Cần dạy cho trẻ kỹ năng sống

GN - Khi những cơn bão lũ qua đi, có lẽ chúng ta cần phải tự nhìn lại và thấy rằng vẫn còn nhiều thiếu sót trong việc truyền thụ những gì cần thiết nhất cho học sinh.

lophoc 1.jpg


Ngoài kỹ năng sống, chúng ta phải dạy con trẻ kỹ năng yêu thương - Ảnh minh họa

Chương trình học dành cho các em hiện nay chỉ có chữ và kiến thức khoa bảng, còn những kỹ năng sống, ứng phó với hoàn cảnh thì lại rất hạn chế. Trẻ em Nhật Bản từ độ tuổi mầm non đã được dạy về các kỹ năng xử lý, thoát hiểm ngay khi động đất xảy ra. Tại Việt Nam, đất nước có không ít thiên tai, trường học đã dạy cho trẻ em ứng phó thế nào?

Thỉnh thoảng, chúng ta đọc trên báo chí nào là cô A “dạy về việc đối phó với những cơn bão từ bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão”; nào là trường X, trường Y dạy cho trẻ em cách đảm bảo an toàn khi di chuyển qua những khu vực/ tuyến đường ngập nước, hoặc đi lại khi mưa lớn...; có giáo viên dạy theo cách lồng ghép chương trình ứng phó vào những giờ học khác; có trường lại tổ chức hoạt động phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn với sự tham gia của toàn bộ giáo viên, công nhân viên, học sinh phối hợp với phụ huynh, lực lượng dân phòng tại chỗ dưới sự hướng dẫn chuyên môn của công an phòng cháy chữa cháy. Nhưng tựu trung, tất cả còn manh mún, chưa thành một phần tất yếu của chương trình dạy trẻ kỹ năng sống.

Cái chúng ta cần là một chương trình tổng hợp, có tính chất đồng bộ, phổ quát cho mọi trường, mọi cấp lớp như ở bậc tiểu học dạy kỹ năng nào, trung học lớp 6 dạy cái gì, lớp 7 dạy cái gì v.v... Theo UNICEF, “Việt Nam có khả năng phát triển nhanh chóng để đáp ứng các trường hợp khẩn cấp khởi phát nhanh, những vấn đề và khác biệt trong hệ thống chính vẫn còn và kéo dài trong các lĩnh vực then chốt, bao gồm bảo vệ trẻ em, giáo dục, dinh dưỡng, nước và vệ sinh môi trường. UNICEF tin rằng trẻ em là hiện tại và tương lai của tác nhân thay đổi giảm thiểu rủi ro thiên tai… Thế nên cần phải đảm bảo an toàn cho cộng đồng thông qua các sáng kiến như quảng bá mô hình trường học an toàn, hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng, nâng cao nhận thức về thiên tai ở trẻ em, sử dụng công nghệ tiên tiến như lập bản đồ rủi ro trong trường học và cộng đồng”.

Giảm thiểu rủi ro thiên tai cho trẻ em là một chiến lược lâu dài quan trọng để phát triển bền vững cho các thế hệ hôm nay và tương lai ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng ta không thể ngăn chặn các mối nguy hiểm đến từ tự nhiên như động đất, hạn hán, cháy rừng, dịch bệnh, lũ lụt,… nhưng nếu chúng ta không chuẩn bị ứng phó, các mối hiểm họa đó có thể biến thành thảm họa ngay trước mắt chúng ta.

Ngoài kỹ năng sống, chúng ta phải dạy con trẻ kỹ năng yêu thương. Vì chúng phải biết yêu đời, yêu những gì liên hệ mật thiết tới cuộc sống của chính mình trước khi biết tôn trọng sự sống của người khác. Các em phải biết yêu cha, yêu mẹ, yêu thầy cô, anh chị em mình trước khi “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”.

Trong kinh Phật, Từ là lòng thương yêu, thường đem vui cho tất cả chúng sanh (Từ năng dữ nhất thế chúng sanh chi lạc), còn Bi là lòng thương xót, dứt trừ đau khổ cho chúng sanh (Bi năng bạt nhất thế chúng sanh chi khổ). Từ bi trong đạo Phật không giới hạn vì nó bao la trùm khắp, không phân biệt sang hèn tôn giáo, giai cấp hay màu da… Tình thương ở thế gian thường bị chi phối vì địa phương, tôn giáo, chủng tộc, ý thức hệ, giai cấp, đôi khi theo một cách mù quáng và thiên kiến. Thiếu lòng từ bi, đứa trẻ sẽ trở thành những kẻ cô đơn, chất chứa phẫn hận, sinh tâm độc ác, gây oán thù khi khôn lớn. Những đứa trẻ lúc ngủ trong nôi phải nghe được những lời ru êm đềm của mẹ, lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình. Đó là nơi các em học được bài học đầu tiên về tình yêu thương.

Thống kê cho thấy những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình bất hạnh hay đổ vỡ dễ mất niềm tin vào tương lai, vào cuộc đời và có những phản ứng khó kềm chế, hay buông theo hoàn cảnh bất hạnh của mình để sống bất cần.

Thiền sư Nhất Hạnh có nói: “Nếu không hiểu được khổ đau thì không hiểu được hạnh phúc. Nếu ta biết cách xử lý khổ đau thì ta sẽ biết cách xử lý hạnh phúc và chế tác hạnh phúc. Sen phải cắm rễ xuống bùn mới mọc. Từ bi phải khởi từ hiểu biết. Khổ đau khi đã bớt, ta sẽ hiểu rõ đau khổ của người khác. Tình thương yêu chính mình là nền tảng của lòng từ bi” (Theo The Art of Communicating).

Chúng ta phải tập cho học sinh kỹ năng sống chung và chia sẻ. Theo nghiên cứu khoa học, nếu chúng ta có cơ hội chứng kiến hành động vị tha của một vài cá nhân trong cộng đồng thì hạt giống vị tha trong ta sẽ được tưới tẩm. Thầy cô phải là tấm gương cho học sinh về phương diện này. Chúng ta thấy phong trào cứu trợ khởi phát từ một số chùa, hay vài cá nhân nghệ sĩ đã được sự hưởng ứng từ nhiều giới khác. Ái ngữ và lắng nghe sâu là chìa khóa cho việc xây dựng cộng đồng. Chúng ta phải dạy trẻ nói lời yêu thương ngay cả khi đau khổ hay buồn giận. Trường học phải là một cộng đồng chan chứa yêu thương, giảm bớt bạo lực học đường và khắc chế những kẻ dễ nổi nóng hay cáu giận.

Nguyên Cẩn/ Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày