Phong phú các hoạt động văn hóa - tâm linh kỷ niệm 1.000 năm Phật giáo Thăng Long - Hà Nội

Giác Ngộ - Năm Canh Dần - 2010 là năm diễn ra các sự kiện lớn của Dân tộc và Phật giáo: Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ VI do Chính phủ và Giáo hội Phật giáo VN đăng cai tổ chức, cùng nhiều hoạt động Phật sự quan trọng của các ban ngành viện Trung ương, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành...

phongphu-1.jpg

Giác Ngộ đã có cuộc chuyện trò đầu xuân với TT. Thích Minh Hiền - Phó ban Văn hóa T.Ư, Trưởng ban Văn hóa Thành hội PG Hà Nội về chương trình tổng thể của Phật giáo tham dự Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

PV: Được biết Trung ương Giáo hội và Thành hội Phật giáo Hà Nội từ cuối năm qua đã có đề cương chương trình tham dự Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thượng tọa có thể cho biết vài nét về các nội dung này?

TT.Thích Minh Hiền: Theo chỉ đạo của Trung ương Giáo hội về việc chuẩn bị và tổ chức kỷ niệm 1.000 năm Phật giáo Thăng Long - Hà Nội trong tổng thể Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngay quý III - 2009, Thành hội Phật giáo Hà Nội đã có đề cương trình lên Trung ương Giáo hội và đã được thông qua với nhiều hoạt động trên diện rộng, bắt đầu từ ngày 1-1-2010, cao điểm là vào cuối tháng 7 - đầu tháng 8-2010.

Nội dung của các hoạt động dự kiến có 3 phần: (1) Nghi lễ cung nghinh Long vị vua Lý Thái Tổ và các bậc Quốc sư danh tăng Việt Nam từ đền Đô (Bắc Ninh) về triều bái tại chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh), sau đó nghênh rước về an vị tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội; cử hành lễ cầu âm siêu dương thái. (2) Tổ chức các diễn đàn, hội thảo khoa học về lịch sử và ứng dụng triết lý Phật giáo vào các lĩnh vực xã hội hiện nay. Và (3) Tuần Văn hóa Phật giáo với nhiều hoạt động triển lãm hội họa, nhiếp ảnh, trưng bày cổ vật, biểu diễn âm nhạc (giao hưởng và đại chúng), v.v... Đặc biệt, trong đại lễ này, Ban Tổ chức sẽ phục dựng Lễ hội đèn quảng chiếu tại khu vực Hoàng thành Thăng Long xưa.

Trong dịp này còn có nhiều hoạt động Phật sự khác như An vị tượng đài Thánh Gióng tại Sóc Sơn, khánh thành Đại tháp Báo Ân tại chùa Bằng - Thanh Trì, gắn biển cho các công trình chào mừng Hà Nội 1.000 năm tuổi, các hoạt động từ thiện xã hội trong tinh thần chia sẻ khó khăn…

Chương trình do Trung ương Giáo hội và Thành hội Phật giáo Hà Nội chủ trì với sự phối hợp tổ chức của Phân viện Nghiên cứu Phật học, Ban Trị sự các tỉnh thành lân cận, Viện Nghiên cứu Tôn giáo cùng các Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông…

Với quy mô rất lớn như thế nên Trung ương Giáo hội và Thành hội Phật giáo Hà Nội sẽ có chủ trương và kế hoạch vận động toàn bộ các cơ sở Phật giáo trên toàn thành phố cũng như các Ban Trị sự Phật giáo tỉnh thành lân cận, các nhóm, câu lạc bộ, đạo tràng và quần chúng tham dự để bảo đảm được sự thành công của sự kiện Phật giáo ngàn năm một thuở này.

Thượng tọa có thể nói rõ thêm về Lễ rước Long vị vua Lý Thái Tổ và các bậc Quốc sư Việt Nam…

- Theo kế hoạch dự tính, chương trình bắt đầu từ 6 giờ sáng ngày 27-7-2010, từ đền Đô Long vị vua Lý Thái Tổ, Long vị các bậc Quốc sư Việt Nam được tôn trí uy nghiêm trên lễ đài trước lòng thành kính của chư Tăng Ni, Phật tử, thiện tín thập phương. Ban Tổ chức sẽ long trọng khai mạc lễ rước. Sau đó tôn trí các Long vị lên xe hoa và khởi hành tới chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh), đi về Hà Nội. Trên suốt đoạn đường đi có hàng trăm chiếc trống đại, trống ban liên tục thay nhau gõ hòa và thi nhịp trong âm vang của hàng trăm cây kèn dài, kèn soma, kèn bầu chia thành từng tốp, đoàn rước cử hành các điệu thức của nhã nhạc như Lưu thủy kim tiền và Lưu thủy hành vân…

Đoàn rước về đến Hoàng thành Thăng Long vào khoảng lúc 14h. Đoàn rước nghỉ ngơi 30 phút. Vào lúc 15h30 cùng ngày sẽ tiến hành lễ cung nghênh Long vị Thánh đức Lý Thái Tổ, Long vị các bậc Quốc sư danh tăng Việt Nam tại Hoàng thành Thăng Long, cung tuyên công trạng, hành trạng Thánh đức Lý Thái Tổ và các bậc Quốc sư danh tăng Việt Nam qua các triều đại.

Nội dung chính là cử hành nghi lễ cầu quốc thái dân an sẽ được long trọng cử hành với sự chủ trì của lãnh đạo Trung ương Giáo hội và đại diện Nhà nước. Nghi lễ này gồm nhiều phần, đó là Đại đàn Mông sơn, Lục cúng, tụng kinh, phóng đăng, và lần đầu tiên phục dựng Lễ hội đèn quảng chiếu tại vị trí của Hoàng thành Thăng Long xưa với sự phối hợp tổ chức của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội.

Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nói riêng và các hoạt động Phật sự của Phật giáo nói chung đúng nghĩa phải là hoạt động của đông đảo quần chúng, là lễ hội của quần chúng như trong lịch sử đã từng mô tả. Với nhiều hoạt động tâm linh, văn hóa, nghệ thuật như thế, Thượng tọa có thể nói về sự phân bố địa điểm, làm sao để Tăng Ni, Phật tử, mọi người được tham dự?

- Chúng tôi được Trung ương Giáo hội và Thành hội Phật giáo Hà Nội chỉ đạo soạn thảo đề cương cho đại lễ này, cũng đã rất ý thức điều đó. Chúng ta từng tổ chức thành công các sự kiện Phật giáo mang tính quốc tế như Vesak 2008, Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới, kinh nghiệm đó rất có ích cho chúng ta tổ chức đại lễ này.

Với quy mô rộng lớn và nội dung phong phú như vậy, nên các hoạt động này cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, nhân sự có chuyên môn để có sự phối hợp nhịp nhàng, bảo đảm tính nhất quán về nội dung và triết lý của đại lễ.

Dự kiến, những chương trình chính về phần lễ sẽ được cử hành tại khu vực Hoàng thành Thăng Long xưa. Các hoạt động nghệ thuật, văn hóa sẽ phân bố tại nhiều địa điểm như Nhà hát Lớn, Cung Văn hóa Hữu nghị, Trung tâm Nghệ thuật Việt, Nhà Văn hóa Hà Đông, Bảo tàng Mỹ thuật VN, Bảo tàng Lịch sử, các tự viện trên toàn thành phố...

phongphu-2.jpg

Công tác chuẩn bị đến nay như thế nào, thưa Thượng tọa?

- Toàn bộ đề án đã được trình Văn phòng I Trung ương Giáo hội và Hội nghị Phật giáo các tỉnh thành phía Bắc thông qua ngày 10-8-2009. Trên tinh thần đó, hiện đang kiện toàn nhân sự Ban Tổ chức và kế hoạch triển khai chi tiết.

Thượng tọa có thể tóm tắt tầm quan trọng và ý nghĩa của Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Phật giáo Thăng Long - Hà Nội?

- Chúng tôi xin nhắc lại: Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là do Chính phủ chỉ đạo tổ chức, còn ở đây là Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Phật giáo Thăng Long - Hà Nội, do Trung ương Giáo hội và Thành hội Phật giáo Hà Nội cùng các Ban Trị sự Phật giáo tỉnh thành lân cận tổ chức.

Thủ đô Hà Nội - kinh đô Thăng Long xưa kia - là nơi địa linh nhân kiệt với bề dày hàng ngàn năm lịch sử, là nơi hội tụ những tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là một sự kiện vô cùng hy hữu của lịch sử Phật giáo nước nhà, để bày tỏ lòng tri ân và báo ân đối với lịch đại Tổ sư, đặc biệt là đối với các Quốc sư cao tăng đắc đạo của đạo Phật Việt Nam, đồng thời cũng là để giáo dục truyền thống lịch sử Phật giáo và dân tộc cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.

Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là một sự kiện ngàn năm có một mà Phật giáo chúng ta có thiện duyên đảm trách. Đại lễ này là trách vụ quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Thành hội Phật giáo Hà Nội.

Vì vậy, các hoạt động Phật sự của Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cần phải được chuẩn bị và tổ chức xứng đáng với những yêu cầu đặt ra.

Cảm ơn Thượng tọa.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày