GNO - Hiện nay xã hội nói chung cũng như các Phật tử nói riêng dấy lên phong trào làm từ thiện phải nói là rất nhiều so với trước đây. Đó là nói về số lượng, ở đây xin bàn một chút về cái thấy của cá nhân người viết.
>> Cần thay đổi tư duy trong công tác từ thiện
Từ thiện là hiến tặng một cách hoan hỷ, vô tư,
chỉ bằng tình thương muốn cho người bớt khổ, hết khổ - Ảnh minh họa
Đối với một người làm từ thiện thì thái độ khi sẻ chia phần quà của mình hay làm như một người chuyển giao - một cầu nối giữa những nhà hảo tâm và những người làm công tác thiện nguyện đến nơi cần hết sức là quan trọng. Làm từ thiện đối với một người Phật tử nhằm gieo trồng từ bi, đồng thời là cách thể hiện, chia sẻ một phần nhỏ cái mình (trong khả năng) đến những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh hơn.
Do đó, thiết nghĩ một người mang tâm làm viêc lành thì đầu tiên trong khi làm mình phải cảm thấy an lạc, hạnh phúc thực sự khi được có cơ hôi gieo trồng phước đức, gieo hạt giống lành, đừng để tình trạng mình phải làm với một trách nhiệm rầm rộ, thấy người khác làm mình cũng làm, làm cho một mục đích nào khác (có chương trình định kỳ, phô trương thanh thế…). Hay làm như một sự ép buộc thì kết quả đôi khi cho người chưa cần cho, chưa đúng nơi, đúng người. Từ đó, dù là việc thiện, là giúp đỡ người khác đi chăng nữa cũng không mang lại lợi lạc mà thậm chí rước phiền não về cho mình và món quà dù có lớn mấy cũng không trọn vẹn tấm lòng mình trao chuyển!
Đặc biệt, đối với những người tổ chức, đứng đầu, chính mình phải luôn ý thức rằng công việc mình đang làm là chia sẻ tình thương, nâng đỡ nhau trong tâm hồn (vì không có những mảnh đời chưa trọn vẹn như vậy thì lấy đâu ra cơ hội để mình học tập trong từng việc làm, trong từng chuyến đi để thấy mình phải cố gắng hơn trong những vấp váp của mình. Tất nhiên, nói như vậy không phải có “mưu cầu” rằng càng có những người khó khăn, thiếu thốn là tốt mà chỉ muốn nhắc như một quy luật nhân duyên trong lời Phật dạy và không phải mình thường nói “cho chính là nhận” hay sao.
Ý thức được điều này để mình không phải bị kẹt vào những ganh đua đời thường, những vỏ bọc hào nhoáng che mờ đi cái chân tâm ban đầu đơn giản mình muốn được đóng góp, được làm gì đó cho cuộc đời này. Là một nhà kinh doanh, mục đích hướng đến là lợi nhuận và làm sao càng nhiều doanh thu là điều ưu tiên hàng đầu, và có thể vì mục đích đó mà bất chấp mọi thủ đoạn để có danh, lợi và đạt được điều họ muốn. Nhưng đối với một người làm từ thiện, với cái tâm đẹp như thế từ sơ khởi mà lại bị vẩn đục theo thời gian rồi cũng chạy theo cái danh, cái lợi, con số như thế mà chính họ cũng không nhận ra hay không muốn đối diện mà cứ ngụy biện là đang vì điều này, vì người nọ thì thật sự là rất đáng buồn, đáng tiếc phải không?
Từ thiện ngày nay với xã hôi vật chất phát triển, thì cũng không còn khó khăn trong việc tổ chức, kêu gọi sự góp sức nữa vì có rất nhiều người sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ hỗ trợ nhiệt tình cùng các các bạn trẻ cống hiến hết sức nhiệt tình. Nhưng có một điều hết sức quan trọng đó là phải chú ý đến cảm nhận của người nhận vì ông bà ta có câu “của cho không bằng cách cho”.
Nếu mình bị kẹt vào cái ngã - với ý nghĩ mình là “người cho” họ là “người nhận” thì mình thật là đáng thương. Đối với những người có hoàn cảnh nghèo cùng, túng thiếu, bệnh đau yếu thì bản thân họ rất nhạy cảm và đã mang trong mình một mặc cảm rất lớn rồi, nhưng khi mang một món quà trao tặng đến tay người đang cần, họ thậm chí không nở một nụ cười, đôi khi mình chỉ đứng và đưa một cách vô hồn, với thái độ dè biểu, tránh né, sợ dơ, sợ lây bệnh… thì liệu những người nhận họ có ấm lòng thực sự khi đón nhận nó? Nhận một món quà vật chất họ lại mang thêm một nỗi đau về tinh thần thì từ thiện hay từ… ác?
Thiết nghĩ người làm từ thiện không nên chỉ chú ý đến giá trị vật chất mình trao tặng mà điều quan trọng thiết yếu nhất vẫn là chân tâm mình thể hiện tình yêu thương. Nên người làm cũng phải trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để cái mục đích mình làm vẫn sáng mãi theo thời gian, tình thương sẽ được trao truyền một cách đầy đủ về vật chất cũng như tinh thần để sự san sẻ tình thương đẹp đó trong cái xã hội mà tâm hồn đang trở nên “nghèo nàn”, khô héo quắt queo. Ở đó, mọi người đang đau đớn gióng lên hồi chuông cảnh báo về bạo lực, vật chất lên ngôi, con người vô cảm với chính đồng loại, thì ý niệm đẹp đẽ đó từ những người con Phật sẽ là ánh sáng xóa tan bớt tối tăm nơi lòng người, hiến tặng hương thơm của sự đồng cảm và thấu hiểu, yêu thương chân thành…
Trầm Hương (hoagio90@gmail.com)
--------------
Bài vở cộng tác trang Bạn đọc - Giác Ngộ vui lòng gửi về: bandocgiacngo@gmail.com.