Niềm vui lớn

GN - Chúng ta vừa tổ chức một kỳ Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (LHQ) lần thứ 3 tại Việt Nam với số lượng đại biểu quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, có sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia so với 12 kỳ tổ chức tại Thái Lan, một lần ở Sri Lanka, và cả hai lần trước tại Hà Nội (2008), Ninh Bình (2014).

z1375816952326_d2d5ae8896bcd10a28c9c0f70a024b0b.jpg


Nghi thức niệm Phật tại lễ khai mạc Đại lễ Vesak LHQ 2019
do GHPGVN đăng cai tổ chức lần thứ 3 tại Việt Nam

Trước những cuộc khủng hoảng về đạo đức và xã hội, gia tăng bất bình đẳng và thu hẹp về lòng độ lượng, việc các hành giả, học giả, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội, chính trị gia… 112 quốc gia và vùng lãnh thổ của các châu lục về Việt Nam tham dự Đại lễ nhân Ngày Vesak LHQ, cùng ngồi lại với nhau để thảo luận, tìm giải pháp cho các vấn nạn trên từ lời Phật dạy, là điều đem lại nhiều cảm xúc cho những ai trăn trở về hạnh phúc thực sự của đời sống luôn biến động này.

Không có gì là cố định và không có giải pháp. Vô thường khiến cho những ai có mong cầu về sự vĩnh cửu khổ đau vì lo âu, sợ hãi sự mất mát; nhưng cũng chính đặc tính này đã đem lại sự bình đẳng cho tất cả. Không có gì là xấu mãi và cũng không có gì sẽ tốt hoài. Hoàn cảnh dù tồi tệ đến đâu vẫn có cơ hội thay đổi để cải thiện; và nếu không có sự tỉnh giác, thì cũng dễ bị lòng tham lam, sân hận, tính ích kỷ dẫn lối, rời xa lý tưởng phụng sự để thành tồi tệ.

Nói như Thủ tướng BhutanTshering Tobgay, nhà chính trị của đất nước thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, trong bài thuyết trình tại Đại lễ Vesak LHQ năm ngoái, “là một Phật tử, chúng ta luôn phải tâm niệm rằng không có gì là bất biến, mọi sự đều có thể vãn hồi”, khi đề cập đến những khủng hoảng sâu sắc và phức tạp của thế giới ngày nay: xung đột, mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm trầm trọng diễn ra khắp nơi.

Đó cũng là thông điệp đã thể hiện một cách sinh động qua cuộc đời Đức Phật và những lời dạy của Ngài, từ hơn 2.563 năm trước, đã trở thành nguồn cảm hứng về lối sống tích cực, giải pháp cho các khủng hoảng, sống hạnh phúc thực sự cho con người, không chỉ riêng của giới Phật tử, như thông điệp mà Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã nhấn mạnh trong thông điệp nhân Đại lễ Vesak vừa rồi. Đó cũng là lý do để Đại hội đồng LHQ - tổ chức quốc tế có quy mô toàn cầu, công nhận Ngày Vesak - kỷ niệm 3 sự kiện quan trọng của Đức Phật là Phật đản, Thành đạo và Nhập diệt là lễ hội văn hóa của nhân loại.

Ba ngày Đại lễ Vesak LHQ lần thứ ba tại Việt Nam cũng đã qua đi, nhưng dư âm về các diễn đàn, đặc biệt là tiếng nói đồng thanh từ những đại biểu quốc tế, nhiều lĩnh vực, đến từ khắp nơi trên thế giới, về những tính thiết thực hiện tại của Phật pháp, vượt lên những khác biệt về văn hóa, cả tín ngưỡng, chủng tộc, để cùng thảo luận, trao đổi và chia sẻ hiểu biết cũng như kinh nghiệm hành trì, đồng thuận đi tới tuyên bố chung, đã đem lại niềm hoan hỷ, niềm tin về lối sống thiện lành được thúc đẩy trở nên phổ biến trong tinh thần duyên sinh.

Những ngày này, cả nước lại tiếp nối với không khí hân hoan của Đại lễ Phật đản truyền thống, niềm hoan hỷ ấy lại được nhân lên, thành niềm vui lớn. Bởi có niềm vui nào lớn đối với người Phật tử bằng sự chiêm nghiệm về cuộc đời Đức Phật và lời dạy của Ngài, qua đó, nỗ lực thực hành, hướng đến hạnh phúc thực sự cho chính mình và cho tha nhân.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày