Câu chuyện mẹ & con khiến lòng rưng rưng...

GN - Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, gần như mất hết sức lao động nhưng Ngân - cô con gái duy nhất của cô Huỳnh Thị Ba vẫn chăm sóc mẹ tận tình. Bốn người con trai của cô làm việc quần quật một ngày 18 tiếng đồng hồ chỉ với ước mong có tiền lo cho mẹ, cho em. Người chồng cô Ba tuổi đã xế chiều vẫn đi làm bảo vệ để phụ các con vun vén gia đình.

Bảy con người sống trong ngôi nhà trọ ở 303/44A Bến Vân Đồn, P.2, Q.4, có bữa đói, bữa no trước gánh nặng mưu sinh nhưng tình mẫu tử, nghĩa vợ chồng của gia đình ấy chưa bao giờ lung lay.

Anh PGTT 1.JPG


Dẫu bệnh tật, ốm đau nhưng Ngân vẫn bên cạnh, chăm sóc mẹ chu đáo.
Lo cho mẹ xong rồi mới đến lượt mình, tình thương mẹ của Ngân là vô bờ - Ảnh: Khánh Vy

Tiếp xúc với các thành viên trong gia đình họ, chúng tôi nhận ra, trong căn nhà nhỏ này, mỗi người đều có nỗi đau chung, họ không có tài sản vật chất nhưng cái họ có được chính là lòng can đảm, dám nhìn thẳng vào sự thật và phấn đấu để cùng nhau nhìn thấy mặt trời ngày mới...

Tin Phật & yêu thương đong đầy

Cô Huỳnh Thị Ba, 64 tuổi bị tai biến mạch máu não, đái tháo đường, cao huyết áp, thiếu máu từ nhiều năm nay. Cô chỉ nằm một chỗ và phải sống cùng với thuốc thang trong suốt quãng đời còn lại. Bốn năm cô bệnh, tài sản trong nhà bán sạch, nghiệt ngã là cô vừa được ổn định sức khỏe thì cũng là lúc Ngân, cô con gái 28 tuổi của cô ốm đau triền miên, mất gần cả năm trời bác sĩ mới tìm ra được bệnh.

Lupus ban đỏ hệ thống - tuy không phải bệnh ung thư nhưng đau đớn tột cùng; nó khiến cho hệ thống miễn dịch mất khả năng phân biệt lạ, quen và chống lại cơ thể bằng cách sinh ra các kháng thể đánh bật các tế bào của cơ thể. Căn bệnh hành hạ Ngân sống còn khó hơn chết.

Đau đớn vậy, nhưng Ngân vẫn chăm sóc cho mẹ đàng hoàng, tử tế và trở thành điểm tựa cho mẹ trong những ngày mẹ ốm đau. Có nhiều lúc mẹ tủi thân, không muốn đi ra ngoài, không muốn gặp ai, cũng không muốn nói chuyện với ai, Ngân dùng tình thương dỗ dành, nói chuyện nhỏ nhẹ với mẹ; kể cho mẹ nghe những mẩu chuyện vui rồi đọc báo cho mẹ nghe những mảnh đời còn bất hạnh, khó khăn hơn mình... Và như thế, cả mẹ và con đều cố gắng gạt nước mắt, tin tưởng cái khổ sẽ có lúc đi qua.

Ngồi trò chuyện với Ngân chưa đầy 15 phút, mồ hôi trên mặt Ngân từng giọt rớt xuống. Hỏi Ngân bệnh như vậy lấy sức đâu chăm mẹ, Ngân bảo: “Không dưới một lần em muốn bỏ cuộc nhưng có lần nọ, bệnh phát tán nhanh, đau quá chịu không nổi, em nằm bẹp luôn xuống sàn ôm bụng khóc, mẹ nằm trên giường cố với tay khều nhưng không tới, mẹ khóc, nói không nên lời mà ánh mắt cứ hướng về phía em. Lúc đó nước mắt em chảy càng nhiều - vì đau và cũng vì thương mẹ. Trong khoảnh khắc đó, em nói với lòng “không được bỏ cuộc, Ngân ơi mày phải sống”.

