GNO - Nhà tôi, hai anh em, đứa nào cũng biết đọc chữ từ lúc chưa đi mẫu giáo. Năm đầu tiên dẫn tôi vào lớp, cô giáo đã ngạc nhiên thấy tôi lẩm nhẩm đánh vần tấm pa-nô treo trên tường “CÔ GIÁO NHƯ MẸ HIỀN”. Tuần sau cô hỏi mẹ:
- Chứ cháu Mai nó biết đọc từ bao giờ hả chị?
Mẹ bảo không nhớ! Hình như tôi đọc theo mẹ những trưa kẽo kẹt trên võng căng đầy gió nồm thổi, đôi mắt trẻ thơ hết nhìn vô miệng mẹ, lại nhìn lên từng trang sách, nơi có những câu chuyện thật cảm động về một cô gái ngủ quên trong rừng, hay một cậu bé thông minh làm điên đảo mấy ông phú ông dốt nát. Những đêm mấy mẹ con chúi đầu dưới ánh đèn dầu nhà quê, mải mê đọc những chuyện cổ tích của Andersen hay Một vạn dặm dưới biển.
Mẹ tôi không kén sách lắm, cứ sách nào trẻ con có thể tiếp thu được là bà tìm kiếm, đọc cho các con nghe, trừ những chuyện bạo lực, ma quỷ hay trai gái lãng mạn.
Nhà tôi ở một xã nghèo thuộc vùng kinh tế mới của huyện Châu Thành xưa (giờ là Tân Phước). Ba tôi vừa học xong đại học thì đất nước thống nhất nên thất thời. Mẹ tôi cũng thế nên cả hai về quê làm nông nghiệp, chăn nuôi. Nuôi hai anh em tôi ăn học đã khổ lắm rồi, tiền đâu mà mua sách truyện. Vậy mà chúng tôi vẫn có sách, thật là ngạc nhiên.
Từ những cuốn sách “ve chai” ấy, anh em chúng tôi học được cách làm người từ rất nhỏ - Ảnh minh họa
Mùa hè năm lớp Bốn, tôi theo mẹ đi chợ Tân An cách nhà mười cây số. Mẹ vô hàng cá biển hấp của bà quen, mua mấy con về cho ba, vì ông thích món này lắm. Khi bà bạn định xé một tờ cuốn tạp chí Tuổi Hồng để gói cá thì mẹ ngăn lại:
- Ý đừng! Uổng! Thôi bà đưa tôi lựa mớ sách này, cân lên rồi chia lại cho tôi được hông?
Mấy bà ngồi gần thấy vậy ngạc nhiên. Họ xì xào bắn tiếng, có người còn trề môi nhún mỏ.
- Lếch chợ thì lếch cho rồi mà về. Sách với báo chi cho mệt đầu. Giỏi sao không làm ông nọ bà kia đi!
Bà quen bán cá biển hấp tốt tính để cho mẹ lựa thoải mái, chút cân lên giá giấy vụn, bà lấy thêm mấy ngàn tiền lời là được chớ gì. Mẹ tôi quên cả cá, lặng lẽ ngồi lựa đám sách và tạp chí. Hình như sách nào cũng hay, có cuốn ngày trước bà mê lắm mà không mua được. Có cuốn phải mượn bạn bè, chuyển tay nhau đến cũ mèm, quăn tít cả cuốn sách. Thế rồi mẹ tôi lựa được bảy tám cuốn, toàn sách hay. Tiếc là còn ít tiền quá, không thì mẹ còn mua nữa.
- Mẹ con mình chiều nay được thưởng thức sách mới rồi!
Bà vui vẻ vỗ vai tôi như với một người bạn. Đọc sách là thú vui mà mẹ truyền cho mấy đứa con, khi ở cái vùng khỉ ho cò gáy không điện không đài này. Cả xóm chỉ có một cái ti vi đen trắng của nhà ông Chín ở xóm, mà người ta chỉ mở để xem thời sự một chút và coi cải lương vào tối thứ Bảy thôi, vì sợ hết bình ắc-quy. Trường học thì xa, làm gì có thư viện mà đọc sách. Con nít như chúng tôi đúng là thiệt thòi đủ thứ.
Bà quen bán cá biển hấp chia sẻ với mẹ: Món sách này bà mua được của người bạn có ông chồng làm nghề giáo. Nghe nói ông chết cũng ba năm nay, mới giỗ đầu. Vợ con ông dọn dẹp nhà cửa cho thằng con trai cưới vợ, bà vợ muốn đem bán ve chai đống sách cũ, chứ để chi chật nhà.
Tôi thấy mẹ thở dài. Trên đường về mẹ chợt nói. Chủ nhân của đống sách kia chắc là người kỹ tính và quý trọng sách. Sách được bao bọc cẩn thận, lại toàn sách hay và có giá trị, nên cũng đoán được phần nào con người ông.
Hằng ngày mẹ tôi đạp xe đi chợ, đem những thứ nhà trồng đi bán. Khi thì nắm đậu, khi thì cà, ớt, đậu, mì... Kiếm tiền mua gạo mua mắm nuôi anh em chúng tôi. Đoạn đường hai mươi cây số từ nhà đến chợ cả đi lẫn về. Thường mẹ đi chợ từ lúc ba giờ sáng, lúc mà người ta nói là nên kiêng cữ, “thứ nhất chạng vạng, thứ nhì rạng đông”. Thỉnh thoảng bà cũng gặp một vài người đàn bà cũng đi chợ và họ chào hỏi nhau. Không ai biết tên tục của mẹ tôi, từ khi theo ba về xứ sở này, hình như cái tên của bà chỉ còn là một vết mờ. Hàng xóm người ta gọi mẹ qua cái tên thứ tư của ba, “bà Tư”. Còn những người bạn chợ của mẹ thì gọi bà là “bà sách cũ”, vì thường lúc nào gặp sách cũ bày ở chợ, sắp bị hóa kiếp thành giấy bọc hàng, thì mẹ lại mua lại với giá “ve chai”. Cũng từ những cuốn sách “ve chai” ấy, anh em chúng tôi học được cách làm người từ rất nhỏ. Những cuốn sách của mẹ đã làm nên nhân cách của chúng tôi sau này, khi lớn lên và hòa nhập với xã hội.
Tôi làm việc ở Sài Gòn, lâu lâu gặp một tiệm sách bán đồng giá, hạ giá, tôi thường tạt vô, lại ngồi lựa những cuốn sách văn học hay, sách thuốc, sách nghiên cứu phê bình lý luận, chờ đến dịp về quê lại đem làm quà cho mẹ. Mà hình như, các món quà các con mang về, mẹ thường thích nhất là sách cũ.
Nguyễn Thị Bảo Châu
(Thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang)