Vì sao lấy Hiếu hạnh làm đầu?

GN - Chúng ta đang chuẩn bị đón một mùa Vu lan với tất cả tình yêu và sự tôn kính hướng về không chỉ cha mẹ mà cả những bậc trưởng thượng trong đạo pháp mà ta hằng coi như cha mẹ.

Khi đời sống đang bị treo ngược

Trở lại với từ Vu lan, tiếng Phạn là Ullambana, phiên âm tiếng Hán là Vu-lan-bồn và dịch nghĩa là giải đảo huyền. Giải là mở, đảo là ngược và huyền là dây. Giải đảo huyền là mở sợi dây treo ngược.

hoa dep.jpg

Mùa Vu lan - mùa hoa hồng cài áo... - Ảnh: Internet

Trong đời sống hàng ngày, khi đánh mất chất liệu hiếu kính, trí tuệ và từ bi là ta đánh mất chất liệu căn bản của đạo đức, đánh mất căn bản phước báo của cõi người, cõi trời, phước báo của các cõi hiền thánh và chư Phật; như vậy là ta đã treo ngược đời sống của chúng ta. (Thích Thái Hòa)

Thế nên, khi ta hiếu kính ai là ta mở sợi dây treo ngược cho chính mình và cho người ấy.

Hiếu kính với ai? Người đầu tiên chúng ta vào đời, tiếp xúc, bú mớm, được nâng niu không ai khác ngoài cha mẹ, và thế là sợi dây ban đầu giúp ta thoát khỏi bị treo ngược chính là cha mẹ. Sợi dây không chỉ là tình cảm, mà thiêng liêng thay, nó còn là nhân duyên nhiều kiếp, là huyết thống buộc ràng. Nhưng vấn đề còn là việc báo đáp ơn sâu kia như thế nào, chứ nếu chỉ dửng dưng, hờ hững rồi đổ cho nếp sống hiện đại thì sợi dây treo ngược cũng vẫn thòng vào cổ chúng ta.

Những tư duy ích kỷ, thể hiện qua lời nói hay việc làm, sẽ khiến chúng ta dù giữ cương vị nào trong xã hội cũng gây tổn thương đến trái tim mình và những người chung quanh. Thế nên, “trước tiên là phải biết chăm sóc trái tim huyết thống của ta, để trái tim ấy luôn luôn ở trong trạng thái trong sáng và lành mạnh. Mọi lời nói và hành xử hiếu kính của ta phải đi từ trái tim ấy, mới có khả năng tháo gỡ những sợi dây treo ngược trong đời sống của ta và của những người ta thương yêu. (Thích Thái Hòa)

Cái ác đang nảy sinh trong vườn hoa vô hạnh

Đã có bao nhiêu kẻ treo ngược hôm nay khi chúng ta đọc biết bao thông tin “hãi hùng” trên báo chí:

- Chỉ trong tháng 6-2013 và đầu tháng 7 đã xảy ra 6 vụ con cái hại cha mẹ, có vụ hết sức tàn nhẫn mà chỉ đọc những tít bài, chúng ta cũng rùng mình như chuyện “Nghịch tử đóng đinh vào chân mẹ rồi mới giết!”, nói về chuyện bà Lê Thị Cử ở Ngọc Hồi (Kon Tum) 58 tuổi, được phát hiện thi thể dưới giếng. Điều làm mọi người bất ngờ hơn nữa khi biết được thông tin đối tượng sát hại bà Cử lại chính là vợ chồng người con trai của mình; hay như chuyện con lỡ đánh chết cha vì cha trong cơn say cha bạo hành với mẹ... (Chuyện bà Nguyễn Thị Kỳ ở Phúc Thọ, Hà Nội trong tháng 6 )... Nhưng đấy là những thảm án, thuộc lĩnh vực hình sự. Còn bao nhiêu đứa con không đánh cha giết mẹ nhưng lạnh lùng, vô cảm, không quan tâm thì sao? Ai giải quyết những thái độ như thế?

- Không biết vì lý do gì mà đứa con trai duy nhất lại dùng dao đâm chết chính cha mẹ già của mình. Vụ án mạng rùng rợn này xảy ra vào đêm 21-6 tại căn nhà số 650/15/19 Hương lộ 2, khu phố 4, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP.HCM.

Theo một số người dân kể lại, khoảng 22g ngày 21-6, nhiều người sống gần ngôi nhà trên nghe tiếng kêu cứu thất thanh vọng ra từ căn nhà của ông Trần Văn Mực (SN 1931) và bà Tống Thị Tư (SN 1943).

Kết quả khám nghiệm ban đầu, ông Mực bị đâm 5 nhát (3 nhát ở bụng và 2 nhát ở hông). Bà Tư bị đâm 3 nhát ở giữa ngực. Do vết thương quá nặng, cả 2 người đều tử vong tại chỗ. Qua điều tra ban đầu, cơ quan công an xác định chính Trần Hữu Nghị là hung thủ. Nghị khai dùng con dao bằng inox dài khoảng 20cm đâm chết cha mẹ mình. Ngoài thông tin trên, Nghị không khai gì thêm tại cơ quan công an.

- Ngay khi xảy ra cự cãi với mẹ ruột, Cảnh đã gọi mẹ vào nhà tắm rồi dùng búa đánh nhiều nhát vào đầu khiến nạn nhân tử vong. Vụ việc xảy ra vào khoảng 6 giờ ngày 16-7. Nạn nhân là bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (59 tuổi), ngụ xã Phú Cường, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Được biết, vào khoảng thời gian trên, tại nhà riêng của mình, con trai bà Tuyết là Nguyễn Trung Cảnh (20 tuổi) gọi bà Tuyết vào khu vực nhà tắm rồi bất ngờ bịt miệng, quật xuống đất và dùng búa bổ nhiều nhát vào đầu cho tới chết. Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân xảy ra vụ án mạng là do mâu thuẫn giữa hai mẹ con. Ngay sau khi án mạng xảy ra, Công an huyện Định Quán đã bắt giữ Nguyễn Trung Cảnh. (Theo Đất Việt)

Và còn bao nhiêu đứa con ngỗ nghịch khác hay bạc bẽo không thể quy thành tội như thế đang diễn ra quanh ta hàng ngày mà không sao “giáo huấn”!

Hạnh hiếu: nền tảng giáo dục nhân cách

Từ xưa, Hiếu kinh, tác phẩm chính của Nho giáo đã dạy cho các nho sĩ: “Hiếu là gốc của đức, là nguồn của giáo… thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ, không dám tổn thương đó là khởi đầu của hiếu. Lập thân hành đạo, giương danh với hậu thế, để làm rạng rỡ cha mẹ, đó là kết cục của hiếu. Xét về hiếu, khởi đầu là lo việc song thân, kế đến là việc vua tôi, sau cùng mới đến việc lập thân”. Khổng Tử dạy về đạo hiếu rằng: “Người con hiếu phụng dưỡng cha mẹ, ăn ở phải hết sức cung kính, cung dưỡng cha mẹ phải hết mực vui vẻ, khi cha mẹ đau ốm phải lo lắng hết lòng, khi lo việc tang lễ phải cực kỳ thương xót, khi cúng tế cha mẹ phải vô cùng trang nghiêm”. Về phương diện đầu, người con phải thực hiện ba điều căn bản: chăm sóc cha mẹ chu đáo, luôn ý thức rằng thân thể mình được tạo thành từ máu thịt cha mẹ nên phải biết quý trọng nó và phải lập gia đình, sanh con để nối dõi tông đường.

Trong Phật giáo, có khá nhiều bộ kinh nói về hiếu hạnh, và cụ thể hơn, cách báo đáp ơn sâu nghĩa nặng. Đức Phật đặc biệt nhấn mạnh đến hiếu hạnh, và xem việc báo đáp hiếu hạnh là công đức lớn. Qua nhiều bộ kinh điển như kinh Vu-lan-bồn nêu gương hiếu hạnh của Đức Mục Kiền Liên, cứu thoát mẹ ra khỏi cảnh giới u minh; kinh Báo ân Cha Mẹ; kinh Thai cốt và kinh Huyết bồn; kinh Hiếu tử

Ngoài ra, trong từng kinh có những phẩm nói về việc báo ân như kinh Tâm địa quán với phẩm thứ hai là phẩm báo ân; kinh Đại phương tiện Phật báo ân có đến 2 phẩm nói về hiếu hạnh của Phật và Bồ-tát trong các đời sống quá khứ; kinh Địa Tạng kể về hiếu hạnh của Bồ-tát Địa Tạng và cách đền ơn cha mẹ ở hiện đời; kinh Thiện sanh hay Giáo thọ Thi-ca-la-việt đề cập đến 5 nguyên tắc đạo đức của các bậc cha mẹ đối với con cái và 5 nguyên tắc đạo đức của con cái đối với cha mẹ...

phong sanh 5.jpg

Hoa đăng cầu nguyện an lành cho cha mẹ hiện tiền và cầu vãng sanh cho
cha mẹ quá vãng - Bài học về đạo hiếu được thắp lên giữa mùa Vu lan - Báo hiếu - Ảnh: L.Đ.L

Một điểm khác biệt căn bản là giáo lý nhà Phật không hề xem chuyện con cái tuân phục cha mẹ mù quáng, bất chấp việc cha mẹ làm sai quấy là một nguyên tắc như Nho giáo. Chúng ta nghe Phật dạy: “Này các Tỳ-khưu, đời chưa có gì đáng gọi là hiếu. Làm cho cha mẹ bỏ ác làm lành, vâng giữ năm giới và ba tự quy, được thế dù rằng buổi sớm vâng giữ, buổi chiều mất đi, ơn ấy trọng hơn vô lượng công ơn nuôi nấng, bú mớm của cha mẹ mình. Nếu không biết đem giáo pháp Tam bảo, rất mực khai hóa cho cha mẹ mình, tuy là hiếu dưỡng vẫn như bất hiếu”. (Kinh Hiếu tử - bản Việt dịch của HT.Thích Tâm Châu). Trong kinh Dhananjani, Tôn giả Xá Lợi Phất thay lời Đức Phật giải thích về cái sai và cái đúng, cái nên làm và cái không nên làm trong vấn đề phụng dưỡng cha mẹ:

Này Dhananjani, người con hiếu thảo không nên vì cha mẹ mà làm các điều phi pháp, bất chánh. Vì người làm như vậy sẽ bị quỷ sứ kéo vào địa ngục. Trước sự phán xét của nhân quả, người ấy không thể vịn lý vì muốn cho cha mẹ sung sướng, vui lòng, để bào chữa cho mình là vô tội. Hành động như vậy sẽ bị thác đọa địa ngục dù nó có khóc than hay cha mẹ nó có van xin hay kể lể. (Kinh Trung bộ II)

Một người con được gọi là con hiếu thảo phải là một con người biết ơn và đền ơn cha mẹ, được gọi là một bậc chân nhân, “Đối với bậc chân nhân, thiện nhân, hai đặc tính này sẽ được biết đến, đó là biết ơn và đền ơn đúng pháp”. (Kinh Tăng chi I. 75)

“Ai thành tựu thân làm ác với cha mẹ, lời nói ác đối với cha mẹ, ý nghĩ ác đối với cha mẹ; không biết ơn, không trả ơn, sẽ tương xứng rơi vào địa ngục và hiện đời sẽ bị đau khổ”. (Kinh Tăng chi I)

Trong kinh Tương ưng, Đức Phật cũng nói đến lòng hiếu thảo, chính là sự phân biệt ưu việt của con người với muôn loài khác:

Giữa các loài hai chân

Chánh giác là tối thắng

Trong các loài con cái

Hiếu thuận là tối thắng.

(Kinh Tương ưng I)

Theo tác giả Thích Thái Hòa: “Đối với kinh Hạnh phúc, việc hiếu kính cha mẹ không chỉ là một loại hạnh phúc mà còn là một thứ hạnh phúc tốt lành nhất trong các hạnh phúc của con người”.

Hiếu hạnh trong đạo Phật được đặt trên nền tảng đạo đức và nguyên lý nhân quả. Do đó, quả báo của hiếu hạnh sẽ là sự an lạc từ hành vi báo hiếu chân chánh, làm cho cha mẹ hoan hỷ, và hạnh phúc thật sự. Đến đây, ta nhớ người con gái xuất gia tu học ở chùa Bồ Đề (quận 4) đã từng khuyên người cha mình - Năm Cam - quay đầu lại đường ngay nẻo chánh, nhưng nghiệp căn đương sự quá nặng, chưa kịp hồi tâm đã sa lưới pháp luật. Cô cũng cương quyết không nhận giúp đỡ tài vật từ nguồn tiền không trong sạch ấy. Đáng quý thay!

Đức Phật luôn luôn giáo dục cảnh giác mọi người không nên chỉ vì lý do phụng dưỡng cha mẹ mà tác tạo các nghiệp phi pháp, bất chánh, tổn hại mình và người.

Ai hiếu dưỡng cha mẹ,

Kính trọng bậc gia trưởng

Nói những lời nhu hòa,

Từ bỏ lời hai lưỡi,

Chế ngự lòng gian tham,

Là một người chân thực.

(Kinh Tăng chi bộ)

Nếu một người con không có hạnh hiếu, không biết yêu cha mẹ mình, thì thử hỏi làm sao yêu thầy cô, bạn bè, rộng hơn, yêu xóm làng, tổ quốc. Tình yêu ban đầu phải là dành cho cha cho mẹ, những người gần gũi nhất. Edmondo de Amicis nhấn mạnh trong “Tâm hồn cao thượng”, trình tự tình yêu ấy, phải yêu từ người mẹ rồi mới đến cô giáo, bạn bè, chòm xóm, ngôi trường…

Với một người con hiếu thảo, lớn lên trong tình yêu lớn lao của mẹ, chúng ta không thể hình dung họ có thể trở thành những kẻ vô ơn, độc ác trong cuộc đời. Nếu biết tưới tẩm tuổi thơ bằng tình mẫu tử hay tình phụ tử, chúng ta sẽ có những đứa trẻ biết trân trọng sự sống và cuộc đời kẻ khác, xã hội từ đó sẽ đẹp hơn, con người sẽ hướng thiện hơn và tội ác sẽ vơi đi nhiều trên thế gian này. Mong thay giáo dục lòng hiếu hạnh từ thuở còn thơ, trong những lớp mầm chồi lá để các em vào đời với tâm thức tràn đầy hạnh phúc và tình yêu…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày