Ấn Độ: Phật giáo góp phần vào việc bảo vệ môi trường

Giác Ngộ - Đức Karmapa Lama đời thứ XVII, đạo hiệu Ogyen Trinley Dorje (ảnh), là một trong 3 nhà lãnh đạo tinh thần tối cao của Phật giáo Tây Tạng, sau Đức Dalai Lama XIV và Đức Lama Panchen, hiện đang được nhiều người trên thế giới kính ngưỡng.

Thời gian qua, ngài không chỉ là nhà lãnh đạo tinh thần mà còn là một nhân vật tiêu biểu trong việc bảo vệ môi trường. Sau đây là trích đoạn phỏng vấn giữa ngài và ông Saransh Sehgal, phóng viên Thời báo Asiasentinel.

baovemoitruong-2.jpg

- Ngài đang điều hành một nhóm bảo vệ môi trường, xin ngài cho biết nhóm thật sự đã làm những việc gì và đã đóng góp được gì?

Công việc chủ yếu của nhóm là giải quyết những vấn đề cơ bản như nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thảo luận các vấn đề liên quan đến môi trường, tìm hiểu và phát huy phương pháp bảo vệ môi trường, kiểm soát vấn đề chất thải, làm sạch môi trường, sử dụng và bảo tồn năng lượng mặt trời cũng như việc trồng rừng. Nói chung, chúng tôi muốn giúp hình thành ý thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng Tây Tạng. Những gì chúng tôi thực hiện có thể giải quyết nhiều vấn đề rất căn bản. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thể đạt đến một trình độ cao trong những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ môi trường được.

- Ngài vẫn tiếp tục giúp người dân Tây Tạng và Trung Quốc giải quyết những vấn đề liên quan đến môi trường chứ?

Vâng, đó là hy vọng và cũng là vấn đề cần thiết của chúng tôi. Tôi nghĩ điều này khá quan trọng, cụ thể là việc xem xét đến những vấn đề môi trường như: sự can thiệp vào dòng chảy của các con sông, gây tổn hại đến hệ sinh thái. Tình trạng thiếu nước cũng như lũ lụt xảy ra nhiều nơi là do việc xây dựng công trình thủy điện trên những con sông của Tây Tạng. Ấn Độ và Trung Quốc đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nước và lũ lụt. Điều này hiện đang trở thành một vấn đề rất lớn. Nếu xem sự tồn tại của con người chỉ đơn thuần phụ thuộc vào vấn đề chính trị thì không phù hợp chút nào, vì vấn đề về môi trường không nên được xem như là yếu tố chính trị. Tôi chân thành kêu gọi mọi người hãy quan tâm và có trách nhiệm với môi trường, vì sự lợi ích của chính chúng ta.

baove-moiruong.jpg

- Vì chuyến đi châu Âu của ngài bị từ chối hồi tháng 4, nên một số Phật tử của ngài ở Mỹ đã có kiến nghị và vận động để thể hiện sự quan tâm tới tình hình của ngài. Ngài có cảm nhận gì đối với những Phật tử đó trong việc mang lại sự nhận thức tích cực hơn về vị trí của ngài đối với cộng đồng?

Như tôi biết, người phương Tây không giống như người Đông phương, họ có ý chí mạnh mẽ, hoài bão cao; với cá tính đó thì hành động của họ có xu hướng năng động hơn. Vấn đề liên quan đến việc hủy bỏ chuyến đi, chúng tôi sẽ chính thức đưa ra văn bản nhằm làm sáng tỏ điều đó.

- Ngài có thể giải thích lý do cần thiết của chuyến đi và việc truyền bá đạo Phật cũng như giáo dục về môi trường ra ngoài lãnh thổ Ấn Độ và Tây Tạng không?

Trong số những người đứng đầu của Phật giáo Tây Tạng, có lẽ Đức Karmapa Lama thứ XVI là người Tây Tạng đầu tiên đến các nước phương Tây và thành lập các trung tâm Phật giáo tại đó. Đồng thời, ngài gửi các tín đồ sang để giúp cho việc thành lập trung tâm để truyền bá Chánh pháp. Tôi cũng đi theo con đường đó và cũng như những người ở các trung tâm Phật giáo, do vậy trách nhiệm hoằng pháp dường như nặng nề hơn.

Không chỉ có các trung tâm Phật giáo mời tôi, mà nhiều trường đại học, tổ chức xã hội thuộc các lĩnh vực văn hóa tín ngưỡng của Tây Tạng, các cơ quan phát ngôn trung lập, các tổ chức bảo vệ môi trường cũng đã mời tôi. Tôi sẽ đáp ứng đề nghị và sẽ truyền đạt tư tưởng của mình, qua đó nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của các vấn đề, trong đó có việc bảo vệ môi trường.

- Ngài có lời khuyên nào cho những Phật tử trẻ đang quan tâm tới ảnh hưởng của những thảm họa môi trường gần đây?

Khoảng cách giữa con người và thiên nhiên ngày càng trở nên xa hơn. Điều này có nghĩa là con người ngày càng gây ra cho môi trường những tác hại mạnh hơn bằng những hành động thiếu suy nghĩ. Dĩ nhiên, chúng ta hãy nên cân nhắc kỹ trước khi sử dụng môi trường vì mỗi hành động luôn mang hậu quả theo sau. Do đó, chú ý tới việc hiện tại chúng ta đang sử dụng cái gì và chúng được bắt nguồn từ đâu là điều rất quan trọng. Ví dụ như tiếng kêu dịu hiền của những chú chim non và màu xanh tươi tốt của rừng thì thật là đẹp. Chúng không mang trong mình những thứ do chúng ta tạo ra, những vẻ đẹp đó được tạo ra một cách tự nhiên. Tuy nhiên, nếu chặt phá rừng và làm hại đến muông thú, là chúng ta đang lấy đi từ chính chúng ta vẻ đẹp tự nhiên mà ta thưởng thức, như thể ta phá đi thính giác, khứu giác, vị giác của chính chúng ta vậy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày