Ông Sáu Xinh phát thuốc, xây cầu

GN - Buổi sáng ăn vội bát cơm rau đạm bạc, ông quơ lấy chiếc xe đạp cũ kỹ, tất bật đến với anh em thiện nguyện đang khẩn trương thi công hai công trình cầu nông thôn, đảm bảo hoàn thành kịp tiến độ.

Anh Nguyễn Văn Vẹn, đại diện nhóm Gia đình Thiện Tâm tại TP.HCM chia sẻ: “Ai cũng có một gia đình phải lo. Chú Sáu đông con, nhà nghèo nhưng chú là tấm gương sáng cho em thêm nghị lực để tiếp tục đi trên con đường thiện nguyện. Nhiều hoàn cảnh khó khăn được nhóm của chú giúp có lúc họ muốn bỏ cuộc nhưng khi nghĩ đến tấm lòng của bậc cha chú, nhiều người đã cố gắng vươn lên …”.

Từ việc chặt thuốc Nam…

Cán bộ và nhân dân ấp Phú Long, xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp gọi ông một cách thân tình: “chú Sáu Xinh” (tên đầy đủ là Phạm Văn Xinh, sinh năm 1943). Ông là người của thiện nguyện bởi tâm huyết và niềm vui của ông là những công trình nhân đạo phục vụ cho người dân nghèo.

Cả một đời lam lũ với ruộng đồng, ký ức tuổi thơ của ông là những con lộ nông thôn lầy lội mùa mưa lũ, những chiếc cầu tre lắt lẻo chông chênh, trẻ con đi học gian nan, vất vả. Hơn mười tuổi, ông đã đi cắt từng bó thuốc Nam ôm đến các cơ sở hốt thuốc từ thiện giúp cho người nghèo. Cho đến tuổi “xưa nay hiếm” với mái đầu bạc trắng, ông vẫn miệt mài làm việc thiện.

ANH TT.jpg

Ông Sáu Xinh bìa trái thực hiện nghi thức khởi công xây dựng cầu nông thôn

Những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, nhà ông là địa chỉ cung ứng thuốc Nam cho trạm y tế xã, các cơ sở thuốc Nam từ thiện trong và ngoài tỉnh. Để có đủ thuốc theo nhu cầu, ông vận động anh em, bạn bè lặn lội đi tầm thuốc ở 16 xã trong khu vực lân cận, tự làm máy bào thuốc. Mỗi ngày, ông phát cho cô bác trong xóm mỗi nhà vài vỏ bao, tận dụng vật dụng phơi lúa để phơi thuốc. Sau đó, ông đi từng nhà gom thuốc, mượn ghe xuồng lớn chở đi phân phát các nơi.

Ông tâm sự: “Tôi quan tâm nhất là thuốc vì thuốc giúp người nghèo có thể lành bệnh. Trong quá trình làm từ thiện, tôi cũng bị hiểu lầm bởi một số người tinh thần xã hội không cao. Họ tưởng tôi làm ăn lương hoặc xin để bán chác nên với những cây thuốc khó tìm, ở vườn nhà họ có, họ nói thẳng là thà đem liệng xuống sông hoặc cho các chùa. Vì thế, làm từ thiện phải thật nhẫn nại và có tâm Bồ-tát mới không bỏ cuộc”.

Ông Tư Tụi, bạn chí cốt của ông cho biết, ai ngờ những gia đình ấy có lúc cũng cần Nam dược để trị bệnh, nhóm thiện nguyện của ông Sáu Xinh hết lòng giúp đỡ. Từ đó, họ vui vẻ chở mỗi lần cả xe ba gác thuốc về hợp tác với nhóm.

… đến xây cầu nông thôn từ thiện

Về cầu nông thôn kiên cố ở địa phương do ông vận động xây dựng mới hay sửa chữa có đến vài chục cây. Từ cầu khỉ vững chắc đến cầu ván, nhưng cầu ván cứ 3 năm lại xuống cấp nên ông phải đi xin nguyên liệu để chấp nối. Vài năm gần đây, ông vận động các nhà tài trợ ủng hộ làm cầu bê-tông.

Những cây cầu khỉ rồi cầu ván rệu rã ngày nào được lần lượt bê-tông hóa kiên cố, khang trang là niềm vui lớn của những người nông dân cần mẫn, nghèo tiền bạc nhưng giàu nhân nghĩa. Tính trong năm 2014, nhóm làm cầu từ thiện của ông Sáu Xinh đã vận động làm được 7 cầu, tổng kinh phí gần 500 triệu đồng. Trong đó, cầu Thiện Tâm 1 bắc qua rạch Sáu Diện và cầu Thiện Tâm 3, bắc qua rạch Ngã Cạy trị giá trên 100 triệu đồng… Thành quả nào cũng phải trả giá.

Ông Sáu Xinh bộc bạch: “Đi gõ cửa các nơi, có nhà cho 100.000 đồng mà họ tra hạch đủ điều vì sợ bị lừa. Sau này, tôi có sự hỗ trợ của cán bộ xã, đồng thời mỗi cây cầu đều có tổ thi công, tổ quản lý tài chính do dân bình bầu nên công trình đạt uy tín, chất lượng. Vì thế, họ sẵn sàng đưa 10 triệu… ủng hộ”.

Hầu hết công trình cầu từ thiện ở xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc do ông Sáu Xinh vận động đều có sự đóng góp của nhóm Gia đình Thiện Tâm tại TP.Hồ Chí Minh tài trợ hơn 50% chi phí nguyên vật liệu…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày