Bà Đanh quê ở... đâu?

Người quê tôi không biết bà Đanh là ai, chùa bà Đanh ở đâu, nhưng câu thành ngữ “vắng như chùa bà Đanh” thì biết, và lại còn kể câu chuyện đại ý: chùa bà Đanh có pho tượng tạc một phụ nữ đẹp, khỏe mạnh, to như người thật nhưng ở dạng sex Eva đặt ở cổng chùa, nơi có con đường cái quan đi qua.

Toàn cảnh chùa Bà Đanh bên dòng sông Đáy (nhìn từ cầu Cấm Sơn) Nguồn: didulich.net
Toàn cảnh chùa Bà Đanh bên dòng sông Đáy (nhìn từ cầu Cấm Sơn)

Nguồn: didulich.net

Tượng bà Đanh rất thiêng. Người đi đường trót cười cợt bình phẩm dù chỉ một tý tẹo về bà cũng bị bà trừng phạt cho hộc máu, nếu không sớm có lễ tạ sẽ mất mạng. Người ta sợ bà đến mức không cả dám đi qua chùa nữa chỉ vì lo không giữ được mồm thì họa đến thân.

Vậy bà Đanh là ai? Chùa bà Đanh ở đâu?

Qua đọc sách báo, được biết chùa bà Đanh là tên nôm gọi ngôi chùa làng Đanh Xá (xã Ngọc Sơn, Kim Bảng, Hà Nam) ngày nay. Chùa có từ lâu, tọa lạc trên một bãi đất rộng cây mọc tốt thành rừng ven sông Đáy, cách làng không xa. Do ba mặt là sông nên chùa rất cô tịch, thanh vắng. Chùa trở nên linh thiêng từ khi làng tổ chức rước vong phật Pháp Vũ về thờ. Phật Pháp Vũ thuộc hệ Tứ Pháp vùng Dâu gồm: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện gọi theo tên nôm là bà Dâu, bà Đậu, bà Tướng, bà Dàn, tức là theo tên chùa có các bà. Hệ Tứ Pháp có từ thời Sĩ Nhiếp (185 - 225 công lịch), có lễ hội quy củ để cầu mưa thuận gió hòa cho sản xuất. Thời Lý vua thường đến chùa Dâu cầu đảo và đều linh ứng. Đặc biệt là thời vua Lý Thánh Tông muộn sinh hoàng nam, do đi cầu chùa Dâu mà gặp cô gái cắt cỏ Ỷ Lan, rồi sinh ra vua Lý Nhân Tông. Nhiều địa phương đã xin rước vong Tứ Pháp về thờ, nơi thì lấy tên nôm, nơi thì lấy tên tự, nên có các địa danh Pháp Vân, chùa Đậu ở ngoài vùng Dâu.

Bà Đanh quê ở... đâu? ảnh 2
Nguồn: thuyngakhanhhoa.wordpress.com

Làng Đanh Xá cũng là một địa phương xin rước Pháp Vũ về chùa làng để thờ. Như linh ứng, năm làng rước vong Pháp Vũ có mưa to gió lớn, làm đổ cây mít cổ thụ trong nội tự chùa. Làng kén thợ giỏi tạc phật Pháp Vũ. Ngày hô thần nhập tượng là ngày hội của làng và cả vùng. Từ ngày thờ Pháp Vũ quả nhiên mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Người các nơi kéo về cầu đảo rất đông. Thuyền bè đi trên sông Đáy qua chùa cũng ghé vào thắp hương xin ban phúc. Tuy nhiên, sự linh ứng của Phật chỉ rộ lên lúc mới có tượng do niềm tin của dân làng và đáp ứng được khát khao mưa thuận gió hòa của cả một vùng, giống như hiện tượng “hiển thánh” ở đền Bia (Cẩm Giàng) thờ thánh tổ Nam dược Tuệ Tĩnh. Trên thực tế thời tiết đâu phải do thần Phật điều khiển, nên hội chùa bà Đanh nhạt dần. Ngôi chùa lại ở nơi không tiện giao thông nên càng có vẻ vắng lặng hơn. Thật là hai thái cực khác nhau. Còn đâu nữa cảnh hội Phật tấp nập ngày nào. “Vắng như chùa bà Đanh” trở thành câu cửa miệng của dân gian sinh ra từ đó. Lại có ca dao:

 Còn duyên kẻ đón người đưa
 Hết duyên vắng ngắt như chùa bà Đanh

Bà Đanh là tên nôm gọi phật Pháp Vũ, như cách gọi bà Đậu ở vùng Dâu. Chùa bà Đanh là cách gọi nhấn mạnh chùa Đanh có thờ phật Pháp Vũ.

Hệ Tứ Pháp ở quê tôi nên ai cũng thuộc sự tích, thế nhưng không ai ngờ bà Đanh chính là bà Đậu của quê mình. Người quê tôi chắc không trẩy hội bà Đanh hiển thánh, nên có cách giải thích việc bà Đanh hết thiêng là do Trạng Quỳnh đã đến chùa trách bà, đã là Phật thì chớ hại sinh linh. Bà Đanh thẹn nên không dám linh ứng nữa. Có điều lạ là khi kể chuyện này người quê tôi lại thường tranh luận xem tước vị của Trạng Quỳnh có hơn được bà Đanh không, sao bà Đanh không vật cho Trạng hộc máu ra. Thực hư thế nào không rõ, nhưng ngay câu chuyện này cũng là cách để góp phần làm tăng sự nổi tiếng của Phật Pháp Vũ và chùa Đanh Xá, một danh lam thanh nhã, cô tịch vùng cửa sông Đáy kia.

Việc chùa Đanh Xá thờ Pháp Vũ tuy không rõ từ thời nào, nhưng chí ít cũng phải từ thời Mạc về trước. Vì ông nghè Phan Tế khi giữ chức Thừa chính sứ Sơn Nam thời Mạc đã từng ngủ đêm ở chùa và sáng tác bài thơ Dạ túc Bà Đanh tự, nay in ở sách Thơ tuyển danh sĩ Hà Nam. Dưới đây là bản dịch bài thơ qua lời dịch của Dương Văn Vượng:

Đêm trú ở chùa Bà Đanh
Mùa đông gió rét tự kim châm
Thuyền đỗ trên sông chẳng thể nằm
Chùa núi dưới cây coi cổ kính
Chiều buông vọng nước tiếng chuông ngân
Bà Đanh - Dương Liễu về khai khẩn
Ông Nguyễn làm sư cúng Phật thần
Hương khói giữ gìn do nhớ gốc
Cúi trông soi xét lúc dừng chân.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày