*Bạch Hòa thượng, với tư cách là một trong những bậc giáo phẩm gắn bó Phật giáo Khánh Hòa kể từ nhiệm kỳ đầu cho đến nay, xin Hòa thượng chia sẻ đôi nét về đặc điểm của Phật giáo xứ Trầm hương?
- HT. Thích Trí Tâm: Trải qua chặng đường dài hơn 400 năm kể từ khi đạo Phật có mặt tại xứ Trầm hương - Khánh Hòa, Phật giáo đã đi vào đời sống ở vùng đất này, đạo đức Phật giáo đã ảnh hưởng sâu sắc lên nếp sống người dân dù lịch sử biến thiên qua các giai đoạn khác nhau.
Khánh Hòa là vùng đất sản sinh nhiều vị danh tăng và là nơi dừng chân hoằng pháp, đào tạo Tăng tài của các bậc danh tăng Việt
Khánh Hòa là một trong những vùng đất thuộc Nam Trung Bộ, nối liền giữa hai miền
Theo tôi được biết, trước ngày thống nhất các hệ phái Phật giáo thành ngôi nhà chung GHPGVN năm 1981 thì Phật giáo Khánh Hòa có 3 hệ phái Phật giáo, đó là Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và Hệ phái Phật giáo Tăng già Khất sĩ.
Kể từ khi thành lập GHPGVN, các hệ phái Phật giáo đoàn kết thành một nhà, cùng nhau xây dựng và phát triển vững mạnh trong ngôi nhà chung, hoạt động đúng với Hiến chương của GHPGVN và chủ trương Giáo hội đề ra. Đến nay, BTS THPG Khánh Hòa đã trải qua 4 nhiệm kỳ, đã kiện toàn bộ máy hành chánh điều hành các hoạt động Phật sự theo các ban, ngành và các đơn vị thành phố, huyện thị…
Hiện nay Khánh Hòa có diện tích hơn 5.258km2 với hai thành phố, một thị xã, ba huyện đồng bằng, hai huyện miền núi và một huyện hải đảo. Dân số khoảng 1.200.000 người, có số lượng tín đồ theo đạo Phật chiếm khoảng 2/3 dân số. Theo thống kê, hiện trên toàn tỉnh có khoảng 395 cơ sở tự viện, trong đó có 297 ngôi chùa, 1 tu viện, 1 ni viện, 35 tịnh xá, 59 tịnh thất và 2 niệm Phật đường. Trong số đó có 74 cơ sở chưa hợp thức hóa và đưa vào quản lý sinh hoạt của Giáo hội. Về số lượng Tăng Ni, trên toàn tỉnh có 1.564 vị.
BTS PG Khánh Hòa trong nhiệm kỳ qua đã tạo được mối quan hệ gắn bó hài hòa với các cấp lãnh đạo chính quyền tỉnh, nó cũng đã khẳng định thế đứng vững vàng và phát triển đúng hướng của Phật giáo tỉnh nhà trong lòng người dân xứ Trầm hương trong hiện tại cũng như tương lai.
* Nói đến Nha Trang - Khánh Hòa, nhiều người nghĩ đến đây là một trong những trung tâm giáo dục, nơi có mô hình Phật học viện từng đào tạo Tăng tài nổi tiếng một thời. Xin Hòa thượng cho biết, thế mạnh và đặc điểm nổi bật nhất của PG Khánh Hòa hiện nay là gì?
Từ nhiều năm nay giới nghiên cứu Phật giáo trong và ngoài nước đều công nhận rằng, mô hình giáo dục Phật giáo của Phật học viện Hải Đức - Nha Trang là một mô hình được xếp vào loại mẫu mực, một trung tâm đào tạo Tăng tài, để lại một dấu ấn lớn trong trang sử Phật giáo VN thời cận - hiện đại.
Tiếp nối truyền thống đó, Phật giáo Khánh Hòa ngoài các hoạt động Phật sự khác, luôn có chủ trương đào tạo Tăng tài, tức chú trọng đến vấn đề con người kế thừa thông qua chương trình nghiêm khắc, nội trú trung cấp Phật học cũng như khích lệ, giới thiệu các Tăng Ni trẻ có năng lực du học đại học và hậu đại học ở các quốc gia trong khu vực.
Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm tổ chức các hội thảo, hoạt động về văn hóa, nghi lễ mang tính quy mô toàn quốc, cũng như rất nghiêm túc trong việc thực hiện các chủ trương của Trung ương Giáo hội, các Phật sự được giao phó trong tinh thần “tốt đời đẹp đạo”, “trang nghiêm Giáo hội”…
* Bạch Hòa thượng, ĐHĐB PG Khánh Hòa kỳ tới, việc chuẩn bị nhân sự điều hành Thường trực BTS như thế nào? Hòa thượng có chủ trương trẻ hóa nhân sự, giao nhiệm vụ Phật sự cho lớp kế tiếp như thế nào để có khả năng linh động trong điều hành Phật sự, kế thừa và phát huy thế mạnh của PG Khánh Hòa, góp phần xây dựng ngôi nhà PGVN vững tiến?
- BTS THPG Khánh Hòa đã kiện toàn tất cả các văn kiện Đại hội và đề trình lên Trung ương GHPGVN cũng như các cơ quan chức năng để xem xét và phê duyệt. Theo phương án tổ chức ĐHĐB PG tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ V (2011-2016) sẽ được tổ chức vào các ngày 29, 30, 31-8-2011 tại Hội trường Thành ủy TP. Nha Trang (số 22 Trần Hưng Đạo, TP.Nha Trang) với số lượng đại biểu tham dự khoảng 500 vị, trong đó có khoảng 367 đại biểu chính thức. Từ tháng 6-2011 đến nay, Thường trực BTS cũng đã tổ chức nhiều phiên họp để cùng nhau thống nhất phương án tổ chức Đại hội cũng như phân công, phân nhiệm các ban, ngành trực thuộc cũng như các cá nhân trong công tác tổ chức Đại hội. Nói chung, về cơ bản các công tác chuẩn bị đã được kiện toàn và thống nhất từ ý chí đến hành động.
Về công tác tổ chức nhân sự điều hành Thường trực BTS, cho đến nay Ban Nhân sự Đại hội cũng đã trưng cầu ý kiến về việc phân công phân nhiệm các thành viên trong BTS, cũng như giới thiệu và cơ cấu nhân sự Thường trực BTS nhằm đề trình Đại hội biểu quyết đề cử.
Không riêng gì Phật giáo Khánh Hòa mà Phật giáo ở các tỉnh, thành khác cũng có chủ trương trẻ hóa nhân sự trong công tác quản lý của Phật giáo tỉnh nhà. Đây cũng là chủ trương của GHPGVN. Tuy nhiên, vấn đề trẻ hóa nhân sự cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện sinh hoạt của mỗi tỉnh, thành hội Phật giáo. Trong nhiệm kỳ qua, BTS THPG Khánh Hòa cũng đã cải cách bộ máy tổ chức, trong đó chú trọng việc phân nhiệm các Tăng Ni trẻ có thực tài để cơ cấu vào các ngành chức năng của Giáo hội.
Cụ thể như ngành giáo dục Tăng Ni, hiện nay nhân sự điều hành Trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa cũng như các lớp sơ cấp Phật học trên toàn tỉnh đều do các vị Tăng Ni trẻ có độ tuổi từ 30 đến 60, nhiều nhất là từ 40 đến 50 tuổi, có đạo hạnh và chuyên môn đảm trách. Đối với nhân sự điều hành Thường trực BTS của nhiệm kỳ tới, chúng tôi cũng chú trọng đến việc cơ cấu thế hệ trẻ, tuy nhiên cũng cần có sự giám sát và điều hành mẫu mực của các thế hệ đi trước nhằm tạo điều kiện cho lớp trẻ học tập thêm kinh nghiệm trong công tác quản lý và điều hành Phật sự.
*Là bậc giáo phẩm có nhiều năm tham gia hoạt động của BTS THPG Khánh Hòa, với vai trò là một trong những người chèo lái con thuyền BTS, xin Hòa thượng cho biết tâm nguyện của mình trong sự nghiệp phát triển của Phật giáo tỉnh nhà.
- Kế thừa và phát huy sự nghiệp xây dựng và phát triển Phật giáo tỉnh nhà, cá nhân tôi cũng như chư vị tôn đức trong BTS THPG Khánh Hòa đều mong muốn Phật giáo Khánh Hòa luôn là một tổ chức Phật giáo thực hiện đúng Hiến chương của GHPGVN cũng như thành tựu mọi công tác Phật sự mà Trung ương Giáo hội giao phó. Tôi luôn xem các công tác Phật sự được BTS, Giáo hội giao phó là việc làm của Tăng sai, và cũng tự thân nỗ lực để hoàn thành nghĩa vụ mà Tăng Ni và Giáo hội phó thác. Tôi tin chắc rằng, với thế mạnh mà Phật giáo Khánh Hòa đã và đang có được sẽ là nền tảng cho các thế hệ Tăng Ni, Phật tử hôm nay và mai sau vững tin trong sự nghiệp phát triển Phật giáo tỉnh nhà cũng như góp phần phát triển bền vững GHPGVN trong hiện tại cũng như tương lai…
*Trân trọng cảm ơn Hòa thượng.