Ấu thơ & sự tích lì xì đầu năm bà kể

GNO - Cho và nhận tiền lì xì đầu năm mới, đó là một trong những phong tục đậm nét văn hóa của người Việt. Mỗi bao lì xì trao nhau thể hiện sự quan tâm, tình cảm giữa những người trong gia đình. Khi Tết đến xuân về, tôi lại nhớ đến những câu chuyện xung quanh túi lì xì ngày ấu thơ, cũng như nhớ lời bà kể về nguồn gốc của phong tục này.

tien lixi.jpg


Con sẽ sử dụng tiền lì xì vào việc ý nghĩa, nuôi dưỡng tình thương - Ảnh minh họa

Bà tôi kể rằng: phong tục lì xì trong ngày Tết Nguyên đán, bắt nguồn từ Trung Hoa. Theo sự tích, vào những đêm ba mươi Tết, loài yêu tinh thường lẻn vào nhà để quấy phá, bắt nạt trẻ nhỏ. Có một đôi vợ chồng nhà ông lão nọ, sống nhân đức, đã già và có một đứa con trai nhỏ. Vì sợ yêu tinh đến mang đi, nên vợ chồng ông lão thay nhau thức khuya canh giữ đứa con. Đêm đó, có tám nàng tiên bay ngang nhà, biết được sự tình, nên hóa thân thành tám đồng tiền.

Sau đó, hai vợ chồng gói tám đồng tiền vào cái túi màu đỏ và đặt cạnh cậu bé. Nửa đêm, bầy yêu tinh đến thấy túi màu đỏ có tám nàng tiên nên sợ quá bỏ đi. Từ đó, tập tục lì xì vào ngày đầu năm mới bắt nguồn từ đó.

Câu chuyện không chỉ dừng lại xung quanh chuyện lì xì Tết, mà nó còn nói lên một vấn đề, đó là lòng tốt sẽ luôn được báo đáp - bà nói.

Chúng tôi là những đứa trẻ sinh ra trong gia đình, bố mẹ đều là viên chức. Nên cuộc sống không mấy khó khăn. Mỗi khi Tết đến, ngoài niềm vui được ăn nhiều món ngon, mặc những bộ quần áo đẹp thì chúng tôi luôn nhận được nhiều túi lì xì màu đỏ, có khi cất đầy một ngăn cặp. Rồi tôi thường gửi mẹ giữ một nửa, nửa còn lại chúng tôi góp với nhau để tổ chức sinh nhật cho những bạn nghèo, hay mua tặng các bạn vài cuốn tập. Thời đó, chúng tôi chỉ suy nghĩ được đến vậy.

Bây giờ tuy đã lớn, mỗi bạn có một chỗ đứng trong xã hội, không còn là những đứa trẻ trường làng, nhưng sau Tết chúng tôi thường tụ họp lại với nhau để làm thiện nguyện, theo thói quen của những năm còn nhận tiền lì xì.

Thời đại công nghệ thông tin phát triển, chỉ cần một trang báo mạng, hay xem một đoạn video nào đó, đều dễ dàng nhìn thấy những phận người kém may mắn. Đó là những đứa trẻ ngày ngày phải lang thang kiếm sống trên vỉa hè. Hay đó là hoàn cảnh của những cụ già neo đơn, đói khổ, mong có một bữa cơm đầy đủ. Hay những bệnh nhân còn quằn quại trong cơn đau, của bệnh tật không đủ tiền để chạy chữa. Và đáng thương hơn là thân phận côi cút, đang co ro trong cái lạnh mỗi khi đêm về.

Sau những ngày đón Tết hạnh phúc, vui vẻ bên gia đình, tôi lại tranh thủ chút thời gian nghỉ Tết rảnh rỗi còn lại, để lên vùng sâu vùng xa, để “lì xì” những món quà đầu năm cho những hoàn cảnh đáng thương. Trong lúc tất bật chuẩn bị những đòn bánh tét, vài gói mứt, bánh, kẹo, quần áo... Đứa cháu tám tuổi của tôi đang thậm thụt ngoài cửa.

Tôi ngạc nhiên, và thấy trên tay nó cầm những túi lì xì màu đỏ, với mong muốn gửi cho các bạn miền núi. Tôi nhìn đứa cháu của mình. Năm nay, trông nó có vẻ đã trưởng thành hơn trong cách suy nghĩ. Với số tiền lì xì trong vài ngày Tết lên đến hàng triệu, nó không còn đòi hỏi mẹ dắt đi mua những chiếc xe, máy bay điện tử, truyện tranh, quần áo, hay giày dép nữa mà thông qua những bài học về sự nhân đạo ở trường, thông qua những kênh truyền hình nhân ái, nó đã biết thương người, cảm động với những số phận bất hạnh trong cuộc đời, để biết yêu thương và san sẻ.

Nhìn ánh mắt đen láy, lúng liếng đầy thương yêu của nó, tôi nhớ về một thời thơ ấu của mình. Thời ấy, những đồng tiền lì xì của tôi chỉ có vài trăm lẻ. Có khi đó là tờ hai trăm đồng, hay năm trăm đồng mới tinh tươm, được bỏ trong bao lì xì to gấp đôi tờ tiền để mừng tuổi.

Nhận tiền lì xì đầu năm, chúng tôi háo hức lắm, vì tự hào và tưởng tượng sẽ có rất nhiều bà tiên bảo vệ mình, như trong câu chuyện cổ tích của bà. Rồi chúng tôi mang một ít tiền lì xì đó để làm việc tốt, nhằm làm vui lòng các bà tiên, với hy vọng năm sau, năm sau nữa chúng tôi sẽ luôn có nhiều tiền lì xì, để giúp các bạn nghèo hơn.

Tôi thầm cảm ơn mùa xuân, thầm cảm ơn những ngày Tết cổ truyền dân tộc, để chúng tôi bắt đầu sống nhân ái, bắt đầu biết yêu thương nhiều hơn, từ những túi lì xì nhỏ nhắn màu đỏ xinh xắn ấy.

Thân Thị Thanh Trâm

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Cày cấy mảnh ruộng tâm hồn

GNO - Nhà có ruộng vườn đất đai màu mỡ thì có thể tích trữ lương thực phòng khi đói. Ruộng đất luôn gắn chặt với cuộc sống con người. Xưa nay, người phương Đông luôn coi ruộng đất là yếu tố căn bản của sự sinh tồn, là báu vật để đời, bởi vậy mà cha mẹ luôn mong muốn để lại vài phần ruộng đất cho con cháu.
Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh hoạ của Quảng Đạo/BGN

Không nên thối thất niềm tin chỉ vì “con sâu làm rầu nồi canh”!

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày