Món quà nói lên rất nhiều điều, vì vậy mà có những món quà làm cho người ta hạnh phúc, nhớ mãi, cất giữ, nâng niu mãi. Và cũng có những món quà làm cho người nhận cảm thấy xót xa, bởi nhận ra là người tặng hổng có hiểu mình một tẹo nào, có nghĩa là mình đang nhận một tình thương thiếu hiểu biết (chắc chắn một điều, tình thương không được soi rọi bởi sự hiểu biết thì chẳng thể nào mang lại hạnh phúc cho cả hai).
Xin đừng để bánh trung thu thành "bánh chung-thu" - Ảnh minh họa
Món quà được trao đi là một sự thể hiện tình thương và có cả ước mong. Song, cũng có không ít những món quà là sự đổi chát, đằng sau vỏ bọc quà cáp chính là đòi hỏi, mua bán, và nhiều khi là gượng ép, buộc lòng phải làm, nếu không thì không được. Đó là những món quà kiểu như bánh chung - thu nhân mùa Trung thu mà Báo Tuổi Trẻ có nêu cách đây hơn tuần.
Lại thấy xót, thấy thương những đôi mắt nhút nhát, hiền ơi là hiền của những đứa trẻ miền quê. Bởi những ngày này có những em đang chờ quà. Quà là chiếc bánh trung thu, hay những chiếc lồng đèn được mang từ thành phố, được chuyên chở bởi một thứ tình thương vô điều kiện.
Nếu có điều kiện thì đó à những “đòi hỏi” kiểu như: mấy con nhớ ngoan nghen, học giỏi nữa nè, và hiếu thảo với ông bà, tôn trọng thầy cô giáo…
Những chiếc bánh ấy với tôi không chỉ chứa đựng nhân đậu xanh, đường, bột mà còn chứa cái tâm, tấm lòng nhân hậu, sẻ chia… Nếu mang bánh đi tặng các em mà chúng ta có thể gửi chừng ấy ước mong thì lo gì những đứa trẻ ấy lớn lên không giàu lòng nhân ái?
Có niềm tin đó bởi bên trong những chiếc bánh còn là những giọt nước từ bi đã tưới tẩm trong tâm thức trẻ thơ những hạt giống lành.
Món quà lúc này đã mang một ý nghĩa khác, đã nằm ngoài những giá trị sử dụng của nó. Và chắc chắn những chiếc bánh và những chiếc lồng đèn như vậy là những món quà ý nghĩa nhất trong mùa Trung thu chứ không phải là bánh Trung thu nhân vi cá, kèm rượu ngoại, phong bì được mua biếu từ hồi đầu tháng Bảy âm lịch.