Sambo Chasal - Biểu tượng của Tam bảo tại Hàn Quốc

Quần thể công trình đồ sộ của chùa Beomeo-sa
Quần thể công trình đồ sộ của chùa Beomeo-sa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Jogye (Tào Khê tông, 대한불교조계종,曹溪宗) là tông phái Phật giáo chủ đạo tại Hàn Quốc. Ra đời khoảng cuối thế kỷ XII, đầu thế kỷ XIII, cùng với quá trình phát triển, Tào Khê tông đã tạo sức ảnh hưởng cực kỳ to lớn trong đời sống Phật giáo tại bán đảo Triều Tiên, với khoảng 1.900 ngôi chùa hiện diện cho đến ngày nay.

Trong số đó, có 3 ngôi chùa mang ý nghĩa đặc biệt đó là: Beomeo-sa (Phạm Ngư tự, 범어사), Haein-sa (Hải Ấn tự,해인사) và Tongdosa (Thông Độ tự, 통도사).

Nói đặc biệt bởi trong ý nghĩa tương quan được ấn định từ xưa, 3 ngôi đại già-lam nói trên tượng trưng cho 3 ngôi Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng - hiện diện và bảo hộ cho xứ sở này, gọi là Sambo Chasal (삼보사찰, 三寶寺刹). Tuy nhiên, những ý nghĩa đó không chỉ thể hiện trong quan niệm, suy nghĩ mà còn được cụ thể hóa bằng những công trình kiến trúc, văn vật lưu giữ tại các ngôi chùa này.

Beomeo-sa, ngôi đại tòng lâm ngàn năm tuổi

Tọa lạc trên sườn núi Geumjeongsa thuộc thành phố Busan, Beomeo-sa (Phạm Ngư tự, 범어사, 梵魚寺) là một trong những ngôi chùa xuất hiện từ khá sớm trên bán đảo Triều Tiên, còn được xếp vào hàng 1 trong 8 ngôi đại tòng lâm của Hàn Quốc. Được xây dựng vào năm 678 dưới thời vua Munmu của triều đại Silla, ban đầu Beomeo-sa thuộc Hoa Nghiêm tông, là một trong mười ngôi đại tự của tông phái này. Về sau, Beomeo-sa đã nhập vào Tào Khê tông và tiếp tục giữ vai trò quan trọng.

Đây là chính điện của chùa, mang những yếu tố tiêu biểu cho kiến trúc dưới thời Joseon. Ngôi điện này cũng được công nhận là Bảo vật quốc gia của Hàn Quốc
Đây là chính điện của chùa, mang những yếu tố tiêu biểu cho kiến trúc dưới thời Joseon. Ngôi điện này cũng được công nhận là Bảo vật quốc gia của Hàn Quốc

Ngôi chùa được xây cất, mở mang đồ sộ dưới vương triều Goryeo. Thời kỳ này, số lượng Tăng sĩ tu học tại Beomeo-sa có lúc lên đến hàng nghìn người. Xung quanh ngôi chùa này cũng tồn tại nhiều truyền thuyết, trong đó có câu chuyện về con cá vàng trên trời rơi xuống giếng nước không bao giờ cạn trên núi, tên gọi Phạm Ngư cũng bắt nguồn từ truyền thuyết này.

Năm 1592, trong cuộc xâm lược Imjin Waeran của Nhật Bản, Beomeo-sa bị thiêu rụi hoàn toàn. Ngôi chùa được xây dựng lại năm 1602, nhưng lại tiếp tục bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn lớn và tiếp tục được tôn tạo lại vào năm 1713. Tính đến nay, ngôi chùa này đã tồn tại trong hơn 1.300 năm.

Trong số các công trình kiến trúc tại Beomeo-sa, ngôi điện Daeungjeon chiếm vị trí trung tâm. Đây là chính điện của chùa, mang những yếu tố tiêu biểu cho kiến trúc dưới thời Joseon. Ngôi điện này cũng được công nhận là Bảo vật quốc gia của Hàn Quốc.

Haein-sa và kho mộc bản kinh văn độc nhất vô nhị

Có thể không quá lời khi nói rằng Haein-sa (Hải Ấn tự, 해인사, 海印寺) là ngôi chùa của Phật giáo Hàn Quốc được thế giới biết đến nhiều nhất bởi đây là nơi lưu giữ pho Bảo vật quốc gia nổi bật nhất của xứ sở kim chi, đó là bộ ván in Bát vạn Đại tạng kinh Hàn Quốc (Tripitaka Koreana,팔만 대장경, 八萬大藏經), chạm khắc trên 81.258 tấm gỗ. Bộ Đại tạng kinh này được các học giả trên thế giới đánh giá là bộ Đại tạng chính xác và hoàn chỉnh nhất.

Quần thể chùa Haein-sa nhìn từ trên cao
Quần thể chùa Haein-sa nhìn từ trên cao

Haein-sa nằm trong một thung lũng nhỏ trên núi Gaya thuộc tỉnh Nam Gyeongsang. Ngôi chùa này được xây dựng vào năm 802 bởi hai vị Đại sư Suneung và Ijeong, dưới thời vua Aejang của vương quốc Tân La. Trong suốt lịch sử tồn tại của mình, chùa trải qua khoảng 6 lần trùng tu, tôn tạo để có được quy mô như ngày nay.

Toàn bộ mộc bản Đại tạng kinh được lưu giữ tại Janggyeong Panjeon - tàng kinh các của Haein-sa. Đây là pho kinh văn bằng chữ Hán còn nguyên vẹn nhất và lâu đời nhất của Phật giáo trên thế giới còn tồn tại cho đến ngày nay, với 52.382.960 ký tự, được chia thành 6.568 tập. Mỗi bản khắc gỗ có kích thước rộng 70cm và dài 24cm, dày từ 2,6 đến 4cm, nặng khoảng 3 - 4kg.

Pho mộc bản này được tạo tác trong khoảng thời gian 16 năm, từ năm 1236 đến năm 1251 và được đưa đến Haein-sa vào năm 1398, dưới thời Joseon và được lưu giữ trong 4 tòa nhà lớn, với hệ thống các ô cửa thông gió được bố trí khoa học để không khí lưu chuyển, giúp toàn bộ tàng kinh các luôn khô thoáng và không bị côn trùng xâm nhập. Theo đánh giá của UNESCO, tàng kinh các của Haein-sa là công trình độc nhất vô nhị, khi được xây dựng chỉ dành riêng cho việc bảo quản hiện vật với độ khéo léo và hoàn hảo trong kỹ thuật bảo quản đạt đến mức khó tin.

Năm 1995, Haein-sa và bộ mộc bản Bát vạn Đại tạng kinh Hàn Quốc lưu trữ tại tàng kinh các của chùa đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Tongdo-sa, nơi gìn giữ mạng mạch Tăng-già

Tọa lạc ở phía Nam của núi Chiseosan, gần thành phố Yangsan, tỉnh Gyeongsang Nam, Tongdo-sa (Thông Độ tự, 통도사, 通度寺) được xem là ngôi tổ đình của Tào Khê tông. Ngôi chùa này được xây dựng năm 646 bởi Đại sư Jajang, dưới thời Nữ vương Seon Deok của vương quốc Tân La. Ngôi chùa tồn tại và phát triển mạnh mẽ qua suốt các thời kỳ, từ Tân La đến Koryo rồi Joseon.

Điểm đặc biệt của Tongdo-sa, đó là trong ngôi chùa này thờ phụng các Phật bảo như xá-lợi Phật, mảnh cà-sa, bình bát được Đại sư Jajang mang về từ Đại Đường. Tương truyền rằng, vào thế kỷ XV, vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất, tại Tongdo-sa có hàng ngàn nhà sư lưu trú, tu học. Trong số các công trình kiến trúc bằng gỗ tại Tongdo-sa, ngôi chánh điện Daeungjeon là kiến trúc duy nhất còn tồn tại sau nhiều lần ngôi chùa bị xâm phạm và phá hủy và đã được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đồng thời, tại Tongdo-sa cũng có một truyền thuyết liên quan đến ngọn đèn cháy suốt 1.300 năm không tắt.

"Kim Cang giới đàn" của chùa Tongdo-sa
"Kim Cang giới đàn" của chùa Tongdo-sa

Công trình đặc biệt nhất tại Tongdo-sa đó chính là khu Geumgang Gyedan (금강계단, 金剛戒壇), bao gồm một ngôi điện rỗng với cấu trúc hình chữ “đinh”, ngay chính giữa mặt tiền treo bức hoành phi chữ Hán “Kim Cang giới đàn”, với phần cửa mở thông ra phía sau là một khu thạch giới đài bằng đá nhiều tầng với các vòng tường rào, lan can bằng đá, ở chính tâm của khối kiến trúc này là một phù đồ đặt trên một tòa sen bằng đá tương truyền có chứa phần xá-lợi Phật mà Đại sư Jajang mang về từ Đại Đường.

Quần thể công trình này được coi là “trái tim” của Tongdo-sa, với chức năng của một giới đài, nơi diễn ra các buổi lễ truyền cụ túc giới của tông phái Jogye, đồng thời, Geumgang Gyedan được Chính phủ Hàn Quốc công nhận là Bảo vật Quốc gia số 290, cũng là mẫu hình giới đàn Phật giáo hiếm hoi hiện diện trên bán đảo Triều Tiên.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tôn tượng Đức Phật đản sinh trong khuôn viên Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM - nơi diễn ra Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 - Ảnh: Trung Thắng

Hương sen thuần khiết

GNO - Phật đản không chỉ là mùa lễ hội, càng không phải là một nghi thức dành riêng cho ai hữu duyên cửa thiền. Phật đản, với tôi, là một mùa của sự trở về , trở về với tâm thức nguyên sơ, trở về với lòng biết ơn cuộc sống, và trở về với chính mình sau những tháng năm mải miết đi xa.

Thông tin hàng ngày