Ba nghiệp thanh tịnh

GN - Hôm nay trong mùa an cư là thời gian tu của Tăng Ni để chúng ta tự kiểm điểm lỗi lầm của mình mà khắc phục, trong đó lỗi lầm về sân hận tác hại rất nhiều trên bước đường tu.

Đức Phật dạy chúng ta rằng một điểm lửa sân nổi dậy có thể thiêu đốt tất cả công đức tu hành. Điều này gọi là đốn củi ba năm thiêu rụi nửa giờ, nghĩa là công đức mà chúng ta tu tạo khó khăn suốt cả đời mới được, nhưng chỉ một niệm bực tức nổi lên thì xóa sạch tất cả.

chinese-lotus-flower-meaning.jpg
Tu tập thân nghiệp và khẩu nghiệp xong, đến việc thứ ba là chuyển hóa ý nghiệp - Ảnh minh họa

Đức Phật đưa ra thí dụ về người phạm lỗi lầm này là ông Uất Đầu Lam Phất. Ông nổi tiếng là nhà hiền triết tu hành. Phật cũng nhờ ông hướng dẫn thực tập pháp thiền quán để đạt đến cảnh giới của tứ Không. Chúng ta thấy trong pháp tu, Phật dạy trước nhất về thiền định và khi còn là Sa-môn, Phật đã học về pháp Tứ thiền của ông Kamala và Bát định của Uất Đầu Lam Phất mà ông đã đạt đến đỉnh cao của giác ngộ là Phi tướng phi phi tưởng xứ định. Về lý thuyết, pháp thiền này nghe đơn giản, nhưng thực tập thì ít người đạt được Tứ thiền và Bát định của ngoại đạo, chưa nói đến quả vị A-la-hán theo Phật.

Nhà thông thái Uất Đầu Lam Phất đạt được Bát định là quả vị cao nhất trong tam giới là Vô sắc giới, nhưng chỉ một chút niệm giận khởi lên mà bị đọa làm con chồn có cánh. Vì khi ông ngồi thiền, tiếng chim kêu và tiếng con cá đớp mồi dưới suối khiến ông không thể vào định, không thể tu được, nên ông khởi niệm bực tức rằng nếu ông có cánh thì sẽ bay bắt chim và diệt hết cá. Phật nói rằng ông đã khởi một niệm ác như vậy, nên ông bị đọa làm con chồn có cánh bay lên hư không để bắt chim và lặn xuống suối bắt cá.

Nói đến khởi niệm sân, thầy nhớ hồi nhỏ học lớp 2 hay 3, thầy đã nổi nóng đấm mạnh vào mũi đứa bạn học cùng lớp làm nó chảy máu mũi. Thầy bị nhốt bỏ đói một ngày. Khi giận mà không kiềm chế tạo thành lỗi lầm gây hậu quả không lường trước được. Và khi vào Phật học đường Nam Việt, Hòa thượng Thiện Hòa là ân sư dạy thầy. Ngài là người hiền nhất trong tất cả các thầy. Ngài làm Giám đốc Phật học đường dạy thầy những điều rất cần thiết đối với người tu, nay thầy nhắc lại cho đại chúng. Hòa thượng nói mình có ba nghiệp là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Thân nghiệp là hành động, cử chỉ bên ngoài của chúng ta dễ tu nhất, nên thực tập điều chỉnh thân nghiệp trước, vì thân này tạo tội lỗi, ai cũng biết cũng thấy. Vì vậy phải cố gắng tu thân trước.

Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng mình học đỗ bằng cấp cao là tốt rồi, nhưng nếu có hành động thô tháo bên ngoài sẽ mất hết công đức của người tu. Thầy thấy trên thực tế người giỏi thường mắc lỗi lầm sân hận. Thí dụ người ca sĩ nổi tiếng, Ban tổ chức sắp xếp giờ hát mà họ không bằng lòng là họ giận liền. Người chưa nổi tiếng thì miễn được xuất hiện trước quần chúng là vui rồi. Đối với người xuất gia, thầy thấy nếu chúng ta mới tu, ai nói gì mình cũng chấp nhận, làm gì cũng được, vì người thấp cổ bé miệng dễ nhịn. Nhưng ở chùa một thời gian, có tu rồi thì nhìn người mới vô tu bằng con mắt khác và cũng có thái độ khác. Và khi đã thọ giới Tỳ-kheo, coi như Đại đức thì lại khác nữa, rồi lên Thượng tọa, Hòa thượng tự thấy địa vị mình cao thì sân hận càng dễ sanh ra. Thầy luôn cân nhắc điều này để cố chặn đứng cử chỉ, hành động của mình tối đa. Thật vậy, khi mới thọ giới, người ta xếp mình ngồi dưới, mình cũng dễ chịu; nhưng lên Thượng tọa mà xếp người nhỏ trên mình, mình khó chịu. Thầy thấy người tu lên càng cao thì ngã chấp của mình càng lớn và bực tức càng nhiều. Các thầy nên suy nghĩ cân nhắc để lần lần bỏ bớt những lỗi lầm này.

Hòa thượng Trí Thủ nói rằng học làm người quân tử trước, sau học Phật. Đạo Nho dạy phải sống như cây trúc tiêu biểu cho người quân tử. Cây trúc có đặc tánh khi còn là măng, còn trong lòng đất đã có từng lóng. Cũng vậy, là người quân tử thì phải có tiết tháo của quân tử, đừng tập làm tiểu nhân. Làm người quân tử rồi xuất gia làm Sa-môn đi lên được, nhưng chưa xuất gia là tiểu nhân rồi tu sẽ bị đọa. Vì vậy, chúng ta sống phải có tiết tháo, có kỷ luật, phải kính trên nhường dưới, phải biết mình đang đứng chỗ nào, trước mặt, xung quanh và sau lưng mình là ai. Biết sống hài hòa như vậy, người xung quanh dễ chấp nhận mình.

Một số thầy ưa làm tiểu nhân, nói theo dân gian là xấu mà muốn làm tốt, chưa đủ tư cách làm thầy mà muốn làm thầy thì nguy hiểm. Người ta chắp tay xá, gọi là thầy, rồi tưởng lầm mình là thầy; nhưng tự nghĩ lại coi mình có phải là thầy của họ không.

Hòa thượng Thiện Hòa dạy chúng ta vào chùa phải tập tu cái thân trước và kế đến tu cái miệng, rồi điều chỉnh tâm. Thân và miệng chưa thanh tịnh thì khó sửa được ý. Hòa thượng dạy cái dễ mình làm trước, tu cái thấp trước thì ngài bảo tập bốn oai nghi, phải có tướng của ông thầy tu. Oai nghi không có, tướng tu không có mà khoác áo tu là thầy tu giả. Vì vậy, phải tập cho ra tướng thầy tu. Hòa thượng Trí Thủ dạy là phải tập đi nhẹ nhàng như mây bay. Hòa thượng Thiện Hòa thì nói chúng ta đi làm sao không có tiếng động, không có dáng lay động. Thực tế cho thấy con bướm đậu trên vai thầy tu đang thiền hành mà nó không sợ, không bay, vì thầy đang đi mà nó tưởng đang đứng.

Thiền sư Nhất Hạnh sang Nhật gặp tôi, lúc đó tôi đang tập phi hành, còn Hòa thượng Nhất Hạnh thì tập thiền hành. Hai thầy trò gặp nhau, tôi dắt Hòa thượng đi tham quan. Nhưng vì tôi đã quen phi hành, nên đi rất nhanh, cứ đi một đoạn thì phải đứng lại chờ Hòa thượng. Hòa thượng nói vui rằng thầy đi như bị ma đuổi.

Tập thiền hành trước để giữ thăng bằng của cơ thể là có tướng đi nhẹ nhàng như mây bay. Hòa thượng Trí Thủ nói thêm rằng tướng thầy tu thì đi xa đã thấy đẹp. Ông sư đi trong rừng cây thì giữa sư và rừng cây không phân biệt được, vì cây đứng yên, nhưng sư đi thiền hành thấy như không di chuyển trong rừng cây.

Các vị tu trước đã thành danh, chưa nói đến đắc đạo, thì các ngài đã có tướng đi như mây bay, không có tiếng động. Luyện tướng đi xong, các thầy luyện tướng ngồi và hành lễ. Người tu ngồi vững như núi Tu Di là ngồi kiết-già, hay bán già. Hòa thượng Nhất Hạnh gần 90 tuổi vẫn ngồi thiền được và ngài ngồi sững, không nhúc nhích trong suốt mấy giờ thuyết pháp. Đó là tướng của thầy tu, còn tướng lao chao, trạo cử, ngồi nghiêng bên này, ngả bên kia thì rất khó coi. Cố gắng tập ngồi thẳng để xương sống chúng ta ngay rất lợi cho sức khỏe và lợi cho việc trụ định.

Ngoài ra, các thầy tập tướng lễ bái. Ở Nhật, các sư tu trên núi Tỷ Duệ có tướng lạy Phật rất đẹp và tôi cũng tập lễ lạy trang nghiêm như vậy. Các nhà sư trên núi này tu tập tướng lạy Phật, mỗi ngày ít nhất lạy hai trăm lạy cho tới khi không có cảm giác lạy xuống đứng dậy, người trở thành tự động lạy, rất nhẹ nhàng. Họ lạy đến mức cả mấy trăm người lạy xuống đứng lên một lượt. Nhìn vô thấy đẹp và dễ khiến cho người phát tâm lạy theo. Và thực tế là những người tu đồng bộ, tức là Tăng, vì Tăng thì đồng một tâm, đồng một hạnh. Lạy và đứng dậy đồng nhau sẽ tạo cho ta cảm giác có người đỡ xuống, đứng lên, nên cảm thấy rất khỏe, không mệt khi lạy; đồng thời lạy đồng nhau như vậy tạo thành lực hay sức mạnh của tập thể, đó là pháp hành quan trọng của Tăng.

Chư Tăng đi, đứng, ngồi, lễ bái hoàn toàn giống nhau để đồng hạnh đưa đến đồng nguyện. Còn ở chùa mà mỗi người khác nhau thì không phải là Tăng. Tập trung lúc chúng ta tu cho thuần tướng đi, đứng, ngồi thiền, lễ bái đồng nhau tạo thành sức mạnh vật lý, từ đó dẫn đến sức mạnh tinh thần.

Về tướng đứng, Tăng phải tập đứng thẳng, không nên dựa tường, dựa cột. Hòa thượng Trí Thủ dạy rằng quân tử vô cầu bảo, nghĩa là không cần nương tựa ai. Dựa tường để nghe lén là tiểu nhân. Người tu đứng thẳng, nhìn thẳng, không liếc qua liếc lại và đi thẳng, không đi uốn éo. Chỉ mới tập được thân tướng trang nghiêm như vậy cũng làm cho người sanh tâm quý trọng.

Ngoài thân nghiệp, Hòa thượng dạy tập tu khẩu nghiệp. Hòa thượng bảo rằng nói nhiều thì lỗi nhiều, nói ít thì lỗi ít, không nói thì không lỗi. Trong chúng, thầy nào ít nói thì dễ thương. Tôi từng thấy người nói nhiều dễ chuốc họa vào thân. Mới đầu người ta nghe nói cũng thấy thích, nhưng về sau hậu vận của người nói nhiều thường là không tốt.

Tập nói ít, vì nói nhiều dễ làm mất lòng; nói qua nói lại thì khác nữa. Cùng một việc, nhưng ông A nói khác ông B và ông C nói khác nữa. Người thương thấy khác, nói khác. Người ghét thấy khác nói khác. Người thương mình thì họ thấy cái gì của mình cũng dễ thương; cũng vậy, hễ ghét thì cái gì của mình họ cũng ghét.

Hòa thượng Thiện Hào kể rằng thuở nhỏ, ngài hầu Tổ Huệ Đăng. Tổ dạy rằng nếu là người phê phán mình, thì coi họ thương hay ghét mình. Nhưng cả hai, người thương và người ghét đều không đúng, vì thương thì trái ấu cũng tròn, dở cũng thương; ghét thì vạch lá tìm sâu, phải cũng thành trái. Vì vậy, Tổ bảo hãy loại bỏ khen chê của hai hạng người này, chỉ lóng tai nghe tiếng nói của Phật.

Phật Thích Ca kể rằng trong quá khứ, Ngài tu hạnh Bồ-tát tên là Thường Bất Khinh không nghe tiếng khen chê xung quanh, nhưng Ngài lóng tai nghe được tiếng nói của Phật Oai Âm Vương. Phật này là Pháp thân Phật.

Khi quý thầy thọ giới, được dạy rằng Oai Âm Vương Phật tiền, dĩ pháp ấn tâm. Oai Âm Vương Phật hậu, dĩ tâm ấn  pháp.

Nghe Phật Oai Âm Vương là nghe được chân lý, ngộ chân lý và sống với chân lý; đó là ý mà Tổ Huệ Đăng dạy. Vì vậy, chúng ta tu Pháp Hoa mà không nghe được Phật Oai Âm Vương, coi như còn cách Phật xa.

Muốn nghe tiếng nói của Phật Oai Âm Vương, không nghe cái khác, phải đóng kín sáu giác quan để nghe Phật tâm của mình. Nếu chưa được như vậy thì quý thầy nghe Phật pháp. Riêng thầy chuyên tụng kinh, đọc sách Phật, nên nhớ rất nhiều, vì khi nghĩ nhiều về kinh, tất nhiên phải nhớ kinh. Ta đọc kinh, chỉ có hạnh Phật và Bồ-tát, nên không đụng chạm đến ai và đem Phật, Bồ-tát vô lòng thì nói ra cũng nói lời Phật, Bồ-tát. Như vậy là tu khẩu nghiệp, không làm mất lòng ai. Và trải qua thời gian thâm nhập kinh, đến gần Phật thì nghe được pháp âm của Phật Oai Âm Vương khiến cho thân nghiệp và khẩu nghiệp của chúng ta được trong sạch, bấy giờ ta nói gì, người cũng hoan hỷ chấp nhận.

Còn nghe thế tục, nói lời thế tục thì quả báo xấu phải gánh, dù có thân là thầy tu, nhưng tâm thế tục cũng phải trả quả báo. Nhưng nếu thân là thầy tu hay là cư sĩ, mà tâm hướng về Phật, chắc chắn được Phật thọ ký. Vì vậy, các thầy nói gì cũng phải phù hợp với Phật pháp, đó là Phật hạnh là pháp tu mà chúng ta phải thể nghiệm trong cuộc sống. Là Sa-môn thì chỉ nói lời Phật, đọc tụng lời Phật, sống như vậy thì làm sao có lỗi lầm phiền não.

Tu tập thân nghiệp và khẩu nghiệp xong, đến việc thứ ba là chuyển hóa ý nghiệp. Trong ý căn thật ra chỉ có ba nghiệp là tham, sân và si, nhưng triển khai thì Thế Thân Bồ-tát nói có sáu căn bản phiền não trong ý là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến.

Khi thân nghiệp và khẩu nghiệp thanh tịnh, bắt đầu kiểm tra ý của chúng ta. Thầy thường thực tập bằng cách gặp việc xảy ra thì coi tâm mình khởi lên cái gì, nếu khởi lòng tham, chúng ta cắt bỏ ngay. Thí dụ nếu có người mời chúng ta ăn cơm, nếu chúng ta khởi ý muốn ăn thì cắt liền, vì muốn ăn là tham; nếu đến với ai để được cái gì thì cũng cắt bỏ, không tới. Trên bước đường tu, thầy được an lành nhờ không đi, không tiếp xúc và khi người ta đề cập đến lợi danh hay điều gì đó mà chúng ta khởi niệm thì phải cắt bỏ. Làm như vậy, lòng tham của chúng ta đã bị cắt. Và chúng ta thấy thực tế là tham thường đi với sân. Thật vậy, tham là ham muốn nhưng không được mới nổi giận. Không tham thì không giận. Người ta hứa điều gì, mình vui mừng chấp nhận; nhưng việc xảy ra khác với lời hứa, nên mình nổi giận. Vì vậy, tất cả mọi việc xảy ra trên cuộc đời hầu hết đều phát xuất từ tham; nhưng nếu cắt bỏ lòng tham rồi thì việc như thế nào mình cũng không bực tức.

Khi bực tức khởi lên, ngài Thế Thân dạy thêm rằng trước khi có sân thì có 20 điều gọi là tùy phiền não tác động vô sân, đó là phẫn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, siểm, hại, kiêu, vô tàm, vô quý, trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn và bất chánh tri. Một loạt những việc nhỏ này, nhưng nó tác động khiến cho tâm sân sanh ra, nên chúng ta phải để ý cắt bỏ. Thí dụ như bất chánh tri, chúng ta đoạn trừ trước thì những thứ khác không xảy ra; vì phần nhiều chúng ta phạm sai lầm sanh phiền não bởi vì chúng ta luôn nhận lầm. Vì vậy, khi chúng ta còn mê trên chân lý thì bất chánh tri nghĩa là chúng ta không biết chính xác mà nói hay làm tất nhiên sẽ dẫn đến hậu quả xấu.

Trên bước đường giáo hóa độ sanh trước khi làm việc gì, Phật đã nhập định để thấy nguồn gốc của đối tượng, của việc sắp xảy ra và Ngài thấy đúng từ nguyên nhân xa xưa trong quá khứ cho đến hiện tại, cho nên Phật thấy chính xác và làm không sai lầm.

Chúng ta còn kẹt bất chánh tri, mới phạm sai lầm nhiều. Một người mời ăn, nếu ta khởi lên lòng tham ăn là giữa ta và họ đã có quan hệ rồi. Còn chúng ta biết rõ nguyên nhân gì mà họ mời ta, người đời thường nói rằng “Thực nhân tài cứu nhân tai”. Họ đưa cho mười đồng và nói cầu an giùm con họ, vì con họ bị xì-ke, bị kết án tù, mới nhờ ta cứu, nhưng cứu được không. Nếu lòng tham của chúng ta còn gắn liền với ma nghiệp bên ngoài thì hai cái này tác động với nhau dẫn chúng ta đi vào đường khổ.

Đức Phật chứng Túc mạng minh, Ngài thấy mối quan hệ trong kiếp quá khứ giữa Sằn Đề tiên nhân là tiền thân của Ngài và Ca Lợi vương là tiền thân của Kiều Trần Như. Phật biết quá khứ ông này làm gì, tu pháp gì và quả báo thế nào. Như vậy, Ngài thấy suốt việc hiện tại đi ngược về việc đã xảy ra trong quá khứ thấy vua Ca Lợi đã móc mắt, chặt tay, lóc thịt Ngài. Phật biết rõ nên Ngài đến độ Kiều Trần Như trước và khai ngộ cho ông đắc La-hán.

Còn phần lớn chúng ta ở trạng thái bất chánh tri là biết không rõ ràng. Từ bất chánh tri dẫn đến lời nói và việc làm sai trái, nên suốt đời tu mà chuốc lấy kết quả không tốt. Thực tế chúng ta cũng thấy ở ngoài đời, có người làm phước suốt đời nhưng lại bị quả báo xấu.

Trở lại vấn đề tùy phiền não tác động vô tâm chúng ta, khiến cho lòng sân hận bực tức nổi dậy và sân hận đi với chánh biến tri thì hành động sai trái dẫn đến hậu quả không lường trước được; cho nên làm tốt nhưng tại sao quả không tốt lại tới. Điều này cần cân nhắc.

Và lòng tham cũng thường đi với vô tàm, vô quý, vì tham quá nên không biết xấu hổ, không còn lương tri nữa. Chính vô tàm vô quý tác động qua tâm sân của chúng ta. Nếu sân bên trong chưa đoạn trừ, nhưng chúng ta biết xấu hổ, nên còn dừng lại được. Hòa thượng Thiện Hòa dạy rằng khi bực tức nổi lên thì hãy sờ cái đầu không tóc là người tu thì dằn lại. Hai thầy tu mà đánh nhau thật là khó coi, vậy nếu lỡ làm thầy tu, ráng kiềm chế, còn biết xấu hổ thì còn cứu được. Không biết xấu hổ, liều mạng thì không thể cứu.

Chính những phần phụ là tùy phiền não mà biết cắt bỏ thì hạn chế được bực tức. Cụ Mai Chí Thọ khi làm Giám đốc Sở Công an thành phố nói rằng ông không tu, không theo đạo Phật, nhưng thấy bực tức dẫn đến hậu quả không lường được, nên ông luôn kiềm chế lòng bực tức. Người có phước lớn mà bực tức thì tạo tội lớn. Người phước nhỏ, hay không có phước dù có bực tức cũng không làm gì được. Điển hình như Hitler có phước lớn, nên được người hậu thuẫn nhiều, mới nghĩ rằng ông có thể chinh phục cả trái đất rồi đánh khắp nơi, giết biết bao nhiêu người. Hoặc ông Truman là Tổng thống Hoa Kỳ nổi giận cho ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Vì vậy, người có phước lớn làm lãnh đạo mà bực tức thì gây ra nguy hiểm không lường được. Ông thầy tu bực thì chỉ có hai tay không cũng không làm được gì, nên cũng đỡ. Ở ngoài đời, người ta nổi giận thì có dao, có súng bắn chết người, gây hậu quả nguy hiểm vô cùng.

Bước theo dấu chân Phật, chúng ta hạn chế lòng bực tức tối đa bằng cách cắt bớt những tùy phiền não là những thứ liên hệ với sân hận sẽ giúp ta không phạm lỗi lầm, không bị quả báo khổ đau.

Mong rằng trên bước đường tu, các thầy nỗ lực thực tập pháp Phật dạy để tâm an định, trí sáng suốt, ba nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh thì không phạm lỗi lầm, tránh được những tai họa của tâm bực tức gây ra mà giữ gìn được công đức tu hành của mình. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày