Chùa Đông Phước - Ngôi cổ tự bên dòng kênh lịch sử

Có một ngôi chùa nằm ẩn mình bên dòng kênh chảy xuyên thành phố sớm chiều kinh kệ như lời thức tỉnh dòng đời ngược xuôi, sớm hôm tảo tần với miến cơm manh áo. Trong cái xóm lao động nghèo nơi cuối Bến Bình Đông - Quận 8 ấy, không ai lại không biết đến chùa Đông Phước tuy đơn sơ nhưng chất chứa bao tình đạo, tình đời với vị cố Hòa thượng cả một đời mình phụng sự Phật pháp mang tôn hiệu Thích Tắc Thành.

LS (1).JPG

LS (2).JPG

Cổng chùa còn lại nằm ngay mặt tiền đường Bến Bình Đông – Q.8

Men theo những bước thăng trầm

Chùa Đông Phước tọa lạc tại số 374 Bến Bình Đông, Phường 15, Quận 8, TP.HCM, cách trung tâm thành phố khoảng 6km theo hướng Tây Nam ra sa cảng miền Tây, gằng liền với những thăng trầm của thời cuộc và đời sống lam lũ của những người dân nghèo chay dọc theo đường Bến Bình Đông.

Chùa được hình thành khi nào và với nhân duyên gì thì không còn ai nhớ rõ. Hiện nay, trong chùa không có một tư liệu nào chỉ dẫn ra những xuất xứ của ngôi chùa. Có lẽ lúc sinh thời, cố Hòa thượng Thích Tắc Thành – vị giáo phẩm khả kính của Phật giáo TP.HCM, đương vị trụ trì chùa ngót gần 60 năm (từ những năm 1950 đến ngày viên tịch 22/01/2009) là người biết rõ nhất. Nhưng với một đời hành đạo giản dị, không màng danh lợi, tiếng tăm, sớm chiều làm bạn với kinh kệ và chăm lo các công tác Phật sự, hạnh nguyện của cố Hòa thượng không chỉ nằm ở việc ghi lại lịch sử chùa.

LS (3).JPG
LS (4).JPG

Hàng rào bao quanh chùa nổi bật với các hoa văn hình chữ vạn

Lần theo những bậc giáo phẩm thân cận với cố Hòa thượng và trao đổi với những người lớn tuổi sống xung quanh chùa, chúng tôi (NV) biết được rằng, ngôi cổ tự Đông Phước hiện diện trên eo đất Bến Bình Đông này ngót hơn 200 năm do cụ bà Hồ Vàng lập. Ban đầu chùa chỉ là một cái am nằm trên mãnh đất rộng lớn được bao bọc xung quanh bởi ao hồ và dòng kênh Tàu Hủ. Kinh này xưa kia là một con rạch cạn, được phó tổng trấn Gia Định Huỳnh Công Lý chỉ huy đào vét năm 1819, vua Gia Long đặt tên là An Thông hà, cũng gọi là Kinh Mới vì chảy ngang Chợ Lớn (nên còn gọi là rạch Chợ Lớn). Kênh Tàu Hủ nối liền với rạch Bến Nghé (sông Bình Dương), người Pháp gọi chung hai đoạn kênh rạch này là Arroyo Chinois (rạch Trung Hoa). Không kể lúc sơ khai, trong khoảng 100 năm từ giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, kênh Tàu Hủ và các bến dọc hai bên bờ của nó đã chuyên chở hết chức năng lịch sử của mình. Thương nhân và giới chủ xưởng người Hoa ở Chợ Lớn đã biết khai thác vị trí này một cách triệt để. Từ lúc khởi đầu với các nhà kho tạp hoá và lương thực, dần dần biến thành một dãy các nhà xưởng, thuyền bè, thóc gạo luân chuyển ngày đêm, góp một phần lớn cho sự phồn vinh, náo nhiệt của một vùng. Song song đó cũng có những đời lam lũ, châm lấm tay bùn cần tiếng kệ lời kinh xua tan đi mệt nhọc thường ngày của kiếp người. Chính vỉ lẽ vậy mà ngôi cổ tự Đông Phước được hình hành bên dòng kênh lịch sử này.

LS (5).JPG

Bàn thờ Phật

LS (6).JPG

Sân trước chánh điện

Đến năm 1950, Hòa thượng Thích Tắc Thành – lúc đó tròn 21 tuổi, vừa được Bổ sư pháp húy Đạt Lai (trụ trì chùa Pháp Môn, Cần Giuộc, Long An) cho thọ Đại giới Tỳ kheo tại chùa Tôn Thạnh – Long An do Hòa thượng Liễu Thoàn làm đường đầu Hòa thượng. Hòa thượng về chùa Đông Phước bởi nguyện vọng và lời thỉnh cầu của đồng bào Phật tử địa phương cần có người hướng dẫn tu tập và hành đạo giữa vùng đất có nhiều biến cố, thăng trầm.

Từ một ngôi chùa nhỏ, Hòa thượng đã dần dần tu sửa và nới rộng các gian thờ nhưng tuyệt nhiên chánh điện chỉ được sửa chữa nhỏ. Trong suốt thời gian làm trụ trì, Hòa thượng đã hơn 2 lần chỉnh trang lại ngôi chùa để được tồn tại với thời gian, làm nơi cho Phật tử sớm hôm lễ Phật. Song song đó, vào năm 1967 (tức Phật lịch 2511), công tam quan chùa được xây dựng tương đối kiên cố theo lối kiến trúc của người Hoa, hiện giờ vẫn còn nằm nơi đầu hẻm dẫn vào chùa, hướng ra dòng kênh Tau Hủ râm bóng rặng dừa.

LS (7).JPG

Tháp vọng Hòa thượng

Trong những năm trước ngày đất nước được hoàn toàn độc lập, với tấm lòng nặng nghĩa với đồng bào lao động quanh vùng, tại ngôi chùa Đông Phước này, Hòa thượng đã mở các lớp dạy cắt may cho bà con nghèo để họ trang bị cho mình công việc ổn định nhằm đổi đời. Nhờ lớp học mà hàng trăm người khó khăn đã có động lực vươn lên, hòa nhập với dòng chảy của xã hội trong thời ly loạn, không dể để có một cuộc sống ổn định.

 Cùng lớp dạy cắt may, với chí nguyện của người xuất gia, nối gót tông tổ và với kiến thức sẵn có, Hòa thượng đã mở ngay trong chùa phòng thuốc Đông Tây y, chữa bệnh cho dân nghèo bằng các phương pháp cổ truyền kết hợp với hiện đại. Bằng hạnh nguyện này, Hòa thượng đã giúp đỡ và cứu sống biết bao mạng người lâm vào cảnh ngặt nghèo với những chứng bệnh nan y nhưng không có điều kiện chũa trị. Chính vì những hoạt động này mà, dù ở vùng xa trung tâm thành phố và điều kiện đi lại trước 1975 còn khó khăn nhưng chùa Đông Phước lúc nào cũng đông người vào ra và là địa chỉ than quen của bà con lao động trong vùng.

Sau giải phóng, các hoạt động xã hội này không còn được duy trì thường xuyên những mỗi khi có nhân duyên Hòa thượng lại bắt mạch, kế thuốc cho người cần cầu đồng thời cũng “truyền nghề” cho một số vị đệ tử thân quen để tiếp bước và chùa Đông Phước vẫn được biết đến như chốn đi về bình an của các bệnh nhân nghèo.

Cổ tự Đông Phước ngày nay

Sau bao biến đổi không cùng tận của thời gian và không gian, ngôi cổ tự Đông Phước dần bị xuống cấp và ngập úng mỗi khi triều cường dâng lên. Ý thức được tuổi cao sức yếu và cần gia cố thêm cho ngôi già lam, vào năm 2007, Hòa thượng đã cho lợp lại mái chánh điện để chùa được khang trang và thoáng mát hơn, tránh mưa dột mỗi khi trái gió trở trời. Hòa thượng cũng cho nâng nền lót gạch để triều cường không thấm vào làm ảnh hưởng đến đời sống và tu tập của chư Tăng, Phật tử. Đây cũng là lần trung tu cuối cùng trước khi Hòa thượng quẩy gót về Tây.

Không gian và diện tích của ngôi chùa ngày nay nhỏ hơn nhiều so với những gì mà tổ tông đã khai hoang lập tự trước kia. Tổng thể diện tích chùa hiện còn hơn 1500m2 với kết cấu chính là từ xưa để lại theo kiểu truyền thông các ngôi chùa Nam bộ. Chùa có 3 gian chính, gian trước thời Phật, gian thứ 2 thờ chư vị Tổ sư và tôn dung Hòa thượng vừa viên tịch. Gian thứ 3 dùng làm tiếp khách mỗi khi có có người đến thăm.

LS (14).JPG

Giác linh cố Hòa thượng tại Tổ đường

Các gian nhà được nối liền nhau vì không gian khá eo hẹp. Chánh điện chùa chỉ là gian nhà cấp 4 kiên cố, không có khu riêng biệt dùng làm lầu chuông, lầu trống như những ngôi chùa khác mà mọi người thường thấy. Bàn Phật được thiết trí khá đơn giản với bộ tượng Tam thế được tạc khá lâu là nổi bật nhất. Trước chánh điện thờ tôn dung của Đức Phật Di Lặc. Tượng có dáng ngồi, với nụ cười hoan hỷ như muốn nhắc nhở người viếng chùa hãy luôn thể hiện lòng thương, khoan dung và sự vị tha khi ứng xử với bất kỳ ai. Nối tiếp với chánh điện là gian nhà tổ và gian nhà khách được bố trí hài hòa nằm trong tổng quan nhưng thấp sâu so với mặt đường đi bên cạnh. Sân chùa khá nhỏ được trang trí với một vài chậu kiểng và ghế đá. Bên trái sân là tháp vọng Hòa thượng vừa được hoàn thành vào năm 2009 do Phật tử Chiếu Quang và một số Phật tử đóng góp xây dựng. Tháp vọng được xây dựng khá chỉnh chu với 3 tầng mái cong có giao long uốn lượn. Trước tháp là một tấm bia ghi lại đạo hiệu và ngày viên tịch với nội dung: “Tự Thiên thao Giáo quán tông nhị thập tam thế húy lãnh công thương Tắc hạ Thành lê công Hòa thượng bửu thấp, ngươn sanh Canh Ngọ niên, trụ thế bát thập tuế, viên tịch Mâu Tý niên thập nhi nguyệt thập nhị lục nhật.”

LS (9).JPG
LS (11).JPG
LS (13).JPG

Các chi tiết cách điệu được điêu khắc trên tháp vọng

Ngoài ra, trong sân chùa còn có một tấm bia bằng đá tác 4 câu thơ nhắc nhở thế hệ sau về ân giáo dưỡng mà chung tôi mạo muôi xin được viết ra đây:

“Phú quý trăm năm như cát bụi
Lễ nghĩa ngàn năm tựa núi non
Bái vọng công thầy như nghĩa lớn
Vạn đời lưu lại với chúng con”

Bên hông trái của chùa còn có một khoảng đất trống nhỏ với vài ngôi mộ còn sót lại. Ngoài ra, trong chùa còn chứa 2000 hủ tro cốt của quần chúng Phật tử gần xa gởi đến để nghe kinh, nghe kệ.

LS (8).JPG

Phiến đá tạc 4 câu thơ nhắc về ân giáo dưỡng hiện được lưu giữ trong chùa

Dù chùa hiện nay, sau khi Hòa thượng viên tịch không còn bốc thuốc chữa bịnh và mở lớp dạy may cắt nữa nhưng chúng tôi được biết rằng chư Tăng Ban quản sự đã và đang cố gắng điều hành Phật sự tại bổn tự mà ước mơ lớn nhất là có điều kiện để xây lại ngôi phạm vũ thật huy hoàng. Song song đó, chùa còn vận động một số Phật tử tín tâm ủng hộ cho các em dân tộc Chăm khó khăn tại địa bàn.

Kể từ khi thành lập cho đến ngày nay, chùa Đông Phước, trải qua hơn 200 năm xây dựng và trung tu. Tuy kiến trúc có phần đơn giản, nhẹ nhàng nhưng vẫn giữ được vẻ trang nghiêm, thanh tịnh đáng có của một ngôi phạm vũ. Và quan trọng hơn, chùa đây chính là nơi lưu dấu hơn nữa thế kỷ tu tập và hành đạo của một bực giáo phẩm khả kính: Cố Đại lão Hòa thượng Thích Tắc Thành – cả một đời công hiến cho đạo pháp, dân tộc không một chút ngừng nghĩ.

LS (10).JPG
LS (12).JPG

Bia ghi tôn danh Hòa thượng Thích Tắc Thành

Trong một buổi chiều tiếp chúng tôi, những vị Tăng trẻ tạm thời điều hành công việc Phật sự chùa với vai trò là Ban quản sự sau khi Hòa thượng viên tịch gần tròn 1 năm cho biết, ước mong lớn nhất hiện giờ đó là có điều kiện trùng lại toàn bộ cảnh quan chùa để đáp ứng được nhu cầu Phật sự trong giai đoạn mới. Cầu cho những ước mong ấy sẽ thành hiện thực, để từ nay bên kênh Tàu Hũ lọng gió, tiếng chuông chùa sẽ vang vọng với thời gian, góp phần soi đường dẫn lói bao lữ hành còn bước mệt nhoài trong đêm tối.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Giáo hội khuyến khích Phật tử TP.HCM treo cờ đèn, thiết trí lễ đài Phật đản tại tư gia

Giáo hội khuyến khích Phật tử TP.HCM treo cờ đèn, thiết trí lễ đài Phật đản tại tư gia

GNO - Hòa thượng Trưởng ban Trị sự nhận định Đại lễ Phật đản là sự kiện thiêng liêng của người con Phật khắp nơi trên thế giới. Do đó, Hòa thượng thay mặt Giáo hội TP.HCM kêu gọi và khuyến khích Phật tử thiết trí vườn Lâm-tỳ-ni, trang trí cờ hoa kính mừng Phật đản tại tư gia, khu phố… mừng ngày Khánh đản Đức Thế Tôn.
Bàn giao giếng khoan đến bà con thôn 2, xã Ia Rvê

Bàn giao giếng khoan và tặng quà đến bà con H.Ea Súp (Đắk Lắk)

GNO - Ngày 20-4, Ni sư Thảo Liên, Trưởng Từ thiện xã hội Phật giáo TP.Buôn Ma Thuột, trụ trì tịnh xá Ngọc Ban (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), cùng Đại đức Thích Minh Sơn, gia đình Phật tử Phước Minh đến từ TP.HCM đã đến H.Ea Súp trao giếng khoan và trao quà cho bà con tại xã Ia Rvê, H.Easúp.

Thông tin hàng ngày