“Bóng tùng” của con

GN - Người mẹ ấy ngót nghét 80 tuổi và đã trải qua 45 năm chăm sóc, lo lắng, thương yêu, nâng đỡ đứa con trai kém may mắn của mình, là anh Nguyễn Đỗ Nghĩa.

Hỏi tên, bà cho biết: “Tui tên Phan Thị Bích Vân…”, rồi bà cười mà như khóc, nước mắt sống cứ chảy ra khóe mắt, “ai cũng nói tên tui đẹp, nghĩa là mây xanh màu ngọc… nhưng tui cực từ hồi nhỏ tới chừ luôn đó”.

anh bai Bong tung, Vu lan 2013.jpg

Hai mẹ con nương nhau sống 45 năm qua, trong căn nhà phên tre vách nứa, hở tứ bề - Ảnh: L.Đ.L

Cái tên không làm nên số phận con người, cái khổ đeo mang dai dẳng theo bà từ thời con gái, sống trong chiến tranh cực khổ rồi đến lấy chồng, sinh con, hai gái một trai. Hai cô con gái có người còn bị tâm thần nhẹ, dù đã có gia đình nhưng cũng lúc tỉnh, lúc điên. Một cô bình thường nhưng nhà nghèo quá, không giúp được gì cho bà, dẫu cũng muốn giúp mẹ nhiều thứ. Chồng bà cũng vừa bị té, liệt một chỗ, bà phải vừa chăm anh con trai, vừa nấu cơm lo cho ông từng bữa.

Anh Nghĩa, con bà, bị tật, liệt hai chân từ nhỏ, sống vấy vá trên chiếc xe lăn bằng nghề đan giỏ, rồi chuyển qua hớt tóc. Bà Vân khoe, bộ đồ nghề tớt tóc là của anh em chòm xóm góp người chút ít mua cho nó, chứ nhà đâu có tiền… Bà khe khẽ kể về việc anh mới bệnh, bác sĩ chẩn đoán là gan, bụng phình to “tưởng hắn chết, không có tiền đi bệnh viện, nhưng rồi uống lá, uống rễ cây, uống đủ thứ hết, không biết trúng vô cái chi mà hắn xẹp bụng xuống, bữa ni ăn được chút ít, khỏe rồi, tui mừng dữ lắm”. Nước mắt người mẹ lúc nào chẳng chảy vì những khổ đau, hạnh phúc của con, nên cứ nói tới những điều về anh Nghĩa là bà lại bâng khuâng, lại xa xăm, ươn ướt…

Đường vào nhà bà ngoằn ngoèo qua những con đường thôn be bé, ẩn mình trong khu vườn trồng củ mì thuộc thôn 3, xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Bà bảo, “sắn ni là lương thực thường xuyên của hai mẹ con”, rồi giải thích “chứ tui già ri, còn thằng Nghĩa bịnh tật rứa, làm răng mần ruộng?”. Tôi xuống bếp, gian bếp chật chội, nhỏ nhưng cũng ngăn nắp để… lục nồi. Chẳng có gì ngoài mớ cơm nguội cùng chảo kho quẹt và miếng rau luộc ăn còn dang dở. Bà cho biết: “Tui già rồi, không ăn nhiều, thằng Nghĩa cũng ăn ít lắm, nhưng  cũng ăn chứ… không nhịn được, nên phải lo chuyện ăn uống chú kìa”.

Nhưng, trên hết, trong những nỗi lo ngồn ngộn của người mẹ già chính là một mai bà về với đất, niềm băn khoăn “hắn sống ra răng” vẫn cứ ám ảnh bà hàng đêm, khi tuổi già và nỗi cơ cực cứ ngày thêm trĩu nặng. Bà “bật mí”: “Hắn nói, mẹ mà chết thì con… cũng đi theo, chứ sống với ai. Tui nghe mà ứa nước mắt, la hắn là “tầm bậy”, nhưng nước mắt giấu không nổi”. Thế là “hai mẹ con ôm nhau khóc y như con nít”.

Bà dẫu 80 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, bà “khoe”: “Chắc ông Trời thương nên hồi mô tới chừ tui không bịnh chi nhiều hết, còn khỏe và còn biết”. Dường như, đó là quy luật bù trừ mà ai đó hay nói, còn tôi thì lại nghĩ, chắc vì tình thương con nên bà cứ gắng gượng, cứ sống, vững chãi từ ngày này qua ngày khác để làm “bóng tùng” cho con nương tựa, mà sống.

Không ai biết chắc một mai, tuổi già bóng xế kia, “bóng tùng” của anh Nghĩa bao giờ sẽ “tróc gốc”, nhưng chắc chắn một điều là nếu bà “đi”, anh sẽ lẻ loi lắm giữa cuộc đời này, vì 45 năm qua bên anh là mẹ, là “bà tiên” không ngại khó, ngại khổ, lo cho anh từng li, từng tí. Sự quen hơi ấy biết anh có mạnh mẽ mà vượt qua, mà sống và tiếp nối sự sống mẹ mình đã trao?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày