10 điều cần biết về sự phát triển não bộ của trẻ

GNO - Trẻ con có khi thật tuyệt vời, có lúc khó bảo và “trở chứng” thất thường mà không rõ nguyên nhân, đôi khi lại có những hành động dại dột. Chúng cần sự độc lập nhưng cũng lại muốn được yêu thương. Đây là những điều thường thấy ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên.

Các chuyên gia đã dẫn ra dưới đây các hướng dẫn quan trọng để giúp cha mẹ đồng hành cùng trẻ ở giai đoạn thanh thiếu niên hoặc ít ra cũng giúp cha mẹ hiểu nhiều hơn về tâm lý con cái mình ở độ tuổi này.

treem.jpg


Trẻ cần sự độc lập nhưng cũng lại muốn được yêu thương -Ảnh minh họa

1 - Các giai đoạn phát triển quan trọng

11-19 tuổi là giai đoạn trẻ phát triển mạnh nhất về mặt trí não. Não bộ sẽ tiếp tục thay đổi trong suốt đời người nhưng giai đoạn phát triển mạnh nhất về mặt trí não là ở độ tuổi trên, theo Sara Johnson - giáo sư trường Y khoa Bloomberg, Đại học Johns Hopkins.

Phụ huynh nên nhớ rằng dù con mình có cao chừng nào hay diện váy áo ra chiều người lớn thế nào thì chúng cũng còn đang trong giai đoạn phát triển trí não và sự phát triển này tác động đến quãng đời sau này của trẻ.

2 - Sự phát triển “nở rộ” của não bộ

Các nhà khoa học cho rằng các kết nối thần kinh sẽ phát triển mạnh và đi vào ổn định trong 3 năm đầu tiên của trẻ. Bên cạnh đó, các nghiên cứu hình ảnh não bộ cũng phát hiện ra rằng sự phát triển “bùng nổ” lần thứ hai của não bộ là ngay trước khi trẻ dậy thì, 11 tuổi ở nữ và 12 tuổi ở nam.

Ở độ tuổi này, trẻ sẽ tập tành đọc tiểu thuyết, tham gia vào các mạng xã hội để mở rộng các quan hệ xã hội của mình,…

Sự tái tổ chức cấu trúc này sẽ liên tiến đến khi 25 tuổi cùng với các thay đổi khác sẽ diễn ra trong suốt vòng đời.

3 - Các kỹ năng tư duy mới được phát triển

Não bộ của trẻ bắt đầu có nhiều tương tác, kết nối hơn và xử lý thông tin tốt hơn. Trẻ có thể sử dụng máy vi tính và có các kỹ năng đưa ra quyết định như người trưởng thành nếu trẻ có đủ thời gian và tiếp cận được thông tin.

Nhưng nếu không có đủ thời gian để xử lý, quyết định của trẻ bị ảnh hưởng chủ yếu bởi cảm xúc vì lúc này não trẻ dựa vào cảm xúc ở hệ viền nhiều hơn là sự tư duy phân tích ở vùng vỏ não trước trán.

4 - “Sự thịnh nộ của tuổi teen”

Thanh thiếu niên là độ tuổi tiếp thu các hệ thống kỹ năng mới, đặc biệt là các hành vi xã hội và các tư duy trừu tượng. Nhưng trẻ chưa giỏi “sử dụng” các kỹ năng này, vì thế trẻ cần được trải nghiệm.

Nhiều trẻ ở tuổi này xem các xung đột, mâu thuẫn là một dạng biểu đạt cá nhân của bản thân và sẽ gặp khó khăn trong tập trung vào các ý tưởng có tính trừu tượng hoặc hiểu được quan điểm của người khác.

Cha mẹ hãy nhớ rằng, dù hành vi của con mình, sự trở chứng hay giận dữ của con trẻ như thế nào cũng đừng “lăng mạ” chúng. Vì lúc này, trẻ phải đối diện với một lượng quá lớn các dòng chảy cảm xúc, xã hội và sự tư duy cũng như chưa đủ khả năng để thích ứng kịp.

Khi ấy, trẻ cần cha mẹ giúp chúng bình tĩnh trở lại, lắng nghe và cha mẹ hãy là hình mẫu tốt cho con mình - các chuyên gia khuyên.

Theo một nghiên cứu phát hành năm 2013 trên Tạp chí Sự phát triển của Trẻ, nếu cha mẹ càng la hét trẻ thì trẻ có xu hướng ứng xử tệ hơn.

5 - Giai đoạn của phát triển cảm xúc

Tuổi dậy thì là sự bắt đầu của những thay đổi lớn và quan trọng trong hệ viền (limbic system) - phần não bộ không chỉ có chức năng giúp điều chỉnh nhịp tim và mức đường huyết mà còn quan trọng trong hình thành trí nhớ và cảm xúc.

Một phần của cấu trúc não bộ này là hạch hạnh, có chức năng kết nối các thông tin giác quan với các phản hồi cảm xúc.

Sự phát triển này cùng với sự thay đổi hormone sẽ làm tăng sự biểu hiện các cảm xúc đa dạng của trẻ như căng thẳng, sợ hãi, hiếu chiến, hào hứng và sự thu hút giới tính. Các trẻ lớn hơn thường có sự cân bằng về cảm xúc và dễ dàng hiểu được ứng xử của người khác nhưng cũng có nhiều trẻ toàn hiểu sai hoặc hiểu nhầm về giáo viên và cha mẹ mình.

6 - Tìm thấy niềm vui từ bạn đồng trang lứa

Khi trẻ tư duy tốt hơn về các ý niệm trừu tượng cũng là lúc các lo lắng về mặt xã hội tăng dần lên, theo nghiên cứu đăng trên Tờ Biên niên Hàn lâm Khoa học New York năm 2004.

Khả năng tư duy trừu tượng giúp ta có thể biết được mình dưới góc nhìn của người khác. Trẻ thường dùng khả năng này để đoán biết suy nghĩ và cách nhìn của người khác về mình. Đặc biệt là sự đồng tình đồng lứa cũng tăng lên, điều này giải thích vì sao trẻ có xu hướng có hành vi liều lĩnh khi có nhiều bạn đồng lứa bên cạnh.

Bạn bè cũng giúp trẻ có cơ hội học các kỹ năng như thương lượng, thỏa hiệp, lên kế hoạch.

7 - Đo đếm nguy cơ

“Cái phanh được kích hoạt chậm hơn sự tăng tốc của não bộ”, Johnson chia sẻ. Điều này chỉ cho sự phát triển không tương ứng của hệ viền và phần vỏ não trước trán; giữa cảm xúc và khả năng kiểm soát cảm xúc.

Đây là điều làm trẻ nhạy cảm hơn trước các hành vi mang tính rủi ro cao như sử dụng chất kích thích, đánh nhau hoặc chơi các trò nguy hiểm. Từ 17 tuổi trở lên, vùng não phụ trách kiểm soát cảm xúc và nhận thức vấn đề trong dài hạn sẽ được kích hoạt để giúp trẻ bình tĩnh hơn trong hành vi của mình.

Lúc này, cha mẹ phải bên cạnh trẻ để hạn chế các hành vi liều lĩnh của trẻ.

8 - Trẻ vẫn cần cha mẹ bên cạnh mình

Một khảo sát cho kết quả, 84% trẻ yêu quý mẹ hơn và 89% trẻ yêu quý cha hơn, hơn ¾ trẻ yêu quý cha mẹ như nhau; 79% trẻ thích đi chơi cùng mẹ và 76% thích đi chơi cùng cha.

Một trong những nhiệm vụ của trẻ là phải thiết lập sự tự chủ cho mình nhưng điều này không có nghĩa là trẻ thôi cần bố mẹ nữa.

“Trẻ cần một mô hình và tìm kiếm cha mẹ để giúp mình xây dựng mô hình đó” nên cha mẹ nào coi con 16, 17 tuổi là người đã trưởng thành sẽ có những hành vi thiếu công bằng, không hợp lý và dễ gây ra các thất bại sau này của con mình.

Điều tối quan trọng là phụ huynh phải là người biết lắng nghe và là hình mẫu tốt cho con noi theo, nhất là khi đối diện, xử lý stress hay các hoàn cảnh, tình huống khó khăn trong cuộc sống. Điều này giúp trẻ hình thành chiến lược và tư duy thích ứng với hoàn cảnh trong tương lai.

9 - Trẻ cần ngủ

Thanh thiếu niên cần ngủ từ 9-10 tiếng mỗi đêm. Theo một nghiên cứu năm 2015 thì trong 2 thập niên gần đây trẻ ngủ ít hơn so với mức khuyến nghị.

Thiếu ngủ vì lý do nào đi nữa cũng có tác động xấu đến thanh thiếu niên như khả năng tư duy giảm sút, tâm trạng bất ổn và thiếu chuẩn xác trong đưa ra quyết định. Theo các chuyên gia, giấc ngủ giúp cho việc tái sắp xếp của não bộ thanh thiếu niên.

Thực tế cho thấy sự thiếu kết nối giữa cơ thể sinh học và sinh hoạt của thanh thiếu niên. Thời gian dành cho các thiết bị điện tử và truyền thông xã hội làm giờ ngủ giảm xuống. Đây là nguyên nhân gây ra lo lắng và suy nhược tinh thần ở trẻ - theo nghiên cứu của Anh quốc xuất bản năm 2015.

10 - “Tôi là trung tâm của vũ trụ & vũ trụ này chừng như chưa đủ cho tôi!”

 Sự thay đổi hormone ở tuổi dậy thì có tác động lớn đến não bộ dẫn đến sự sản sinh ra oxytocin, theo kết quả nghiên cứu đăng trên Tạp chí Developmental Review năm 2008.

Oxytocin là hormone làm tăng hoạt tính của hệ viền, có liên quan đến cảm giác tự nhận thức, tự tri nhận về bản thân làm cho thanh thiếu niên nghĩ rằng “ai ai cũng đang nhìn về phía mình”. Theo các chuyên gia, suy nghĩ này xuất hiện khi trẻ khoảng 15 tuổi.

Đây là lần đầu tiên trẻ nhìn nhận về bản thân mình trong sự tương quan với thế giới bên ngoài. Trẻ sẽ tự đặt cho mình các câu hỏi như: Tôi sẽ trở thành người như thế nào và sẽ đứng ở vị thế nào, Tôi muốn thế giới này sẽ như thế nào…

Đây là những câu hỏi và câu trả lời chỉ mang tính một chiều, từ tư duy của trẻ. Cha mẹ cần giúp con mình khám phá các câu hỏi hơn là trả lời chúng.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Bita Moghaddam, Đại học Pittsburgh dù thế nào thì phụ huynh cũng nên ghi nhớ điều này: Trẻ ứng xử khờ dại không phải vì chúng khờ dại hay ngu xuẩn mà vì não của trẻ đang làm việc một cách khác biệt.

Trần Trọng Hiếu (Theo Live Science)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày