Chủ động hơn trong truyền thông

GN - Nói đến công tác truyền thông, câu nói cửa miệng của nhiều vị Tăng Ni và cả không ít Phật từ là: “Việc Phật mình phát nguyện cứ âm thầm mà làm, hơi đâu đi quảng cáo rầm rộ hình thức làm gì!”. Không ít người hiểu lầm truyền thông với… quảng cáo!

Và do đó, nhiều hoạt động tốt của các cơ sở Phật giáo, các chùa, thậm chí của Giáo hội… có sức ảnh hưởng tốt, hướng thiện và lợi lạc cho số đông nhưng chỉ người có duyên tham dự mới cảm nhận được; ngoài nhóm người đó ra không ai biết, nên sức cộng hưởng với cộng đồng rất hạn chế.

DSC_0041.JPG

Không ít Tăng Ni hiểu nhầm truyền thông với... quảng cáo! (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Trong lúc đó, thời đại này là thời đại của sự bùng nổ thông tin. Một sự việc không thực tốt hoặc sâu sắc, nhưng người chủ trì biết vận dụng các phương tiện truyền thông, chủ động và có những thông tin, việc làm hợp lý thì sự lan tỏa của nó trong cộng đồng là rất lớn, ảnh hưởng do đó cũng được nhân lên nhiều lần. Đó là chưa nói những thông tin tiêu cực, xấu, gây ngộ nhận lại được lan nhanh như bệnh dịch với tốc độ chóng mặt qua các phương tiện thông tin hiện đại.

Thông tin đã len lỏi đến các cá nhân qua nhiều kênh: báo chí, truyền hình, radio, internet, điện thoại di động…; cái tốt, cái xấu cũng theo đó xâm nhập đến mọi cá nhân, đủ các độ tuổi, mà thường thì cái xấu đi nhanh hơn, lan rộng hơn cái tốt, cái thiện lành.

Cũng đã từ lâu, nhiều vị Tăng Ni ở nước ngoài đã nắm bắt được sức ảnh hưởng của các phương tiện này, và các vị đã vận dụng để xây dựng các “ngôi chùa điện tử”, “thiền đường điện tử”, “giảng đường điện tử”… để hoằng pháp. Tiện ích của nó như thế nào, hẳn chúng ta cũng có thể hình dung được. Xin nêu vài chi tiết nhỏ: đúng giờ nhất định, những người quan tâm dù ở nơi nào, với chỉ chiếc máy tính được nối mạng, có thể vào “room” theo các chủ đề để học Phật pháp, để đọc kinh sách và tham vấn với một vị thầy mà mình cần. Những năm gần đây, một số vị Tăng Ni trong nước cũng đã tham dự “thế giới phẳng” này.

btn_0069.jpg

Không ít kẻ lợi dụng để truyền bá những tư tưởng lệch lạc, “na ná” Phật pháp, thiền học
nhưng thực ra là phỉ báng Phật giáo, xuyên tạc Tăng đoàn; đơn cử như trường hợp
của người tự nhận là “đạo sư Duy Tuệ” đã và đang làm một cách ngang nhiên

Hình thức thể hiện của các kênh thông tin này rất sinh động, được xem như một cuộc truyền hình, truyền thanh trực tiếp, có hình ảnh động, lời thoại khá chân thực và trực tuyến… Cũng ý thức được sự lợi hại của phương tiện truyền thông đó, trong tình hình hiện tại ở nước ta, ngoài một số vị truyền giảng Chánh pháp, có không ít kẻ lợi dụng để truyền bá những tư tưởng lệch lạc, “na ná” Phật pháp, thiền học nhưng thực ra là phỉ báng Phật giáo, xuyên tạc Tăng đoàn; đơn cử như trường hợp của người tự nhận là “đạo sư Duy Tuệ” đã và đang làm một cách tự do, mặc dù báo Giác Ngộ và nhiều kênh thông tin Phật giáo đã lên tiếng cảnh báo, nhưng các ban, ngành liên quan của Giáo hội cũng như các cơ quan chức năng chưa có động thái nào.

Không quá khó để đo lường sự nguy hiểm đang có, và tiềm ẩn của loại thông tin theo kiểu trên đối với sự ổn định tình hình xã hội, phát triển văn hóa và định hướng đời sống tâm linh của người dân.

Mặt trời mà lặn thì bóng tối sẽ bao trùm cả thế gian. Để xóa tan bóng đêm, chúng ta cần những ngọn đèn. Một ngọn đèn được thắp lên thì tất yếu một phần bóng tối sẽ tự tan biến. Chúng ta không thể thụ động ngồi yên chờ ánh bình minh, mặc cho bao người sợ hãi, lo lắng trong đêm tối. Xin hãy chủ động hơn nữa trong công tác truyền thông, vận dụng những tiện ích, sức mạnh của các phương tiện thông tin của thời đại, để đưa ánh sáng Phật pháp, Chánh pháp đến với số đông, để những ai khát ngưỡng lối sống tâm linh theo giáo pháp của Đức Phật có cơ hội tiếp xúc với chánh đạo, không bị lạc đường, ngộ nhận đáng tiếc. Thiết nghĩ, đó mới gọi là “khế cơ, khế lý” - cũng là câu nói cửa miệng của nhiều người khi đề cập đến Phật giáo vậy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày