Vu lan lễ mẹ

GNO - Con chưa từng một lần được gặp mẹ. Lúc đến với nhà con thì mẹ đã đi xa độ hơn một năm. Nhiều lúc hai vợ chồng tâm sự, anh bảo: "sao ông trời không cho anh gặp được em sớm hơn, đến lúc chuẩn bị về với Dức Phật, mẹ vẫn mong mỏi có một cô con dâu". Mọi thông tin về mẹ, con chỉ được biết qua chồng con.

hoa trang.jpg

Ngày theo anh về quê để thăm gia đình, trong một ngôi nhà mới khang trang, sạch sẽ, nhưng neo người. Phía bên tay phải, ngay sát cửa sổ là di ảnh mẹ đặt trên một chiếc bàn gỗ đã loang màu thời gian. Con hỏi anh sao để mẹ ngồi một mình lặng lẽ. Anh bảo đấy là tục lệ quê anh, chưa được ba năm thì chưa được lên bàn thờ với ông bà tổ tiên.

Đôi mắt mẹ hốc hác, thăm thẳm buồn, khuôn mặt chân chất thôn quê, và không được đẹp. Anh bảo, lúc chụp ảnh là lúc mẹ phát hiện căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Cả nhà rất buồn, nhưng lúc chụp ảnh cố cười cho mẹ vui, nhìn ảnh gia đình mà mặt ai cũng méo.

Thế rồi anh mở cho con xem quyển nhật ký của mẹ. Nét chữ rất đẹp. Mẹ là con út trong một gia đình thuần nông, hiếu học. Mẹ học rất giỏi, nhưng vì gia đình gặp biến cố mà phải nghỉ học. Mẹ rất buồn vì điều này nên gắng sức cho các con ăn học nên người, thoát kiếp bần nông. Nhà không khá giả, cộng thêm nhan sắc bình thường, bị người làng liệt vào danh sách ế, mẹ chấp nhận lấy bố chồng con khi vừa đủ hai tư tuổi.

Vì chồng ốm đau, không làm được việc nặng nhọc nên đôi vai gầy mẹ gánh từ việc nhà đến việc đồng áng. Vừa cấy lúa, vừa nấu rượu, nuôi lợn, trồng rau. Mỗi buổi sáng quét cái sân mẹ làm để phơi thóc, đi qua mấy chuồng lợn nay trống không, con cảm giác như thấy được cả những giọt mồ hôi mẹ đã từng rơi nơi này. Vụ gặt đến, chồng con đang đi làm xa, em thứ hai đi học trên Hà Nội, không ai giúp, mình mẹ vừa gặt vừa phơi, mang vác trên mình hơn tấn thóc một vụ.

Thương mẹ, với đồng lương ít ỏi của giáo viên vùng núi, anh vẫn cố gắng tiết kiệm gửi tiền về giúp mẹ nuôi em. Anh kể với con, nhà mình trước đây lụp xụp nhất xóm, mái nhà thấp lè tè, nhà chật chội, phải chất cả thóc lên giường ngủ. Ngày nắng thì không sao, ngày mưa trong nhà đủ các thứ chậu và chai lọ hứng nước mưa dột lung tung cả. Cũng vì thế, mà anh đã lỡ dở với cô gái nọ, gia đình người ta sợ con gái lấy anh về sẽ khổ. Mẹ buồn lắm, quyết tâm làm cho được căn nhà đàng hoàng.

Một mình mẹ tự thiết kế, tính toán vật liệu, chuẩn bị tiền xây nhà mà không phải vay của ai. Ai mà ngờ được, đôi vai gầy yếu mỏng manh đó gánh nhiều việc lớn đến đàn ông cũng phải nể phục. Phận đàn bà, biết nhiều, đảm đang quá, lại càng thêm khổ. Đương lúc bị bệnh tật hoành hành đau đớn, mẹ vẫn cắn răng chịu đựng, khoác tấm áo mỏng, ngồi chỉ đạo hai cậu con trai đổ nốt cái sân phơi thóc.

Ngôi nhà hoàn thiện được ba tháng, cũng là lúc mẹ ra đi...

Thắp cho mẹ nén hương, con lại thấy xót xa quá chừng. Đàn bà là vậy, luôn hết lòng hi sinh cho chồng, cho con. Mình chịu đói, rét, chị đau đớn, chứ nhất định không để con cái phải khổ, phải thiếu thốn. Đấy là lòng mẹ, là tình mẫu tử thiêng liêng. Nhận của con ba lạy mẹ nhé, vì sự hi sinh cao cả của mẹ cho những đứa con, trong đó có anh - chồng con hiện tại.

Đi giữa mùa Vu lan của một năm đầy biến động, con cài bông hồng trắng, cầu xin cho linh hồn mẹ được nhẹ nhàng siêu thoát. Chúng con sẽ tiếp nối dòng máu của mẹ để sống tốt, sống tử tế với đời, với người.

Khiết Tâm

tiensakura0890@gmail.com

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.

Thông tin hàng ngày