Vấn đề tư cách tu sĩ

GN - Vừa qua, trên các trang mạng giải trí đã lan truyền đoạn phim một thí sinh được cho là “một sư thầy” dự thi chương trình trò chơi truyền hình “Thách thức danh hài”, thu hút sự quan tâm của dư luận.

nhsu.jpg
Một thí sinh được cho là tu sĩ tham gia một trò chơi "Thách thức danh hài"
trên trang nhà chính thức của chương trình này

Trang thông tin điện tử chính thức của chương trình giải trí này cũng cho biết rằng đây là lần đầu tiên có một “sư thầy” tham gia. Ban Giám khảo, là các diễn viên hài, cũng tỏ ra lúng túng trước trường hợp đó.

Việc một người trong pháp phục của tu sĩ lên sân khấu tấu hài là một hình ảnh phản cảm, đi ngược lại với hình ảnh đại diện cho Tăng bảo - người hướng dẫn tâm linh, tu học Phật pháp cho tín đồ.

Bởi vậy, không ngạc nhiên lắm khi có các bình luận rằng không thể chấp nhận vì việc làm đó trái với giới luật, những quy định về oai nghi dành cho người xuất gia.

Hiện tượng một vài vị trong hình thức tu sĩ tham gia biểu diễn trên sân khấu, tham dự các sự kiện mang tính giải trí, trình diễn trong phim ca nhạc, cả hầu đồng... không phải là mới, mà đã và đang diễn ra đây đó. Báo Giác Ngộ cũng đã vài lần phản ánh về hiện tượng này.

Trong Thông tư 339/TT.HĐTS của Trung ương Giáo hội “Về việc hướng dẫn sinh hoạt tu học tại các tự viện GHPGVN”, với nội dung chính “Vấn đề các hoạt động tôn giáo”, một nội dung phụ đi kèm là khuyến cáo việc sử dụng công nghệ thông tin, mà không thấy nói gì tới hiện tượng đó.

Dẫu chỉ là một vài cá nhân, nhưng như cha ông chúng ta thường ví tác hại của nó trong thành ngữ “Con sâu làm rầu nồi canh”, đôi khi chỉ vì con sâu mà làm mất giá trị của nồi canh ngon. Cũng vì một vài hình ảnh tu sĩ không ý thức vai trò của mình, tùy tiện và tự phát vô tư tham dự mọi việc của cộng đồng theo sở thích cá nhân, cứ nghĩ là vô hại, nhưng ảnh hưởng xấu của nó đến hình ảnh của Tăng đoàn nói riêng và Phật giáo nói chung là không hề nhỏ, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin, công nghệ giải trí bùng nổ như hiện nay.

Mới đây, Trung ương Giáo hội cũng đã có văn bản hướng dẫn thành lập các ban công tác kiểm Tăng, tuy nhiên nội dung chính cũng chỉ đề cập đến nạn giả danh hình thức tu sĩ Phật giáo, khất thực phi pháp, mà chưa thấy việc xử lý những tu sĩ không giữ tư cách - oai nghi tế hạnh, chuẩn mực trong ứng xử của người xuất gia như thế nào.

111.jpg

Tu sĩ là hiện thân của Tăng bảo, nơi đâu có hàng Tăng bảo thực tài và thực đức thì nơi ấy
Phật giáo được tồn tài một cách xứng đang với danh nghĩa của nó

Người viết nhớ lại một nhận định trước đây của chư vị giáo phẩm tiền bối trong phong trào chấn hưng Phật giáo thế kỷ XX: “Tăng bảo là hiện thân cụ thể cho tinh thần vô thượng của đạo Phật. Tăng bảo còn, Phật giáo còn; Tăng bảo bị suy đốn thì Phật giáo bại vong! Đó là một sự hiển nhiên mà lịch sử đã chứng minh một cách rõ ràng. Vì vậy, nơi nào có những hàng Tăng bảo có thực tài, thực đức thì nơi ấy Phật giáo được tồn tại một cách xứng đáng với danh nghĩa của nó”.

Đó cũng là nhận thức, suy nghĩ của tín đồ, số đông về mối tương quan đặc biệt giữa hình ảnh của người tu sĩ (Tăng, Ni) và Phật giáo.

Người viết cũng nhớ lời của cố HT.Thích Thiện Siêu, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN trong một đạo từ, rằng núi thiêng là bởi trong núi có hổ, có sư tử. Chùa thiêng là bởi trong đó có các vị Tăng (Ni) tinh tấn tu học, nhiệt tâm hướng dẫn tín đồ.

Với ý nghĩa như trên, rất mong Giáo hội có những hướng dẫn, động thái cụ thể, có biện pháp dứt khoát và phát ngôn kịp thời đối với những cá nhân có hành vi không phù hợp với tư cách tu sĩ, nhằm điều chỉnh làm gương cho số đông. Đó cũng là cách giữ gìn hình ảnh đẹp cho Phật giáo, cho Giáo hội, củng cố niềm tin của số đông đối với Tăng bảo - một trong ba ngôi báu là biểu tượng đức tin của Phật tử.
Thích Tâm Hải

* Bạn đọc, chư tôn đức có ý kiến gì về những vấn đề liên quan đến tư cách tu sĩ được nêu trên, nếu có, xin hoan hỷ gửi về toasoan@giacngo.vn hoặc gửi ý kiến trực tiếp ở cuối bài...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1246 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Con đường đến Sơ quả

GNO - Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời. Trong rất nhiều kinh, Đức Phật dạy muốn thành tựu Sơ quả thì trước tiên cần thành tựu giới, kế đến chứng đắc định (bốn bậc thiền), sau đó phát huy tuệ đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: Thân kiến, giới cấm thủ và nghi.

Thông tin hàng ngày