Chữ "nhẫn" trong đời sống vợ chồng: Bao nhiêu cho vừa?

Tôi đã gặp không ít những nạn nhân của bạo hành gia đình. Đa phần những người phụ nữ (và cả đàn ông) đều không có sai lầm gì nghiêm trọng, ngoại trừ việc họ đã quá chịu đựng, quá nhẫn nhịn để bị chà đạp trong suốt một thời gian dài đến thế.

Những người phụ nữ (và cả đàn ông) đó đều là những người biết hy sinh và chịu đựng. Điều này thật đáng trân trọng.

Nhưng để giải thích cho việc một chị đã sảy thai khi bị chồng đánh vào bụng, hoặc một chị bị chồng ghẻ lạnh, xa lánh 4 năm trời do nghi ngờ ngoại tình…, thì người viết bài không biết tìm lý do nào khác ngoài chuyện: sự hy sinh chỉ nên vì những điều tốt đẹp và cho những con người xứng đáng.

Hy sinh không đúng chỗ là một sự hy sinh đáng tiếc, và chịu đựng không đúng lúc thì sẽ chỉ nhận được những phũ phàng từ chính người mình yêu thương.

Nhẫn thì lợi gì - thiệt gì?

Chữ Nhẫn được ghép từ hai chữ: Đao ở trên, Tâm ở dưới. Nếu Tâm (trái tim) mà không chịu yên, thì Đao (con dao) sẽ phập xuống ngay lập tức. Chẳng phải ngẫu nhiên mà chữ Nhẫn của người xưa lại có bộ Đao, như biểu hiện của những nỗi thống khổ sâu sắc, như dao nhọn có thể đâm vào tim làm con người đau đớn vô cùng.

Chữ Nhẫn trong hôn nhân được hiểu theo nhiều nghĩa. Không phải tất cả những nghĩa đó đều mang tính tích cực. Nhưng có một điều chắc chắn: Nhẫn không phải là chịu nhục, hạ mình, cam chịu.

Bản thân người viết bài luôn tin rằng hôn nhân phải đặt trên nền tảng tôn trọng và bình đẳng. Không có lời lẽ nào có thể bào chữa cho việc người chồng đánh đập, nhục mạ vợ, ngay cả khi giữa hai người nảy sinh bất đồng.

Và cũng không biết bình luận gì khi những người vợ ngoan ngoãn, biết vâng lời chồng đã luôn “tạo điều kiện” để người mình yêu thương, cung phụng quay lại hành hạ, chà đạp mình.

Những nạn nhân của bạo hành, các chị có bao giờ “định lượng” và “định tính” về chữ Nhẫn? Khi nào nên Nhẫn và khi nào không? Nhẫn trong thời gian bao lâu? Tại sao lại Nhẫn để chịu đựng những trói buộc trong một gia đình không còn tình yêu và sự bình đẳng?

“Một tháng trước, bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu cho một người vợ bị chấn thương nặng ở vùng cổ. Khi đã tạm bình phục, chị khai bị ngã cầu thang, nhưng cậu con trai lại khăng khăng đòi mẹ phải ly hôn với cha, nếu không muốn bị thiệt mạng vì những cơn nóng giận của ông.

Theo cậu con trai, ông bố hay đánh mẹ, nhất là khi ông say. Nguyên nhân vì ông quá ghen, nghĩ bà vợ buôn bán ngoài chợ, có nhiều người dòm ngó. Bà vợ cứ phải chịu đựng, vì nghĩ ông xã “có thương mới có ghen”… (Theo VietNamNet).

“Nhìn bề ngoài ai cũng bảo gia đình tôi hạnh phúc. Chồng có chức có quyền, tôi là giáo viên, vợ chồng đẹp đôi. Hai đứa con khỏe mạnh. Trước kia nghèo khổ thì hạnh phúc.

Nhiều đêm, nếu vợ chồng lục đục cãi nhau tôi sợ con thức giấc hoặc hàng xóm biết nên phải cắn răng chịu đựng... Nói ra thế “xấu chàng hổ ai”. Ly hôn thì thương con “tan đàn xẻ nghé”, người ngoài cuộc có thể nói là tôi điên. Có một gia đình như thế, còn muốn gì hơn? Còn uy tín của tôi với phụ huynh và học sinh. Bây giờ tôi phải làm sao?” (Theo Người lao động)

Có lẽ, chính cách suy nghĩ của các nạn nhân mới là nguyên nhân chủ yếu của bi kịch mà họ đang phải chịu đựng. Nhiều chị nghĩ rằng, bị đánh đập là điều bình thường, là lỗi của mình. Nếu bị chồng miệt thị, chê bai nhiều, họ lại càng thêm tự ti, nghĩ rằng mình không đáng được coi trọng.

Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và vị thành niên cho thấy: khi bị bạo hành, có đến gần ¼ nạn nhân cam chịu, chấp nhận “sống chung với lũ”, chỉ có 6.94% có hành động tự vệ.

Tại sao những người chồng bạo hành với vợ lại không bị pháp luật trừng trị, trong khi “cố ý gây thương tích” với bất cứ ai cũng là phạm pháp? Tại sao lại có những nạn nhân câm lặng chịu đựng bạo hành tinh thần đến mức phát điên, hay bị chồng đánh đến gãy cột sống, có nguy cơ liệt toàn thân?

Tất cả là do những người phụ nữ không sử dụng quyền của mình.

Những người chồng gia trưởng và ích kỉ, vũ phu, họ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ, hoặc bạo hành vợ về tình dục, về tinh thần, mà luôn luôn được bỏ qua. Rất nhiều nạn nhân không dám đi tố cáo, vì sợ về nhà lại bị chồng đánh nặng hơn, sợ gia đình chồng ghẻ lạnh, xa lánh, sợ hàng xóm dị nghị, sợ “vạch áo cho người xem lưng”…

“Được nước làm tới”, “được đằng chân lân đằng đầu”, những người chồng cứ thế tái phạm, vì biết vợ không dám phản kháng, cãi lại; và bản thân họ cũng sẽ bình an vô tội (cùng lắm thì nghe Hội phụ nữ khuyên giải, hoặc bị phạt hành chính).

Và có không ít phụ nữ đã âm thầm chịu đựng và chấp nhận bị bạo hành để có một cuộc hôn nhân được che đậy bằng vẻ thanh bình và hạnh phúc hết sức giả tạo.

Chỉ có con đường tự cứu mình

Dãy nhà tạm lánh tại chùa Bình An (Q. Bình Tân, TPHCM) (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Dãy nhà tạm lánh tại chùa Bình An (Q. Bình Tân, TPHCM) (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Nhà tạm lánh, nhà bình yên… được coi là giải pháp cho những người bị bạo hành nặng nề. Nhưng liệu nơi đó có thực sự giúp các nạn nhân giải quyết được vấn đề của mình? Và số lượng những ngôi nhà tạm lánh kiểu đó có đủ chỗ cho tất cả những người vợ, người chồng đang phải chịu bạo hành, nếu họ không tự cứu mình trước?

Có một thời gian dài chúng ta muốn xây dựng mô hình gia đình theo kiểu bình đẳng của phương Tây. Nhưng hiện nay, có nhiều bằng chứng lại cho rằng người phương Tây muốn “du nhập” những ưu thế của gia đình truyền thống phương Đông, trong đó có cả chữ Nhẫn của người phụ nữ.

Như vậy, mô hình gia đình Việt Nam xưa có những ưu điểm nhất định. Nhưng rõ ràng, chữ Nhẫn ở thời hiện đại không phải là chịu nhục, hạ mình. Nhẫn là cùng vì nhau mà chung sống và hành động, tôn trọng nhau nhưng cũng phải đặc biệt tôn trọng bản thân.

Để thoát khỏi bạo hành, trước tiên, chính bản thân những nạn nhân phải biết tự bảo vệ mình. Chỉ có tự tin vào giá trị bản thân, không cho phép người khác gây tổn thương và hành hạ mình, hiểu biết và ý thức được việc mình đang sống trong bạo hành… thì mới có thể lên tiếng, kêu gọi, tìm kiếm sự trợ giúp, đấu tranh chống lại nó và tự giải thoát cho mình.

Nếu những người vợ vẫn chấp nhận chịu để chồng hành hạ, nếu những người chồng vẫn tự cho mình cái quyền được “dạy bảo” vợ, và những đứa con vẫn phải thường xuyên chứng kiến cảnh tượng cha đánh đập, chửi bới mẹ, rồi dần dần nhận thức rằng bạo hành chính là cách thức giải quyết vấn đề... thì có lẽ tỷ lệ bạo hành trong gia đình Việt Nam vẫn không thay đổi, dù cho chất lượng cuộc sống đã được nâng lên rất nhiều…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày