Niềm vui, nỗi niềm trăn trở của CTV xứ sen hồng

GNO - Thanh Tuyền, bút danh Tuyên Thành là cộng tác viên ở tỉnh Đồng Tháp đã gắn bó, đồng hành với báo Giác Ngộ qua 20 năm. Là cây bút nữ với lối viết mộc mạc, chân chất nhưng chuyên chở nhiều vấn đề, trăn trở về đời sống của một Phật tử. Bài viết của chị thường đăng trên trang Xã hội đã để lại nhiều ấn tượng cho độc giả. Cùng nghe chị chia sẻ về hành trình đến với báo Giác Ngộ của chị.

*

Sắp tới, báo Giác Ngộ kỷ niệm 45 năm ngày số báo đầu tiên, tờ báo mà tôi rất trân quý và gắn bó qua 20 năm làm cộng tác viên.


Viết báo là để trải lòng mình với đời, với đạo

Bài báo đầu tiên tôi viết cách nay gần 20 năm về những người đi chặt thuốc, phơi thuốc Nam ở chùa Tịnh Độ (TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Đa số họ là cô bác nghèo, công chức về hưu. Họ vui vẻ nói: “Khi nào có báo cho tụi tui xem với. Làm phước mà còn được lên báo thì vui lắm!”.

Những câu chuyện lòng của những người trong cuộc trên con đường thiện nguyện còn đầy ắp, tôi chỉ ít nhiều chuyên chở được qua một số bài viết vì những đề tài mới lạ, nóng hổi tôi không tìm được bao nhiêu. “Đất dụng võ” còn ít nên lực bất tòng tâm, tôi chỉ tham gia viết bài với đề tài nông thôn rất thân thuộc. Tuy nhiên, là Phật tử được viết báo đạo với tôi là niềm vui và niềm vinh dự rất lớn, góp chút công sức cho trang báo thêm sắc màu và cũng để trải lòng mình với đời, với đạo.

Thanh Tuyền.jpg


CTV Thanh Tuyền


Mặc dù viết không đều tay vì lắm lúc “bí” đề tài, nhưng qua những trang báo, nhất là trang giáo lý, tư vấn Phật pháp, tôi cảm nhận được hiệu quả định hướng và giáo dục xã hội của tuần báo một cách sâu sắc. Giác Ngộ đã góp phần cùng công luận làm cho cuộc sống thêm nhân văn và ý nghĩa, tình đời ý đạo thêm thâm trầm.

Thực tế cho thấy báo Giác Ngộ đem đạo vào đời một cách thiết thực. Đó là khi tôi nhận ra nhân vật trong bài viết của mình hay bất chợt đâu đó qua trang báo có những người đã từ bóng tối bước ra ánh sáng khi họ đọc, hiểu và thực hành lời Phật dạy.

Như qua bài “Vì sao phải diệt trừ thói nghiện rượu” mà ông Tám Giống ở xã Phú Thuận B, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã kiên quyết bỏ rượu, “gác kiếm giang hồ”. Ông trở thành người trường chay, tham gia làm thiện nguyện, “lột xác” hoàn toàn như một kỳ tích được nhiều bà con địa phương yêu mến.

Qua bài báo “Tâm từ chắp cánh” mà chị Ngọc Loan, một doanh nhân ở thị trấn Lấp Vò, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã thoải mái đến chùa khi hiểu rõ giá trị cúng dường và thái độ cúng dường. Qua giáo lý Bát Chánh đạo mà chị Diệu Hoa ở TP.Sa Đéc phân biệt được chánh mạng và chánh nghiệp như chị chia sẻ. Từ bài “Chữ hiếu của người con Phật” mà chị Hai Mãnh ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp không mù quáng để vô tình phạm tội sát sinh…

Nhiều bài viết đăng tải trên báo đã khơi dậy lòng nhân của dư luận mà tôi không nhớ hết, đó là niềm vui đã làm động lực để tôi luôn cố gắng viết cho Giác Ngộ.

Điều còn trăn trở

Nỗi tiếc nuối, trăn trở của người cầm bút không chuyên như tôi là không đủ năng lực để săn tìm những đề tài mới lạ và hấp dẫn trong cuộc sống; hay chưa làm mới những đề tài đã cũ bằng sự thể hiện sáng tạo của mình để cộng tác thường xuyên với báo.

Dưới góc độ của độc giả, nhất là độc giả là Phật tử, báo Giác Ngộ chưa đến được nhiều nơi với công chúng ở tỉnh, ở vùng sâu vùng xa, vì báo chưa xây dựng được hệ thống đại lý phát hành ở các tỉnh. Tôi biết, điều đó cũng là nỗi trăn trở của lãnh đạo báo Giác Ngộ. Sự thiếu vắng tờ báo ở những nơi này dẫn đến thực trạng bất cập là nhiều Phật tử cần lại không biết báo Giác Ngộ mua ở nơi nào, đến các chùa thì cũng không tìm được báo mà mượn...

Tôi nhớ có lần về chùa Thiên Phước ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp nhân lúc đạo tràng niệm Phật được mở cho Phật tử tu tập, chị em cô bác đã hồ hởi chuyền tay nhau một số báo Giác Ngộ mà tôi mang từ tòa soạn. Ai đọc báo cũng hoan hỷ mà lòng tôi thấy thương thật thương.

Tới đây, báo Giác Ngộ bước vào tuổi 46, tôi mong báo hiện diện, phát hành rộng rãi ở những nơi xa hơn để thật sự phát huy thế mạnh của mình trong hành trình định hướng dư luận, đem đạo vào đời một cách viên mãn.

>> Mời bạn đọc chia sẻ kỷ niệm, hiến kế với báo Giác Ngộ


Thanh Tuyền

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh họa

Không muốn đi chùa vì nghe nhiều điều xấu về tu sĩ

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày