Tuy nhiên, đến nay dạng sách như thế không phổ biến. Và điều băn khoăn là hiện nay, trong bối cảnh sách Phật giáo được in nhiều hơn, đẹp hơn, phong phú hơn, số lượng sách ấn tống gia tăng, thì dạng sách nhỏ gọn, dành cho những người mới bắt đầu tìm hiểu về đạo Phật dường như chiếm một tỷ lệ ngày càng ít đi.
Hình chỉ mang tính minh họa
Ở đây, điều nhấn mạnh là vấn đề tỷ lệ, vì hiện nay tuy vẫn có loại sách như vậy, một số chùa vẫn biếu không cho Phật tử nhưng so với tổng thể việc phát hành sách Phật giáo nói chung, tỷ lệ loại sách mà chúng ta đang đề cập đến có chiều hướng giảm.
Và cũng cần lưu ý, là chẳng những có việc giảm về tỷ lệ sách Phật học mỏng so với sách Phật giáo nói chung, mà còn có sự biến thiên về đề tài. Chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong loại sách Phật giáo mỏng, chữ to hiện nay không phải là sách giáo lý cơ bản, mà còn có thể chỉ là những tác phẩm có liên hệ đến Phật giáo (chẳng hạn như quyển Bông hồng cài áo của thầy Nhất Hạnh, không hẳn là một quyển sách giáo lý).
Trước năm 1975, sách giáo lý mỏng khổ nhỏ dành cho những người chưa hiểu biết về đạo Phật được phổ biến nhiều từ hệ phái Phật giáo Nguyên thủy, mà trung tâm phát hành là chùa Kỳ Viên, Sài Gòn. Chiếm một tỷ lệ lớn trong hai loại sách này là sách ấn tống, biếu tặng không bán.
Hệ phái Khất sĩ cũng có phổ biến dạng sách mỏng, khổ nhỏ, chữ to, là những bản tóm tắt các bài pháp của những vị du tăng.
Người viết bài này, do hoàn cảnh khách quan, nên có được nhiều quyển sách loại như vậy do Hệ phái Nguyên thủy xuất bản, chứ không chắc hệ phái nào tổ chức xuất bản loại sách như vậy nhiều hơn.
Tuy nhiên, có thể ghi nhận những khuynh hướng sau:
Phật tử Phật giáo Bắc tông thường chỉ chú trọng ấn tống những bộ kinh lớn, như Kinh Pháp Hoa, Kinh Địa Tạng…, mà ít quan tâm ấn tống những quyển sách giáo lý căn bản, phổ thông, đại chúng. Đó là một hiện tượng vẫn tiếp tục cho đến bây giờ, dù rằng chi phí cúng dường để ấn tống những bộ kinh lớn rất cao, cao hơn nhiều lần so với việc ấn tống những quyển sách giáo lý mỏng.
Điều này có thể từ nhiều nguyên nhân:
- Một số Phật tử vẫn quan niệm là ấn tống kinh tụng, dù dày hay mỏng, sẽ có nhiều phước báu hơn, hay có phước báo là điều chắc chắn. Vì những bộ kinh lớn được đọc tụng hàng ngày như thế, tương truyền chính do Phật thuyết. Trong khi đó, những bộ sách giáo lý tóm lược, thì đương nhiên, do người đời sau biên soạn, dù tác giả là chư tăng, thì vẫn có một sự e ngại nào đó về sự “khúc xạ” chủ quan. Do đó, ấn tống những sách giáo lý tóm lược phần nào được cho là có thể không có phước nhiều như ấn tống kinh tụng.
- Áp lực hoằng pháp đối với Phật tử Phật giáo Bắc tông không nặng nề như đối với Phật tử Phật giáo Nguyên thủy.
Người Việt Nam, dù cho là mình không tôn giáo, vẫn có dấu ấn Phật giáo Bắc Tông. Nếu họ có hiểu biết nhiều hơn về giáo lý thì tốt. Còn không, thì cũng chẳng sao.
Trong khi đó, hoàn cảnh của Phật giáo Nguyên thủy có khác. Phật giáo Nguyên thủy không phải là một tôn giáo mới truyền vào Việt Nam, nhưng đó là một truyền thừa hoàn toàn mới. Những người có truyền thống gia đình theo đạo Phật, đương nhiên, không là những Phật tử Nam tông. Do đó, việc hoằng pháp đối với Phật giáo Nguyên thủy là một yêu cầu khách quan và bức bách. Loại sách giáo lý giản lược với hình thức nhỏ, gọn bỏ túi phát triển mạnh từ Phật giáo Nam tông là một việc đương nhiên.
- Phật giáo Nguyên thủy không có nghi lễ tụng kinh và khi đó cũng những kinh bộ Phật giáo Nguyên thủy chưa được phổ biến. Nội dung của những quyển sách truyền bá giáo lý nhỏ, gọn là những vấn đề cơ bản của đạo Phật, như Tam quy Ngũ giới, cuộc đời Đức Phật, thiện nghiệp, Bát chánh đạo là sự lựa chọn đương nhiên.
Với nội dung được trình bày ngắn gọn, súc tích, đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, đọc qua nhớ ngay, những quyển giáo lý tóm lược có tác dụng hình thành ở người đọc những ấn tượng ban đầu đậm nét và chính xác về đạo Phật, có mục tiêu thể hiện Phật giáo là một tôn giáo ưu việt, thúc đẩy người đọc tiến bước trên con đường tu học theo đạo Phật, cụ thể là thọ Tam quy, ngũ giới, phát tâm tu tập thập thiện.
Hiện nay, khuynh hướng ấn tống sách giáo lý tóm lược có hình thức nhỏ gọn trong Phật giáo Nam tông có chiều hướng giảm. Có lẽ vì một số nguyên nhân như sau:
- Hiện nay đã có nhiều vị tăng sĩ Phật giáo Nguyên thủy có trình độ cao về cổ ngữ, ngoại ngữ, cũng như có khả năng biên soạn những tác phẩm nghiên cứu Phật học có quy mô lớn. Vì vậy, trọng tâm xúc tiến xuất bản sách hiện nay của Phật giáo Nguyên thủy có sự khác biệt lớn so với cuối những năm 1960 cho đến giữa 1975. Cụ thể là, hiện nay, theo sự tìm hiểu, chắc chắn là chưa đầy đủ của tôi, thì nhiều vị sư Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam đã có nhiều công trình dịch thuật lên đến hàng ngàn trang, vượt xa công trình dịch thuật nổi tiếng và kinh điển “Đức Phật và Phật pháp” của tác giả Narada, công trình có thể coi là có số trang vào loại dẫn đầu trong số những xuất bản phẩm của Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam trước 1975.
Vì Phật giáo Nguyên thủy không còn chú trọng đến mảng sách truyền thống của mình, sách giáo lý Phật giáo phổ thông, căn bản, tóm lược, ít trang, khổ nhỏ, chữ to, trình bày thoáng hiện nay tương đối hiếm. Sách Phật giáo ít trang, khổ nhỏ… vẫn còn, nhưng đi vào một số lãnh vực tương đối chuyên biệt, hay giới hạn trong một số pháp môn tu, như các bài thần chú, ít có những tựa sách tóm lược những vấn đề căn bản của Phật pháp, có tính chất nền tảng chung, đóng vai trò sách giáo khoa vỡ lòng cho người học Phật.
Vì vậy, mong rằng quý tự viện, quý Tăng Ni Phật tử chú trọng hơn đến hình thức pháp thí tuy đơn giản mà rất cần thiết và có hiệu quả này. Nếu quan niệm rằng Pháp thí, là bố thí lời Phật, thì những ý tưởng cốt lõi rút ra từ kinh điển cũng có giá trị như lời Phật. Hơn nữa, bố thí đem lại kết quả thật sự thì phước báu mới lớn. Một quyển sách nhỏ, nói về tam quy chẳng hạn, làm được việc đưa người từ chưa biết gì về đạo Phật đến chỗ quy y Tam Bảo, thiết tưởng, là một bản ấn tống có mức hiệu quả tiềm năng rất cao. So với các bản ấn tống một số các bài chú như chúng ta vẫn thường thấy, đối với người đã thuần thành với đạo Phật thì các bài chú đó đã quá quen thuộc và luôn sẵn có, còn đối với một số nhiều hơn người chưa hiểu nhiều về đạo Phật, thì nó trong đại đa số trường hợp, các bản ấn tống mật chú không mang đến lợi ích gì, và sớm bị họ quên lãng trong số xuất bản phẩm dày đặc hiện nay.
Do đó, mong rằng việc ấn tống kinh sách Phật giáo cần dành một tỷ lệ thích hợp cho loại sách vỡ lòng Phật pháp, có giá trị như công cụ chủ yếu hoằng pháp đến đối tượng người chưa hiểu biết nhiều về Phật pháp. Sách loại này mỏng, chi phí cho in ấn chắc chắn không cao, nhưng phước báu của người ấn tống sẽ rất lớn khi nhờ đó mà có thêm người tìm đến được với Phật pháp.
Ngoài việc tái bản lại những tựa sách cũ, hiện nay, Ban Hoằng pháp cũng như các cơ quan có chức năng của Giáo hội, các tự viện, học viện, trường Phật học, chư tôn đức Tăng ni cũng như Phật tử có trình độ đều có thể tổ chức biên soạn những quyển sách tóm lược giáo lý mới dạng mỏng, trên cơ sở hoàn thiện, nâng cao những quyển sách cùng loại, cùng đề tài đã có, thúc đẩy việc ấn tống rộng rãi phục vụ tốt hơn cho Phật sự hoằng pháp đến những người chưa có cơ hội tìm hiểu về đạo Phật, dù trong số đó vẫn có nhiều người xác định mình theo đạo Phật.