Cầu siêu tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên

GNO - Sáng 26-8 qua, T.Ư GHPGVN kết hợp với BTS GHPGVN tỉnh Hà Giang và Công ty Thanh Bình đã tổ chức Đại lễ cầu siêu tưởng niệm các anh linh anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc trên chiến trường phía Bắc tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên - tỉnh Hà Giang.

a hagiang 1.jpg


Chư tôn đức niệm hương khai lễ

HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN; HT.Thích Thanh Nhiễu, HT.Thích Thiện Pháp - đồng Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN; HT.Thích Bảo Nghiêm, TT.Thích Thanh Quyết - đồng Phó Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Thanh Nhã, UVTT HĐTS, Phó ban Thường trực Ban Nghi lễ T.Ư; ĐĐ.Thích Đồng Huệ, UV HĐTS, Phó BTS GHPGVN tỉnh Hà Giang; ĐĐ.Thích Nguyên Toàn, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Hà Giang cùng chư tôn đức Tăng Ni trong BTS GHPGVN tỉnh Hà Giang và các chùa, tự viện trong và ngoài tỉnh quang lâm dự lễ.


Về phía chính quyền có Trung tướng Bùi Xuân Sơn, Phó cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Bộ Công an; Thiếu tướng Đinh Quang Định, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng cơ bản doanh trại Bộ Công an; ông Nguyễn Văn Minh, Cục trưởng Cục Tài chính đầu tư văn phòng T.Ư Đảng; ông Đỗ Cường, Trưởng ban Thanh tra Thông tấn xã Việt Nam; ông Nguyễn Thành Lương, Phó tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; bà Chúng Thị Chiên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang; ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang; ông Lý Mí Lử, Chủ tịch UBMTTQVN, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang cùng quý vị lãnh đạo đại diện cho các cơ quan, ban ngành T.Ư và địa phương; đông đảo nhân dân Phật tử thập phương cùng các anh hùng lực lượng vũ trang về tham dự.

Trước khi bước vào buổi lễ, chư tôn đức và quan khách chính quyền đã thực hiện nghi thức dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Vị Xuyên.

a hagiang 2.jpg

a hagiang 3.jpg
Tưởng niệm và đồng cầu nguyện siêu độ cho các anh linh liệt sĩ
hy sinh nơi chiến trường Vị Xuyên - chống quân xâm lược Trung Quốc

Mở đầu chương trình, trong bài phát biểu khai mạc, HT.Thích Thanh Nhiễu khẳng định “Cuộc chiến đã đi qua, đất nước đã hồi sinh, đang phát triển và vươn cao trong thời kỳ hội nhập quốc tế, cùng với các tầng lớp nhân dân cả nước, GHPGVN ngày càng phát triển ổn định trang nghiêm trong lòng dân tộc, nhưng trong ký ức, đời sống tâm linh của những người Việt Nam, dù ở trong nước hay đang sinh sống tại hải ngoại xa xôi, trong đó có Tăng Ni, Phật tử GHPGVN luôn tự hào khi nhớ về những chiến tích, những kỷ niệm thiêng liêng của những người thân và các chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường phía Bắc cũng như các chiến trường khác với lòng kính trọng vô biên”.
 

Đại diện Công ty Thanh Bình - Phật tử Nguyễn Thanh Bình và ông Nguyễn Văn Vỵ, Trưởng ban Liên lạc III - chiến dịch Lịch sử Việt Nam phát biểu. Trong bài phát biểu, ông Nguyễn Văn Vỵ bày tỏ niềm biết ơn sâu sắc - “chúng tôi cảm nhận thấy rằng việc làm của GHPGVN đồng hành với những nhận thức và tư tưởng của đoàn chúng tôi. Vì vậy, Đoàn III - chiến dịch lịch sử Việt Nam luôn luôn sẽ cùng Giáo hội thực hiện những chương trình ý nghĩa như ngày hôm nay...”.


Đại tá Nguyễn Như - người đã trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên đã chia sẻ với đại chúng về kỷ niệm trong những ngày tháng chiến đấu để giành lại từng tấc đất, giành lại sự tự do độc lập cho Tổ quốc thân yêu trước quân xâm lược Trung Quốc. Ông nhớ lại, có những ngày mà ở đây gọi là ngày giỗ trận, có hàng ngàn chiến sĩ hy sinh. Và toàn mặt trận này, chúng ta có trên 2.000 liệt sĩ đã ngã xuống tại đây. Nhưng hiện nay mới tìm ra được về nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên được hơn 1.000 hài cốt…

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Đức Quý khẳng định, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong quá trình tồn tại, phát triển luôn đồng hành cùng dân tộc, với nhiều hoạt động “Hộ quốc, an dân”. Trong thời kỳ đổi mới, cùng với các tôn giáo khác, Giáo hội Phật giáo Việt Nam bằng các hoạt động xã hội từ thiện, nhân đạo hướng về cộng đồng...

Ông Quý cũng đánh giá cao những đóng góp đó và đồng tình với việc tổ chức lễ cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên. Đây là hoạt động có ý nghĩa mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" và sự tri ân đối với những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc, vì sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

a hagiang 4.jpg
Trao tặng những phần quà đến những với gia đình
thương binh liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện

a hagiang 5.jpg
Chư Tăng, quan khách, Phật tử dự lễ

HT.Thích Thiện Nhơn có đạo từ tới toàn thể đại chúng - khẳng định GHPGVN luôn đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt là tinh thần tri ân báo ân của đạo Phật trùng với quan niệm hiếu đạo của dân tộc Việt từ xưa tới nay. Hòa thượng nói, mỗi người hãy biết trân trọng quá khứ, cùng xây dựng hiện tại, giữ gìn và xây dựng quê hương đất nước ngày càng phát triển bằng những hành động thiết thực nhất.

Cuối cùng, chư tôn đức và đại chúng đã làm lễ niêm hương, tụng kinh cầu nguyện - hồi hướng về anh linh các anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn trong chiến trường phía Bắc với tấm lòng chí thành, chí kính nhất.

Ngày "giỗ trận"...

Trong suốt thời kỳ chiến đấu từ năm 1979 đến năm 1988, biên giới Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) đã trở thành mặt trận đẫm máu với 3.700 chiến sĩ quân dội quân nhân Việt Nam hy sinh trên đỉnh Lão Sơn, đặc biệt tại cao điểm 772 gần 500 người lính của sư đoàn 356 đã ngã xuống trong trận đánh ngày 12-7-1984.

Do vậy, hàng năm vào ngày 12-7, các cựu chiến binh trên khắp mọi miền đất nước lại tập trung về nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia huyện Vị Xuyên làm lễ tưởng niệm anh linh anh hùng liệt sĩ, và gọi đó là ngày “giỗ trận”.

Chùa Bằng

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày