Ban Trị sự tỉnh Lạng Sơn, Tây Ninh góp ý dự thảo thông tư của Bộ Tài chính về quản lý tiền công đức

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ban Trị sự tỉnh Tây Ninh kiến nghị “đối với các cở sở tôn giáo Phật giáo đã được Nhà nước công nhận cơ sở tôn giáo hay di tích thì không nên áp dụng thông tư dự thảo này” vì chủ sở hữu là GHPGVN quản lý đã được Pháp luật bảo hộ.

Trong công văn của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lạng Sơn góp ý về dự thảo thông tư quản lý tiền công đức, cho biết: “Việc Bộ Tài chính có Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội là việc làm bình thường, thể hiện quyền quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực được giao theo quy định của pháp luật”.

Sở dĩ có vấn đề căn cơ của dự thảo thông tư trên của Bộ Tài chính gặp phải sự phản ứng là ở việc sử dụng thuật ngữ “hòm công đức”, “tiền công đức”, “từ lâu nay vẫn bị lạm dụng, dẫn tới bị xã hội hiểu nhầm”, văn bản do Thượng tọa Thích Quảng Truyền, Phó Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lạng Sơn ký ngày 26-5 cho biết.

Công văn của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lạng Sơn cho rằng vấn đề căn cơ là do thuật ngữ "tiền công đức", "hòm công đức" bị lạm dụng và dẫn tới hiểu lầm
Công văn của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lạng Sơn cho rằng vấn đề căn cơ là do thuật ngữ "tiền công đức", "hòm công đức" bị lạm dụng và dẫn tới hiểu lầm

Theo đó, Ban Trị sự tỉnh Lạng Sơn đề nghị “Tiền công đức chỉ được các cấp Giáo hội, trụ trì các tự viện kêu gọi khi có các Phật sự đặc biệt, hoặc theo truyền thống là: trùng tu, xây dựng tự viện, tạc tượng, đúc chuông hoặc các Phật sự tiêu biểu khác làm lợi ích cho số đông. Khi vận động công đức phải theo trình tự, quy định của Luật Tín ngưỡng tôn giáo và Nghị định 162/2017 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng tôn giáo cũng như các văn bản quy định của Giáo hội”.

Công văn góp ý này cũng đề nghị các cơ sở tự viện không nên đặt “hòm công đức” hoặc in “giấy ghi công đức - phiếu ghi công đức” mà nên sử dụng đúng từ ngữ như: “Hòm phước sương”; “Hòm cúng dàng Tam bảo” hoặc “Giấy ghi nhận cúng dàng Tam bảo - Phiếu ghi nhận cúng dàng Tam bảo”. Với lý giải: Việc cúng dàng Tam bảo là tự nguyện của tín đồ Phật tử, vị trụ trì đương nhiên có quyền tiếp nhận, quản lý, chịu trách nhiệm với sự cúng dàng đó”,phù hợp với các quy định cho, tặng hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Ban Trị sự tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị Trung ương Giáo hội cần có thông tư quy định, hướng dẫn chi tiết, tách bạch rõ ràng về việc kêu gọi công đức và tiếp nhận cúng dàng Tam bảo; cách thức quản lý, sử dụng; các thuật ngữ về “công đức”; các hòm công đức; hòm phước sương; hòm cúng dàng Tam Bảo sao cho phù hợp, đúng pháp luật và giáo luật.

“Qua đó, khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc của Giáo hội trên mọi mặt hoạt động của các cấp Giáo hội; Tăng Ni tại cơ sở tự viện của Giáo hội đã được hiến định trong Hiến chương của Giáo hội và pháp luật của nhà nước, tránh sự hiểu nhầm không đáng có của xã hội; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Tăng Ni và các cơ sở tự viện”, công văn của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lạng Sơn đề nghị.

Ngày 12-6, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tây Ninh cũng đã có công văn góp ý về dự thảo của thông tư quản lý tiền công đức do Hòa thượng Trưởng ban Thích Niệm Thới ký gửi Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, đề nghị “không đưa vào quản lý tiền công đức đối với các cơ sở Tự viện và cơ sở di tích Tôn giáo của Phật giáo”.

Ban Trị sự tỉnh Tây Ninh kiến nghị “đối với các cở sở tôn giáo Phật giáo đã được Nhà nước công nhận cơ sở tôn giáo hay di tích thì không nên áp dụng thông tư dự thảo này” vì các cơ sở tôn giáo chủ sở hữu là GHPGVN quản lý đã được Hiến pháp và Pháp luật bảo hộ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày