Trong kinh Tăng chi, Bà-la-môn Dona hỏi Phật: “Có phải Ngài là vị Tiên, Ngài là Càn-thát-bà, Ngài là Dạ-xoa, Ngài là người? Với bốn câu hỏi này Đức Phật tuần tự trả lời: “Ta không phải là Tiên, Ta không phải là Càn-thát-bà, Ta không phải là Dạ-xoa, Ta không phải là người”.
“Này Bà-la-môn, với những ai chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là chư Thiên với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như cây Tala, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, với những ai chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là Càn-thát-bà, Ta có thể là Dạ-xoa, Ta có thể là người với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như cây Tala, được làm cho không hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai”.
Như vậy, có thể nói rằng Đức Phật đã từng làm tất cả các loài chúng sanh trong lục đạo luân hồi. Và ngay chính kiếp sống làm người cách nay 2.557 năm tại đất nước Ấn Độ, bằng sự nỗ lực rèn luyện tâm thức không biết mệt mỏi, với ý chí sắt đá và nghị lực phi thường, Thái tử Siddhartha đã xóa sạch tất cả lậu hoặc và chứng ngộ thành Phật. Vì vậy đối với bất kỳ đối tượng nào, Ngài cũng có thể là đối tượng đó, nhưng đã đoạn tận các lậu hoặc. Bất kỳ ai đoạn tận các lậu hoặc đều được gọi là Phật. Mà một vị thánh đệ tử có lòng tin chơn chánh đối với một vị Phật, phải hiểu Đức Phật có mười danh hiệu: “Này A Nan, vị Thánh đệ tử có chánh tín đối với Đức Phật: Thế tôn là bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn”. Mười danh hiệu này cũng chính là mười đặc tính tối ưu của một vị Phật. Qua đây ta thấy hiện lên vai trò của Đức Phật đối với chúng ta. Đó là Thiên nhân sư.
Thiên nhân sư là bậc thầy của trời người. Vai trò của Đức Phật đối với chúng ta là vị thầy. Ngài chỉ dạy những gì nên làm và không nên làm, con đường nào nên đi và không nên đi; đâu là hạnh phúc, đâu là khổ đau, đâu là an vui, đâu là sầu khổ, đâu là bất hạnh… Trách nhiệm của Phật là như thế. Còn đi con đường nào, làm gì là quyền của chúng ta. Muốn có hạnh phúc an vui thì phải thực hành theo lời Phật, không ai thực hành thay cho ta được, kể cả Đức Phật. Chính vì vậy mà trước giờ phút quan trọng nhất, lúc Phật sắp nhập diệt, Ngài kêu gọi các đệ tử phải tự nỗ lực, đừng dựa dẫm vào bất cứ ai: “Này A Nan! Hãy tự mình làm hòn đảo cho chính mình, và tự nương tựa chính mình. Hãy lấy pháp làm hòn đảo, làm nơi nương tựa, đừng lấy nơi nào khác làm nơi nương tựa, làm hòn đảo, đừng nương tựa nơi nào khác”.
Là Giáo chủ của một tôn giáo, được người đời tôn xưng với rất nhiều danh hiệu cao quý, lẽ ra Đức Phật phải hứa hẹn cho các đệ tử đặt trọn niềm tin vào Ngài sẽ được ban ân huệ gì đó, vậy mà Ngài chỉ kêu gọi họ tự nỗ lực, tự làm chủ lấy đời mình. Đây là nét đẹp nhân bản của đạo Phật, là điểm đặc trưng duy nhất có trong Phật giáo.
Ai học lịch sử triết học phương Tây đều biết chủ nghĩa Nhân bản (humanisme) ra đời từ thời đại Phục hưng, khoảng thế kỷ XIV-XVI, với hai tiêu chí: Một là tự chủ, tức con người tự mình làm chủ mình, đây là yếu tố quan trọng nhất. Hai là giải phóng lý tính ra khỏi niềm tin mù quáng. Tiêu chí một, ta có lời dạy trên. Tiêu chí hai, ta bắt gặp lời Phật dạy cho dân chúng xứ Kalama: “Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết, là truyền thống, được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền, được ghi lại trong kinh điển hay sách vở, thuộc lý luận siêu hình, phù hợp với lập trường của mình, được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt, phù hợp với định kiến của mình, được sức mạnh và quyền uy ủng hộ, được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết”.
Khi không tự làm chủ được đời mình và lý trí nô lệ cho lòng tin, con người vẫn còn là vị thành niên, phải dựa dẫm vào các đấng thần thánh tối cao mà đi. Xã hội Tây phương sống trong tình trạng vị thành niên mãi cho đến thế kỷ thứ XVI, khi Chủ nghĩa Nhân bản ra đời, mới trở thành người trưởng thành, có thể tự đi trên đôi chân của mình với ngọn đèn lý trí soi sáng, chứ không để lòng tin dẫn dắt nữa. Chính điểm này phương Tây gặp đạo Phật như cá gặp nước, thỏa thích bơi lội.
Ngoài vai trò là một vị thầy, Đức Phật còn tự ví mình như một vị lương y với bốn đặc tính: xác định được bệnh, biết rõ nguyên nhân của bệnh, biết cách chữa trị căn bệnh, trị xong không còn tái diễn. Bốn đặc tính này tương đương với bốn chân lý cao thượng: “Như Lai là bậc Đại y vương, thành tựu bốn đức, chữa lành bệnh cho chúng sanh cũng lại như vậy. Bốn đức là gì? Là Như Lai biết như thật đây là Khổ thánh đế; biết như thật đây là Khổ tập thánh đế; biết như thật đây là Khổ diệt thánh đế; biết như thật đây là khổ diệt đạo thánh đế”.
Tự nhận mình là vị Lương y, Đức Phật gián tiếp phủ nhận vai trò thần quyền của mình, vì dù thầy thuốc giỏi đến đâu, tài ba cỡ nào, nhưng nếu bệnh nhân không chịu làm theo hướng dẫn của thầy thuốc hoặc không chịu uống thuốc thì thầy thuốc cũng đành chịu. Trách nhiệm của Phật với vai trò là vị lương y, Ngài đã làm xong, tức đã xác định được tình trạng bệnh của chúng ta là bất an, lo lắng, sợ hãi, phiền não, khổ đau; nguyên nhân là do tham sân si, ghen tỵ, đố kỵ, tỵ hiềm, chấp ngã…; và đã cho hàng loạt toa thuốc nằm trong Tam tạng giáo điển. Phần còn lại là ở chúng ta, muốn hết bệnh thì phải ứng dụng lời Phật dạy trong đời sống hàng ngày để đối trị khổ đau và trải nghiệm hạnh phúc.
Tóm lại, dù là với vai trò nào, là bậc Đạo sư hay vị Lương y, Đức Phật cũng không thể can thiệp vào vận mệnh của chúng ta. Khổ đau hay hạnh phúc, vui vẻ hay muộn phiền là quyền tự quyết của chúng ta. Đây mới là con người trưởng thành, chịu trách nhiệm trước mọi hành vi do mình tạo ra. Mình hành động bất thiện thì gặt quả khổ đau, hành động thiện thì hưởng quả an vui. Con người tự do và bình đẳng trước chân lý, tức đạo lý nhân quả. Nếu an vui hay khổ đau là do chúng ta tự quyết, vậy thì cầu Đức Phật gia hộ mang ý nghĩa gì?
Sự gia hộ ở đây, theo người viết, mang hai ý nghĩa. Thứ nhất, khi ta tu tập theo lời Phật dạy có an lạc, thì sự an lạc này có thể nói là sự gia hộ hay sự cứu độ của Đức Phật. Thứ hai, khi ta nhận được niềm tin và cảm xúc thánh thiện từ hành động và nhân cách cao thượng của Đức Phật rồi hành động tốt đẹp trong cuộc đời, thì khi đó ta có thể nói rằng Đức Phật đã gia hộ cho ta. Theo ý này, thì bất kỳ ai cũng có thể gia hộ cho ta, một người hành khất cũng có thể gia hộ cho ta nếu người này có những hành động cao cả tạo cảm xúc thánh thiện trong lòng mình. Bill Ray Harris là một ví dụ: ông là một hành khất, nhưng không để lòng tham chế ngự, đã trả lại chiếc nhẫn kim cương cho cô Sarah Darling khi cô vô tình đánh rơi. Có thể nói ông Harris đã gia hộ cho rất nhiều người, vì hành động cao thượng của ông đã đánh thức cảm xúc và lòng chân thật của con người.
Tám mươi năm trên cuộc đời, Đức Phật đã để lại cho chúng ta vô số lời dạy quý giá, xoay quanh cuộc đời Ngài cũng có rất nhiều câu chuyện, mỗi câu chuyện cho ta những cảm xúc khác nhau, có câu chuyện cho ta cảm xúc về lòng yêu thương, có câu chuyện cho ta cảm xúc về sự hy sinh cao cả... Sau đây là một câu chuyện:
Một hôm vương tử Bồ Đề thỉnh Đức Phật về nhà thọ trai, ông trải tấm vải đẹp từ trong nhà ra ngoài ngõ để cung đón Ngài. Đến trước tấm vải Đức Phật không bước lên, Ngài ra hiệu cho thầy A Nan bảo Bồ Đề cuốn tấm vải cất đi, Ngài không bước lên vì nghĩ đến những người nghèo khó đang thiếu ăn thiếu mặc.
Câu chuyện ngắn nhưng gợi cho ta nhiều suy nghĩ và cảm xúc, trước khi thọ nhận cái gì, mua sắm cái gì hay tiêu xài cái gì chúng ta nên nghĩ đến những người đang còn khó khăn thiếu thốn hơn mình để tiết chế hành động phung phí của mình. Đọc câu chuyện mà cho chúng ta cảm xúc về sự quan tâm đến người khác rồi hành động lợi mình lợi người thì đó là sự gia hộ của Đức Phật.
Hiểu gia hộ theo nghĩa như vậy có làm giảm giá trị của Đức Phật và khiến cho Ngài trở nên tầm thường không? Chúng ta thường có ý niệm về Đức Phật là người lúc nào cũng có hào quang sáng chói, đi trên hoa sen, ngồi trên tòa sen, thực hiện các phép thần thông biến hóa dị thường mà ít ai nghĩ rằng Đức Phật có thể là một người ăn xin với một hành động đầy cao thượng nào đó. Bill Ray Harris là một người ăn xin nhưng hành động là của một vị Phật, vì đã chế ngự được lòng tham. Phật và chúng sanh khác nhau không phải do hình tướng mà do hành động, hành động tầm thường là chúng sanh, hành động cao thượng là Phật. Cho nên sự vĩ đại của Đức Phật không phải ở khả năng thần thông biến hóa, hô phong hoán vũ, đi mây về gió, mà ở chỗ hành động thể hiện những đức tính hiền thiện có mặt trong tự thân của mỗi người. Câu chuyện sau đây cho chúng ta cảm xúc về sự bình tĩnh, đồng thời cho thấy sự mầu nhiệm của Đức Phật khi thể hiện đức tính ấy:
Có một cô gái là đệ tử của Đức Phật về làm dâu trong một gia đình Bà-la-môn. Mỗi lần có sự tranh chấp cãi cọ cô đều niệm kinh Phật. Tình trạng này gia đình chồng không ưa. Một hôm người chồng cùng mấy người bạn cùng ăn cơm ở nhà ông, cô buột miệng niệm “Nam-mô Phật”, khiến ông tức giận như bị khiêu khích. Ông bỏ ăn chạy đến tinh xá nhục mạ Phật. Đức Phật trầm tĩnh, lặng lẽ lắng nghe, rồi từ tốn hỏi:
“- Này Bà-la-môn, khi có bà con hoặc khách bạn đến thăm, ông có sửa soạn các món ăn để tiếp đãi họ không?
- Thưa Tôn giả Gotama, thỉnh thoảng có bà con hoặc khách bạn đến thăm, chúng tôi có sửa soạn các món ăn để thết đãi họ.
- Nhưng này Bà-la-môn, nếu họ không thâu nhận thì những món ăn ấy thuộc về ai?
- Thưa Tôn giả Gotama, tất nhiên nếu họ không thâu nhận thì những món ăn ấy thuộc về chúng tôi.
- Cũng vậy, này Bà-la-môn, nếu ông phỉ báng chúng tôi, mắng nhiếc chúng tôi, gây lộn với chúng tôi mà chúng tôi không thâu nhận, thì sự việc ấy từ ông chỉ về lại với ông.
- Này Bà-la-môn, ai phỉ báng lại khi bị phỉ báng, mắng nhiếc lại khi bị mắng nhiếc, gây lộn lại khi bị gây lộn, thì như vậy, này Bà-la-môn, người ấy được xem là đã hưởng thọ, đã san sẻ với ông. Còn chúng tôi không cùng hưởng thọ sự việc ấy với ông, không san sẻ sự việc ấy với ông, thì này Bà-la-môn sự việc ấy về lại với ông".
Cảm phục trước đức tính điềm đạm, tự chế và ngôn ngữ nhân từ đầy ngụ ý của Đức Phật, ông Bà-la-môn sụp lạy xin được quy y làm đệ tử Ngài. Ba người em trai thấy ông đã quy y Đức Phật cũng giận dữ tìm Ngài mắng nhiếc nhưng tất cả đều được Đức Phật cảm hóa. Các thầy Tỳ-kheo thấy thế đều ca ngợi sự mầu nhiệm của Đức Phật: “Đức hạnh của Đức Phật thật mầu nhiệm, cả bốn anh em Bà-la-môn đều nhục mạ Ngài mà rồi ai cũng được cảm hóa, cũng làm cho lĩnh hội được pháp, cũng được Ngài làm nơi nương tựa, làm vị cứu tinh”.
Quả thật Đức Phật rất mầu nhiệm, nhưng không phải do sử dụng phép lạ, Ngài chưa bao giờ dùng phép lạ để cứu độ chúng ta. Ngài chỉ sử dụng những đức tính tốt đẹp của con người để hóa độ con người. Qua câu chuyện trên, Ngài có làm điều gì siêu nhiên, mang tính thần thánh vượt quá khả năng của chúng ta đâu. Ngài chỉ ngồi đó, nhẫn chịu lắng nghe rồi với lòng nhân từ bao la, bằng ngôn từ ôn hòa, Ngài dạy đối tượng công kích mình về luật nhân quả, hễ trao cho ai điều gì thì chính mình sẽ nhận lại điều đó, khiến cho họ xúc động sâu xa, sụp lạy xin quy y Ngài. Người ta quy hướng Ngài không phải bằng những phép lạ mà bằng những đức tính chịu đựng và tự chế của Ngài. Ngài nói: “Các vị Tỳ-kheo, Như Lai không làm thương tổn cả những người làm thương tổn Như Lai. Như Lai chịu đựng và tự chế, bao người quy y Như Lai là quy y đức tính ấy”.
Đọc câu chuyện, tâm linh chúng ta cũng xúc động sâu xa trước đức tính nhẫn nhịn cao cả ấy của Đức Phật. Mỗi lần đối diện với sự xúc phạm của người khác, hãy để tâm hướng về hình ảnh điềm đạm của Đức Phật, ta như được tiếp thêm sức mạnh vững chãi từ Ngài. Đó chính là sự gia hộ của Đức Phật cho chúng ta.
Kinh tạng ghi lại rất nhiều trường hợp những vị ngoại đạo do cảm phục trước đức độ và trí tuệ siêu việt của Đức Phật đã nói lên những lời xúc động tận đáy lòng. Gia chủ Upali là một ví dụ. Ông là một phú hộ, là đệ tử tại gia lừng danh của tôn giáo Ni-kiền-tử. Một hôm nghe Trường Khổ Hạnh, một tu sĩ của giáo phái Ni-kiền-tử, trình bày lại quan điểm của Đức Phật là trong ba nghiệp, ý nghiệp quan trọng nhất, ông và giáo chủ Ni-kiền-tử không chấp nhận, vì giáo phái của ông chủ trương thân nghiệp là tối trọng. Upali được sự đồng ý và khích lệ của giáo chủ Ni-kiền-tử, đi đến luận chiến với Đức Phật.
Trong cuộc luận chiến đó, ông bị thuyết phục bởi trí tuệ trác tuyệt của Đức Phật. Ông vui mừng đảnh lễ và xin được quy y làm đệ tử của Ngài. Đức Phật nói rằng một người trứ danh như ông trước khi quyết định điều gì phải suy nghĩ thật chín chắn.
Cảm phục trước lời khuyên chân thành của Đức Phật, Upali sụp lạy lần nữa xin quy y làm đệ tử của Ngài. Đức Phật chấp nhận và khuyên ông nên tiếp tục cúng dường cho tôn giáo cũ của mình. Xúc động trước đức độ bao dung tôn giáo của Đức Phật, Upali sụp lạy lần thứ ba rồi nói lên những cảm xúc hạnh phúc tận đáy lòng mình: Bạch Thế Tôn, con vô cùng hoan hỷ, vô cùng thỏa mãn với những lời Thế Tôn nói với con. Bạch Thế Tôn, nếu các ngoại đạo được con làm đệ tử, họ sẽ giương cờ lên và tuyên bố: Gia chủ Upali đã trở thành đệ tử của chúng tôi. Và họ sẽ ngăn không cho con cúng dường cho các đạo sư khác.
Ta có thể nói rằng niềm rung động hạnh phúc và sự thỏa mãn của gia chủ Upali là sự gia hộ của Đức Phật. Không riêng gì Upali mà bất cứ ai có duyên gặp gỡ Đức Phật, được nghe giáo pháp của Ngài đều có những rung động tâm linh sâu xa, bằng chứng là vào thời Phật rất nhiều người giác ngộ được đạo quả Dự lưu, tức dự vào dòng Thánh. Chính những rung động tâm linh làm chuyển biến tâm thức từ xấu xa sang tốt đẹp hay từ phàm phu sang thánh thiện.
Nếu chúng ta đọc một câu kinh, nghe một bài pháp thoại hay lễ Phật một lạy mà có những rung động tâm linh sâu xa khiến cho tâm thức được chuyển hóa, thăng hoa trong những cảm xúc hạnh phúc, thì đó là sự gia hộ của Đức Phật. Ví dụ khi ta đọc thi kệ Pháp cú: Thắng thì thêm hận thù/ Thua thì thêm sầu não/ Thắng thua ta bỏ cả/ An lạc tại nơi đây, thì bao nhiêu phiền não so sánh hơn thua, tranh giành đấu đá trên cuộc đời này đều rơi rụng, chỉ còn lại niềm hỷ lạc nhiệm mầu. Hoặc khi ta đọc bài kinh nói về mạng người như hơi thở, nghĩa là đời sống con người ngắn ngủi bằng hơi thở và mong manh như hơi thở, thì bao nhiêu phiền não do tham lam chất chứa đều buông bỏ, cảm thức xả ly có mặt thì đồng thời hạnh phúc có mặt.
Đọc kinh mà muốn có những rung động tâm linh sâu xa, tức có sự gia hộ của Đức Phật, thì ta phải đọc bằng cả trái tim và bằng cả sự trải nghiệm tu tập. Nếu ta đọc hời hợt, sẽ không cảm nhận được giá trị và chiều sâu của lời kinh.