùa Viên Đình đã có hơn 30 tháp xá lợi Phật, xá lợi các bậc A la hán và xá lợi Thánh tăng... do 8 nước cúng dường với 9 lần nghinh đón. Trong số xá lợi chùa hiện có, có cả xá lợi máu, xá lợi não, xá lợi xương, xá lợi tóc...
Chỉ vào những hạt ngọc tròn trĩnh, long lanh chứa trong bảo tháp, Đại đức cho hay: “Theo kinh Phật, xá lợi là hiện thân của đức Phật và các vị thánh tăng đắc đạo, chính vì vậy xá lợi rất nhiệm mầu. Xá lợi sẽ tự bay đi nếu đến nơi nào đó không hợp duyên và xá lợi sẽ tự sinh sôi hoặc chuyển hóa màu sắc nếu công năng tu tập nơi đó rốt ráo.
Kỷ niệm đáng nhớ, ngoài lần đầu tiên được nhận xá lợi thì với đại đức Thích Chơn Phương, chính là một lần ngài vào TP Hồ Chí Minh tham dự một pháp hội thì được công chúa Thái Lan cúng dường y pháp và sau đó được chính công chúa cùng đoàn tùy tùng thỉnh xá lợi từ Thái Lan mang về tận chùa cúng dường. Cùng với xá lợi, công chúa Thái Lan còn cúng dường một pho tượng Phật ngọc dát vàng. Ngay cả ngài Tăng thống Myanmar cũng đã từng về viếng thăm chùa ba lần. Lần cung nghinh xá lợi gần đây nhất là lần đại đức qua Butan để được truyền trao thụ quán đỉnh A xà lê. Khi chuẩn bị về nước thì lại có một quý thầy phát tâm cúng dường ngọc xá lợi. Như vậy, tính sơ sơ mỗi năm chùa lại có cơ duyên được cung nghinh xá lợi đức Phật một lần.