Đây cũng là điểm cuối cùng kết thúc chuyến công tác 7 ngày đến với bà con vùng thiên tai tại 5 tỉnh miền Trung.
Đi qua những gian khó
Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện cho biết: “Nam Phúc có tổng diện tích tự nhiên là 457ha với 712 hộ, 3.055 khẩu chia đều trong 8 xóm, đây là một xã vùng thấp trũng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt đe dọa. Vào hồi 23 giờ đêm 19-10, do lượng mưa quá lớn, mực nước lên quá nhanh nên con đê ở tả ngạn sông La tỉnh Hà Tĩnh bị vỡ. Nước ồ ạt tràn qua đê bao địa phận xã nhà, thế là trong phúc chốc hơn 713 hộ dân nơi đây bị nước lũ bao vây cô lập, trong đó số hộ bị ngập từ 1,2m trở lên chiếm 90%. Địa phương đã mất trắng 80ha cây vụ Đông, hơn 2.000 cây ăn quả các loại bị hư hại và nhiều thịt hại khác. Sạt lở 2.500m3 đất, hư hỏng 500m mương xây, 5 cống thoát nước, 150m tường rào bị đổ v.v… Tổng ước tỉnh thiệt hại lên đến 7 tỷ 500 triệu đồng, không có ai thiệt mạng”.
Nơi cơn lũ đi qua
Trong căn nhà bị sập đổ hoàn toàn, ngồi nhặt lại từng viên gạch cũ, chị Trần Thị Lương - 42 tuổi ở xóm 7 nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Vào lúc 9 giờ đêm, nước lũ hung hãn đột ngột đổ về và sẵn sàng cuốn trôi tất cả. Tiếng la hét cầu cứu thất thanh của trẻ em, người già và phụ nữ vang động khắp xóm làng, nhưng làm sao được hả quý thầy ! Ngoài trời thì tối om như mực, lại thêm mưa to gió lớn bất ngờ nên mạnh ai nấy lo tìm cách thoát thân. Ngay cả tấm hình trên bàn thờ ông nhà mới chết cũng không kịp thu dọn, mạng người trong cơn đại hồng thủy mong manh tựa chỉ mành treo chuông.”
Anh Long - Phó Bí thư xã xót xa: “Người dân ở đây vốn dĩ đã nghèo, nay thiên tai cứ mãi dồn dập như thế này thì bà con lại càng khốn đốn nhiều hơn. Số tiền 40 triệu đồng để xây lại căn nhà cho gia đình chị Lương bình thường đã là khó, nay trong hoàn cảnh cả xã đều bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai thì việc vận động giúp đỡ lại còn khó khăn hơn”. Trao tặng 5 triệu đồng gọi là chút tình xin san sẻ, chúng tôi chúc chị và gia đình cố nén đau thương để khắc phục hậu quả thiên tai và tự hứa với lòng là sẽ về tìm cách quyên góp thông qua hộp thư truyền hình nhân đạo tỉnh nhà để giúp chị vượt qua cơn hoạn nạn.
Con đường liên thôn, liên xóm dẫn tới trụ sở UBND xã bình thường vốn hiền hòa như thế, giờ lũ lụt hoành hành để lại không biết bao nhiêu sự hoang tàn thê thảm. Thiệt hại do lũ lớn hiện diện khắp nơi. Chỉ tay về vết ẩm hãy còn in trên bức tường trụ sở xã cao hơn 2m, ông Phạm Văn Minh không giấu được sự kinh hoàng trên khuôn mặt của mình: “Con lũ dữ xuất hiện vừa qua đã nhanh chóng đẩy bà con lâm vào cảnh cùng cực. Đây là con lũ dữ dội và có sức tàn phá nghiêm trọng nhất trong vòng 50 năm qua xuất hiện trên địa bàn”. Ông kể, do đêm tối, nước lũ bất chợt dâng nhanh nên nhiều hộ dân trong xã không làm chủ được tình hình. Đành phó mặc tài sản, nhà cửa của mình cho dòng nước cuốn trôi, chỉ mong chạy thoát thân.
Chị Phạm Thị Hoài nghẹn ngào cho biết, sau trận mưa kéo dài, nước lũ bỗng dâng lên nhanh chóng. Chị cùng 3 đứa con thơ chạy tán loạn ra đường mà kêu cứu. Toàn bộ số tài sản, đàn gia cầm chắt chiu cả một đời giờ thì trắng tay. Gia đình chị vốn đã khó khăn qua trận lũ lịch sử này lại càng trở nên bĩ cực hơn.
Thương lắm một phận bạc
Sau khi trao 500 phần quà trị giá gần 300 triệu cho bà con trong xã, chúng tôi nghé thăm trường mầm non Nam Phúc. Nhìn hình ảnh các cô giáo nơi đây tranh thủ sửa sang lại đồ dùng học tập của trường bị nước lũ làm hư hại, chúng tôi lại càng thấm thía hơn cái cảnh khốn khó của những người dân vùng rốn lũ.
Tạm biệt bà con Nghệ An, chúng tôi tranh thủ vào Huế để mong đến với bệnh nhân Trần Ngọc Hải hiện đang nằm điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế qua đơn xin trợ cấp khó khăn của gia đình anh do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình gởi khi đoàn đến trao quà cho bà con nơi đây.
Tình người sau cơn lũ
Trong đơn, bà Mai Thị Phen - 58 tuổi ở thôn Minh Sơn, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, mẹ của anh Hải trình bày, vào lúc 20 giờ ngày 4-10, trong lúc lũ đổ dồn về nước chảy xiết, một số hộ dân thôn Trung Thượng ở gần bờ sông Nan có nguy cơ bị lũ quét ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của bà con. Con trai bà là anh Trần Ngọc Hải - 31 tuổi, một thanh niên chưa vợ đã dùng hết khả năng chuyển tài sản và bà con lên vùng cao lánh nạn. Vừa đói rét lại do vận động quá nhiều sức lực cứu người, nhất là bị nhiều cây rừng trôi về theo dòng lũ đập vào người thế là anh kiệt sức bất tỉnh phải đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu. Nhà nghèo, chồng mất sớm để lại cảnh mẹ góa nuôi 4 con còn nhỏ không được đi học, vừa qua gia đình bà mới vay ngân hàng 30 triệu để chăn nuôi sản xuất, giờ thì nước lũ tràn về cuốn trôi tất cả thế là trong chốc lát gia đình bà lâm vào cảnh trắng tay, nay con lại nằm viện không tiền tháng thuốc, khó khăn chồng chất khó khăn.
Lần theo địa chỉ ghi trong đơn, đến Huế, chúng tôi nhờ bộ phận tiếp tân của Khách sạn Công đoàn liên hệ với khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện thì được biết: Do bệnh tình quá nặng, bệnh nhân Trần Ngọc Hải đang trong tình trạng hấp hối, hôm qua người nhà đã xin chuyển anh về gia đình để mong kịp nhìn mẹ lần cuối cùng trước khi nhắm mắt.
Cơn lũ đã đi qua, để lại nhiều đau thương mất mát cho bà con vùng rốn lữ khó có thể bù đắp được. Người dân miền Trung đang rất cần những tấm lòng thơm thảo của chúng ta qua từng manh áo, từng gói mì, cân gạo, viên thuốc, tấm chăn để sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống trong hơi ấm tình người.