"Chat" với một nhà báo mặc áo tu hành

Nhà báo, Đại đức Thích An Đạt đang tác nghiệp tại Phú Quốc
Nhà báo, Đại đức Thích An Đạt đang tác nghiệp tại Phú Quốc
Xin chào đồng nghiệp!”. Một thanh niên mặc áo tu hành nâu sồng, dáng đi nhanh nhẹn và nụ cười thường trực trên môi vỗ vai tôi khi tôi đang lặng đứng trên lan can con tàu cao tốc Dương Đông trên hành trình ra Phú Quốc - đảo tù một thời, đảo ngọc hôm nay. “Đồng nghiệp ư? Tại sao tôi lại là... đồng nghiệp với một... nhà sư nhỉ?”.

Người đồng nghiệp... “đặc biệt”

“Tôi là phóng viên báo Giác ngộ, được cử đi theo dõi viết bài về Đại lễ cầu siêu cho linh hồn các liệt sĩ ở Phú Quốc lần này”. Lúc này tôi mới để ý, lủng lẳng trên vai “nhà sư” nọ, chiếc máy ảnh kỹ thuật số khá hiện đại, một máy ghi âm cũng hơi bị “hầm hố” mà nhìn nó, tôi lại thấy hơi “tủi thân” cho chiếc máy ảnh du lịch cá nhân cũ mèm mình đang mang theo tác nghiệp. Chưa hết bất ngờ, nhà báo mặc áo tu hành đặt vào tay tôi chiếc name card xinh xinh:

- Đây là “các vi dít” của tôi! Hi vọng chúng ta có sự hợp tác lâu dài.

Tôi lướt nhanh xem nội dung trên name card. Trời! Nhà báo mặc áo tu hành này thực sự là một “công dân mạng”, có tới 2 địa chỉ email, một nickname để chát yahoo. Chưa hết! Trên danh thiếp còn ghi rõ địa chỉ báo điện tử Giác ngộ! Vẫn chưa hết! Qua danh thiếp, tôi biết nhà báo tu hành này mới có 26 tuổi, nhưng đã có tới hai bằng đại học (Luật, Ngoại ngữ) và hiện đang theo học liền lúc hai ngành: Thạc sĩ Luật học và cử nhân Phật học! Choáng!

Cuộc gặp gỡ tình cờ ấy đã nhanh chóng “kết nối” chúng tôi bởi cả hai cùng là những người trẻ nhất chuyến đi, cùng lần thứ hai ra Phú Quốc, cùng một niềm đam mê theo đuổi những câu chuyện, những số phận về “những người hùng ở nhà lao Cây Dừa”…

Nhà báo tu hành có tên hiệu “Đại đức Thích An Đạt” nhưng tên thật là Nguyễn Viết Tuấn, hiện là Phóng viên Báo Giác ngộ, đồng thời là Chánh thư ký Ban văn hóa Thành hội Phật giáo TP.HCM. Nghe đến tên tờ báo tôi quả thực rất ngạc nhiên, cứ ngỡ rằng thế giới của những người tu hành là một khung trời khép kín, chỉ có những ngôi chùa, những trang sách, trang kinh tĩnh lặng như một nhà thơ nào từng viết: “Chùa tĩnh lặng chùm ngâu đã nở/ Dưới ngọn đèn trang sách thức thâu đêm”. Nhưng hóa ra không phải, Đại đức Thích An Đạt giải thích cho tôi về tờ báo của mình: Là cơ quan truyền thông trực thuộc thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh nhưng do là tờ báo duy nhất của Phật giáo nên Giác Ngộ còn là tiếng nói của Phật giáo cả nước; phản ánh toàn bộ các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Phật giáo các tỉnh, thành phố ở nước ta. Tờ báo này đã có hơn 33 năm đồng hành cùng bạn đọc. Đến nay, Giác ngộ có tuần báo, nguyệt san và cách đây một năm ra mắt báo Giác ngộ điện tử www.giacngo.vn với số lượng phát hành và truy cập khá cao. Việc phát hành báo chủ yếu dựa vào các chùa là chính, sau đó là các sạp báo công cộng. Hiện nay cả nước có hơn 50.000 tu sĩ Phật giáo và 14.000 ngôi chùa, đó là chưa kể ở nước ngoài... Đội ngũ cộng tác viên của báo chủ yếu là những Tăng Ni và Phật tử.

Đại đức Thích An Đạt chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một nhà báo. Đại đức sinh tại Quảng Nam nhưng lớn lên ở thành phố Hồ Chí Minh. “Những năm tháng đi học đại học, rất ít người biết đến tôi. Nhưng vào năm 2003, tôi đăng ký thi tuyển Tình nguyện viên SEA Games 22. Vì là tu sĩ Phật giáo duy nhất làm việc trong lực lượng tình nguyện viên nên có một vài tờ báo đã viết về tôi, trong đó có tờ Giác Ngộ. Từ đó, các vị trong giới Phật giáo biết đến tôi, nhất là Thầy Phó tổng biên tập Báo Giác ngộ hiện nay. Sau đó, vào năm thứ 3 đại học, tôi nhận được suất học bổng ngắn hạn sang Nhật tham dự khóa học về Luật Quốc tế và dự hội thảo. Khi tôi về nước, báo Giác Ngộ cũng đến phỏng vấn. Thấy tôi ăn nói lưu loát, nhà báo đàn anh đã đặt vấn đề nhờ tôi viết một bài về văn hóa của người Nhật Bản… Tôi e ngại lắm vì mình không quen viết báo. Thế là tôi “viết đại” và sau đó lại được khen hay. Vài lần sau đó, tôi có mấy dịp gặp lãnh đạo của tờ báo, vị ấy hỏi tôi có định hướng gì chưa sau khi ra trường. Tôi trả lời chưa và nhận được đề nghị về làm việc tại báo Giác Ngộ. Đây chính là nhân duyên để sau này tôi là một trong những thành viên của báo Giác Ngộ”.

Ngược với suy nghĩ của tôi về những người tu hành, tôi cứ tưởng họ sẽ sống nội tâm, trầm mặc, nhưng nhà báo, Đại đức Thích An Đạt lại là người khá “sôi động”, luôn xông xáo, tìm kiếm sự kiện và nhân vật với những phản xạ rất “nghề” của người cầm bút. Nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong mấy năm làm báo, Đại đức An Đạt kể: Đó là lần tác nghiệp tại Vesak 2008 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Tôi được đề cử vào bộ phận làm tin nhanh hằng ngày tại Vesak. Cả nhóm chỉ có 7 người mà phải làm ra một tờ báo 8 trang A3 cả tiếng Anh và tiếng Việt. Tất cả 4 số báo của kỳ Vesak là sự vật lộn và làm việc không mệt mỏi của chúng tôi. Và cũng do tốc độ làm việc mà tôi bị té xe trong một lần chạy từ Trung tâm hội nghị Quốc gia Mỹ Đình về trụ sở của bản tin nhanh, phải sửa xe mất mấy trăm ngàn đồng-một số tiền không nhỏ đối với người xuất gia như tôi. Nhưng không có niềm vui nào hơn khi sáng ra, nhìn thấy hàng ngàn con người mân mê tờ báo với cả sự trân trọng.

"Chat" với một nhà báo mặc áo tu hành ảnh 1
Lớp tập huấn kỹ năng viết báo
do tòa soạn báo Giác ngộ tổ chức

Cuộc “phỏng vấn chat” và nguyện vọng “đặc biệt”

Cuộc gặp gỡ nào rồi cũng đến lúc chia tay, nhưng “nhân duyên” giữa chúng tôi chưa dừng lại. Chúng tôi tiếp tục trao đổi nhiều vấn đề qua internet, mà cụ thể là “chat”. Ghi lại lần gặp gỡ thú vị ấy song cảm thấy nó vẫn còn “thiếu thiếu” một điều gì, tôi mạnh dạn đề nghị nhà báo tu hành cho tôi thực hiện một cuộc phỏng vấn cho bài báo dịp 21-6 năm nay. Đại đức đã đồng ý. Xin được lược ghi một phần cuộc “phỏng vấn qua chat” này vì nó chứa đựng một nguyện vọng… đặc biệt

- Là nhà báo đã nhiều lần ra Phú Quốc, thầy có cảm tưởng như thế nào và rút ra những điều gì tâm đắc sau những chuyến đi đó?

- Phú Quốc và Côn Đảo là những chuyến đi đặc biệt của tôi. Đối với Phú Quốc, tôi đều có mặt trên hòn đảo này trong những đại lễ cầu siêu lớn do Giáo hội kết hợp với Nhà nước tổ chức. Tôi sinh ra sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, chỉ cảm nhận sự đau thương của chiến tranh từ sách vở và các phương tiện truyền thông. Ra đến hòn đảo này, tôi mới thật sự cảm nhận được sự hy sinh anh dũng của các thế hệ đi trước, đặc biệt là các anh hùng liệt sĩ vì sự yên bình cho quê hương. Tôi nhớ mãi những ca từ mộc mạc “Đồng đội tôi” được các chiến sĩ năm xưa đến từ CLB Văn hóa-văn nghệ cựu chiến binh và thương binh Hà Nội cất lên giữa núi rừng huyện đảo Phú Quốc trong một đêm đầy cảm xúc: “Đã ra đi biết bao giờ trở lại, đồng đội ơi còn đó mới hôm qua. Tiểu đội tôi như anh em một nhà, đêm rừng khuya điếu thuốc hút chia ba. Mới hôm qua còn nhận thư quê nhà, thương mẹ già bao đêm ngắm con xa. Chiều hành quân con bồi hồi mong nhớ, mẹ là tình yêu suốt cuộc đời ta”. Những ca từ nghe thật hùng hồn, đầy chất thơ, da diết quá.

Phải nhìn nhận, Đại lễ cầu siêu là một hoạt động tôn giáo lại mang tính xã hội sâu sắc, phần nào đã làm nguôi nỗi đau của những người còn sống và có ý nghĩa to lớn trong việc nhắc nhở thế hệ sau không được quên và không bao giờ quên những gì mà cha ông đã cống hiến…

- Ở báo Giác ngộ có nhiều phóng viên trẻ như thầy không? Các thầy gặp những khó khăn gì khi tác nghiệp và thường giải quyết ra sao?

- Ở báo Giác ngộ hiện nay, đa số là các phóng viên trẻ và tôi là một trong những người trẻ nhất. Những tên tuổi quen thuộc của báo như Đình Long chuyên viết về giới trẻ, Huỳnh Diệu chuyên về xã hội, Giang Phong chuyên về văn hóa v.v.. Họ đã từng có những tác phẩm báo chí đạt giải thưởng hàng năm. So với các phóng viên khác, việc tác nghiệp của phóng viên tu sĩ cũng có một số hạn chế. Họ không thể dễ dàng chạy nhảy, hay không thể leo trèo cao mà tìm chụp các góc ảnh đẹp minh họa cho bài viết. Ngoài ra, trong quá trình đi công tác xa chúng tôi cũng bị hạn chế là phải ăn chay. Mà không phải chỗ nào cũng có cơm chay để ăn.

- Ước mơ, nguyện vọng nghề nghiệp của thầy là gì?

- Nhiều lắm, nhưng đơn giản là có nhiều bài báo hay. Còn trước mắt, nguyện vọng của tôi là được một chuyến công tác ra Trường Sa, nếu được đi cùng Giáo hội làm lễ cầu siêu cho các liệt sĩ hy sinh vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc thì càng tốt. Tôi hi vọng ước mơ đó sớm trở thành hiện thực.

Và… để nó sớm thành hiện thực, nhà báo, Đại đức Thích An Đạt dứt khoát đề nghị tôi không được… “biên tập” câu hỏi và câu trả lời này! Vâng! Hy vọng nguyện vọng ấy của Đại đức, người bạn, người đồng nghiệp phía trời Nam xa xôi sớm thành hiện thực. Và nếu “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, rất có thể tôi sẽ lại được gặp lại thầy, trên một chuyến tàu ra Trường Sa, một ngày không xa…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

GNO - Đó là vấn đề được bạn đọc gởi về tòa soạn, trước hiện tượng Phật giáo, cụ thể là Tăng Ni, chùa chiền trở thành chủ đề châm biếm, chỉ trích trong dư luận, trên thế giới thông tin xã hội. Mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung trên Báo Giác Ngộ số 1249, ra ngày 26-4.

Thông tin hàng ngày