Ông cụ câm điếc với giấc mơ học ngoại ngữ

GNO - Trải qua thời gian dài đầy gian nan, vất vả, ông Tường giờ đây đã chiến thắng hoàn cảnh khắc nghiệt của mình bằng danh hiệu mà người ta đặt cho ông là “đệ nhất” sửa khóa thủ công tại Sài Gòn. Ông còn khiến người khác phải thán phục với khả năng học ngoại ngữ bằng những phương pháp đặc biệt…

Nghị lực sống để vươn lên

Chúng tôi tìm đến tiệm sửa khóa của ông Nguyễn Bách Tường, sinh năm 1957 tại đường Cách Mạng Tháng 8, quận 10, TP.HCM. Đến nơi thì chẳng thấy ai, chỉ thấy một chiếc tủ sửa chìa khóa đang nằm đơn độc trên vỉa hè, hỏi chú bảo vệ trong một ngân hàng gần đó thì được biết ông Tường đến giờ nghỉ trưa đã về nhà ăn cơm. Chú bảo vệ còn tận tình: “Ngồi đợi một chút đi, để tôi nhắn tin cho ông ra liền bây giờ”…

Ngồi chưa đầy 10 phút, chúng tôi bất ngờ thấy một người đàn ông đã lớn tuổi đang đi xe đạp tới, trông dáng vóc của ông hơi gầy, nước da đen sạm nhưng trên khuôn mặt thì rất vui vẻ và ra dấu bằng những ký hiệu ngôn ngữ của khiếm thính, người câm, tuy không hiểu gì nhưng tôi cũng đoán biết được ông đang hỏi tôi muốn làm gì. Tôi đưa chìa khóa xe của mình và ra dấu 2 ngón tay cho ông, ông vui vẻ gật gật rồi ra lại dấu “OK”, biết là ông cũng biết chữ, tôi liền lấy cuốn tập, viết ra rồi tâm sự cùng ông.

ANH A (2).jpg
Chiếc tủ sửa khóa gắn bó với ông Tường 40 năm qua - Ảnh: Đức Vượng

Nhìn thấy những dòng tâm sự mà ông Tường đang cặm cụi viết từng chữ, tôi mới được biết, số phận của ông không như cái tên Bách Tường mang ý nghĩa đầy sự may mắn. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo gồm 9 anh chị em, nhưng trong đó chỉ có ông là bị câm điếc bẩm sinh. Do nhà nghèo không tiền chạy chữa, hay đi khám bác sĩ nên ông đành cam chịu số phận khuyết tật.

Tuổi thơ của ông Tường đầy bất hạnh, khi còn bé thì không được trông nom, chăm sóc, đến khi biết chuyện thì ông lại mặc cảm vì bị khuyết tật rồi để tuổi thơ lặng lẽ trôi qua bên những góc tường tối tăm trong căn nhà nhỏ bé nằm heo hút trong con hẻm. Thời đó đất nước còn lạc hậu, trường học dành cho người khuyết tật cũng chưa có nhiều, mà nhà thì nghèo đông anh em lại chịu áp lực từ tinh thần nên ông Tường đành cam chịu số phận mù chữ.

Được người quen giới thiệu nên ông Tường học nghề tại một tiệm sửa khóa lề đường của ông Sơn, cũng là người bị khuyết tật câm điếc. Sau 2 năm học nghề, ông mở được tiệm sửa khóa ngay trước cổng chợ Tân Bình nhưng không có khách. Kiên trì không bỏ cuộc, ông chuyển qua nhiều nơi khác để mở tiệm như: quận 3, quận Tân Phú, lại không có khách vì khi đến sửa khóa người ta chỉ thấy ông ú ớ nên bỏ đi.

Trong lúc buồn chán, tuyệt vọng, ông Tường chợt nghĩ ra: “Nếu mình biết đọc, viết để giao tiếp với khách thì sao?”, Nghĩ là làm, ông Tường liền cặm cụi đi học từng chữ cái. Thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn nhưng ông kiên nhẫn nhờ những người hàng xóm hướng dẫn và cắt nghĩa từ ngữ, rồi chịu khó dù đi đâu ông cũng đọc viết lại tên đường hay cửa hiệu. Trong nhà có bao nhiêu lịch cũ hay những tờ giấy vụn ngoài đường đều được ông tận dụng để “gọt giũa” từng chữ cái. Năm 21 tuổi cũng là lúc ông đọc và viết thành thạo tiếng Việt.

Từ đấy, ông Tường mới có thể nói chuyện dễ dàng với mọi người xung quanh. Người ta biết được hoàn cảnh của ông nên thường xuyên đến ủng hộ, một phần cũng vì tài năng. Ông sửa khóa rất trau chuốt mà nhanh cực độ, lúc nào cũng rất tỉ mỉ gọt giũa cẩn thận từng khía cạnh của chiếc chìa khóa với vẻ mặt luôn niềm nở và vui vẻ với khách. Vì thế, khách rất quý ông, có người mới đến sửa lần đầu thôi mà đã xin số điện thoại để tiện gọi ông đến nhà sửa.

Họ tin tưởng vào tay nghề của ông làm trên từng chiếc chìa khóa và sự cố gắng vượt qua bản thân khó nghèo. Thu nhập của ông rất bấp bênh, có ngày được khoảng hơn 150 ngàn, còn ngày nào ế thì chỉ 100 ngàn. Về giá cả thì khỏi phải nói, ai đến sửa lần đầu cũng rất hài lòng từ sản phẩm đến giá thành, mỗi chiếc chìa khóa ông chỉ lấy 15 ngàn, người nào muốn thay luôn cái ổ thì mất chừng 80 ngàn. Sợ khách đến mà không gặp được mình nên ông ghi số điện thoại của mình cho những người xung quanh như chú bảo vệ hay bác xe ôm… để có ai cần, chỉ việc nhắn tin là ông chạy đến phục vụ liền.


Và khả năng ngoại ngữ đặc biệt

Tuy đã lớn tuổi nhưng suy nghĩ và cách sống của ông rất hiện đại. Ông bắt đầu vào tiệm internet và tập tành lên mạng lướt web rồi lập tài khoản chát Yahoo! để kết bạn, nói chuyện với mọi người, đặc biệt là người câm điếc… Lúc đó, ông đã được 47 tuổi. Chat với những người cùng cảnh ngộ, giúp ông hiểu ra nhiều chân lý sống mới và có thể chia sẻ nỗi niềm của mình.

Không chỉ kết bạn trong nước mà còn kết bạn với cả những Việt kiều, thậm chí là người nước ngoài cũng bị câm điếc như ông. Tuy vậy, khó khăn là họ chỉ biết sơ sơ về tiếng Việt, đôi khi muốn trải lòng cũng rất khó khăn. Thấy khó khăn qua giao tiếp nên trong giờ nghỉ trưa ông liền tranh thủ chạy vào nhà sách mua liền 2 cuốn từ điển Anh - Việt và cuốn sách dạy học tiếng Anh cơ bản về tiệm cặm cụi học từng từ.

ANH A (1).jpg
Ông Tường tranh thủ học ngoại ngữ - Ảnh: Đức Vượng


Phương pháp học của ông rất đặc biệt mà hiệu quả cao, hàng ngày tranh thủ lúc vắng khách là mang một cuốn sổ tay và 2 cuốn từ điển ra đọc, luyện từ vựng. Mỗi ngày, ông học 5 từ vựng và dành từ ba đến bốn tiếng đồng hồ cho 5 từ vựng mới và ôn lại những từ vựng cũ. Ngoài ra, ông còn liên tục lên mạng chat với ông bạn nước ngoài để nhờ bạn chỉ dẫn nhiều hơn về ngoại ngữ. Ban đầu nhớ được vài từ thôi là ông đã sung sướng lắm rồi.

Ông kể: “Tôi vui đến nỗi đi đâu cũng viết ra mấy từ đó, rồi còn đi khoe cho con gái mình nữa… Tôi thấy tiếng Anh càng học thì càng thấy thích”. Khả năng giao tiếp ngày càng thông thạo hơn, ông đã không ngần ngại làm quen và kết bạn với những người bạn từ các quốc gia khác như: Philippines, Hà Lan, Đức, Pháp… để trau dồi các ngoại ngữ. Không chỉ riêng với những người bạn trên mạng mà việc thành thạo ngoại ngữ đã giúp ông rất nhiều khi gặp khách Tây.

Mặc dù đã biết nhiều loại ngôn ngữ nhưng ông không bao giờ bỏ bê việc học hành, nếu có thời gian là ông lại lấy từ điển ra để học từ. Tâm sự với chúng tôi, ông cũng không quên giới thiệu về những quyển từ điển và nhiều bài vở đã từng học. Cái tủ kiếm tiền nhỏ gắn bó gần 40 năm nay, không ai nghĩ nó có một ngăn kéo dành riêng cho những quyển từ điển, tài liệu học tập mà ông đã cặm cụi dành dụm gần một đời người.

Cuộc đời của ông còn có một mái ấm rất hạnh phúc, đó là vào năm 28 tuổi, khi ấy ông vô tình quen biết được một người phụ nữ tên Lạc hơn ông 5 tuổi. Bà Lạc cũng là người câm, điếc như ông. Hai người yêu thương nhau và đi đến hôn nhân, mặc dù gia cảnh có khó khăn.

Sáng 8 giờ, ông Tường đã đi sửa khóa, còn bà Lạc ở nhà làm công việc nội trợ. Mặc dù cuộc sống vợ chồng khó khăn hơn khi 3 đứa con lần lượt ra đời nhưng với họ đó là kết quả của một tình yêu giản dị, là niềm vui sống trong cuộc đời... Rồi vợ ông cũng ra đi trong cơn đau tim, khi ấy ông đã hơn 46 tuổi. Dù đau đớn khôn nguôi, tưởng chừng như sự sống dừng lại nhưng với ông còn có 3 đứa con thơ…

Và, bây giờ, niềm an ủi lớn nhất của ông là ba cô con gái. Các con của ông, ai cũng biết ngôn ngữ ký hiệu của người câm điếc, lúc nào cũng quây quần chăm sóc ông. Hiện tại, ba người con của ông đều khôn lớn và thành đạt. Cô thứ hai tên Loan, 26 tuổi đang làm kế toán cho một công ty ở quận 1, cô thứ ba tên Ngân, 22 tuổi đang làm việc trong một nhà hàng và đứa con gái út tên Bông ,17 tuổi đang làm thêm trong căng-tin của Bệnh viện 115.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày