Trái tính tuổi xế chiều - Bài 1: Khi cha, mẹ “châm ngòi nổ”

Trái tính tuổi xế chiều - Bài 1: Khi cha, mẹ “châm ngòi nổ”
Nguyên nhân sự trái tính trái nết ở cha mẹ già đôi khi lại đến từ cách cư xử không khéo của con cái. Cha mẹ già đôi khi có những hành xử bất thường khiến con cái căng thẳng. Nhiều gia đình tam, tứ đại đồng đường kiểu truyền thống đang lung lay vì những xung đột này. Vì sao có những kiểu “khó ở” đó? Cha mẹ già và con cái cần gì ở nhau và phải tháo gỡ xung đột bằng cách nào

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều mối quan hệ gia đình truyền thống đã và đang bị phá vỡ. Nhịp sống vội vã ở những đô thị lớn khiến người già dễ cáu bẳn, bực bội. Cũng vì quá mệt mỏi với công việc, không còn thời gian cho sự cảm thông, con cái cho rằng cha mẹ đã thay đổi tính tình và cảm thấy khó chịu khi phải chung sống cùng sự trái tính trái nết ấy. Mâu thuẫn gia đình nảy sinh từ đó...

Khi cha mẹ “sáng nắng, chiều mưa”

Trong một con hẻm nhỏ trên đường Phan Văn Hân (quận Bình Thạnh, TP.HCM), từ lâu láng giềng đã mệt mỏi trước một bà mẹ gần 70 tuổi luôn chửi rủa con trai và con dâu. Bà có thể chửi từ sáng đến tối, đến độ người con phải mở nhạc lớn để át tiếng chửi. Con trai bà cho biết vợ chồng họ cưới nhau được ba năm, mở tiệm làm tóc tại nhà. Nghi ngờ con dâu bòn rút tiền của chồng gửi về cho mẹ, bà chửi gần chửi xa. Vì sợ mất khách, vợ chồng họ phải thuê nhà bên cạnh mở tiệm. Ngỡ đã yên, nào ngờ bà lại kiếm chuyện chửi tiếp. Hiểu tính khí mẹ mình, anh chỉ biết xin xóm giềng thông cảm. “Tui là con còn chịu không thấu huống chi vợ tui và chòm xóm” - anh N. con trai bà ngao ngán.

Đến trường hợp bà Th. ở quận 7, một phụ nữ thành đạt gần 60 tuổi. Bị chồng bỏ khi con trai duy nhất mới hơn ba tuổi, một mình bà bươn chải nuôi con ăn học. Cách đây hai năm, con trai bà cưới vợ, bỗng nhiên bà đâm ra buồn, hụt hẫng, hay cáu gắt. Vợ chồng người con trai sống cùng mẹ, bà luôn kiếm cớ gây sự với con dâu. Mỗi lần như vậy, bà mệt rồi xỉu, phải đưa đi cấp cứu. Đều đặn mỗi tuần vài lần, bà luôn chủ động “châm ngòi” trước. Con dâu sợ, không dám trả lời, bà cho là khinh bỉ, coi rẻ mình rồi lại khóc, lại xỉu. Con bà quyết định đưa mẹ đến gặp chuyên gia tâm lý. Theo chuyên gia tâm lý, nguyên nhân sự trái tính trái nết ở bà mẹ bắt nguồn từ cuộc hôn nhân của người con. Bao năm một mình nuôi con, bà cứ nghĩ con trai là của riêng mình mãi mãi nên mọi yêu thương bà dồn hết cho con. Khi con kết hôn, cách ứng xử không khéo của hai vợ chồng, nhất là cảnh họ âu yếm nhau trước mặt bà khiến bà cảm thấy đau khổ, cô đơn, bị bỏ rơi, dẫn đến việc ganh tỵ với con dâu vì cảm giác như mình bị cướp mất con. Bà bày trò là để được con quan tâm, chăm sóc.

“Bụt nhà không thiêng!”

Chị Nguyễn Thị Kim Chi, người có thâm niên chăm các cụ trên 25 năm tại Trung tâm Thạnh Lộc (quận 12), chia sẻ: “Phần đông các cụ đều trái tính trái nết, đòi hỏi con cái phải biết cư xử khéo léo. Tuy nhiên, không phải người con nào cũng hiểu tâm lý cha mẹ. Đơn cử như cụ Nhật, 78 tuổi. Khi con đến thăm, cụ không thèm nhìn mặt vì cho rằng con bênh vợ. Thế nhưng khi con về, cụ tâm sự là rất thương con. Cụ buồn là do con dâu hay chì chiết mà con trai thường chỉ làm thinh để gia đình êm ấm. Cụ bảo, sống ở nhà, không khí gia đình không vui, nói chuyện chẳng ai nghe; ở đây thiếu thốn nhưng bù lại được tự do và có bạn để tâm sự.

Mấy người con đến năn nỉ cụ về chơi nhưng cụ không chịu. Họ nhờ những cô bác trong dòng họ tới khuyên, cụ cũng bỏ ngoài tai. Đến khi nhân viên khuyên nhủ, cụ lại nghe. Chị Chi tâm sự: “Tôi mong những lần trở về của cụ sẽ nhiều hơn và con cụ hiểu cụ hơn. Hy vọng cha con họ lại chung sống cùng nhau như ngày trước”.

Khi bất lực trước sự cô đơn của tuổi già, người già thường nghĩ đến “trung tâm dưỡng lão” như một chốn để nương thân. (Ảnh chụp tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già Thạnh Lộc) Ảnh: THANH MẬN
Khi bất lực trước sự cô đơn của tuổi già, người già thường nghĩ đến “trung tâm dưỡng lão” như một chốn để nương thân. (Ảnh chụp tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già Thạnh Lộc) Ảnh: THANH MẬN

Con cái cần chia sẻ

Trường hợp bà cụ chửi con từ sáng đến tối làm ảnh hưởng đến xóm giềng nêu trên thì chính quyền địa phương cũng chỉ có thể hòa giải. Ông Lê Văn Nhưa, Phó Trưởng Công an phường 17, quận Bình Thạnh, nói: “Những trường hợp thuộc phạm vi gia đình, chúng tôi chỉ lập hồ sơ xử lý bằng biện pháp hòa giải, nói phải nói quấy để các bên hiểu nhau hơn. Nếu tái phạm, chúng tôi xử lý tùy mức độ. Trường hợp mâu thuẫn gia đình làm ảnh hưởng đến sinh hoạt chung; lối xóm, cảnh sát khu vực, cán bộ đoàn thể (hội phụ nữ, hội người cao tuổi...) giải quyết rất ổn thỏa”.

Cha anh P. (quận Gò Vấp) muốn lấy vợ ở tuổi 72 khiến cả gia đình... hết hiểu. Nhưng khi đưa ba đến Trung tâm Tư vấn tình yêu-Hôn nhân-Gia đình (Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên VN), anh P. được tư vấn rằng nhu cầu tình cảm của tuổi già có thật. Do vậy, con cái cần chia sẻ, nói phải trái trước khi cha “đi bước nữa” bằng những câu chuyện trên báo chí để ông hiểu dần. Các con cần tạo điều kiện cho ông được sống gần người yêu và chu cấp tiền bạc chu đáo. Nếu không may ông bị người yêu bỏ rơi, con cái cũng không nên chì chiết.

Nhờ sự phân tích của chuyên gia tư vấn, cha con anh P. đã hiểu nhau hơn. Hiện cha anh đang sống với người yêu, để nhà lại cho anh trông coi. Thỉnh thoảng, hai ông bà lại vui vẻ đưa nhau về thăm con cháu.

TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý học ĐH Sư phạm TP.HCM:

Người cao tuổi dễ bị hụt hẫng

Người cao tuổi về hưu có cảm giác cô độc, thấy mình vô dụng, không còn giá trị. Trong sự chán chường và tụt sâu về tâm lý, thái độ tiêu cực và những xúc cảm căng thẳng có thể làm nảy sinh những hành vi, thái độ thiếu sự cân bằng. Những người trẻ tuổi nên nhận ra diễn biến này để có sự thích ứng, tinh tế. Nên tăng cường thái độ tôn trọng người cao tuổi, tránh nhắc về thực tế buồn bã, tránh những cử chỉ thân tình quá đáng giữa vợ chồng trước mặt người cao tuổi, tránh những dự án tự quyết thiếu sự trao đổi với cha mẹ để tạo ra sự hẫng hụt càng lúc càng sâu...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày