Câu chuyện tượng đài Quán Thế Âm

GNO - Để tôn tạo được pho tượng Bồ-tát bằng đá hoa cương cao 49 feet, nặng khoảng 210 tấn, tại đất Mỹ là một câu chuyện dài... linh thiêng.

Câu chuyện thế này: Khoảng tháng 5-2005 khi cố Đại lão Hòa thượng Thích Mãn Giác về chùa Tam Bảo trong dịp lễ Phật đản. Một buổi khuya nọ, Hòa thượng nằm trong phòng ngủ nghe đàn ngỗng trời kêu rối rít trong không gian vườn chùa. Sáng ra, ngài bảo sao nghe tiếng ngỗng kêu nhiều quá, chúng vui mừng chăng? Tôi trả lời vì sau vườn chùa có hồ nước rộng trên đất của người Ấn Độ nên đàn ngỗng thường về làm tổ và dạo chơi.

Ngài dạy tôi nên mua thêm miếng đất đó để sau này xây tượng đài Quán Âm trong vườn chùa mới có ý nghĩa lớn. Tôi suy nghiệm việc này nên làm, sau ba tháng tôi vận động Phật tử mua được miếng đất 7 acres có hồ nước đó. Tiếp theo, cuối năm 2005 tôi họp Phật tử đưa chương trình xây dựng tượng đài Quán Thế Âm, bà con ai cũng hoan hỷ đồng  tình ủng hộ. Thế là chương trình  gây quỹ để làm tượng bắt đầu.

Graphic1.jpg

Từ khi về đây chưa đầy 1 năm, cố Hòa thượng hội chủ Thích Mãn Giác về chứng minh hai cuộc lễ tại chùa Tam Bảo. Sau đó vài tháng tôi lên chùa Việt Nam, Los Angeles  để thỉnh Hòa thượng về chứng minh lễ đặt đá xây dựng tượng đài Quán Thế Âm vào ngày 5-11-2006. Lúc đó Hòa thượng đang bệnh, có lẽ ngài biết chắc không đi được, nằm trên giường nghe tôi trình bày Phật sự này với gương mặt rất hoan hỷ, gật đầu và mỉm cười.

Thời gian sau khi ngài viên tịch, lòng tôi cũng chơi vơi, tôi chỉ nhớ lời dạy đợt sau cùng khi về chùa Tam Bảo chứng minh lễ Vu lan năm 2005; khi ban đạo từ ngài nhắc tôi rằng: Ở đây, sau này có chuyện vui buồn thì đừng nản lòng và nhớ hai câu thơ này:

 “Ta từ sanh tử về chơi

Ngồi trên chóp đỉnh mỉm cười với trăng”

Đúng thiệt, sau khi ngài viên tịch tôi đã trải qua nhiều thử thách quá, đôi lúc thấy mệt mỏi sự đời, tôi nghiệm lại câu thơ Hòa thượng và tự nhủ lòng mình, có lẽ ngài biết trước và dạy tôi chăng? Mỗi lúc nghĩ như thế, tôi cảm nhận Hòa thượng như đang ở quanh đây, an ủi, dìu dắt tôi vượt qua mọi chướng ngại.

Trở về công tác dựng tượng, tôi cứ suy tư hoài, vườn rộng 17 acres, chùa mới chưa xây, dựng tượng chỗ nào cho phù hợp? Tượng lớn hay nhỏ? Tiền nhiều hay ít? Trong đầu tôi mỗi khi đi dạo quanh vườn chùa suy xét, có lúc tôi trèo lên trên nóc nhà để ngắm cảnh vật xung quanh để tìm vị trí dựng tượng; vì đất chùa Tam Bảo có thế đồi, hơi dốc, chỗ cao nhất so với chỗ thấp nhất trong một mảnh vườn chênh lệch từ 8-10 feet.

Hơn nữa, vườn rộng nên nhìn bằng mắt thường không thấy đúng như khi kỹ sư xây dựng đo độ dốc của đất. Lúc đó tôi phải hình dung vị trí tổng thể chùa trong tương lai để dựng tượng, hoàn toàn không căn cứ trên cục diện một cơ sở vật chất hình hiện tại. Vì chùa lúc đó chỉ đang làm Conceptual Master site plan.

Điều kỳ lạ, trải qua hơn sáu tháng, chuẩn bị làm tượng bằng fiber glass cho nhẹ, dễ vận chuyển, vừa rẻ tiền. Qua nhiều bản thiết kế từ Việt Nam gửi qua, City hoàn toàn không chấp nhận, vì cấu trúc không đạt yêu cầu. Có lẽ vì vùng đất này hay bị Tornado nên họ duyệt rất nghiêm khắc. Qua nhiều lần mưa gió lớn, một năm thỉnh thoảng có vài ngày tuyết phủ quanh chùa. Tôi tự quyết với lòng mình, ở đây phải làm tượng bằng đá mới được lâu dài.

Cho đến ngày 25-3-2009, City chính thức cấp giấy phép xây dựng với bản thiết kế tượng đá như bây giờ. Vì tượng đá hoa cương nên nặng tới 210 tấn, tức trên 400.000 pounds không thể đưa qua Mỹ được. Tôi chọn số 49 feet là chiều cao, vì con số này thuộc pháp số có nhiều ý nghĩa trong lịch sử và triết học Phật giáo. Và tôn tượng được ghép từ 12 khối đá tượng trưng cho 12 lời nguyện từ bi cứu khổ của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Đó là lý do chính yếu giúp tôi mạnh dạn hợp đồng tạc tượng. Do vậy, tôi tự nghĩ là bất kể tiền đủ hay thiếu, cứ theo ý nghĩa ấy mà làm từng bước một, không giới hạn thời gian. Bước thứ nhất tạc tượng, bước thứ hai làm đài để dựng tượng, bước thứ ba chuyển tượng, bước thứ tư dựng tượng và đánh bóng tượng, bước thứ năm làm sân và trang trí trụ đèn.

Điều may mắn đối với tôi nữa, trong thời gian này, cũng nhờ Bồ-tát gia hộ, tôi được quý thầy ở tu viện Quảng Hương Già Lam và quý thầy thân quen tòa soạn báo Giác Ngộ tư vấn và giúp đỡ quá trình hợp đồng và tạc tượng, chỉnh sửa tượng. 

Ngày 4 tháng 6 năm 2010 tượng mới đưa đến chùa Tam Bảo, trong giai đoạn này chùa không đủ tiền, điều may mắn khác là được thầy Như Minh ở chùa Việt Nam Los Angeles và nhà văn Vĩnh Hảo cùng Ni sư Diệu Tánh ở CA nhiệt tình khích lệ và vận động. Việc vận chuyển này có sự cúng dường với số tiền khá lớn của cô Quảng Nguyện tại CA. Đây là Phật tử đã cúng dường số tiền lớn nhất cho công trình này.

Ngày 16-7-2010 tượng đã được dựng lên tại chùa Tam Bảo, trải qua bảy ngày mới dựng và ghép xong 12 đốt tượng Quan Thế Âm. Năm đó trời rất nắng, khá lâu ngày trời không có mưa, điều ấn tượng trong tâm thức làm tôi khó quên và có cảm giác một sức mạnh tinh thần kỳ lạ vào chiều và tối hôm dựng tượng xong.

Như thế này, qua một tuần làm việc với công ty xe cẩu lớn gồm 5 người Mỹ và công ty xây dựng từ Dallas về khoảng 6 công nhân chuyên bê tông. Khi đốt đầu của tượng Quán Âm, tức đốt thứ mười hai dựng lên xong, công nhân xây dựng vừa ra khỏi chùa, gió mát thổi mây về, một trận mưa đổ xuống trong vòng một tiếng đồng hồ. Tất cả dấu hồ và bụi đất trên thân tượng sạch tưng. Đến lúc 8 giờ tối, trăng lại lên, cảnh trời mây dịu dàng, không gian như dâng lên một sức mạnh của sự bình yên khó tả.

Tất cả cảm giác ấy, tôi không diễn tả hết, trong lòng lúc ấy khởi lên ý nghĩa câu niệm: “Nam mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-tát”. Với tôi, đó là câu chân ngôn có sức mạnh vô song mà tôi đã trải nghiệm và vượt qua nhiều nguy biến trong đời sống mấy chục năm qua cho đến hôm nay; thiết nghĩ, nó có giá trị cho đến mãi mãi về sau.

Năm nay, Đại lễ Khánh thành Quán Âm Phật Đài tại chùa Tam Bảo tổ chức vào ngày 7, 8, 9-6-2013 thì công trình này mới gọi là hoàn thành viên mãn. Người xuất gia không phải chỉ mục đích xây chùa to Phật lớn, bổn đạo tín đồ đông, nhưng với tôi tượng đài Quan Âm Bồ-tát có nhiều ý nghĩa khác trong đó. Vì sức mạnh đưa đến hạnh phúc cho nhân loại là giá trị niềm tin của Tình Thương chân thật và Trí Tuệ cứu khổ ban vui trong đời. Giá trị ấy có trong hình ảnh Bồ-tát Quán Âm.

Tượng đài này có thể tồn tại vài trăm năm trên xứ sở Hoa Kỳ, nếu xem đó là công trình văn hóa thì văn hóa ấy là thông điệp đạo đức Phật giáo trong đời. Đó cũng là tâm nguyện của chư Tăng và Phật tử chùa Tam Bảo đã phát tâm kiến tạo tượng đài Quán Thế Âm Bồ-tát.

(Viết cho dịp Lễ khánh thành ngày 7, 8, 9-6-2013 tại chùa Tam Bảo)
Chùa Tam Bảo, Tulsa, OK, Hoa Kỳ

Tỳ-kheo Thích Đức Trí
(kính bút)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày