Niềm vui đọc sách

NSGN - Hồi nhỏ tôi là một người không thích đọc sách, lần đầu học trường tư thục là do bất đắc dĩ mới đọc sách. Đọc Tứ thư dựa vào cách học thuộc lòng máy móc, còn đọc kinh sách Phật giáo cũng là dùng cách ghi nhớ cứng nhắc, đọc không tìm ra được hứng thú.

sach.jpg

Không chịu đọc sách thì giống như vứt bỏ đi của cải quý giá nhất của cuộc đời này - Ảnh minh họa

Về sau, để chinh phục những trở ngại tâm lý và để có hứng thú với việc đọc sách, tôi đã mở rộng phạm vi đọc: từ tiểu thuyết lý ngữ thất ngôn đến tiểu thuyết trường thiên, từ tiểu thuyết lịch sử đến tiểu tuyết ngôn tình, từ tiểu thuyết nước ngoài đến tiểu thuyết Trung Quốc, từ tiểu thuyết cổ điển đến tiểu thuyết hiện đại. Không có tiểu thuyết nào không xem, không có tiểu thuyết nào mà không đọc. Thời gian trôi qua, dần dà đã bồi dưỡng cho tôi hứng thú đọc sách.

Có người nói rằng: “Ba ngày không đọc sách, mặt mất cảm tình.” Tôi bây giờ, một ngày không thể không mở sách ra đọc. Hầu như thấy sách thì không sách gì tôi không xem, không sách gì không lật, xem sách trở thành thói quen hàng ngày của tôi. Trên thực tế, đọc sách có thể nói là việc thu hoạch kết quả dễ dàng nhất (kiểu như không làm mà hưởng thụ) trong cõi nhân gian này. Thử nghĩ lại xem, các bậc văn nhân nho nhã thánh hiền xưa kia, hoặc lấy công lao mấy năm trời, hoặc dùng hết sức lực của cả đời, đem những kinh nghiệm, quan sát, cảm giác, suy nghĩ (tìm tòi) của họ, dùng ngòi bút tài hoa sáng tác thành sách, còn độc giả chỉ cần tiêu tốn thời gian - công sức mấy ngày, thì có thể tiếp nhận một cách trọn vẹn những tư tưởng, tình cảm, tinh thần, kinh nghiệm, và cả trí tuệ mà sách biểu đạt, đấy không phải chính là niềm vui không làm mà được hưởng hay sao?   

Đọc sách mặc dù là chuyện vui sảng khoái trong lòng, thế mà trên cõi đời này cũng có những người không có phúc đọc sách. Những ai không có phúc hưởng thụ niềm vui đọc sách?

- Những người chỉ mê nghiện ăn uống nhậu nhẹt, đàn đúm chơi bời, nào có thời giờ đọc sách.

- Những người suốt ngày chỉ lo trau chuốt dáng vẻ bên ngoài, không nghĩ đến việc đọc sách trau dồi tri thức.

- Những người bận bịu, bôn ba bán sức cho cuộc sống, nào có nhàn hạ thoải mái để đọc sách.

- Những người suốt ngày bị chuyện tiền bạc choán hết tâm trí, khiến không có thời gian đọc sách…

Một người nếu không đọc sách liên tục, hấp thu kiến thức mới, cũng giống như là món tiền gửi vào ngân hàng, chỉ có chi ra, chứ không có thu vào, thu chi nếu không được cân đối, sẽ tạo nên tình trạng thâm hụt nghiêm trọng, đợi tới một lúc nào đó vốn liếng tiêu hao không còn nữa, đời người cũng theo đó mà chấm hết.

Những người đọc sách thật sự quả thực quá ít ỏi. Không chịu đọc sách thì giống như vứt bỏ đi của cải quý giá nhất của cuộc đời này. Lại nghĩ tới bản thân tôi, đến nay ngay một cái bằng tốt nghiệp tiểu học cũng không có, nhưng tôi có nền tảng và vốn liếng đọc sách. Bây giờ tôi sinh hoạt không cần dựa vào trợ cấp kinh tế từ Phật Quang Sơn, bởi vì nhờ vào nhuận bút (tiền bản quyền tác giả) xuất bản sách tôi cũng có thể sống hết đời này. Văn tự Bát-nhã cũng có thể là lương đạo của cuộc sống.

Gần đây, nhà in, hiệu sách giống như măng xuân sau mưa rào, ào ào mọc lên như nấm như rừng. Các tiệm sách, quầy sạp trên đường phố phát hành nhiều loại phiếu quà tặng hoặc phiếu ưu đãi sách báo, mục đích nhằm khuyến khích mọi người đọc sách báo nhiều hơn. Thậm chí người ta còn thành lập hội những người yêu thích sách báo, nhằm giúp cho những người bận rộn, hay quá sa đà vào tiệc tùng hay xem ti-vi, có thể dành chút thời gian để đọc sách và tìm niềm vui ở đó, mở ra một cõi Tịnh thổ thư hương (một khung cảnh/cõi thanh tịnh đọc sách) cho xã hội của chúng ta. 

Tinh Vân - Nhã Tuệ dịch

(Nguồn: Tinh Vân Đại sư  bàn về đọc sách, NXB.Nhân Dân Thượng Hải, tr.3-6) 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày