Thủy quái Makara

Thủy quái Makara

Hình tượng của linh vật thần thoại Makara trong điêu khắc cổ xưa ở các đền điện Hindu và Phật giáo trải rộng khắp Nam Á và Đông Nam Á. Makara được mô tả sinh động như là vật trấn giữ ở lối vào các điện thờ Hindu và chùa chiền, chính điện Phật giáo. Việc motif nghệ thuật này được thấy ở hầu hết di tích, di vật kiến trúc và mỹ thuật châu Á đã chỉ ra vai trò quan trọng của nó đối với lịch sử văn hóa - tín ngưỡng lẫn lịch sử mỹ thuật các nước châu Á, bao gồm cả Việt Nam.

Makara trong thần thoại Ấn Độ

Truy tìm từ điểm khởi phát, Makara là một con quái vật biển trong các tranh tượng Hindu giáo, phát sinh từ loại cá heo sông Hằng, nhưng hình tướng phổ biến có nhiều đặc điểm giống con cá sấu. Trước hết, Makara là một biểu tượng của các vùng sông nước. Nó thường được miêu tả có hình dáng nửa động vật trên cạn với phần trước là đầu voi, cá sấu, bò đực hoặc hươu/nai và phần thân mềm dẻo của động vật dưới nước với đuôi cá, hải cẩu và trong một vài trường hợp nó có chiếc đuôi cách điệu hoa mỹ giống đuôi công. Nó là sinh vật đa hợp nhân cách hóa từ bản chất hung ác, dữ tợn của cá sấu. Do sự tiến hóa của phong cách nghệ thuật mà hình dạng Makara hiện thời có chân trước có móng vuốt của sư tử, bờm ngựa, mang cá, uốn cong như cá với hàm, vòi và gạc nai hay rồng. Đặc biệt, Makara luôn có mõm uốn cong như vòi voi.

Một trong những thần tích kỳ thú liên quan đến Makara là thần thoại kể về nữ thần sông Hằng (Ganga). Ở đây, Makara là vật cưỡi của nữ thần sông Hằng và chính từ các hình tướng này nó được liên hệ với loài cá heo nước ngọt sống ở sông Hằng.

Nữ thần Ganga với hóa thân là con sông Hằng (Ấn Độ) có nguồn gốc gắn liền với câu chuyện huyền ảo: Thuở nọ, vua Sagara đã đạt được phúc báo kỳ diệu: có được 60.000 người con. Một ngày, nhà vua Sagara cử hành lễ nghi cầu phúc cho vương quốc. Ở nghi lễ này, phần không thể thiếu là một con ngựa, nhưng nó đã bị trộm mất bởi sự đố kỵ của Indra. Sagara cho các con mình đi khắp trái đất để tìm kiếm con ngựa. Rồi họ tìm thấy nó ở dưới âm ty bên cạnh nhà hiền triết Kapila đang ngồi trầm ngâm. Tin rằng nhà hiền triết đã đánh cắp con ngựa, họ thốt ra những lời lăng mạ, sỉ nhục ông và khiến lễ sám hối của ông bị xáo động. Nhà hiền triết đã mở mắt lần đầu tiên sau nhiều năm nhập thiền và nhìn những người con vua Sagara. Với cái nhìn đó, tất cả 60.000 người con của đức vua đều bị thiêu đốt chết sạch.

Linh hồn những người con lang thang như ma kể từ khi nghi lễ cuối cùng không được cử hành đó. Khi Bhagiratha, một trong những đứa cháu vua Sagara, con của Dilip, biết được số phận đó của tổ tiên đã nguyện mang nước của Ganga (sông Hằng) xuống trái đất để tẩy rửa và giải thoát cho những linh hồn lên thiên đường.

Bhagiratha cầu xin Brahma cho Ganga ở trên trời (tức dải ngân hà) đổ xuống đất. Vì sự chí nguyện kiên trì của Bhagiratha, Brahma động lòng và đã ra lệnh cho Ganga chảy xuống trái đất và tận âm ty để linh hồn tổ tiên của Bhagiratha có thể lên được thiên đường. Ganga cảm thấy đó là điều sỉ nhục và quyết định quét sạch, hủy diệt toàn bộ trái đất khi nữ thần đổ từ trên trời xuống. Lo sợ, Bhagiratha cầu xin thần Shiva giúp đỡ: thần lấy đầu mình để đỡ dòng nước đổ từ trên trời dội xuống để cứu lấy thế gian.

Ganga kiêu ngạo trút xuống trên đầu thần Shiva. Nhưng Shiva điềm tĩnh ngăn nữ thần lại trong tóc của mình và để nữ thần chảy ra thành những dòng sông nhỏ. Và nước chảy trên trái đất giúp gột sạch những linh hồn bất hạnh nơi đây. Ganga giờ đây là một con sông chảy qua ba thế giới - Swarga (thiên đường/trời), Prithvi (đất) và Patala (âm ty hay địa ngục). Nó được gọi là Tripathaga (người du hành qua ba thế giới) trong Phạn ngữ(1). Makara là vật cưỡi của vị nữ thần sông Hằng thiêng liêng này.

Ngoài ra trong thần thoại Ấn Độ, Makara còn là vật cưỡi của thần đại dương Varuna. Varuna và Mitra - trong thần phả Vê-đa, Varuna là vị thần chúa tể của thiên giới, luôn luôn đi cùng thần Mitra. Varuna cùng Mitra đôn đốc sự vận hành và cai quản trật tự của vũ trụ, trời đất. Mitra theo dõi các mối liên hệ giữa con người với con người, là vị thần linh Ánh sáng, trụ trì ban ngày. Còn Varuna theo dõi việc thi hành luật vận động vũ trụ, trông nom mối quan hệ giữa thần và người, bảo vệ công lý, thưởng người tốt, trừng phạt kẻ xấu và những người nào không tuân theo luật vận động đó.

Varuna là thần trụ trì về ban đêm, là thần của không trung. Ngàn vạn ngôi sao được coi là những con mắt cảnh giác của Varuna đối với trần thế. Người ta hình dung Varuna như một vị thần thân hình màu xanh sẫm, mặc áo trắng, đứng/cưỡi trên con Makara, tay cầm sợi dây thắt nút/tấm lưới đánh cá. Về sau này, trong thời kỳ đạo Hindu, Varuna đã giữ một vai trò ít quan trọng hơn. Lúc đó, Varuna trở thành thần biển, trấn giữ phương Tây(2).

Theo sách Bhagavad Gita, Makara là con vật dũng mãnh, chiếm vị trí nổi trội trong thế giới sông nước: vị trí của Makara giữa đàn cá cũng như sông Hằng so với các con sông khác, hoặc như vị thế của dũng sĩ Rama so với các chiến binh trong trường ca Ramayama cổ đại Ấn Độ.

Trong vòng hoàng đạo của Ấn Độ, Makara là cung Capri-conus, tức cung Nam Dương trong hoàng đạo phương Tây và như vậy nó tương ứng với đông chí, bản thân điểm chí này lại ứng với yếu tố nước. Người ta gọi đông chí là cái cửa của các thần, cửa của mặt trời, vì đó là điểm gốc của giai đoạn đi lên trong chu kỳ hàng năm. Ý nghĩa biểu tượng của cái mõm con quái vật, coi như cái cửa là đã rõ và có hai mặt: hoặc là cứu sống, hoặc là ngấu nghiến; ở đây mõm cá heo hoặc cá sấu, là cái cửa giải thoát hay cửa tử vong: bị hút vào cái miệng ấy là bị tiêu diệt hay là vượt qua được những điều kiện của cuộc sống phù sinh(3).

Ngoài sự gắn kết với Ganga, Varuna, còn thấy thần bảo tồn Vishnu đeo khuyên tai Makarakundalas hình Makara(4) -  một hình tượng của nhận thức lý tính và nhận thức trực giác.Thần mặt trời Surya và nữ thần Mẹ Chandi thỉnh thoảng cũng được trang trí cùng chiếc khuyên tai Makarakundalas.

Trên lá cờ cầm tay của thần tình yêu Kamadeva – cờ Ma-yết (Makaradhvaja) - cũng có vẽ hình Makara, với đầu giống như đầu linh dương, thân và đuôi thì có hình dạng của loài cá (5). Makara ở đây là biểu tượng cho năng lực tính dục. Vị thần tình yêu này được xem như tương ứng với Aphrodite hay Venus (nữ thần tình yêu của Hy Lạp, La Mã), họ được sinh ra từ biển và vỏ sò, cá heo là vật tượng trưng chủ yếu. Trong ý nghĩa này, Makara cũng là biểu tượng trang sức được sử dụng phổ biến như là quà cưới cho cô dâu. Ở vòng xuyến bạc rỗng dát đá quý ở mắt và tai Makara là món nữ trang dùng làm quà cưới dành cho cô dâu. Hàm Makara làm bằng ngọc trai thể hiện đặc tính tính dục(6).

Các đồ án Makara

Trong nghệ thuật Ấn Độ, Makara được thể hiện bằng nhiều motif đăc biệt phong phú, mô tả sinh động với các phong cách khác biệt. Mẫu trang trí Makara được đặt trên lối/cổng đi vào của các công trình Phật giáo, gồm cả tháp Sanchi, một di sản thế giới. Nó cũng được tìm thấy là linh vật có chức năng trấn giữ lối/cổng vào cung điện hoàng gia.

Vào thời Trung cổ, ở Nam Ấn Độ, Makara đã biến đổi ở giai đoạn thứ 5 của sự phát triển, là các biểu tượng trong hình dáng của cái đầu voi và thân có vảy, các vảy xếp nếp và được trau chuốt tỉ mỉ ở chiếc đuôi cá. Về sau, Makara được thể hiện theo các đồ án kết hợp với các linh thú khác.

- Đồ án Makara-Kirtimukha: Ở điện thờ Hindu, Makara thường thấy trên cấu trúc mái vòm của cổng, cửa và torana đằng sau tượng Phật. Vòm/khung tò vò lộ ra từ hàm của một con Makara, đi lên đến chóp là Kirtimukha (khuôn mặt vinh quang, biểu tượng cát tường) và quay trở xuống chui vào mồm đang há hốc của một con Makara khác. Là một quái vật biển, song nó cũng được thể hiện với cái đầu và chân của loài linh dương, song thân và đuôi là cá.

Kiểu thức này cũng thấy trong điêu khắc tháp Chàm. Ở đây, Makara, một thủy quái, biểu tượng của nước. Trong trang trí kiến trúc Makara thường nằm hai đầu mi cửa hoặc vòm cuốn, còn Kala (Kirtimukha) thì nằm chính giữa(7).

- Đồ án Makara-Naga: Ở Bắc Thái Lan, Makara được mô tả như một loại sinh vật giống cá sấu được nhận biết bởi cái hàm mở rộng lởm chởm những răng nhọn. Từ cái hàm đó, phát ra con rắn thần Naga hay những cành sinh dưỡng, hay thậm chí cả những con vật khác - có vai trò liên quan đến yếu tố nước, biểu thị cho sự màu mỡ. Đôi khi, Makara có cái mũi cuộn giống cái vòi voi thu nhỏ.

Vào thời đại Mon Hariphunchai, như đồ án trang trí ở Wat Kukut, Lamphun: Makara chỉ có cái đầu phun ra những vòng hoa, tương tự như bản sao của Mon Dvaravati.

Phần lớn Makara thời kỳ Lan Na giống Mom, hình thái biến thể của Makara Miến Điện/ La Na. Mom được mô tả với thân có vảy, giống con thằn lằn và có một cái đầu ngắn giống chó mà không có tai. Về sau, cặp Mom được đặt trên lan can/hàng chấn song bao lơn nơi chúng canh giữ cổng chính điện. Tuy nhiên, công năng canh giữ của nó không có được năng lượng của rắn thần Naga trợ giúp. Vào thời kỳ Lan Na, Makara được kết hợp với Naga. Cái thân dài và giống rắn, với chân cá sấu nhỏ mọc ra ở trước và sau, trong khi cái đuôi xoắn cuộn giống rắn hay dạng đao mác đầu ngọn lửa(8). Motif Makara-Naga cũng được thấy phổ biến trong kiến trúc chùa tháp Khmer và Lào...

- Đồ án Makara trong mandala: Trong nghệ thuật Newar của Nepal, đồ án Makara được sử dụng rộng rãi. Trong kiến trúc Newar, nó được miêu tả như người canh gác/bảo vệ cổng ra vào. Hình ảnh Makara thể hiện trên những nhánh cung cong của kim cương chử (vajra) rộng lớn đi ngang qua nó, bao quanh 4 cổng của một loại mandala. Trong dạng mandala khác, kim cương chử băng ngang qua đỡ lấy toàn bộ cấu trúc của tòa nhà tráng lệ mandala, biểu trưng cho sự kiên định bất di bất dịch của vùng đất kim cương mà nó tọa lạc trên đó(9). Trên các cửa chính của biểu tượng mandala, có hình con Makara đang tôn vinh bánh xe Pháp luân: há miệng phun ra những luồng ánh sáng vinh quang(10).

- Đồ án Makara ở đầu hồi, gờ mái: Trong định dạng Phật giáo Tây Tạng, hình dáng Makara được lấy từ Ấn Độ. Tuy nhiên, có một vài sự khác biệt được thể hiện như chân trước có móng vuốt như sư tử, bờm ngựa, mang cá và xoắn như cá, gạc của hươu/nai hay rồng và đặc biệt là chiếc đuôi cá xoắn ốc phức hợp được trang trí lồng trong đồ án đuôi Makara (Phạn: Makaraketu). Ở đây Makara phần nào tương đồng với con ly trong mỹ thuật Trung Quốc và hình tượng khá giống với cá chép hóa rồng.

Tại đầu hồi kiến trúc đền chùa, chi tiết gờ mái Trung Quốc và Tây Tạng, Makara được trang trí như con vật bảo vệ nguồn nước, mưa, mưa đá, mưa bão, sấm sét. Biểu tượng đầu Makara ở góc mái/nóc các điện thờ biểu trưng cho yếu tố nước, có chức năng như vòi nước hay miệng máng xối. Nó được xem như là vòi nước của suối nguồn mùa xuân(11).

Ở Thái Lan, một di vật Makara hiếm hoi thời Lan Na được thấy ở gờ mái dãy sala wat Ton Kwen, Hang Dong, gần Chiang Mai(12).

Ở Cam Bốt, Makara là motif đặc trưng của kiến trúc tôn giáo Khmer ở vùng đất Angkor, thủ đô vương quốc Khmer. Makara thường được trang trí chạm khắc trên rầm đỡ/lanh-tô, tympanum hay những bức tường. Makara thường được thể hiện với biểu trưng động vật khác như sư tử, naga/rắn lòi ra từ cái mồm há hốc. Makara là đồ án chủ yếu trong những rầm đỡ/lanh-tô tuyệt đẹp của nhóm đền điện Roluos: Preah Ko, Bakong và Lolei. Tại Banteay Srei, chạm khắc Makara phun ra những con quái vật khác được đặt ở góc nhiều tòa nhà(13).

Ngoài ra còn một số đồ án Makara khác: Makara sinh ra thần linh, Asura, (Chàm) và những linh vật khác; hay Makara được dùng làm vật trang trí đầu vòi nước (Nepal)...

Nói chung, Makara là linh thú kết hợp hai con vật: một loài dưới nước và một loài trên cạn. Nếu chỉ chú trọng vào hai đặc điểm chính của Makara là linh vật kết hợp cá sấu và vòi voi thì cá sấu và voi là biểu tượng vật đỡ thế giới, là thành viên lớn của vũ trụ. Ngoài ra cá sấu, voi là biểu tượng của mưa và yếu tố nước(14). Như vậy, có phần tương đồng chung giữa hai con vật này trong một phức thể Makara. Là một linh vật kết hợp con vật thượng thủ ở dưới nước với con vật được coi là thượng thủ ở trên cạn, tùy thuận theo nếp nghĩ của từng tọa độ địa lý-văn hóa khác nhau, song Makara vẫn đảm bảo bản chất thậm phồn (hyber one) biểu thị sức mạnh trấn giữ vô địch, chống lại/ngăn cản hiệu quả các thế lực xấu ác, tà mỵ.

Makara trong pháp khí Mật tông

Kinh Chuẩn-đề-Đà-la-ni hội thích cho biết Makara (Ma-yết) là loài cá kình to lớn (dài hơn 10 mét, hoặc vài trăm mét) có thể nuốt các loại ghe thuyền lớn. Do đó, những người đi trong sông sâu biển lớn nếu tụng chân ngôn “Chuẩn-đề Đà-la-ni” thì không bị trôi chìm và không bị các loài ác long, ma yết, cá sấu, cá mập làm tổn hại(15). Như vậy, Makara được coi là con vật thượng thủ ở cõi thủy phủ. Trong chừng mực nào đó, Makara giống như loài Khú của người Mường, như thuồng luồng, giao long trong thần thoại Việt thời Hùng Vương.

Cờ Ma-yết (Makaradhvaja: cờ chiến thắng Makara) sớm nhất là cờ chiến thắng Yasha (Dạ xoa) hoặc Thấp Bà (Siva) với Dục Thần/Ma Vương (Mara). Hình dạng của nó do một lá cờ hình ô/dù khép lại, đầu Makara treo trên đỉnh cao, cán là bảo kiếm hoặc cán gỗ đơn giản. Trong chiến sự của Ấn Độ cổ thường dùng đầu cá sấu hoặc da đầu cá sấu để làm mũ đội, hoặc làm lá cờ cắm trên cán cờ, có tác dụng đe dọa và uy hiếp kẻ địch. Trong những trận chiến cổ xưa, cờ nghi thức thường sử dụng da cá sấu, cọp, sói, bò đực. Có khi cờ Makara cũng được vẽ có thắng lợi tràng với những dải màn tơ treo trên đầu Makara. Tương truyền, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi ngồi dưới gốc Bồ-đề bị Ma vương công kích đã dùng cờ Makara để làm cờ hiệu của mình.

Trong giai đoạn đầu của Phật giáo, bốn cờ Makara được cắm ở bốn hướng lớn của nền tháp, tượng trưng cho Phật Đà báo phục Tứ ma (ma âm, ma phiền não, ma tử và ma dục), hoặc chiến thắng bốn lính của ma. Cờ Makara cũng là pháp khí cầm ở tay phải “phương tiện” của thần tinh tú Rahula/La-hầu (khởi nguồn là cờ chiến của Rudra/Shiva), tượng trưng về việc ngài đã giáng phục Tứ ma - đại diện cho sự mê hoặc, và đoạn trừ ma chướng của “Ngũ độc”. Makaradhvaja hay cờ đầu sấu là trì vật của Rahula(16).

Trong Quán Tự Tại Bồ-tát A-ma-lai pháp thì cá Ma-kiệt (Makara) là vật cầm tay của A-ma-lai Quán Âm. (17)

Trong mỹ thuật Tây Tạng, những vết tích đầu súc vật được mô tả trên áo giáp của các chiến binh, cũng như bốn vị hộ pháp, đặc biệt là Virudhaka, vị hộ pháp xanh của phương Nam, đội mũ giáp sắt là cá sấu hay Makara(18).

Makara còn được thể hiện với hình ảnh con cá sấu bám chặt trên các pháp khí kim cang thừa Tây Tạng .

Đầu Makara được điêu khắc trên cán tay cầm của búa kim cương (phủ việt) với công năng như một loại thần thú trong truyền thuyết Ấn Độ, mang nhiều đặc trưng dũng mãnh của các loài động vật như voi, sư tử, có thể mang lại nguồn sức mạnh lớn cho pháp khí.

Búa kim cương là một pháp khí thường xuất hiện trong Phật giáo Tạng truyền, được cầm bên tay phải và tượng trưng cho phương pháp, đại diện việc trừ bỏ sáu phiền não căn bản đó là tham, sân, si, mạn, nghi, ác. Hình dạng của nó tựa như chiếc rìu binh khí thời cổ, đầu cán hình chày kim cương, thân đao và lưỡi búa ở phía dưới có hình giống chiếc rìu, trên cán tay cầm và pháp khí có điêu khắc trang trí hình đầu Makara; ngọn lửa, chuỗi ngọc, vòng... Đặc tính của nó đại diện cho sự kiên cố, vững chắc, sắc bén, vô địch, không gì có thể thắng được, đồng thời còn tượng trương cho sự bất khả bại của chư thánh thần Phật giáo... Thêm vào đó, chỗ là cán dao và thân dao kim cương nối với nhau là Ma-yết (Makara), tượng trưng cho sức mạnh to lớn của dao kim cương...

Dao kim cương hay còn gọi là chày Phổ-ba (Phurba), giống với chày kim cương, vốn cũng là một loại binh khí, sau này trở thành một pháp khí trong Phật giáo Tạng truyền. Trong tiếng Phạn, nó chỉ một cái cọc hay cọc nhọn hoặc những loại vật dụng nào nhọn có thể đâm xuyên qua vật khác. Pháp khí này đã được dùng trong các nghi thức Phật giáo. Khi các Lạt-ma tu pháp, có thể cắm nó ở bốn góc đàn thành, khiến cho các góc của đạo tràng kiên cố và vững chắc như kim cương, bất kỳ ma chướng nào cũng không thể xâm hại được, vì thế nó có tác dụng trừ tà...(19).

Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới lý giải hình ảnh Makara được khắc trên dao nhọn phurba là con dao găm ma thuật có lưỡi ba cạnh được coi là cái lưỡi nuốt chửng các loài yêu quái nào mà nó đâm xuyên(20). Nói chung, Makara trong pháp khí Mật tông vẫn bảo lưu đặc tính dũng mãnh và công năng trấn giữ thù thắng của truyền thống Ấn Độ. Điều này có phần khác với Phật giáo Đại thừa.

Makara trong văn hóa Phật giáo

Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, Makara là từ Phạn ngữ, phiên âm là Ma-kiệt để chỉ Ma-kiệt ngư (còn gọi Ma-già-la ngư, Ma-ca-la ngư); Hán dịch: Đại thể ngư, Kình ngư, Cự ngao. Đây loại cá lớn được đề cập trong nhiều kinh luận và xem là đồng loại với Ngạc, Sa ngư, Hải đồn (lợn biển) trong thực tế và mặt khác nó là loại cá trong giả tưởng, có tính chất biểu tượng(21). Điều đó, cũng được tác giả sách The handbook of Tibetan Buddhist symbols xác định Makara ám chỉ một loài thủy quái. Con rắn biển hay thủy quái thần thoại này tìm thấy trong tập hợp biểu trưng các tiềm thức văn hóa cổ xưa(22).

Cùng với sự truyền bá Phật giáo, linh vật Makara đã truyền nhập khắp Đông Nam Á và Đông Á. Makara vào Trung Hoa khoảng đời nhà Hán. Sách Nhất thiết kinh âm nghĩa (quyển 40, Đại tạng kinh) ghi: “Ma-kiệt là tiếng Phạn, trỏ một loài cá lớn ngoài biển, có thể nuốt được mọi thứ”. Sách Pháp uyển châu lâm ghi: “Cá lớn Ma-kiệt thân dài 300 đến 799 do tuần”. Kinh A-hàm miêu tả cá có “mắt như mặt trời, mặt trăng, mũi như núi to, mồm như hang đỏ”. Sách Thái Bình ngự lãm thuật lại sự tích như sau: “Vào đời Hán, sau khi điện Bách Lương bị hỏa hoạn, có người thầy mo đất Việt nói rằng: Ngoài biển có con ngư cù (rồng cá), đuôi giống đuôi chim xi, thúc sóng mà làm mưa, bèn tạc tượng con thú ấy để yểm hỏa tai”.

Từ đời Tống Minh trở về sau, hình thức được Hán hóa dịch là xi vẫn có hình dạng “thân cá, đuôi xi” đã biến mất thay vào đó là hình ảnh con rồng - được tạc cùng một thanh kiếm hay kích (biểu tượng của sấm sét và mưa gió như là một điệp thức biểu tượng về trừ hỏa-làm mưa, hay cao hơn nữa là biểu tượng uy quyền-trừ tà, trừ ma).

Xi vẫn/makara đã được Việt hóa bằng hình ảnh con rồng hoặc con thú có bốn chân, và được gọi là con xô/sô (cách đọc trại âm của từ thú - âm Bắc Kinh là shou). Đặc điểm của con xô là đuôi thường được uốn cong, có khi trở thành chùm mây xoắn cách điệu. Có người giải thích rằng, đó là biểu hiện của tín ngưỡng thờ thần mưa trong cư dân nông nghiệp. Tuy nhiên, đây vẫn là biểu tượng của thần nước từ văn hóa Ấn Độ và thần trừ hỏa tai có nguồn gốc Trung Hoa.

Makara được nhận biết theo truyền thống luôn gắn với nước, nguồn gốc của mọi sự tồn tại và màu mỡ. Trong tranh tượng thờ, hình cung Makara là biểu tượng của cơn mưa lành, của nước trên trời đổ xuống tạo màu mỡ cho đất, được đồng nhất với cầu vồng(23).

Trong bài viết Biểu tượng xi vẫn ở chùa Diên Hựu của Trần Trọng Dương(24) thì từ tiếng Phạn là Makara (Ma-kiệt ngư, Ma-ca-la, Ma-già-ga) do người Trung Hoa dịch ra nhiều tên gọi chỉ những biến thể khác nhau: 1/Xi vẫn: miệng rồng đuôi chim xi; còn có tên là li vẫn: miệng rồng, li đầu: đầu rồng; 2/Xi vĩ: đuôi chim xi (: đuôi chim trên mái đền); 3/Long vẫn: miệng rồng; 4/Long vĩ: đầu rồng đuôi xi; 5/Li hổ: rồng hổ; 6/Li long: rồng; 7/Cù vĩ: đuôi rồng; 8/Xi manh: mái có chim xi; 9/Thôn tích thú: thú ngậm nóc; 10/Vẫn thú: thú há miệng. Hình của nó thường được dùng để đắp trên bờ nóc, bờ mái của các công trình kiến trúc thời cổ, miệng xi vẫn thường há rộng hoặc ngậm vào đầu kìm. Đặc điểm này có phần tương đồng với Ly - một trong chín con rồng theo Phương Đình tùy bút lục của Nguyễn Văn Siêu (Ly: mõm như mõm thú, ưa nhìn ngó, đó là rồng trên nóc nhà). Dấu tích Makara thể hiện rõ trong loại đầu rồng làm bằng đất nung trong tập hợp cổ vật Hoàng thành Thăng Long phát hiện vào năm 2003. Đó là loại Rồng-Makara chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật tạo hình Champa thời bấy giờ. Đặc trưng hiển lộ là cái môi trên vểnh cao, phía trong có vài ngoằn ngoèo vút lên cao(25).

Ở Nhật Bản gọi là hổ, kim hổ (shibi: xi vĩ hay hổ mâu), trong đó hổ trỏ loài cá kình, còn mâu trỏ hai vây như hai lưỡi kiếm sắc nhọn của loài cá này. Theo sách Quảng từ uyển thì hổ mâu là một loại cá ngoài bể có đầu rồng mình cá(26).

Nói chung, linh thú Makara là loài thủy quái, biểu tượng cho nước/mưa và được coi là sự cát tường nên trở thành motif nghệ thuật trang trí ở đền chùa với nhiều biến tấu cực kỳ đa dạng và trong kinh văn, Makara xuất hiện như các loài chúng sinh khác, tức có ác và có thiện.

Makara trong Trung A-hàm, ở phẩm 11, kinh Thương nhân cầu tài là vua cá Ma-kiệt (Makara) to lớn đã phá vỡ chiếc thuyền của các thương nhân, khiến họ phải trôi dạt vào xứ sở bọn La sát nữ xấu xa hung ác. Nói chung, trong kinh văn này, Makara được liệt cùng hạng với những loài nguy hiểm đối với người đi biển hay sông hồ: độc xà, giao long, dạ xoa, la sát, cá, rùa, trạch. Để tránh những loài nguy hiểm đó, kể cả Makara, kinh văn khuyên người đi biển/sông hồ cần đọc chú để chúng tự trốn đi(27).

Một Phật thoại kể về tiền kiếp vua Tỳ Lưu Ly (người đã xua quân tàn sát dòng họ Thích ở thành Ca-tỳ-la-vệ vào thuở Đức Phật còn tại thế) là một Makara: Vào thời quá khứ, dân chúng thành Ca-tỳ-la-vệ sinh sống trong một ngôi làng lớn. Gặp khi đại hạn kéo dài, lương thực không còn gì để ăn. Trong làng có một đầm lớn có một con cá Makara (Ma-kiệt) khổng lồ. Vì hạn, cá cũng chịu chung số phận, sống với chút ít nước con lại dưới đáy bụng. Dân đói giết Makara để ăn: họ cắt từng mảnh thịt để ăn dần. Makara đau buốt xương van nài dân làng hãy giết nó đi, nhưng họ chẳng chịu nghe lời van xin đó. Với lòng căm thù, Makara phát lời thề sẽ giết tất cả dân làng này ở đời sau để rửa hận. Makara đầu thai làm hoàng tử Tỳ Lưu Ly. Khi đã giết anh lên ngôi vua, vì mối hận bị người họ Thích sỉ nhục hồi còn bé đã xua quân đánh phá thành Ca-tỳ-la-vệ và giết sạch những người thuộc dòng họ Thích. Rồi vì tâm độc ác, Tỳ Lưu Ly bị chết cháy trên thuyền khi trốn ra biển khơi(28).

Ngoài các truyện kể về Makara ác, trong kinh văn Phật giáo có rất nhiều Phật thoại kể về Makara biết hồi đầu hướng thiện, cứu giúp thế nhân.

Trong Đại bi kinh (quyển 3, phẩm 8), kể rằng Makara nuốt nguyên một chiếc thuyền lớn và đoàn thương buôn vào bụng. Song khi nghe thương chủ và các thương nhân niệm Phật, Makara liền sinh tâm kính ái, há miệng nhả thuyền ra. Thế là đoàn thương buôn được thoát nạn, an ổn trở về cõi Diêm phù đề. Nhờ nghe âm thanh niệm Phật, Makara sanh tâm hoan hỷ và nguyện không ăn thịt các chúng sanh nữa. Về sau, khi lâm chung, Makara được tái sanh làm người; lại có chuyện nghe pháp của Phật liền xuất gia... chứng được quả A-la-hán và nhập vào Vô dư Niết-bàn.

Trong kinh Hiền Ngu (phẩm 29) có truyện kể về Phú-na-kỳ hiền đức, cùng các thương buôn dong thuyền ra biển gặp phải cảnh ba mặt trời xuất hiện. Hỏi ra mới biết đó là mặt trời và hai mắt của con cá Makara lớn dài bảy trăm do tuần. Mỗi giấc ngủ của Makara này là 100 năm và khi thức giấc nó há rộng miệng cho nước biển và các loài tôm cá chảy vào miệng làm món ăn. Rủi cho thuyền bè nào gặp đúng lúc nó há miệng cũng trôi tuột vào bụng nó. Phú-na-kỳ và 500 thương nhân cùng đi coi như cầm chắc cái chết. Giống như truyện trên, Phú-na-kỳ và các thương nhân đồng thanh niệm Phật. Makara nghe được danh hiệu Phật, phát từ tâm, ngậm mồm lại, rồi lặn xuống đáy biển. Mọi người nhờ thế mà thoát nạn.

Một Phật thoại khác kể về việc vua Đàm-ma-la-bí-đề tái sanh làm Makara. Số là nhà vua hiền đức này, trong một chốc mải mê cờ bạc đã ban lệnh cho quan xử án kết tội tử hình cho một thường dân vô tội. Khi mãn cuộc vui, nhà vua xem xét lại sự việc mới hay mình đã quá hồ đồ mà phạm phải tội giết một mạng người. Vô cùng ân hận, vua bỏ vào rừng tu, cầu được giải tội. Sau một thời gian dài tiến tu, khi mạng chung, vua bị đọa làm cá Ma-kiệt (Makara) ở trong biển lớn, dài 700 do tuần. Cá Ma-kiệt này giống hệt con cá Ma-kiệt trong kinh Hiền ngu dẫn trên: Khi nghe đoàn thương nhân trên thuyền buôn niệm Phật, liền ngậm miệng lại, lặn xuống nước nhịn đói rồi chết. Cá được tái sinh thành Trưởng giả Thi-bí-lợi-đề vào thời Đức Phật tại thế. Ông xuất gia năm đã 100 tuổi, được Đức Phật giao cho Mục Kiền Liên làm lễ thế phát và dạy dỗ. Ông đã đắc quả A-la-hán(29).

Với một số dữ liệu tiêu biểu trích từ kinh văn dẫn trên, chúng ta nhận thấy rằng, Makara từ một vật cỡi của các thần linh cổ đại Ấn Độ và là loài thủy quái dũng mãnh và to lớn làm hại người nơi biển cả, khi hội nhập vào ngữ cảnh văn hóa Phật giáo đã có những biến đổi hết sức cơ bản. Chính vì sự tăng trưởng của thiện tâm, Makara đã trở thành linh vật từ bỏ hẳn tính ác của mình để trở thành thiện lương, từ hiền. Tín niệm về Makara hiền đức - một loài thủy quái hình tướng lai tạp, luôn có cái mõm vòi voi - đã khiến chúng ta nhận ra sự tương đồng giữa Makara và cá Ông Voi - một loài cá to lớn được ngư dân Việt xác tín là “Đức ngư” và tôn làm thần Nam Hải/Ông Nam Hải. Việc quan hệ giữa tín niệm về Makara và tín lý thờ cá Ông Voi ở xứ ta là một vấn đề chúng ta sẽ bàn trong một dịp khác.

Chú thích

(1)  Theo Son of Sagara Vishnu Purana, Horace Hayman Wilson dịch, 1840, cuốn 4, chương 4.

(2)  Theo Tìm hiểu văn hóa Ấn Độ, Nguyễn Thừa Hỷ, Nxb.Văn Hóa, 1986.

(3)(10)(14)(20) Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, J. Chevalier và A. Gheerbrant, Nxb.Đà Nẵng, Trường viết văn Nguyễn Du, 1997.

(4)  Theo The Mythical Creatures Bible: The Definitive Guide to Legendary Beings, Brenda Rosen, Sterling xb, 2009, tái bản 2011.

(5)(17)(21) Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, Thích Minh Cảnh chủ biên.

(6)  Theo Archaeology, Archaeological Institute of America xb, 1970, tái bản 2011.

 (7) Theo Điêu khắc Chàm, Cao Xuân Phổ, Ủy ban KHXH Việt Nam - Viện Đông Nam Á, nxb. KHXH, 1988.

(8)(12)  Theo Buddhist sculpture of northern Thailand, Carol Stratton, Buppha xb, 2004.

(9)(18) Theo The handbook of Tibetan Buddhist symbols, Robert Beer, Serindia xb, 2003, tái bản 2011.

(11)(23)(24)(26)  Theo Biểu tượng xi vẫn ở chùa Diên Hựu, Trần Trọng Dương.

(13)  Theo  Images of the gods: Khmer mythology in Cambodia, Thailand and Laos, Vittorio Roveda, River Books xb, 2005.

(15) Theo Kinh Chuẩn-đề Đà-la-ni (Hội Thích), Thích Viên Đức dịch, chùa Dược Sư, Ban Mê Thuột ấn tống,1973.

(16) Theo 1000 vấn đề về Mật tông, Sen Thu dịch, Nxb.Thời Đại, 2011.

(19) Theo Pháp khí Mật tông, Nặc Bố Vượng Điển, Nxb.Hồng Đức, 20.11.

(22) Theo A Sanskrit-English dictionary: etymologically and philologically arranged,  Sir Monier Monier-Williams, Motilal Banarsidass xb, 2005.

Từ nguyên “Makara” là từ tiếng Phạn có nghĩa là rồng biển/thủy quái và trong ngôn ngữ Tây Tạng nó được gọi là Chusrin (The handbook of Tibetan Buddhist symbols, Robert Beer, sđd)  và được biểu thị như là một sinh vật lai tạp. Từ Hindi để chỉ cá sấu là  “makar, makara” (Theo Raftar English - Hindi dictionary, tái bản 2011)

 Tên gọi của cá sấu Mugger, một loại cá sấu Ấn Độ, rất phổ biến, nó thường tấn công để tìm kiếm thức ăn. Từ Mugger trong tiếng Anh có nghĩa là một sinh vật lặng lẽ tiến lại gần và tấn công người khác (Theo Raftar English - Hindi dictionary, sđd).

Một vài nhận dạng truyền thống cho thấy nó giống với cá sấu, đặc biệt là cá sấu Ấn Độ Gharial do chiếc mõm lớn và dài. Nó được miêu tả là con vật kết hợp: phần trước của voi, và phần sau là đuôi cá. Ngoài ra, một nhận dạng khác đồng nhất nó với cá heo Gangetic mà ngày nay còn được tìm thấy ở điện thờ cá heo Vikramshila Gangetic. Một số hoài nghi cho rằng truyền thuyết Makara có thể dựa trên sự thật và liên hệ nó với Trunko thấy ở bờ biển Ấn Độ của Nam Phi. Một vài phác thảo cổ xưa cho thấy Makara khá tương đồng với minh họa động vật tiền sử Ambulocetus (Theo “Trunko”,  AmericanMonsters, tái bản 2008).

(25)  Xem: - Hoàng thành Thăng Long - Phát hiện khảo cổ học, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

- Huỳnh Ngọc Trảng: Con uyên ương lẻ bạn và một số di vật của Hoàng thành Thăng Long, Tạp chí Tia Sáng, số 5, tháng 5, 2004.

(27)  Theo Kinh Thương nhân cầu tài, Kinh Trung A-hàm, phẩm thứ 11.

(28)  Theo Thần thông và nghiệp lực của Tôn giả Mục Kiền Liên, Tập san Pháp Luân 13.

(29)  Theo Minh Chiếu: Tuyển tập truyện cổ Phật giáo, tập III - 8, Công đức xuất gia.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày