Chiêm bái xá-lợi Phật: Ý nghĩa thâm diệu và sự tôn quý tối thượng

Xá-lợi Phật được tôn trí tại chùa Thanh Tâm (H.Bình Chánh, TP.HCM) - Ảnh: Trung Thắng/BGN
Xá-lợi Phật được tôn trí tại chùa Thanh Tâm (H.Bình Chánh, TP.HCM) - Ảnh: Trung Thắng/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong suốt hàng ngàn năm qua, hình ảnh những bảo tháp linh thiêng, lễ rước Xá-lợi trang nghiêm và hành trình chiêm bái Xá-lợi Phật đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người con Phật.

Việc chiêm bái Xá-lợi không chỉ thể hiện lòng tôn kính đối với Đức Thế Tôn, mà còn là dịp để mỗi người quán chiếu về vô thường, nuôi dưỡng tín tâm và phát khởi tinh tấn tu hành.

Sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết-bàn, Ngài để lại ba loại xá-lợi chính: Xá-lợi vật dụng, xá-lợi thân và xá-lợi Giáo pháp. Xá-lợi vật dụng là những món đồ Đức Phật từng sử dụng trong cuộc đời hành đạo của mình như y áo, bình bát, bình nước, tọa cụ, và đặc biệt là cây Bồ-đề - nơi Ngài thành đạo. Những vật này được cất giữ và thờ phụng như những báu vật thiêng liêng, biểu tượng cho cuộc sống thanh đạm và trí tuệ giác ngộ của bậc Thánh nhân.

Xá-lợi thân là di thể còn lại sau lễ trà-tỳ, hỏa táng nhục thân của Đức Phật, bao gồm những phần xá-lợi kết tinh từ xương cốt, cùng với răng, tóc, móng, xương được lưu giữ lại trước đó. Những xá-lợi này không chỉ có giá trị tâm linh mà còn tượng trưng cho sự thanh tịnh, phước báu viên mãn và công hạnh lớn lao của một bậc đã đạt đến giải thoát tối thượng.

Tuy nhiên, vượt lên trên cả xá-lợi vật dụng và xá-lợi thân, xá-lợi Giáo pháp, tức là lời dạy của Đức Phật, mới chính là bảo vật tối thượng. Đây là ngọn đuốc trí tuệ có khả năng dẫn dắt chúng sinh vượt thoát khổ đau, ra khỏi luân hồi sinh tử. Tam tạng Kinh điển – nơi kết tập toàn bộ giáo pháp của Đức Phật được xem là hiện thân của xá-lợi Pháp, là kim chỉ nam cho muôn đời người tu học. Không có giáo pháp, việc chiêm bái hay thờ kính xá-lợi vật lý cũng sẽ chỉ dừng lại ở hình thức, thiếu mất cốt lõi giải thoát.

Điều quan trọng cần nhấn mạnh đó là Đức Phật chưa từng dạy rằng xá-lợi có năng lực ban phước hay cứu rỗi. Trong kinh ĐạiBát-niết-bàn, Ngài chỉ rõ rằng việc chiêm bái tháp xá-lợi mang lại công đức không phải vì năng lực thần thông, mà bởi tâm thành kính, sự hoan hỷ và chánh niệm của người hành lễ. Việc chiêm bái xá-lợi không phải để cầu tài, cầu an hay giải nghiệp như nhiều người hiện nay lầm tưởng, mà chính là dịp để nuôi dưỡng đức tin, nhắc nhở vô thường và thôi thúc người con Phật noi theo hạnh nguyện của Như Lai.

Như lời Đức Phật đã dạy: “Pháp và Giới luật Ta thuyết giảng sẽ là bậc Đạo sư của các con sau khi Ta diệt độ.” Điều đó có nghĩa, chính Pháp mới là vị Thầy tối hậu, là bậc dẫn đường cho người tu học sau thời Phật, giúp họ không lạc hướng, không rơi vào tà kiến.

Việc chiêm bái xá-lợi không nên chỉ là hành động thể hiện niềm tin bên ngoài, mà cần đi liền với sự hành trì giáo pháp trong đời sống hàng ngày. Chỉ khi nào người Phật tử biết quay về thực tập Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, nuôi lớn từ bi, trí tuệ và tỉnh thức, thì lúc ấy, xá-lợi Pháp mới thật sự sống động trong từng bước chân và hơi thở của chúng ta.

Sau cùng, dù xá-lợi vật dụng và xá-lợi thân quý giá và đáng tôn kính, thì đối với một người con Phật, xá-lợi Pháp, giáo lý của Đức Thế Tôn mới là bảo vật cao quý hơn cả. Đó là di sản vô giá mà Đức Phật để lại cho muôn loài, là con đường sáng soi cho tất cả những ai đang đi tìm chân lý. Bảo tồn và thực hành giáo pháp chính là cách chiêm bái thiết thực, sâu sắc và tôn kính cao nhất đối với bậc Đại giác.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 11301 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Lễ hội đèn lồng Phật giáo thường niên rực sáng Seoul

GNO - Ngày 26-4 vừa qua, hàng ngàn Phật tử và người dân đã đổ về trung tâm thủ đô Seoul để tham dự Lễ hội Đèn lồng ( 연등회 – Yeondeunghoe), một sự kiện văn hóa và tôn giáo trọng đại hàng năm nhằm kỷ niệm ngày Đản sinh của Đức Phật.
Dòng người đổ về chùa Quán Sứ chiêm bái xá-lợi Đức Phật xuyên đêm

Dòng người đổ về chùa Quán Sứ chiêm bái xá-lợi Đức Phật xuyên đêm

GNO - Xá-lợi Đức Phật thỉnh từ Ấn Độ về Việt Nam trong Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại TP.HCM, đã được cung rước tôn trí tại trụ sở Trung ương GHPGVN - chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội. Những ngày qua, dòng người các tỉnh thành miền Bắc đã đổ về chùa Quán Sứ để chiêm bái ngày càng đông.

Thông tin hàng ngày