Dùng pháp trị bệnh

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tu hành chứng đạo mà thân đau ốm cũng là chuyện bình thường. Đức Phật cũng đôi lần bị bệnh đau, hoạn nạn. Các Tỳ-kheo đang tu học thì bệnh nghiệp, bệnh do thời tiết cũng ốm đau la liệt. Tôn giả Tu-bồ-đề, bậc nhất Giải Không cũng ngoại lệ.

“Một thời Đức Phật trú tại núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt cùng với năm trăm vị Đại Tỳ-kheo. Bấy giờ Tôn giả Tu-bồ-đề cũng ở sườn núi Kỳ-xà-quật, thành Vương-xá, làm riêng một chòi tranh để tự thiền tư.

Bấy giờ Tôn giả Tu-bồ-đề thân bị bệnh khổ rất là trầm trọng, liền tự nghĩ: ‘Khổ đau này của ta từ đâu sinh, từ đâu mất, và sẽ đi về đâu?’. Rồi Tôn giả Tu-bồ-đề liền trải tọa cụ nơi đất trống, chánh thân chánh ý, chuyên tinh nhất tâm, ngồi kiết-già, tư duy về các xứ, để trấn áp cơn đau.

Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân biết ý nghĩ của Tôn giả Tu-bồ-đề, liền ra lệnh Ba-giá-tuần bằng bài kệ rằng:

Thiện Nghiệp, thoát trói buộc

Ở nơi núi Linh Thứu

Nay bị bệnh rất nặng

Quán Không, các căn định.

Hãy nhanh đi thăm bệnh

Chăm sóc bậc Thượng tôn

Sẽ thu hoạch phước lớn

Trồng phước không đâu hơn.

Ba-giá-tuần thưa rằng:

- Xin vâng, Tôn giả!

Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân mới đi đến chỗ Tôn giả Tu-bồ-đề, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Thích Đề-hoàn Nhân bạch Tu-bồ-đề rằng:

- Thế nào, bạch Thiện Nghiệp, bệnh mà ngài đang mang có thêm bớt gì chăng? Nay thân bệnh này từ đâu sinh? Từ thân sinh chăng? Từ ý sinh chăng?

Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề bảo Thích Đề-hoàn Nhân rằng:

- Lành thay, Câu-dực! Pháp pháp tự sinh, pháp pháp tự diệt, pháp pháp động nhau, pháp pháp tự dừng. Này Câu-dực, giống như có thuốc độc, lại có thuốc giải độc. Thiên Đế thích, ở đây cũng vậy, pháp pháp loạn nhau, pháp pháp tự dừng. Pháp có thể sinh pháp, pháp đen dùng pháp trắng để trị, pháp trắng dùng pháp đen để trị. Này Thiên Đế thích, bệnh tham dục dùng bất tịnh để trị. Bệnh sân nhuế dùng tâm từ để trị. Bệnh ngu si dùng trí tuệ để trị. Như vậy, Thích Đề-hoàn Nhân, tất cả mọi sở hữu đều quy về không, không ngã, không nhân, không thọ, không mạng, không sĩ, không phu, không hình, không tượng, không nam, không nữ. Này Thích Đề-hoàn Nhân, giống như gió thì hại đến cây cối, cành, lá, gãy đổ. Mưa đá thì hại đến mầm non, hoa quả. Hoa quả vừa ra tốt, mà không nước, sẽ bị héo. Nhờ lúc trời mưa xuống, sinh mầm non sống trở lại. Cũng vậy, Thiên Đế thích, pháp pháp loạn nhau, pháp pháp tự định. Những bệnh hoạn, đau nhức, khổ não của tôi trước đây, nay đã trừ hết, không còn bệnh khổ nữa.

Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân bạch Tu-bồ-đề:

- Tôi cũng có sầu lo, khổ não. Nay nghe pháp này, không còn sầu lo nữa. Nay tôi muốn trở về trời lại, vì bận việc đa đoan, việc mình cũng có và cả các việc trời, tất cả đều nhiều.

Tôn giả Tu-bồ-đề nói:

- Bây giờ là lúc thích hợp.

Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Tu-bồ-đề, nhiễu quanh ba vòng rồi đi.

Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề liền nói kệ này:

Năng Nhân nói lời này

Căn bổn đều đầy đủ

Người trí được an ổn

Nghe pháp dứt các bệnh.

Thích Đề-hoàn Nhân sau khi nghe những gì Tôn giả Tu-bồ-đề nói, hoan hỷ phụng hành”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, chương Một pháp, phẩm 13. Lợi dưỡng, kinh số 7)

Trong một số kinh văn, niệm Thất giác chi là pháp các Tỳ-kheo thường tụng đọc và quán sát mỗi khi đau ốm hoặc thăm bệnh. Ngày nay, chúng ta thường chữa trị bệnh tật theo y học, sám hối nghiệp chướng, quán sát bệnh khổ. Riêng Tôn giả Tu-bồ-đề, sở trường về quán Không nên thấy bệnh đau tự tánh rỗng không.

Bệnh tật dĩ nhiên thì thân đau, thường thân đau thì tâm khổ. Bậc Thánh khi bệnh thì tâm không khổ nhưng thân vẫn đau. Ghi nhận rõ ràng cảm thọ khổ nơi thân sinh diệt, đến đi như nó đang là. Mọi thứ đều do duyên sinh, bệnh đau cũng thế. Các pháp vốn nương nhau, đủ duyên thì pháp sinh, thiếu duyên thì pháp diệt.

Tôn giả Tu-bồ-đề tư duy về các xứ (căn, trần, thức), quán chiếu năm uẩn (thân, tâm) thấy như thật là duyên sinh, trống rỗng, tự tánh không. Thấy rõ “tất cả mọi sở hữu đều quy về không, không ngã, không nhân, không thọ, không mạng, không sĩ, không phu, không hình, không tượng, không nam, không nữ” nên cảm thọ chỉ đơn thuần là cảm thọ. Có cảm thọ mà không có người thọ. Nhờ thấy rõ như vậy nên Tôn giả Tu-bồ-đề vượt qua “những bệnh hoạn, đau nhức, khổ não của tôi trước đây, nay đã trừ hết”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Thiện Tấn trao quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Lại An đến Sư cô Thích nữ Viên Đức

Quảng Trị: Bổ nhiệm Sư cô Thích nữ Viên Đức trụ trì chùa Lại An

GNO - Sáng 13-4, được sự đồng thuận của chính quyền các cấp, thừa ủy nhiệm của Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Trị, Ban Trị sự GHPGVN H.Gio Linh phối hợp với Ban Hộ tự chùa Lại An long trọng tổ chức Lễ bổ nhiệm Sư cô Thích nữ Viên Đức làm trụ trì chùa Lại An (xã Gio Mỹ).
Thượng tọa Thích Viên Quang chúc Tết Chôl Chnăm Thmây đến Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh

An Giang: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh thăm và chúc Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây

GNO - Nhân Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, chiều 14-4. chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang do Thượng tọa Thích Viên Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm, đảnh lễ và chúc Tết đến chư vị giáo phẩm Hòa thượng hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer.

Thông tin hàng ngày