Hướng về phía mẹ, Ngân như thì thầm với Đức Phật rằng, con chưa làm được gì cho người đã mang nặng đẻ đau, khổ cực nuôi dưỡng con; con chưa báo hiếu được gì cho ba mẹ, con chết rồi ai chăm sóc cho mẹ. “Mỗi lúc kiệt sức, đối diện với cơn nguy kịch, em cứ cầu nguyện như vậy và như có sức mạnh ngầm nào đó đã giúp em vượt qua”, Ngân kể.

Cô Ba - mẹ Ngân cũng một lòng tin Phật, cho biết hàng ngày thường niệm Phật và hướng về phía con...

Chữ hiếu vẹn tròn

Nói về gia đình cô Ba, bác Giang hàng xóm lâu năm nơi cô Ba đang trọ chia sẻ: “Gia đình này đối mặt rất nhiều khó khăn, hết mẹ bệnh rồi đến con bệnh, toàn là những căn bệnh tốn rất nhiều tiền nhưng được cái là tụi nhỏ rất hiếu thảo. Thằng Cường, người con trai thứ ba ra trường được hai năm, chưa xin được việc làm nên nhận dạy học tại nhà, để vừa lo cho mẹ, vừa lo cho em và để có tiền trả tiền vay nợ sinh viên lúc học trên giảng đường đại học”. Lớp dạy học của Cường đủ thành phần, từ cấp II đến cấp III. Ba người con còn lại, người đi làm công nhân, người đi giao hàng, người làm công ty dịch vụ công ích rồi tranh thủ chạy xe ôm - mỗi người ngày làm việc trung bình 18 tiếng nhưng lương gói ghém lắm mới đủ trang trải.

Người hàng xóm tốt bụng nói với PV Giác Ngộ rằng, tháng nào mà một trong các con trai của cô Ba không tăng ca hay chồng cô ốm đau, không đi làm được là tháng đó nhà thiếu hụt. Có những lúc khó khăn quá, xóm giềng góp người vài trăm, vài triệu phụ tụi nhỏ xoay xở.

Lo cho mẹ, các con của cô đều có tuổi nhưng chưa một ai dám nghĩ đến chuyện lập gia đình riêng. Hỏi 5 thành viên trong gia đình có kế hoạch gì cho tương lai, câu trả lời đều là: “Lo cho mẹ trước”. Long - con trai út của cô trải lòng: “Vợ chồng thì có thể kiếm sau nhưng mẹ mất rồi thì không tìm được nữa. Có nhiều khi nhà nấu được món ăn ngon, món mà ngày xưa mẹ rất thích ăn nhưng giờ mẹ chỉ ăn cháo, không ăn được nữa mà mình thấy nghèn nghẹn”.

Nhiều câu “phải chi” khi nghĩ về mẹ được anh em Long, Ngân, Cường... đặt ra trong sự hối tiếc và anh em họ cho biết, không muốn phải bỏ lỡ hay hối tiếc thêm việc gì vì không lo tròn cho mẹ nữa, rằng “sức khỏe của mẹ mới là tất cả”.

Ngân và mẹ bây giờ uống thuốc triền miên, ngày nào cũng phải có thuốc mới cầm cự được cơn đau. Bệnh tật bủa vây vậy chứ rời viên thuốc là cầm ngay cây chổi, vo gạo nấu cơm, làm mọi việc liên quan đến nội trợ để cho các anh đỡ chuyện nhà mà dồn sức kiếm thêm tiền lo cho mẹ. Ngân bảo: “Mỗi người một tay chia nhau đỡ đần cho mẹ, vun vén để ngày nào ngôi nhà trọ cũng có tiếng cười hạnh phúc, ấm áp. Ngày mới, chỉ cần mẹ ngủ dậy cười tươi, nói rằng bữa nay mẹ thấy khỏe là trọn ngày mọi thành viên trong gia đình đều vui vẻ”.

Khánh Vy

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày