Trò nghèo đậu á khoa của hai trường đại học

GN - Về tổ 3 ( khu vực 1, P.An Hòa,TP.Huế ) hỏi “Đức á khoa” thì ai cũng biết, bởi Lê Minh Đức là học sinh đầu tiên của phường này đậu á khoa của hai trường đại học.

Từ nhỏ, Đức đã sớm ý thức được sự nghèo khó của gia đình, sự lao động lam lũ của bố mẹ nên em rất chăm chỉ học hành, siêng năng phụ giúp công việc đồng ruộng cùng bố. Vài sào ruộng, một sào rau muống là nguồn thu nhập chính của gia đình. Nhiều lúc lúa bị dịch bệnh mất mùa thì gia đình em phải chạy gạo từng bữa nhưng em không từ bỏ ý chí học hành, quyết tâm làm giàu kiến thức.  

>> Hai chị em nuôi chữ từ ánh đèn dầu

Anh bai Vo Van Dan, ve ban Duc, PGTT GN 767.JPG


Lê Minh Đức đỗ Á khoa của 2 trường đại học tại Huế - Ảnh: V.V.D

Một điều tưởng chừng khó tin: 12 năm liên tục là học sinh giỏi, 12 năm học Đức có duyên được sử dụng toàn là sách giáo khoa cũ từ những gánh ve chai của mẹ mua lại của người khác đã vứt bỏ. Nói về nghị lực của em, nhiều người hàng xóm dí dỏm: tuy sách cũ những kiến thức của em luôn mới.

Thi đỗ vào Trường THCS chất lượng cao Nguyễn Tri Phương (TP.Huế) là bước đệm giúp em có những bước tiến vững chắc sau này, năm lớp 9 Đức thi học sinh giỏi đoạt giải nhất cấp tỉnh (môn Hóa), rồi đậu chuyên hóa Trường Quốc Học - Huế, em tiếp tục đem về nhiều vinh quang cho gia đình và người thân: lớp 11 đoạt giải khuyến khích cấp tỉnh (môn Hóa), lớp 12 Đức được vào vòng bán kết cuộc thi “Tiếp lửa tài năng” của Trường Quốc Học.

Khi được hỏi động cơ giúp em học xuất sắc trong bối cảnh gia đình nghèo, khó khăn bộn bề, Đức tâm sự, bản thân em tự học là chính, tự tìm tòi nghiên cứu tài liệu thật kỹ, có phương pháp học tập phù hợp như phân bổ thời gian hợp lý giữa các bộ môn, đầu tư nhiều hơn cho các môn chuyên…

Những ngày nghỉ, em đã khước từ sự rủ rê của bạn bè đi đá bóng, chơi thể thao để dành thời gian phụ giúp gia đình, nhiều lúc em phải thức dậy 3 giờ sáng cùng mẹ hái rau để kịp cho những phiên chợ sớm.

Bà Nguyễn Thị Huyền (mẹ Đức) trung bình mỗi ngày đạp xe 30km để mua ve chai, tích cực lắm cũng chỉ kiếm được 50-70 ngàn đồng/ngày, còn ba của em (ông Lê Ngọc Tuệ) bị bệnh thoát vị đĩa đệm gần 10 năm nay nên cũng không làm được việc nặng nhọc, thời gian nông nhàn, những lúc khỏe ông chỉ biết đi cắt vài bao cỏ bán cho những người nuôi bò.

Thầy giáo Nguyễn Chánh Tiến, giáo viên chủ nhiệm của em suốt 3 năm học ở Quốc Học đã nhận xét: “Ít nói nhưng rất sâu sắc, có ý thức giúp đỡ bạn, có tinh thần tập thể cao, đặc biệt là học tới đâu chắc tới đó”. Trong kỳ thi đại học vừa qua, Đức đỗ á khoa của cả 2 trường: khoa Hóa 27 điểm (Đại học Sư phạm Huế ) và ngành Y đa khoa 28,5 điểm (Đại học Y Dược Huế). 

Ước mơ làm bác sĩ đã ấp ủ từ lâu, tuy nhiên Đức cho biết, học y khoa tốn kém nhiều bởi học phí cao (8 triệu đồng/năm), sách vở và dụng cụ thực hành cũng đắt lắm, chưa kể các khoản tiền linh tinh khác, trong lúc nguồn thu nhập của gia đình lại rất khiêm tốn. “Vì vậy ở chặng đường dài phía trước con cũng chưa biết tính răng nữa”, Đức trăn trở.

Võ Văn Dần

Cùng bạn đọc:

Chia sẻ dành cho em Lê Minh Đức, bạn đọc gửi về Ban TTXH Báo Giác Ngộ, số 85 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM - ĐT: 08 39304 620.

Bạn còn biết những bạn trẻ nào, con em gia đình Phật tử nào khó khăn trên bước đường đến trường, có thể viết chân dung gửi về cho Giác Ngộ. Địa chỉ gửi bài: phatgiaovatuoitre@gmail.com.


PG-TT

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày